Hơn 40 năm đã trôi qua, biết bao sự đổi thay…Tâm kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về những người bạn, về vùng quê Bà Rịa, về cuộc sống của mẹ con cô. Riêng Thân thì vẫn thế, kiệm lời và nhát gái, mặc dù bây giờ ngồi bên Thân là hai người phụ nữ xinh đẹp, một là vợ Thân, còn một người là mẹ của con trai anh.
Thân nói với tôi: “Em đã đưa Thảo vào Sài Gòn thăm Tâm và gia đình trong Bà Rịa. Thảo mời Tâm ra Bắc Giang chơi. Em rất vui khi thấy hai người cứ rủ rỉ chuyện trò với nhau, quấn quýt bên nhau như hai chị em, như đôi bạn tri kỷ. Cháu Long cũng vui lắm anh ba ạ”.
Nhớ lại tình cảnh của Thân trong những năm tháng sau chiến tranh. Nghĩ về nghĩa tình mà họ đã dành cho nhau trong suôt mấy chục năm qua, tôi vô cùng cảm kích. Cả Thảo và Tâm, mỗi người mỗi cảnh nhưng họ đã cùng dành tình yêu trọn vẹn cho Thân. Đối với Tâm, Thân là mối tình đầu của em: trong sáng, đẹp đẽ. Tâm đã giữ gìn giọt máu mà Thân để lại cho em. Tâm vui sướng biết nhường nào khi bé Long ra đời.
Bế con trên tay, nuôi con khôn lớn từng ngày, từng ngày. Càng lớn bé Long càng giống bố Thân như đúc…hình ảnh của Thân luôn hiển hiện trong cô, năm này qua năm khác. Hơn bốn mươi năm rồi mà không một người đàn ông nào khác có thể thay thế hình ảnh của Long trong trái tim cô. Tâm đã nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành. Tâm đã có cháu nội…Khi cháu Long từ Sài Gòn ra Thái Nguyên tìm gặp được ba Thân, hôm về Long kể lại cho má Tâm: tại buổi họp mặt gia đình cùng họ hàng ở Thái Nguyên, mẹ Thảo (vợ Thân) nói: “con chúc mừng bố mẹ đã có cháu đích tôn, để cháu Long được xác nhận danh phận chính thức trên giấy tờ, con xin tự nguyện làm đơn ly dị với anh Thân, để anh Thân được tự do làm đăng ký kết hôn với chị Tâm, để cháu Long làm được giấy khai sinh có đủ tên cha và tên mẹ đẻ”. Nghe chuyên này Tâm đã khóc, khóc nhiều lắm.
Tâm thầm cảm ơn Thảo và tỏ lòng kính trọng người phụ nữ đang là vợ của bố con trai cô. Tâm hiểu, Thảo có tấm lòng bao dung, sẵn sàng hy sinh hết thảy cho người mình yêu và cho các con. Ngay chuyện Thảo thu xếp để Thân sớm đi cùng con trai vào Sài Gòn thăm Tâm và gia đình bên ngoại của cháu Long đã đủ thấy tấm lòng bao dung của Thảo rộng mở biết nhường nào…
Tôi ghi lại câu chuyện như là một sự sẻ chia với hạnh phúc viên mãn của gia đình người đồng đội.
Cuối năm 1974, tiểu đoàn tôi nhận bổ xung hơn 100 tân binh từ miền bắc vào, đa số quê ở Thái Nguyên, anh em còn trẻ lắm, vừa mới tốt nghiệp cấp ba phổ thông là nhập ngũ. Trong số đó có Thân (sinh năm 1956 - tuổi Bính Thân). Thân có dáng người thư sinh, cao 1,70, da trắng, có giọng hát rất hay, nhưng cậu ấy lại kiệm lời và rất nhát gái. Trong chiến đấu thì dũng cảm, cần cù chịu khó, sống có trách nhiệm và biết sẻ chia với đồng đội…
Sau ngày 30.4.1975, tháng 8 năm 1975 đơn vị tôi hành quân đến làm nhiệm vụ tại một xã thuộc huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa. Chúng tôi vừa giữ gìn trật tự trị, trị an, vừa tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện những chính sách mới của mặt trân giải phóng và chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam, vừa giúp địa phương xây dựng củng cố chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng. Tuy chỉ mấy tháng thôi nhưng đơn vị đã làm được rất nhiều việc, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ, tình hình ở địa phương đã ổn định hơn, các tổ chức quần chúng hoạt động rất có hiệu quả. Quan hệ giữa đơn vị với chính quyền và nhân dân ngày càng gắn bó.
Để thúc đẩy phong trào, chúng tôi tổ chức những buổi giao lưu, văn nghệ giữa bộ đội với thanh niên địa phương, rất vui, rất sổi nổi, để lại dư âm tốt.
Trong đơn vị có nhiều anh em khả năng văn nghệ tốt lắm, họ hát những bài ca về người lính, về quê hương đất nước, họ ngâm thơ, diễn kịch…Cậu Thân là cây văn nghệ chủ lực của đơn vị. Có lần, sau khi cậu ấy hát xong bài ca cải lương: “Đền em thương nhớ”, ngay hôm sau tôi nhận được rất nhiều thư của các cô gái ở địa phương. Thực tình có phải họ gởi cho tôi đâu, mặt trước bì thư đề là gởi anh ba Lộc, nhưng mặt sau lại có dòng chữ: “em kính nhờ anh Ba chuyển giúp em thơ này tới anh Thân, em cảm ơn anh Ba ạ”.
Trong số các cô gái hay gởi thư cho Thân, có Tâm: 19 tuổi, đẹp người, đẹp nết. Tâm đang làm nhân viên của văn phòng ủy ban xã là cô gái có cảm tình với Thân nhiều nhất. Như tôi đã nói ở trên, Thân rất nhát gái, cứ thấy cô nào lại gần cậu ấy lại đỏ bừng mặt và tìm cách lảng đi… Đơn vị chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ ở đấy mấy tháng, sau đó hành quân đi làm nhiệm vụ ở khu vực khác. Những tháng ngày bình yên ở Bà Rịa là kỷ niệm đẹp trong ký ức Cựu Chiến Binh chúng tôi. Năm 1984 cậu Thân được về phục viên. Năm 1996, Thân từ Bắc Giang về Hà Nội đến thăm tôi. Thân tâm sự : “Em buồn lắm anh ba ạ”. Thân kể: Em về phục viên đã 28 tuổi rồi, bố mẹ giao nhiệm vụ phải lấy vợ ngay. Rồi mẹ và chị gái giới thiệu cho em một cô ở xã bên tên là Thảo đang làm giáo viên dạy cấp một ở xã. Thảo 22 tuổi, khỏe mạnh, không xinh lắm nhưng khuôn mặt rất có duyên và phúc hậu. Mẹ ghé vào tai em nói nhỏ: “ Trông nó ngực to, mông rộng, chăc chắn rất mắn đẻ, nó sẽ đẻ ngay cho bố mẹ cháu đích tôn đấy”. Em mới về, chưa có thời gian tìm hiểu, mẹ và chị gái em rất khó tính mà đã chọn thì chắc tốt thôi. Một tháng sau thì tổ chức đám cưới.
Vợ chồng em rất hòa hợp với nhau, gần một năm sau vợ em sinh con gái đầu lòng, mẹ em có vẻ không vui lắm nhưng vẫn động viên chúng em, bà bảo: “ ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Thấy vậy vợ chồng em cũng mừng. Vì bố em là trưởng họ, lại chỉ có mình em là con trai nên mong muốn có cháu đích tôn, nối dõi tông đường là nguyện vọng rất chính đáng, em hiểu rõ điều đó. Vợ em mới sinh cháu được ba tháng, bà đã bắt vợ em phải có thai ngay. Bà bảo lần này chắc chắn là được con trai đấy, bà chăm sóc, bồi bổ cho vợ em nhiều lắm. Mẹ bắt em nghỉ việc ở nhà để thực hiện mỗi một nhiệm vụ: làm cho vợ có bầu.
Em thương vợ em vất vả, với lại lúc này kế hoạch hóa gia đình quy định phải 5 năm sau mới được sinh con thứ hai. Vợ chồng em cứ dần dà mãi, mẹ em nhắc nhở luôn, thấy không được thì chì chiết, mặt nặng mày nhẹ, hai năm sau vợ em mang bầu, cả nhà hy vọng rất lớn vào lần sinh này sẽ được con trai. Mẹ em chuẩn bị đón cháu đích tôn trong hy vọng một cách thái quá… Rồi lại một cháu gái nữa cất tiếng khóc chào đời, cháu bụ bẫm, nặng 3,8 kg. Chúng em rất vui vì sinh nở được “mẹ tròn, con vuông”, nhưng trong thâm tâm vẫn lo lắng vì chưa đáp ứng được mong muốn của bố mẹ. Ở nhà, khi biết tin vợ em lại sinh con gái, mẹ em quỵ xuống, nằm lì mấy ngày không chịu nhìn mặt cháu, không một câu an ủi. Suốt mấy tháng trời không khí gia đình rất nặng nề!...Mấy tháng sau mẹ em đánh tiếng: “nó không đẻ được con trai thì tao đi cưới vợ khác cho mày, nhà này phải có cháu đích tôn, phái có cháu đích tôn”, mẹ em cứ nhắc đi nhắc lại câu nói đó. Mẹ em còn bảo: “ Không sinh được con trai, thế là mày định bán cái họ Lê đi hả con!?”.
Vợ em là người vợ hiền, dâu thảo. Trừ việc chưa sinh được con trai còn mọi chuyện khác thì cả gia đình, cả Làng, cả xã không ai chê bai điểm gì cả. Đối với em, Thảo không chỉ là người vợ hiền, chịu thương chịu khó, rất mực thương yêu chồng, con mà hơn thế còn là người bạn tri kỷ, tâm đắc của em nữa. Chúng em chia sẻ với nhau mọi điều, hết mình chăm sóc cho nhau, gắn bó với nhau không thể rời xa, anh Ba ạ.
Mẹ em vì nôn nóng có cháu đích tôn nên đã có những việc làm không bình thường. Mẹ và chị gái em đi xem bói, vừa về đến nhà đã nói ầm lên từ ngoài ngõ: “ Thầy bói nói nếu anh ấy bỏ vợ này, lấy vợ khác thì chắc chắn sẽ sinh được con trai!?”. Ngồi ở trong nhà nghe mẹ nói vậy, em hoảng quá kéo vợ vào phòng trong, đứng ôm nhau mà vợ em nước mắt chảy dài. Hôm sau, có đông đủ cả nhà, mẹ quỳ gối trước mặt vợ em mà nói rằng: “Cô làm ơn, làm phúc buông tha thằng Thân nhà tôi ra, nhà này dứt khoát phải có cháu đích tôn”.
Em cúi xuống nâng mẹ dậy, để làm dịu tình hình em hứa đại với mẹ: “Để chúng con sinh thêm lần nữa, nếu không được con trai thì mẹ quyết sao chúng con cũng chấp nhận”. Nói thì nói vậy thôi, em hiểu việc sinh con trai hay gái vợ chồng không thể muốn có là được. Do đó em đã tính đến phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất. Em sang bên Bắc Giang đến gặp người đồng đội thân thiết. Cậu ấy tên là Tình, bây giờ là kỹ sư nông nghiệp, đang làm chủ một trang trại hơn 20 ha trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, làm ăn khá lắm. Em trao đổi với Tình về hoàn cảnh của em, nói bạn giúp đỡ cho chỗ trú chân, trong trường hợp xấu nhất!? Em không thể bỏ Thảo và cũng không muốn vợ em phải sống trong tình trạng căng thẳng như vậy nữa.
Tình chấp nhận ngay, Tình bảo: “ Mình thấu hiểu hoàn cảnh của đồng đội, cuộc chiến qua rồi, những thằng may mắn còn sống sót phải chia sẻ buồn vui, giúp đỡ nhau chứ, làm sao cho khỏi phải hổ thẹn với các đồng đội đã hy sinh. Nếu sang đây, mình sẽ giao cho Thân trông coi một khu vực rộng hơn 3ha, cây trồng sắp đến ngày thu hoạch rồi, vợ chồng ông tự chăm bón, tự thu hoạch. Riêng Thảo bao giờ hết thời gian nghỉ đẻ mình sẽ xin cho sang dạy học ở bên này. Mình sẽ thu xếp để gia đình nhỏ của Thân có chỗ ở riêng. Vợ chồng ông sang đây ở gần bè bạn cho vui...”.
- Câu chuyện của cậu làm mình thực sự xúc động!
Thân kể tiếp: rồi cái gì đến cũng phải đến, lần thứ ba vợ em lại sinh con gái. Chờ cho cháu đầy tháng, mẹ em tuyên bố thẳng băng: “ Bây giờ anh bỏ vợ, tôi sẽ cưới cho anh vợ khác ngay, nếu không thì vợ chồng anh đưa cả lũ vịt giời đi đâu thì đi!?”. Chúng em cùng khóc xin mẹ hãy nghĩ lại, mẹ em không thèm nhìn mặt, mẹ bảo chị gái đưa sang bên bà ngoại chơi. Em buồn lắm, rất buồn…may mà đã có phương án bên Bắc Giang, em viết thư để lại cho mẹ, rồi thuê chiếc xe tải nhỏ đưa vợ chồng con cái sang Bắc Giang. Mới đầu thì thấy trống vắng, tủi thân quá, mãi rồi cũng quen anh Ba ạ. Bây giờ em cũng đã có một trang trại riêng rộng hơn 5 ha, đã xây được nhà, vợ em vẫn đi dạy học, các con em đến tuổi đều được đi học tử tế. Mỗi năm em vẫn đưa vợ, con về bên Thái Nguyên thăm ông bà vài lần. Bố em thì rất thương con, thương cháu, riêng mẹ em vẫn cố chấp lắm.
Hôm chủ nhật 11.3.2019, Thân lại về Hà nội thăm tôi. Lần này thấy cậu ấy vui lắm, người béo, khỏe, trẻ ra nữa. Thấy vậy tôi cũng mừng. Hai anh em uống với nhau ly rượu đầu năm. Thân rót thêm ly nữa: “Anh Ba phải cạn với em ly này, em sẽ kể tiếp chuyện của em, chuyện kỳ hai này hay lắm”. Cạn ly rồi, Thân nói:
- Trước đây em nói cái gì đến rồi cũng phải đến. Đột nhiên có chuyện em không hề nghĩ đến bao giờ tự nhiên lại đến, cứ như từ trên trời rơi xuống ấy!?
- Cậu nói cái gì mà anh không hiểu?
- Làm sao anh hiểu được, để em kể anh nghe
Thân kể tiếp: “ Vào một buổi sáng đầu tháng tư âm lịch năm 2016, chị gái từ Thái Nguyên sang, gọi em ra ngoài ghé vào tai nói nhỏ: “Cậu về ngay, có con trai cậu từ miền Nam ra tìm đến nhà sớm lắm, nó giống cậu như đúc. Mẹ bảo tôi sang báo cho cậu biết và bảo cậu về ngay để nhận con”. Em nghĩ thầm trong bụng: xạo nào, mình làm gì có con ở trong Nam cơ chứ. Em bảo chị vào nhà nói chuyện cho vợ em biêt mấy, chị bảo chưa nên cho mợ ấy biết. Chị không nói thì em sẽ nói, vợ chồng em không dấu diếm nhau điều gì cả. Nghe em kể lại chuyện, vợ em không nói gì mà đi ra ngoài vườn, lúc sau vợ em mang vào ba con gà to, năm chục quả trứng, mấy cân hoa quả, bảo em mang về biếu bố mẹ và để tiếp khách, vợ dục em đi ngay kẻo bố mẹ mong!
Em về tới nhà bên Thái Nguyên, từ ngoài nhìn vào thấy một thanh niên chừng gần 40 tuổi, cao, trắng, đẹp trai, nó giống hệt em hồi trẻ anh Ba ạ. Thấy em về, cháu chạy ra chào, nó gọi em là ba, nó bảo má Tâm đặt tên con là Long, má con gởi lời thăm ba!?”. Nói đến đây Thân đỏ bừng mặt lên, cậu ấy có vẻ hơi ngượng ngùng. Tôi nhắc: cậu nói tiếp đi. Thân hỏi tôi:
- Anh Ba có nhớ hồi đơn vị mình làm nhiệm vụ ở Bà Rịa?
- Có chứ, nơi ấy làm sao mình có thể quên được!
- Đúng vậy, nhưng em hỏi cái chi tiết về điện thắp sáng cơ ?
- Lúc đó, điện thắp sáng được cung cấp bằng máy phát điện nhỏ, nên cứ 9 giờ tối là cắt điện: cả ấp, cả xã lại tối thui!
- Thế đấy, có lẽ thằng cháu Long nó chui ra từ cái vụ điện tối thui đó đấy!
- Cậu cứ lòng vòng mãi, cậu ngủ với cô Tâm làm cho cô ấy có bầu rồi chạy làng chứ gì!?
- Không, không phải thế đâu, anh ba bình tĩnh để em kể hết mọi chuyện. Thân nói: “Tối hôm trước ngày đơn vị mình hành quân đi nơi khác, em có tới chào Tâm ở ủy ban xã, hôm ấy Tâm trực ở đấy có một mình. Anh ba đã biết là Tâm rất thích em, rất có cảm tình với em, phần em cũng rất yêu quý Tâm, vì đơn vị đang còn cơ động làm nhiệm vụ nên em cũng không đặt chuyện yêu đương và hứa hẹn điều gì cả. Chúng em chỉ ngồi nói chuyện với nhau một lúc thôi rồi em đứng dậy bắt tay tạm biệt Tâm. Em vừa nắm vào bàn tay Tâm thì điện vụt tắt, Tâm ghé vào tai nói với em câu gì đó rồi cô ấy hôn vào má em. Em vốn nhát gái, nhưng hình như trong bóng tối tự nhiên thấy bạo dạn hơn anh ba ạ. Em hôn Tâm một cái, khi môi vừa chạm vào da mặt cô ấy em thấy như có luồng điện mạnh chạy khắp người, rồi trong cơ thể em cũng có sự chuyển động kỳ lạ, không cưỡng lại được, chúng em đã ôm ấp nhau ngay tại phòng trực của ủy ban xã. Em thề với anh Ba là em chỉ dám một tý thôi, một tý thôi vì sợ có người đến. Chuyện chỉ có thế, lần đầu tiên đối với thằng con trai nhà quê như em. Em hoàn toàn không biết là Tâm lại có thể có thai!?
- Cậu kể tiếp đi
- Anh ba ạ, cháu Long được má nuôi dạy rất chu đáo, bây giờ cháu đã có học vị tiến Sĩ chuyên nghành công nghệ thông tin, làm việc trong một tập đoàn lớn ở Sài Gòn, cháu đã có vợ và sinh được hai con, một trai một gái.
Ở thái nguyên, khi biết tình hình của cháu, bố mẹ em mừng lắm, cứ quấn quýt bên cháu. Trong suy nghĩ của mẹ em, bây giờ bà không những đã có cháu đích tôn mà còn có luôn cả chắt đích tôn nữa. Mẹ em hỏi cháu: thế sao má cháu khi biết có thai lại không viết thư báo cho ba cháu biêt? Cháu thưa là ba Thân có tặng má cháu một tấm hình, mặt sau tấm hình có ghi rõ đia chỉ ở quê Thái Nguyên, chứ không có hòm thư của đơn vị. Má cháu đã gởi hơn mười lá thư về quê Thái Nguyên với hy vọng gia đình nhận được sẽ báo cho ba cháu biết. Nghe cháu nói vậy, mẹ em à lên một tiếng rồi vào buồng mở hòm lấy ra 12 bức thư của Tâm, vẫn còn dán kín chưa ai bóc ra xem cả. Mẹ em bảo: biết là thư của cô gái từ Bà Rịa gửi ra, nhưng vì không muốn cho em lấy vợ miền nam nên bà dấu đi không cho ai đọc. Cháu Long cho biết: đã có lần cháu cầm theo tấm ảnh của em về tới tận quê Thái Nguyên, đến đầu làng cháu đưa tấm ảnh hỏi thăm, người ta bảo đây đúng là chú Thân, chú ấy đã về phục viên, đã lấy vợ và chuyển cả gia đình đi nơi khác sinh sống rồi. Cháu quay ra với sự thất vọng vô cùng. Đến khi tình cờ cháu gặp được một đồng đội của bố cháu ở Sài Gòn, bác ấy cho biết ông bà cháu vẫn ở Thái Nguyên, chỉ có vợ chồng ba cháu chuyển đi thôi. Nhờ vậy mới có buổi gặp mặt hôm nay.
Thân kể tiếp: Ngay buổi chiều hôm đó, cháu Long xin phép ông bà cho hai ba con cháu về Hà Nội mấy ngày. Em tưởng là cháu muốn đi thăm quan Thủ Đô nên đồng ý ngay. Về đến Hà Nội cháu bảo em: “Ba à, để ông bà và mọi người tin tưởng, ngày mai hai ba con mình đi làm xét nghiệm ADN”. Kết quả giám định ghi rõ: anh Lê Huỳnh Long cùng huyết thống-là con đẻ của ông Lê Văn Thân. Cầm tờ giám định trên tay mà nước mắt em cứ chảy ra, buồn vui lẫn lộn. Làm sao để giải quyết được mối quan hệ đan xen này đây!?
Khi về em thông báo với bố mẹ và mọi người về kết quả giám định ADN. Mẹ em bảo: chả cần DN, D iếc gì cả, cứ nhìn mặt cháu cũng biết ngay nó là con bố Thân rồi. Mẹ bảo chị em chuẩn bị mọi thứ để làm cỗ to, ngày mai mời cả họ đến giới thiệu cháu đích tôn. Mẹ nói em về ngay Bắc Giang, đưa cả vợ con đến để anh em nó còn nhận mặt nhau.
Về bên nhà, em nói rõ chuyện cho vợ em biết. Thấy vẻ mặt lo lắng của em, vợ em nói: “Anh cứ yên tâm, em sẽ lo chu đáo mọi chuyện”. Ngay chiều hôm đó, vợ bảo bắt một con lợn nhà nuôi chừng 40 kg, 20 con gà và một số rau, củ, quả trong vườn, thuê xe đưa về Thái Nguyên ngay để kịp ngày mai làm cỗ, sáng hôm sau vợ sẽ đưa con sang. Vợ xắp đặt như thế em đã thấy nhẹ người đôi chút, nhưng vẫn lo không biết trong bữa cỗ đó, mẹ em có làm điều gì xúc phạm đến vợ em không!?.
Người trong họ và một số người thân với gia đình được mời đến dự rất đông vui. Khi cỗ bàn vừa xong, mọi người đang uống trà, thì vợ em chủ động đứng lên xin phép bố mẹ và mọi người được nói đôi lời. Em ngạc nhiên thấy cô ấy rất bình tĩnh, vợ em nói: “ Con xin chúc mừng bố mẹ đã có cháu đích tôn. Để cháu Long có danh phận được xác định trên giấy tờ, con xin tình nguyện làm thủ tục li hôn với anh Thân, để anh được tự do làm đăng ký kết hôn với mẹ cháu Long, để cháu Long có thể làm giấy khai sinh có đủ cả tên bố và mẹ đẻ!”.
Em bàng hoàng khi nghe vợ em nói như vậy, mọi người thì sửng sốt, riêng mẹ em thì tỏ vẻ hả hê, bà nói: “ Vậy thì may mắn cho nhà này quá, cảm ơn chị Thảo, anh Long khẩn trương làm thủ tục ngay đi nhé”. Lúc này cháu Long mới đứng lên thưa chuyện: “ Khi má cháu sinh con, má vẫn đang làm việc ở ủy ban xã, bằng cách nào đó má đã làm được giấy khai sinh cho cháu, trong giấy ghi rõ tên ba là Lê Văn Thân, tên mẹ là Huỳnh Thị Minh Tâm, quê của ba ghi đủ xã, huyên, tỉnh Thái Nguyên, quê mẹ có đủ xã, huyện, tỉnh Bà Rịa. Trong tất cả các hồ sơ cháu khai từ trước đến nay đều theo giấy khai sinh đó, biết rằng nó không hợp pháp, nhưng không sao cả. má con cháu luôn tâm niệm một điều: cháu mang huyết thống của ba Thân, bổn phận của cháu là phải tìm về quê để nhận ba, nhận họ hàng. Con cũng xin phép mẹ Thảo cho con được nhận mẹ là mẹ của con, nhận các em là em gái. Má con ở trong ấy không hề có ý định tranh dành chồng của mẹ Thảo đâu. Cháu xin ông bà thấu hiểu thực tế của chuyện này, không làm điều gì để đau lòng người này người khác. Con rất cảm động trước tấm lòng cao cả của mẹ Thảo, con rất kính trọng mẹ!”. Nghe cháu Long nói em xúc động vô cùng, thở phào nhẹ nhõm, mọi người có mặt đều vỗ tay tán đồng.
Chiều hôm đó vợ em nói với Long: “Con xin phép ông bà đi cùng bố mẹ sang Bắc Giang ít ngày, thăm nơi sinh sống của bố mẹ và các em, khi nào thuận tiện mời má con ra chơi”. Đến Bắc Giang cháu vui lắm, bốn anh em nó quấn quýt bên nhau, thăm vườn, thăm trang trại…Hai hôm sau Thảo bảo em đi cùng Long vào thăm Tâm và gia đình trong Bà Rịa. Hôm hai ba con em đi máy bay vào Sài Gòn, Thảo đã chuẩn bị cho mang theo hai sọt to chất đầy quả Vải và một số sản vật nhà trồng.
Chúng tôi lại cùng nhau cụng ly, chúc cho nhau sức khỏe và mừng cho cuộc sống của người đồng đội từ nay đã được Bình An và Hạnh Phúc.
Trái tim người lính