link tải gowin99 mới nhất

Chào bố mẹ lên đường đi B - Ngày trở về (Kỷ niệm 56 năm ngày tòng quân 7/4/1967 - 7/4/2023)

Hôm nay (7/4/2023),kỷ niệm 56 năm ngày tòng quân ,, bao kỷ niệm xưa lại ùa về. Bố, Bầm đã đi với Tiên Tổ, nhưng các cụ đã để lại những kỷ niệm không bao giờ quên, trong đó những ngày lên đường nhập ngũ, rôi về phép 15 ngày để đi B cứ như hiển hiện trước mặt.

b1aq1-1680835026.jpg

Đại tá CCB Đặc Công ,Nguyễn Văn Khuynh.

 
 

Ngày ấy vào 4/10/1967, sau khi kết thúc khóa huấn luyện xe tăng T34 ở Đoàn 202 Binh chủng thiết giáp, chúng tôi được nghỉ phép 15 ngày để nhận lệnh vào Nam chiến đấu. 15 ngày trôi đi nhanh chóng, vào buổi chiều tôi lên đường, Bố, Bầm làm bữa cơm chia tay có đủ anh em chú bác dự, cơm nước xong không khí trong gia đình trầm hẳn xuống, tôi chào mọi người xong không thấy Bầm đâu liền xuống bếp tìm, thì ra bà đang ngồi như tượng ở đây, đang khóc thầm, mắt đỏ hoe, tôi ngập ngừng: Bầm ở nhà, con đi...! đến đây, bà khóc òa lên: con đi thì biết bao giờ con về...con ơi ! Chưa biết trả lời ra sao, thì bố tôi từ nhà trên chạy xuống an ủi: bà đừng khóc nữa, để cho con nó đi...vừa dứt câu bỗng ông cũng òa lên khóc. Lâu nay thỉnh thoảng nghe mẹ khóc, nhưng chưa bao giờ thấy bố khóc, làm tôi vô cùng cảm động cũng òa khóc theo, đẫm lệ, chỉ đến khi bà nội và bà bác kéo đến nhắc: cái thằng bố, con mẹ này hay nhỉ, con nó đi làm nhiệm vụ, rồi nó sẽ trở về, làm sao mà phải khóc lóc, hãy để cho con nó yên tâm đi chứ ! thôi, cháu đi chân cứng, đá mềm mạnh khỏe nhé ! Hai cụ kéo tôi ra ngoài, nhưng mắt cũng đỏ hoe với những giọt nước mắt lăn dài. Đó là những giọt nước mắt tiễn người ra trận.

b2aq2-1680835154.jpg

Tân binh Nguyễn Văn Khuynh ( 1967)

 

Sau gần 8 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, Bình Long, An Giang và các tỉnh Tây nam Căm Pu Chia, với ba lần bị thương và sốt rét hành hạ, cuối năm 1974 sau chiến thắng Phước Long, chiến trường đang chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng giành thắng lợi để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thì tại Tây Ninh, tôi nhận được quyết định ra Miền Bắc. Biết mình phải bỏ cuộc không còn được trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận nữa, lần đầu tiên từ chiến trường, tôi viết một là thư về cho gia đình với nội dung ngắn gọn, báo tin cho Bố, Bầm là tôi mạnh khỏe sắp được trở về thăm gia đình.

Ngày 7/2/1975, chúng tôi được xe vận tải Zin 130 đón từ một địa điểm trong vùng giải phóng ở Tây Ninh và theo đường giao liên ra tới Miền Bắc. Thật là một sự trùng hợp khá thú vị, ngày 18/4/1968 tôi đặt chân đến chién trường Tây Ninh, nay từ Tây Ninh trở về cũng đúng ngày 18/3/1975 chúng tôi đến vị trí tập kết tại đoàn 235 Quân Khu Việt Bắc, đóng ở xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc), quê nhà. Sau khi làm thủ tục nhập đơn vị, khám sức khỏe và nhận quân trang mọi người ai cũng háo hức muốn được về thăm gia đình sau thời gian dài xa cách không tin tức. Biết tâm lý này, đơn vị cho chúng tôi mỗi người được về 5 ngày.

b3aq3-1680835207.jpg

Đại tá Nguyễn Văn Khuynh (Cả Thật) tặng sách Thành Đô .

 

Không còn phải chờ đợi gì nữa, tôi và anh bạn cùng huyện Lâm Thao ra tàu hỏa, xuống ga Tiên Kiên và đi bộ 7 km để về nhà, rất may gặp được người làng đi xe đạp nên tôi nhắn tin Bố, Bầm cho người đón hai người. Khi tôi đi B, đứa em gái mới 10 tuổi, nay về nó đã là thiếu nữ tuổi 18 đi đón anh nên đi qua mà không nhận được nhau. Lúc nó quay lại còn ngờ ngợ hỏi: có phải anh Khuynh, tôi chỉ biết buột miệng: ôi, em lớn thế này rồi kia à !

Về đến đầu làng, hình như tin tôi từ chiến trường còn sống trở về lan ra khắp xóm làng, mọi người ai cũng muốn găp tận mặt để chúc mừng và hỏi thăm tin tức con em mình nên đứng rất đông. Sau nhiều năm xa quê hương, ngày trở về thấy cảnh vật và con người đều lạ hẳn, đồi núi quen xưa, nay như gần lại, thấp xuống, còn ngưòi quen thì nhìn một lúc mới nhận ra, thành thử tôi cứ phải trả lời một loạt câu hỏi của cô bác và bạn bè: Khuynh về à, có nhận ra chị không...có nhận ra bác không....còn nhớ tao không .....! Cứ thế dòng người theo tôi về đến tận cổng nhà bác ruột. Từ trong nhà, tôi thấy tóc bác đã bạc phơ, òa khóc rất to chạy ra ôm chầm lấy tôi nói: Khuynh ơi.... cháu được về , thế hai anh mày đâu không về cháu ơi ! Tôi òa khóc theo và anh bạn cùng đi cũng nấc lên, hai mắt đỏ hoe. Hai anh tôi cũng đi vào Nam, một anh đã hy sinh ở chiến trường khu 5 từ 1967, còn một anh đi Nam 1965, nghe nói ở sư 7, đang phục vụ chiến đầu gần cửa ngõ Sài Gòn. Biết nói với bác thế nào, chỉ biết khóc thôi. Đúng lúc đó, Bầm tôi và đứa em gái nhỏ vừa đi làm về, tôi chạy đến nắm đôi tay gầy guộc của bà nói: con về đây Bầm ơi, con đi lâu quá bây giờ mới đươc về thăm, cho con xin lỗi !

Bà lau nước mắt nói: bố và em gái nghe tin về đang đi xuống đơn vị thăm, tôi lặng người đi trong giây lát, thế là lại không gặp bố ở nhà rồi !

Đó là những kỷ niệm toàn nước mắt thời chiến tranh. Sau đó là những ngày dồn dập tin thắng trận và tại đoàn điều dưỡng 235 Quân khu Việt Bắc, chúng tôi đón nhận tin toàn thắng 30/4/1975. Khác hẳn mọi ngày, bữa cơm trưa 30/4/1975 cơm bỏ trắng nhà ăn, bởi những người lính trận chúng tôi vô cùng xúc động nghe tin Miền Nam giải phóng, nhớ đến đồng đội và cả những người ruột thịt ra đi, ngã xuống chiến trường không trở về.

Trái tim người lính