Cô đơn là sự lựa chọn của bà, sau đám cưới thời chiến là ông ra đi rồi tin xấu về, ông mãi tuổi 20.
Có những người lính trận đầu hy sinh, chưa kịp có một đồng đội tri kỉ. Có người lính chẳng biết hy sinh trong trường hợp nào. Người vợ ấy thấy mình may mắn thật nhiều khi có người em đồng đội của anh về thăm, và được biết chồng mình là người Trung đội trưởng dũng cảm.
Góp nhặt kí ức yêu thương, thêm niềm tự hào. Sao chị quên anh được...
Chưa đầy một tháng hạnh phúc ấy giữ bà năm mươi năm cô quạnh. Chỉ có cán bộ địa phương nhớ tới bà những ngày lễ tri ân. Trong mắt mọi người, người phụ nữ ấy đáng thương làm sao.
Nghĩa tử là nghĩa tận, phút tiễn đưa lắng nghe lời điếu văn họ mới biết, mới nhớ ra một thời chưa xa cha anh giữ nước, nhớ ra có những người đến làm vợ các anh chút xíu ngày thôi rồi chăm sóc bố mẹ, chung thuỷ đợi chờ. Là hậu phương vững chắc của người lính.
Rồi có người vợ may mắn hơn đón anh về trong tổn thương thể chất tinh thần.
Rồi chất độc da cam tàn phá thế hệ sau.
Hơn cả tình thương, bà cần sự trân trọng.
Năm mươi năm, tủi thân bà chịu đựng, đau ốm một mình, thèm tiếng trẻ thơ. Mọi người mới giật mình: không biết mình đã có gì không phải với bà chưa?
Tròn năm mươi năm làm vợ Liệt sỹ, chiếc lá úa bay đi nhẹ nhàng. Và Cây Đời thì mãi xanh tươi.
Chuyện làng quê