Đã năm mùa xuân, vừa đủ để so đo với một trời tuổi thơ, vậy mà tôi chưa được ăn cái Tết nào bên gia đình, được cảm nhận hương vị Tết đậm đà. Nồi bánh chưng, cây nêu, đi đắp mộ tổ tiên, thời khắc giao thừa... đều chỉ còn là trong trí tưởng tượng. Biết là mong nhớ, biết là khao khát, cũng vì công việc mà đành gác lại. Ở thời đại công nghệ nhanh như chớp ấy cũng có thể thấy không khí Tết về nườm nượp trên mỗi vùng miền quê hương.
Còn nhớ, khi ở nhà những ngày 28 và 29 Tết xóm làng vui lắm. Nhà nhà nấu bánh chưng, lá chuối, lá dừa, lá dong lúc này chưa bao giờ quý hơn như thế. Được chau chút làm đẹp, tối đến anh em xa gần tụ họp ngồi gói bánh, hết nhà này sang nhà khác. Tiếng cười, tiếng nói rộn vang khắp nơi. Và không khí Tết náo nức bắt đầu.
Mấy em nhỏ mấy ngày cuối năm là bố mẹ dù bận trăm công nghìn việc, sáng ra đèo xe đạp, đi chợ. Mỗi xe hai nhóc ngồi ôm mẹ, khuôn mặt đầy niềm vui. Không những mua quần áo mới, mà được đi chợ Tết được xem các đồ trang trí, được ăn bánh kẹo thỏa thích. Chợ Tết ngày Xuân khác xa với chợ thường ngày, dư âm rất khó lột tả cảm xúc ra sao, trong mỗi người lại có cảm nhận chợ Tết khác nhau. Ai cũng muốn đi chợ xuân. Mua sắm đủ thứ, thịt lợn, mớ rau, cái bát cái đũa, lọ hoa, ngũ quả... cái cảm giác, và cảnh chợ Tết ngày xưa ấy chỉ đặc sắc có ở Việt Nam. Mà khó có nơi nào có thể có được kiểu như vậy. Ra tới chợ chen nhau như đi hội. Từ trong ra ngoài tắc đường như cảnh tan tầm ở các cung đường giao thông thành phố. Nhưng ai cũng vui cười và chấp nhận, len chen vào để mua được mớ hàng mình yêu thích. Một năm có biết bao nhiêu ngày chợ nhưng ba ngày cuối năm thì ai ai cũng mong đợi.
Thầm nghĩ cũng đã thấy vui như vậy đó, Tết đến Xuân về biết bao nhiêu kỉ niệm trong tâm khảm của mỗi người, lại trào dâng. Đối với những người con xa quê hương, thì lại càng mong nhớ và ao ước biết nhường nào. Cành đào hoa nở đẹp đến bao nhiêu thì lòng tôi lại da diết mong nhớ khôn nguôi. Quê hương là chùm khế ngọt, như vậy đó!
Theo Chuyện làng quê