- Vâng! Cái hồ nước mênh mông thế này, nhiều khi sương mù dày đặc, cho nên, căn cứ vào điểm đặc trưng này, người ta đặt tên hồ là DÂM ĐÀM, có phải không cụ?
- Thế cũng hỏi. Dâm Đàm, đọc theo âm Hán Việt, nghĩa là cái đầm sương mù chứ sao! Hồ ở phía tây Hoàng cung Thăng Long, nên còn gọi là Hồ Tây. Có thuyết trâu vàng hiện lên, lại gọi là hồ Kim Ngưu. Ngày xưa quanh đây đầm lầy, cây rừng âm u, cáo chồn rất nhiều. Có thuyết về con cáo chết, nên gọi là hồ XÁC CÁO. Đầm này liền với sông Cái (sông Hồng), khi nước nổi thì mênh mông như biển. Muôn trùng sóng bạc đầu nhấp nhô, cho nên mới gọi là hồ LÃNG BẠC.
- Ngày xưa nhân lúc đầm nhiều sương, cụ dùng thuật hóa hổ để giết vua Lý Nhân Tông phải không?
- Bậy nào! Chúng nó bịa chuyện đổ oan cho ta đấy! Vua là trò ta. Nó đâu phải là hôn quân mà ta phải giết! Triều Lý đang thịnh, có phần nhỏ công sức của ta. Chẳng qua là do ta khởi xướng Nho học, cho nên bọn theo Phật giáo nó ghét ta, muốn hại ta đó thôi. Ngươi tin điều đó à?
- Sử sách chép vậy mà cụ!
- Sử nào? Cái bọn hậu sinh làm nhiều chuyện bậy bạ lắm.
- Vâng! "Bỉ chức" cũng ngờ rằng chẳng qua chỉ là cuộc đấu tranh giành vị thế cầm đầu của các tôn giáo mà thôi. Thế thì cụ oan thật rồi! Nhưng cụ đỗ Trạng nguyên, học vị cao nhất nước còn gì?
Thái sư Lê Văn Thịnh mỉm cười độ lượng, rồi nói:
- Thực ra, hồi ấy triều Lý mở khoa thi MINH KINH BÁC HỌC, ta đỗ đầu. Nhưng lúc đó chưa đặt học vị Trạng nguyên. Bọn hậu sinh cứ viết bừa là Trạng nguyên. Nhưng mà đỗ đầu khoa thi lớn nhất, ở tầm quốc gia, thì chúng nó bảo là Trạng nguyên cũng chả sao. Khoa này ông Đoàn Văn Khâm, quê Thái Bình đỗ thứ hai. Cho nên cứ xem như Bảng Nhãn vậy. Ta được bổ chức Thái sư. Còn ông Khâm được bổ chức Thượng thư. Vị Thượng thư đầu tiên ở thời phong kiến nước ta, chính là ông Đoàn Văn Khâm đấy!
- Ra vậy! Có lẽ ông Đoàn Thượng ở Hồng Châu là hậu duệ của ông Đoàn Văn Khâm?
- Đấy! kể cả cái thằng Đoàn Văn Hậu đá bóng giỏi giang, có lẽ cũng từ cái nguồn ấy mà ra đấy !
Cụ Lê Văn Thịnh vuốt râu ngửa mặt cả cười.
- Quê cụ ở làng Đông Cửu, huyện Gia Bình, xứ Kinh Bắc, có núi Thiên Thai đẹp lắm.
- Cậu cũng biết quê tớ sao? Ngày xưa thì gọi là huyện Gia Định, thuộc phủ Thuận An cơ. Thế gian biến cải mà.
- Gần đây, người ta phát hiện được con rồng bằng đá ở chỗ nhà cụ. Lạ lắm. Rồng thời Lý, nó quay đầu cắn vào lưng vào đuôi mình, là ý làm sao?
Thái sư Lê Văn Thịnh cười vang, như phả vào mặt tôi một luồng gió nhẹ:
- Dân gian thật hiểu ý ta. Nhà Lý không giết cả ba họ nhà ta, chỉ cách hết chức tước, đày ta lên miền Thao Giang rừng núi lam chướng xa xôi. Con cháu ta phải ly tán khắp nơi. Cái "Thằng" Lê Quát học trò ngài Chu Văn An chính là hậu duệ của ta đấy. Ông bà chúng chạy vào thanh Hóa, rồi sinh ra nó đấy. Có lẽ triều Lý cũng mơ hồ hiểu ra rằng ta không có ý giết vua. Chẳng qua là vì cái bọn theo Phật giáo nó gây sức ép loại trừ ta, để chiếm ngôi độc tôn đấy thôi.
- Vâng thưa cụ!
Thái sư hơi cúi mặt, ngậm ngùi:
- Thời kỳ này Phật giáo chiếm địa vị độc tôn. Quốc giáo mà. Mấy anh Đạo giáo cũng chưa đáng kể là gì. Chủ trương Nho học của ta vẫn còn lép vế lắm. Nhưng mà có ai hại ai đâu !
rồi cụ bỗng tươi cười bảo:
- Dân gian làm ra cái con rồng đá tự cắn vào lưng mình, là để gửi tới hậu thế nỗi oan tày trời của ta đấy! Giết ta, thì có khác nào tự cắn vào thân mình! Ha Ha ! Nhưng bây giờ thì ta mãn nguyện rồi. May còn có những người tâm huyết với tiền nhân, đã bỏ nhiều công sức minh oan cho ta. Oan khuất tày trời, gần nghìn năm sau mới được sáng tỏ. Ta thật vui vì nước Nam chưa hết người tài !
Một cơn gió mạnh bỗng đâu thổi tới, làm tan đám sương mù. Chẳng nhìn thấy Thái sư Lê Văn Thịnh đâu nữa. Nhưng vẫn còn nghe dư âm tiếng cười sảng khoái tắt dần đi trong nắng sớm...