“Nhiều người đã rơi nước mắt khi tại trạm dừng chân ở đèo Lò Xo, tỉnh Kon Tum bắt gặp một cặp vợ chồng bế theo con nhỏ mới sinh đi về Nghệ An. Anh chị nói bé mới sinh được 10 ngày, thương con lắm nhưng điều kiện không còn đủ khả năng để ở lại nên vợ chồng quyết định đi xe máy về quê. Ngay lúc này là 21 giờ, vợ chồng anh chị đã tới tỉnh Quảng Nam rồi, còn 865 km nữa về tỉnh Nghệ An. Cầu mong thời tiết thuận hòa để mọi người đi an toàn hơn…”.
Đêm 30/7, khi dặn dò các sinh viên trong Đội tình nguyện sửa chữa xe máy của Trường đại học Đông Á lên chốt phối hợp với đội tình nguyện khác, dưới sự điều hành của CSGT Đà Nẵng, giúp đỡ những người tự đi xe máy từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về quê, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (nguyên trưởng Văn phòng Đại diện miền Trung của báo Thanh Niên) đọc được những dòng trên từ trang cá nhân của Dũng Nguyễn Quân. Anh ngồi thần người nhìn vào màn hình. Lúc đó là 10 giờ đêm.
Đó là cháu bé con vợ chồng người dân tộc Xồng Bá Xò và vợ là Già Y Tránh. Gia đình Xò ở bản Phà Lôm, xã Tam Hợp, Tương Dương (Nghệ An).
Anh Nguyễn Thế Thịnh nhắn tin cho các sinh viên xong thì nhắn cho Trần Vương, một thành viên CLB xe bán tải trong đội tình nguyện tham gia giúp đỡ bà con ở hai chốt Hòa Khương (Đà Nẵng giáp Quảng Nam) và Hải Vân (giáp Thừa Thiên - Huế) mấy hôm nay, kể lại câu chuyện trên.
Đến khuya, anh Vĩnh Quý, một đồng nghiệp ở Đồng Hới (Quảng Bình), gửi cho anh Nguyễn Thế Thịnh hình chụp lại từ trang cá nhân và nhắn: “Anh có cách nào giúp được trường hợp này không?”. Thật sự, đêm đó có hơn 400 xe máy với cả ngàn người, Anh Thịnh nghĩ không biết các bạn có tìm được không? Trong lòng anh thấy nôn nao. Lâu sau, Trần Vương cho hay nhóm anh em trong đội cũng biết được tin trước đó nên đã nhờ các anh CSGT: “Nếu thấy thì giữ gia đình đó lại giùm”. Các anh cảnh sát giao thông cũng rất nhiệt tình, bắc loa gọi. Giữa “biển người” thế mà tìm được.
Anh em đến, mua sữa và các thứ cho mẹ cháu bé, ủng hộ tiền cho người chồng tên Xò. Một lúc sau lại nhắn: “Vậy là ổn rồi anh!”.
Vợ chồng anh Xò làm công nhân ở Bình Dương. Theo lời kể của anh Xò thì: “Vợ chồng biết đưa con mới sinh, vợ mới mổ đẻ chưa khô vết khâu đi xe máy rất nguy hiểm, nhưng hoàn cảnh khó khăn, chỉ có về mới ổn nên liều”.
Những ngày đó, dòng người đi xe máy về quê ngang qua Đà Nẵng mỗi ngày nhiều đợt, rất đông. Bình quân ngày đến ngàn người. Xe máy của anh em công nhân đa số là loại không tốt, chạy từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… ra cũng bảy tám trăm cây, hầu hết đều tơi tả. Anh em các nhóm trong đội tình nguyện của Thành đoàn Đà Nẵng, Đại học Đông Á, ngoài việc tặng nước uống, sữa, đồ ăn… thì đã nghĩ ra một cách rất thiết thực là hỗ trợ sửa xe máy. Anh em đổ xăng, thay dầu, tra mỡ, căng xích, bơm hơi… Những chiếc xe không thể đi được thì cho lên xe tải và bán tải đến điểm tập kết để thay phụ tùng…
Khi biết người vợ sinh mổ, vết mổ chưa khô lại phải bồng con nhỏ đi trên xe máy hơn ngàn cây số, anh Vương và anh em trong đội đã quyết định rất nhanh: Thuê ô tô cho vợ con Xò và hai phụ nữ có con nhỏ cùng đi. Nhưng sau đó, thấy xe của anh Xò quá tã, khó về đến Nghệ An nên để Xò gửi xe lại, anh em sửa xong gửi ra sau, còn anh Xò cùng về ô tô.
Anh Trần Vương và bạn thuê xe hết 7 triệu đồng, móc ví còn 3 triệu đưa cho Xò. 6 giờ 30 ngày 31.7 xe xuất phát từ Đà Nẵng. Anh Nguyễn Thế Thịnh nhắn xin số tài khoản của anh Vương, nói để anh lo tiền xe hoặc cho anh góp với. Anh Vương nói ổn rồi anh, nhưng anh chuyển thì để giúp bà con khác, vì đêm nay về cũng nhiều.
Xe đi rồi, anh Vương và các bạn mang xe anh Xò ra sửa thì không thể sửa nổi vì nó hỏng một cách toàn diện. Lúc đó, anh Phan Minh Việt, bạn Vương, quyết định mua một chiếc xe máy 20 triệu đồng gửi ra cho Xò. Vương, Việt mỗi người góp 10 triệu.
Khi anh em ở Đà Nẵng đưa gia đình anh Xò, chị Tránh lên xe thuê, xe xuất phát thì nhận được điện thoại của anh Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, hỏi về chuyện gia đình sản phụ nói trên. Sau khi nghe kể lại chi tiết hơn, anh Cường nói: “Giờ thì xe xuất phát rồi, nhưng ra Đồng Hới, để Sở bố trí xe y tế chở mẹ con ra, chứ cô vợ mới mổ, sợ nguy hiểm đó anh”.
Nghe câu đó, anh Nguyễn Thế Thịnh thực sự xúc động, vì giữa bộn bề công việc chống dịch của tỉnh, lãnh đạo cũng đã quan tâm đến thân phận của mẹ con sản phụ, cảm giác thật ấm áp. Tuy vậy khi định thần lại, anh nói đại ý, xe cũng đã thuê, mọi người trên xe cũng đã ổn, giờ việc chống dịch đang bận bịu, điều một chiếc xe cứu thương đi thì ở tỉnh thêm khó khăn.
Bác sĩ Cường nói thêm: “Bí thư Tỉnh ủy cũng rất quan tâm chuyện này nên dặn em và anh Cầu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, lo chuyện này giúp gia đình, nên thôi, anh cứ để ngoài này tính”.
Trưa đó, xe đến Đồng Hới, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và anh em đến gặp, cho người xem xét vết mổ của sản phụ, tặng cháu bé và chị Tránh những đồ dùng thiết yếu và cùng anh em Quảng Bình giúp đỡ một ít kinh phí, bác sĩ Cường điện thoại báo tin quyết định để đi xe thuê..
Liên tục trong ngày, liên lạc với anh em làm báo, vốn có người là sinh viên cũ từng học trò cũ của anh Nguyễn Thế Thịnh, thấy các em đã bố trí người đón ở TP.Hà Tĩnh và Vinh. Nhìn hình ảnh các em gửi, thấy các em đang đứng đợi, thương Câu chuyện hàng ngàn người lao động đi xe máy về quê là chuyện chẳng đặng đừng. Dù không ai muốn nhưng nó đã xảy ra. Khi xảy ra thì phải khắc phục, làm thế nào để bảo vệ người dân mới là điều quan trọng.
Nhờ tình yêu thương của đồng loại, cháu bé 10 ngày tuổi và bố mẹ đã về đến quê hương an toàn. Hiện gia đình anh Xò đang được cách ly tại trường tiểu học ở bản Phà Lôm, xã Tam Hợp, H.Tương Dương (Nghệ An), quê anh, và đã được lấy mẫu xét nghiệm lần hai, kết quả đều âm tính.
Đối với Trường Đại học Đông Á, đây là một trung tậm đào tạo ở Đà Nẵng đã đi đầu trong các hoạt động tình nguyện phòng chống COVID-19. Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thị Anh Đào cho biết: “Hiện nay Nhà trường còn có Đội ngân hàng máu sống cứu nạn nhân nặng do các thầy cô, sinh viên thành lập. Không riêng tham gia công tác tình nguyện ở Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng, nhà trường còn cử Đội tình nguyện ra Bắc Giang thời điểm địa phương này là “tâm dịch”.
Trong thời gian dòng người hồi hương Nam – Bắc về quê tránh dịch khi qua địa phận Đà Nẵng, Đội tình nguyện của Đại học Đông Á không chỉ sửa xe, mà còn hỗ trợ bà con nước uống, sửa cho các cháu...Theo Hiệu trưởng TS. Nguyễn Thị Anh Đào, giáo dục sinh viên về trách nhiệm xã họi, tổ chức các hoạt động hướng đến cộng đồng là một trong những ưu tiên trong việc đào tạo của Nhà trường./.