Nhân nghĩa trung cần giữ tích ninh,
Khó thì hay khéo, khốn hay hanh.
Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn,
Nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh.
Khi bão mới hay là cỏ cứng,
Thuở nghèo thì biết có tôi lành.
Kìa ai cây cả nhàn ngồi tựa,
Nếu có công nhiều lọ phải tranh!
Mở đầu là một số tiêu chí căn bản của phẩm chất người quân tử, theo quan điểm của Nho gia. Đồng thời là sự vận hành của nó trong hoàn cảnh thực tế:
Nhân nghĩa trung cần giữ tích ninh,
Khó thì hay khéo, khốn hay hanh.
Nhân, Nghĩa, Trung, Cần, đó chính là những phẩm chất quý báu của người quân tử chính danh, phải nên đinh ninh ghi nhớ trong lòng (giữ tích ninh).
Ở đời “Khó thì hay khéo, khốn hay hanh”. Người xưa nói: “Cùng nhi hậu công”, nghĩa là Lâm vào cảnh khó khăn cùng khốn thì mới nẩy ra cái khéo. Khốn hay hanh, tức lúc khốn cùng, bĩ cực, thì rồi cũng sẽ tới lúc hanh thông. Người xưa cũng nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông” là theo nghĩa ấy. Tác giả sử dụng những thành ngữ kinh điển của người xưa, để khẳng định cái quy luật thường biến trong cuộc sống muôn màu. Vạn vật không ngừng vận động, biến hóa, bởi vậy phải có niềm tin vào tương lai, vào lý tưởng mà mình muốn đạt tới. Tình ý của hai câu thơ mở đầu là thế.
Còn đây lại là thực tế lịch sử:
Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn,
Nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh?
Đời nhà Thương, khởi lên từ đất Ân, nên còn gọi là nhà Ân (Thương-Ân). Vua Thành Thang nhà Thương là vua thánh, biết Y Doãn là người hiền đang cày ruộng ở đất Sằn Dã, mời ông về làm quan giữ trọng trách lớn. Y Doãn đem tài năng giúp vua Thành Thang diệt được vua Kiệt, một tên bạo chúa của nhà Hạ, dựng lên vương nghiệp nhà Thương. Tử Khanh, tức Tô Vũ, làm Trung lang tướng đời Hán Vũ Đế. Tô Vũ đi sứ Hung Nô, bị Hung Nô mua chuộc, nhưng không chịu khuất phục. Hung Nô bắt Tô Vũ chăn dê ở bãi biển trong 19 năm ròng, đến khi đầu bạc, vẫn trung thành với nhà Hán. Thế nên, tác giả mới bảo rằng ở đời Hán, ai có thể nghi ngờ Tô Vũ (Tử Khanh) là người bất trung (Nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh)?
Thế nên mới bảo:
Khi bão mới hay là cỏ cứng,
Thuở nghèo thì biết có tôi lành!
Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng từng nói: “Tật phong tri kinh thảo, bản đăng thức thành thần” (Có gió mạnh thì mới biết cỏ nào cứng / Khi loạn lạc mới rõ được tôi trung thành). Nguyễn Trãi chỉ mượn ý của Đường Thái Tông để làm thành hai câu thơ của bài này thôi. Rồi Tiên sinh tự “Bảo kính cảnh giới” mình, đồng thời “cảnh giới” cả những kẻ háo danh:
Kìa ai cây cả nhàn ngồi tựa,
Nếu có công nhiều lọ phải tranh!
Cây cả là cây lớn. Ai kia là cây cả, cây lớn đây? Đời Hán Quang Vũ (Lưu Tú), có người tên là Phòng Dị làm tướng, có công lớn giúp Lưu Tú dựng được cơ nghiệp nhà Đông Hán. Trong khi các tướng khác tranh nhau khoe công trạng, Phòng Dị chỉ ngồi tựa gốc cây lớn (cây cả) tỏ ý bất cần, không tranh luận với họ. Người ta gọi Phòng Dị là “Đại thụ tướng quân”. Nguyễn Trãi cũng mượn điển này ở bên Tàu. Tiên sinh cũng ví mình như Phòng Dị chăng?
Trong văn hoá, văn chương cũng vậy. Những kẻ bất tài mà háo danh, luôn tìm mọi « kế sách », mẹo vặt, để tranh đoạt lấy cái danh hão, khiến thiên hạ rối loạn. Cái danh mua bán, chạy chọt, xin sỏ, rác rưởi, chẳng lọt được « Mắt xanh » của thiên hạ đâu. Mấy ai được là « Đại thụ tướng quân » như Phòng Dị đâu!
Thật chí lý lắm thay!