Chúng tôi được bố trí ở khu kí túc xá K300, một khu khu tập thể cũ của quân đội để lại. Mỗi phòng vài chục m2 được sắp xếp 6 giường 2 tầng. Hàng ngày những bộ xương leo lên leo xuống chiếc giường sắt thấy thương. Mỗi xuất cơm khi đó bằng phiếu 500đ, gồm thau cơm màu vàng xỉn nở toăn toét, một vài con cá biển như ngón tay hoặc vài lát thịt heo mỡ kho mặn chát và một tô canh đại dương với vài cọng rau nổi bồng bềnh thơ mộng. Sinh viên kí túc xá hay đọc câu vè vui:
"Chưa ăn trông đứng trông ngồi
Ăn rồi lại thấy như hồi chưa ăn"
Đang tuổi ăn, tuổi lớn lại được 'đãi ngộ' thế này nên hầu hết anh chị nào cũng mang bộ xương cách trí, nhìn xa cứ như bù nhìn đuổi chim chuột ngoài đồng hay bộ móc phơi quần áo. Khoảng nửa năm là một số chúng tôi phù thũng 2 chân to như chân voi mà lúc đầu cứ ngỡ là mập lên. Đến trạm xá trường cho mấy viên thuốc uống để đi tiểu là xệp xuống tạm thời. Nghe nói là bệnh phù Beriberi gì đó do thiếu B1. Thời đó sinh viên kí nợ quán là rất phổ biến nhất là cánh con trai. Nó như là huyền thoại khá thú vị và cười ra nước mắt.
Nơi chúng tôi kí nợ nhiều nhất đó là quán bánh mỳ chị Loan ngay góc ngã 3 Triệu Quang Phục và Phùng Hưng cách trường vài trăm mét. Vợ chồng anh chị hiền lành, cần cù và chân chất. Cả gia đình chị sống nhờ vào quán nhỏ bán bán mì, mì gói linh tinh cho sinh viên trường Nông lâm mà nuôi 3 đứa con ăn học thành tài. Từ sáng tinh sương đến nửa đêm lúc nào cũng có khách. Đây là địa điểm yêu thích của hầu hết mấy anh sinh viên thiếu nợ. Mới lúc đầu làm quen anh nào cũng mua ngọt lắm, móc xỉa tiền mặt để lấy lòng chủ quán, sau đó thì ôi thôi nợ dai nhách. Thời đó ổ bánh mì 500đ mà công nhận lúc nào ăn cũng ngon như ăn cỗ. Dưới cái lạnh 15 độ mùa đông Huế, chúng tôi ngồi co ro trong quán thưởng thức ổ bánh mì nóng giòn thì còn gì bằng.
Hồi đó tôi và vài ba thằng bạn: Có,Toàn, Sâm, Hùng... là khách mối ruột của quán chị. Tuy kí nợ nhưng khá uy tín vì ăn theo khả năng kinh tế gia đình chứ không theo nhu cầu cơ thể. Nhiều khi ăn ổ mỳ chan nước 300 đ vẫn thấy ngon và còn rất thòm thèm. Tiền ở quê gửi vào được tiêu ưu tiên trả nợ trước kiểu gối đầu mà anh chị cũng vui và hài lòng.
Mỗi khi chúng tôi có ai về quê là cả nhóm đưa đón lên bến xe, nhà ga chu đáo vì thế nào khi vào lại cũng được đãi bữa ăn ngon trước đã. Đối diện quán chị Loan là quán bán cơm trưa, cháo lòng của chị Lộc. Ít có người kí nợ quán này vì chị này khó tính, ai nợ lâu là bị chửi xối xả mất mặt lắm nhưng công nhận món cháo lòng là tuyệt vời, giá 1000 đ hơi sang nhưng có tiền là chúng tôi vào ăn cho đã thèm. Có lần tôi mới nhận được tiền nhà gửi ra, chúng tôi vào quán cháo lòng ăn trước rồi tới đâu tính tới đó. Chị Loan nhìn qua thấy, chúng tôi ngại quá ngồi thụt vào né cửa sổ. Chị nhìn qua lẩm bẩm gì đó chắc là chửi thầm: có tiền chưa trả qua quán khác ăn làm chúng tôi thụt ló như ăn trộm vậy.
Có nhiều sinh viên nợ lâu quá không trả bị từ chối bán tiếp cũng đồng nghĩa gần như mất luôn khách và khó lấy tiền. Cái hay là chưa bao giờ nghe anh chị chửi nặng ai bao giờ, chỉ càm ràm nhăn nhó thôi. Hàng năm, anh chị mất tiền cho số kí nợ rồi quỵt cũng khá nhiều nhất là khóa cuối khi tốt nghiệp ra trường. Nhiều vị liều ăn chơi xả láng rồi quỵt nợ đến cụ Tú ngày xưa cũng chào thua. Lúc tốt nghiệp khóa hàng năm, anh chị cả tuần canh me vây ráp để lấy tiền trông rất tội nghiệp. Hình ảnh anh chị ăn ngủ không yên đi đòi tiền mà sau này nhớ lại thấy thương thiệt mà hồi đó ai cũng vô tình do túng quá hóa liều.
Tuy là mua bán sòng phẳng nhưng chúng tôi vẫn nhớ ơn như anh chị nuôi một thời khốn khó nên mỗi lần về thăm trường đều ghé thăm anh chị. Đầu mùa hè 1994 tốt nghiệp ra trường tôi còn nợ lại một số tiền khá lớn nhưng anh chị không hề làm căng vì tin tưởng tôi trở ra trả nợ.
Thời gian gần 30 năm trôi qua, anh chị đã già rồi, nhà quán ngày xưa bị giải tỏa từ lâu thành khu hồ nước bao quanh nối với hồ Tịnh Tâm cho du lịch . Màu xanh thẳm với những cánh bèo rung rinh nhưng còn phảng phất kỷ niệm một thời đã xa.
Bây giờ, mỗi khi ghé lại quán bánh mì nào đó là kỉ niệm ngày xưa lại ùa về nao nao. Bánh mỳ ngày nay đủ thịt, chả, bơ... sang hơn hồi xưa nhiều nhưng vẫn không ngon bằng ổ bánh mì chan nước của chị Loan vì ngày đó đói khổ và gửi gắm một trời kí ức nơi đó.
Chuyện làng quê