link tải gowin99 mới nhất

Bánh chưng "Bà Đất" Hà Giang

Trên hành trình chuyến đi “Tìm về nguồn cuội, hướng tới tương lai” của đoàn cựu chiến binh lên “Vị Xuyên – Khúc tráng ca lịch sử” từ ngày 20 tháng 12 đến 23 tháng 12 năm 2023, chúng tôi có ghé thăm một cơ sở sản xuất bánh chưng của một chi hội cựu chiến binh ở Bắc Quang, Hà Giang.

dt2a-1704764732.jpg

Nguyên liệu gói bánh chưng "Bà Đất"

 

Cơ sở gói bánh chưng xanh – Bà Đất nằm bên quốc lộ 2, thuộc địa bàn thôn Tân An, xã Hùng An, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Khi xe chúng tôi dừng bánh đã thấy gần chục cựu chiến binh do Thiếu úy Trần Xuân Chính làm chủ, đứng đón chúng tôi trước cơ sở sản xuất. Tôi và các anh chị em trong đoàn rất xúc động trước sự trọng thị của các đồng đội. Hai dãy bàn kê ở hàng hiên rộng trước cơ sở sản xuất, trên mỗi bàn là hai đĩa quýt và một ấm trà nóng để đón khách. Quýt cũng là sản phẩm vườn do chi hội cựu chiến binh thôn Tân An canh tác vừa được hái xuống tiếp khách – rất tươi ngon. Sự hiếu khách của thiếu úy Trần Xuân Chính và chi hội cựu chiến binh Tân An đối với những vị khách không phải là doanh nhân làm chúng tôi cảm thấy gần gũi, thân thiết.

dt4d-1704764857.jpg

Khu lò nấu bánh chưng "Bà Đất"

     Bên trong khu sản xuất xuất rộng hơn 200 m2 là khu vực gói bánh chưng, kho đựng nguyên liệu làm bánh và khu bếp nấu với 16 lò nấu, một nửa số lò nấu khi chúng tôi đến thăm vẫn đang đỏ lửa. Trên một bàn gói bánh chưng, tôi nhìn thấy gắn một chiếc điện thoại đang bật chế độ quay hình. Một cô gái xinh xắn, liên tục bấm điện thoại. Hỏi ra tôi được biết là cô đang bán bánh chưng trực tuyến, khách hàng ở nhiều địa phương, cả trong nước lẫn nước ngoài. Tôi và cựu phi công MiG21, F5 Nguyễn Thanh Xuân đứng quan sát công đoạn gói bánh của các chị và tranh thủ chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Các anh chị cùng đoàn cũng không ngồi lâu ở bàn khách mà tỏa đi xem và chụp ảnh lưu niệm tại các công đoạn sản xuất bánh chưng đầy hứng thú.

dt1-20240103-160956-1-1704764182.jpg

Khu vực gói bánh chưng "Bà Đất"

dt3b-1704764970.jpg

Bánh chưng "Bà Đất" và bánh Gù sau khi gói

      Phụ trách cơ sở sản xuất bánh chưng “Bà Đất” Trần Xuân Chính giới thiệu cho chúng tôi biết về tâm huyết của anh và các cựu chiến binh trong chi hội, là muốn gây dựng một thương hiệu bánh chưng đảm bảo chất lượng và uy tín lâu dài từ các loại bánh chưng, bánh gù nổi tiếng đặc sản của Hà Giang. Tôi tò mò hỏi anh:

- Màu xanh của gạo nếp là từ đâu ra vậy đồng chí thiếu úy?

- Dạ! màu xanh của gạo nếp là màu gạo nếp được ngâm trong nước cất lá Riềng xay lấy từ núi đá Hà Giang – anh Chính trả lời, tôi hỏi tiếp:

- Thịt lợn dùng làm nhân cho bánh là thịt lợn nuôi công nghiệp à?

- Không phải đâu anh ơi! Thịt lợn dùng làm nhân bánh cho bánh chưng “Bà Đất” là thịt lợn đen Hà Giang, được cơ sở mua từ các bản về. Mỗi con lợn nặng khoảng trên dưới 100 kg là cho thịt làm nhân bánh ngon nhất – anh Chính trả lời, Tôi đã hiểu muốn xây dựng thương hiệu có uy tín cho một sản phẩm không còn mới nữa thì những cựu chiến binh chi hội Tân An phải có lối đi riêng. Các anh đã lựa chọn khá kỹ nguyên vật liệu làm bánh, tính ổn định của nguồn cung để chất lượng các mẻ bánh luôn đảm bảo.

dt5-1704765647.jpg

Bánh chưng "Bà Đất" thành phẩm

Ngoài loại bánh gù nổi danh của Hà Giang, bánh chưng “Bà Đất” được gói bằng lá dong, kích thước bánh là 12cm dài cạnh, 4 -5 cm chiều dày, bánh thành phẩm nặng khoảng 1,2 kg một chiếc bánh. Bánh chưng “Bà Đất” được gói bằng 4 chiếc lạt giang nên trông vuông vắn, dùng để thắp hương cũng đẹp mà để bóc ăn cho bốn người đến sáu người cũng hợp lý. Bánh chưng và bánh gù “Bà Đất” được luộc trong nồi nhôm dung tích 120 lít, mỗi nồi có thể chứa được 60 cái bánh chưng hoặc 120 cái bánh gù. Để bánh rền và ngon thì một yếu tố rất quan trọng theo tôi là tất cả bánh của cơ sở sản xuất bánh chưng “Bà Đất” đều được nấu bằng củi gộc, than luôn rất đượm và đủ thời gian. Khu đun nấu của cơ sở có biển đề “Người không nhiệm vụ miễn vào”, nhưng chắc chúng tôi là cựu chiến binh nên được ngoại lệ vào tham quan. Tôi rất ấn tượng về khu bếp nấu bánh của cơ sở sản xuất của thiếu úy Chính. Tôi lại hỏi anh Chính:

- Tại sao lại đặt tên bánh là bánh chưng “Bà Đất”? Anh Chính giải thích:

- Dựa vào sự tích bánh chưng bánh dày, Ông Lang Liêu nói với vua Hùng “bánh chưng là hình ảnh trái đất” nên cơ sở chúng em đặt tên bánh là “Bà Đất” – tôi đã hiểu về ý nghĩa của cái tên “Bà Đất” và yêu thêm sản phẩm bánh chưng “Bà Đất”.

- Mỗi năm cơ sở của mình xuất xưởng được bao nhiêu bánh chưng? Bán lẻ hay bán buôn là chính? – tôi muốn có thêm thông tin.

- Mỗi năm cơ sở chúng em xuất xưởng khoảng bốn mươi nghìn chiếc bánh chưng. Chúng em bán buôn trực tuyến là chính, giá 40 nghìn đồng một chiếc, bánh xuất xưởng đến đâu bán hết đến đó ạ - rất đáng nể cho một chi hội cựu chiến binh cấp thôn đấy chứ?

          Chắc hiểu được nguyện vọng của chúng tôi nên trên chuyến trở về Hà Nội chị Hải Yến, đại diện của Win win Việt Nam và các nhà tài trợ đã mua tặng mỗi thành viên trong đoàn một cặp bánh chưng vuông “Bà Đất” và 2kg quýt. Chỉ sau một ngày trở về Hà Nội, gia đình tôi với ba thành viên đã xử lý xong 2 chiếc bánh chưng “Bà Đất” được tặng. Màu xanh cốm của bánh từ vỏ cho tới lơp nhân thật đep, mùi thơm nhẹ của lá dong, của màu nhuộm gạo bằng nước lá riềng tạo nên mùi vị quyến rũ vị giác. Cắn miếng bánh mềm mà không dính, nhân đỗ và thịt lợn quyện vào ngon lạ, ăn không thấy ngán. Tôi và nhiều thành viên trong đoàn đã đề nghị chị Hải Yến đặt bánh chưng “Bà Đất” để cho Tết Giáp Thìn. Mặc dù anh Chính thông tin là cơ sở đã nhận đơn đặt hàng 6.500 bánh chưng “Bà Đất” từ Hàn Quốc và Singapo, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng có bánh chưng “Bà Đất” vào dịp Tết cho những phan hâm mộ như tôi.

       Chuyến hành trình “Tìm về nguồn cội, hướng tới tương lai” của đoàn cựu chiến binh do Win win Việt Nam và Izitour tổ chức không chỉ cho chúng tôi đến “Vị Xuyên – khúc tráng ca lịch sử” mà còn cho chúng tôi được thưởng thức một đặc sản của Hà Giang – Bánh chưng “Bà Đất”.

Hà Nội, 5/1/2024

N,V.N.