Tại xã Gia Điền các nhà văn nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyên Hồng được ở nhờ nhà bà Bủ Gái.
Bà chủ nhà có người con trai cả đi tòng quân đã lâu không có thư từ gửi về, bà Bủ Gái nhớ con hằng đêm khóc thút thít ở trong buồng. Trước tình cảnh này các nhà văn rất thương cảm và bảo Tố Hữu làm bài thơ để động viên bà Bủ Gái.
Một hôm, Tố Hữu ngồi ngắm trời mưa tầm tã tháng bẩy, liên tưởng bao nỗi nhọc nhằn và gian chuân, niềm thương nhớ của người con ngoài mặt trận với người mẹ ở hậu phương và nỗi lòng của người mẹ xa con, ông viết một mạch nên bài thơ “ BẦM ƠI “ Lấy tiếng gọi hàng ngày “Bầm” là mẹ, đó là tiếng gọi tha thiết của đứa con xa.
BẦM ƠI
Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
*
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
*
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
*
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
*
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
*
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.
*
Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
*
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.
*
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
*
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con...
(TỐ HỮU – 1948)
Bài thơ viết xong các nhà văn cầm chuyền nhau xem rồi đọc một lần đã reo lên vui sướng; chắc Tố Hữu đợt này sẽ thí được bà Bủ Gái bớt khóc rồi thôi khóc… Các nhà văn bàn nhau, chọn cách nói dối Bủ đây là thơ của con trai Bủ gửi về cho “Bầm” đấy. Rồi mọi người xúm quanh Bủ đọc cho Bủ nghe.
Bà Bủ Gái chăm chú nghe từng câu, mắt ngời sáng, vui hẳn lên, bớt buồn và nguôi khóc vì Bủ tin thơ con trai viết cho Bủ thật nên nghe xong bà nói với các nhà văn:
- “Đấy, thằng con trai tôi nó quyến luyến với tôi thế đấy các anh ạ”.
Sau đó thi thoảng bà Bủ Gái lại bảo Tố Hữu đọc bài thơ BẦM ƠI ngỡ của con mình cho Bủ nghe.. Tố Hữu đọc chậm diễn đạt hay hơn nên Bủ quý Tố Hữu lắm.
Bài thơ đã bay đi muôn phương, ra chiến trường, vào trận địa, các chiến sĩ nghe, thuộc chép chuyền tay nhau đọc học thuộc rồi ngâm khi đến làng bản xóm có dịp giao lưu quân dân…
Sau ngày hòa bình lập lại, người con trai của Bủ Gái trở về với quân hàm Đại tá, biết chuyện anh vui và tự hào lắm… Anh đã tìm đến thăm nhà thơ Tố Hữu ở Hà Nội, cảm ơn tác giả bài BẦM ƠI mà ngày ấy bộ đội các anh toàn chép và học thuộc lòng. Càng cảm ơn hơn khi biết nhờ có bài thơ ấy mà mẹ anh đỡ khóc vì nhớ thương anh. Nhà thơ Tố Hữu hỏi thăm sức khỏe bủ Gái; nhân trong nhà còn mảnh lụa do Bác Hồ tặng nhân dịp ông cưới bà Thanh, ông liền gửi về tặng bủ Gái. Bủ Gái giữ gìn nâng niu bộ quần áo lụa, cho đến khi hấp hối sắp chết các con mới tắm rửa, mặc vào cho Bủ để Bủ thanh thản ra đi …
Hơn sáu mươi năm đã qua. Một câu chuyện để đời, một tác phẩm để đời, ra đời tại vùng quê kháng chiến đã và đang vang vọng mãi cho tình quân với dân sâu nặng, là sức mạnh vô biên để chiến thắng mọi kẻ thù.
Nguồn FB: Ngan Kim
Theo Trái tim người lính