link tải gowin99 mới nhất

Bài kệ nổi tiếng của Thiền sư Mãn Giác

Thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096), được coi là thiền sư nổi tiếng của phái Vô Ngôn Thông. Ông nổi tiếng thông minh, có tài văn học. Đến nay, nhiều người biết đến ông qua bài kệ “Cáo tật thị chúng”.
thien-su-man-giac-1635001963.jpg
Thiền sư Mãn Giác. Ảnh internet

Theo tài liệu, Đại sư Mãn Giác tên tục là Nguyễn Trường (theo là Lý Trường 李長), cha là Hoài Tố làm chức Trung thơ Viên ngoại lang. Thiếu thời, Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu hai bên, Nguyễn Tường nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho, Thích nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, Nguyễn Tường thường chú tâm vào Thiền học.

Đến khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng nên vua Lý Nhân Tông ban cho Nguyễn Trường hiệu Hoài Tín. Sau đó, Hoài Tín dâng biểu xin xuất gia, học với Thiền sư Quảng Trí và vân du khắp nơi. Sư là bậc lĩnh tụ pháp môn trong một thời, được vua Lý Nhân Tông cùng hoàng hậu hết sức kính nể và dựng chùa Giáo Nguyên thỉnh Sư làm trụ trì.

Thông tin từ vietsciences.org, cho biết thêm rằng, Thân phụ Mãn giác là Lý Hoài Tố, từng làm đến chức Trung thư ngoại lang dưới hai triều Lý Thánh Tông (1051-1072) và Lý Nhân Tông (1072-1128), và chắc là rất thông hiểu chữ nghĩa, vì đã được Triều đình cử làm Chánh sứ trong đoàn sứ bộ Việt Nam đi sang Trung Quốc vào năm 1073 để báo tin Lý Thánh Tông mất. Thế nhưng, mặc dù xuất thân trong một gia đình như vậy, và mặc dù cậu bé Lý Trường được vua Lý Nhân Tông rất mực sủng ái, cho vào cung học tập từ nhỏ, lại đặt tên cho là Hoài Tín, Lý Trường vẫn không đi theo con đường của cha. Ông không trở thành một người cận thần của nhà vua mà tự chọn lấy con đường mình thích: rèn luyện kiến thức Phật giáo và Nho giáo đến mức uyên bác, rồi kế thừa tâm ấn của Thiền sư Quảng Trí ở chùa quán Đính, núi Không Lộ, đi vân du khắp nơi, trở thành một vị Thiền sư tên tuổi, có rất đông học trò, được tôn là người tiêu biểu cho thế hệ thứ tám, dòng Thiền Quan bích.

Trong suốt cuộc đời tu hành của mình, Mãn Giác chỉ để lại một tác phẩm duy nhất, nhưng cũng là một tác phẩm độc đáo của nền văn học thời Lý còn lại đến nay. Đó là bài kệ có tính cách di chúc viết dặn lại học trò trước lúc mất, một bài thơ đã gây cho rất nhiều thế hệ bạn đọc trong gần chín thế kỷ qua những cảm xúc trái ngược, và cho đến nay, sự tranh luận vẫn chưa phải đã ngã ngũ.

Bài kệ như sau:


Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.


Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!

Sau đây là phần dịch nghĩa của chúng tôi:

Mỗi năm khi mùa xuân qua đi, trăm hoa đều rơi rụng,
Nhưng mỗi năm mùa xuân lại tới và trăm hoa lại nở.
Sự việc đuổi nhau qua trước mắt,
Cái già sồng sộc tới trên đầu,
Tuy nhiên, chớ bảo rằng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua đây thôi, trước sân, một nhành mai lại nở.

Có thể nói, không ai là không có một ấn tượng mạnh mẽ, một sự xao xuyến với tất cả tâm linh, khi đọc bài thơ. Nhưng cắt nghĩa sự xao xuyến đó như thế nào thì mỗi người một khác. Bảo rằng người đọc bị bài thơ của Mãn Giác chinh phục là vì bằng tâm thức nghiệm sinh mà mỗi người vẫn có, chúng ta lĩnh hội được trong bài thơ đó những phát hiện tinh vi của tác giả về cái quy luật tiến hóa của sự sống vẫn diễn ra không ngừng, nghe cũng thật có lý. Nhưng bảo rằng người đọc rung động chỉ vì bị cấu trúc nghệ thuật của bài thơ đánh lừa, vì tác giả khéo hình tượng hóa thời gian và đời người bằng hai đại lượng rất giàu thi hứng là xuân và hoa, lại khéo đặt chúng trong mối quan hệ vừa thuận chiều, vừa có vẻ như tương phản, chứ bản thân cách lý giải sự tiến hóa của sự sống trong bài thơ chưa có gì vượt khỏi quan điểm tuần hoàn, hình như cũng không phải là sai.

Vậy thực chất bài thơ là như thế nào?

Chắc chắn chúng ta đều nhất trí với nhau: đây là một tác phẩm giải thích về cái sinh cái tử. Cái sinh cái tử là thông thường, đời người có sinh ra, có già đi, và có chết, cũng là chuyện thông thường. Bốn câu đầu rõ ràng nói lên ý đó, cũng tức là làm cho người đọc hiểu và cảm thông một cách thanh thản với tác giả, khi tác giả đang trên giường bệnh, đang ở điểm mút cuối của cái hiện kiếp của mình. Sự cảm thông này dĩ nhiên buộc phải dựa trên triết lý tuần hoàn của nhà Phật. Vũ trụ này là tuần hoàn, là vĩnh viễn sinh sinh hóa theo luật nhân quả, và người đời - sắc thân mà mỗi con người mang lấy, do nghiệp của kiếp trước chuyển hóa mà có, cũng chỉ là một trong những hình thức biểu hiện lẽ tuần hoàn của vũ trụ, nó là sự biến diệt không tránh khỏi và không trừ một vật gì ở trên đời này:

Xuân ruổi, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi... 

Chấp nhận lẽ tuần hoàn, để đừng có những cuồng vọng về sự trường sinh bất tử của cá nhân, đừng bị lục tặc (sáu tính xấu trong con người) hành hạ, làm cho tâm trở nên rối loạn - âu đó cũng là một biện pháp khai phóng tâm lý rất hay của người theo đạo Thiền, nó giúp người ta dẹp bớt đi bao nhiêu tham, sân, si, ái, ố dục vô ích, không những làm khổ mình còn làm khổ lây rất nhiều đồng loại khác nữa. Chỉ xét ở bình diện đầu tiên ấy, bài thơ cũng đã có một tác dụng cảnh tỉnh không nhỏ.

Tuy nhiên, chủ ý của bài thơ có lẽ lại không phải chỉ có chừng đó. Vấn đề là nếu vũ trụ này chỉ là tuần hoàn, mọi hiện tượng, sự vật đều phải qua quá trình vận động luẩn quẩn, lặp đi lặp lại, thì liệu kiếp người có trở nên vô nghĩa, và không còn chỗ nào để ta bám lấy mà tin vào sự trường tồn và phát triển của sự sống nhân loại nữa chăng? Đó chính là một điều băn khoăn thường có của thế nhân, không thể phút chốc dùng lý trí mà dẹp đi được. Và nếu bài thơ chỉ giải đáp được những điều vừa nói ở trên thì chắc chắn nó cũng chỉ mới như một sự áp đặt, bắt người đọc phải trượt trên một đường rãnh đã mòn trong tư duy - một thứ giả thuyết tuần hoàn có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa - chứ không thể gây được một xúc động bất ngờ, hứng thú, một đột biến thẩm mỹ có giá trị bền vững lâu dài trong nhiều thế kỷ nay, như chúng ta đã biết qua lịch sử bài thơ.

May thay, bài thơ còn có hai câu cuối. Và hai câu cuối như một phản đề, đã lật ngược lại, làm cho vấn đề tưởng chừng đã trọn vẹn theo lô-gich từ đầu của nó, thì lại bỗng bật ra những tia sáng không ngờ. Người làm thơ khuyên giải đồ đệ chấp nhận lẽ tuần hoàn. Nhưng biết rằng trong tâm hồn ưa chuộng sự hiện hữu của người đời, và có lẽ ngay trong chiều sâu của tâm tưởng ông, sự giải thích tuần hoàn vẫn chưa đủ để hoàn toàn thuyết phục. Người ta ghi nhận nó bằng lý trí, bằng niềm tin ở Đạo, bằng tâm thế chịu đựng là cùng lắm, chứ không phải bằng tất cả bản năng và xúc cảm sống. Và chính là từ trong các mối mâu thuẫn giằng xé, không tự ý thức được ấy, một ánh sáng của trực giác đã đột ngột bật ra trong tâm linh của vị Thiền sư họ Lý khiến cho trong phút chốc ông như được đốn ngộ. Ông vụt nói to lên cái chân lý vừa lóe hiện rực rỡ trong lòng:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một nhành mai..

Không! Tuần hoàn không phải là quy luật chi phối thế giới hiện hữu này! Mà thế giới này thực chất là sinh sôi nẩy nở. Ngay khi mà rất nhiều hiện tượng tưởng chừng như đều châu tuần vào cái vòng quay của tuần hoàn thì cũng vẫn có những hiện tượng nào đấy chống lại nó. Và đó mới là thực chất của sự sống, cái đặc thù đôi khi lại là biểu hiện của một cấp độ cao hơn của cái phổ biến.

Nghiêm túc mà xét, điều Mãn Giác nói với ta không có gì vượt khỏi nguyên lý của cái Đạo mà ông đeo đuổi. Bởi vì theo Phật giáo thì vũ trụ này dù hiển hiện ra dưới những sắc tướng mong manh đến thế nào, bản thể của nó vẫn là như như, là cái tâm thường trụ. Sắc tướng thì vô thường, biến diệt trong chớp mắt, nhưng bản thể vĩnh hằng của vũ trụ không bao giờ thay đổi. Vậy, nếu như người tu hành ngộ được điều đó, biết đồng nhất tâm thức của mình với cái Tâm bản thể, cái chân như bất sinh bất diệt của vũ trụ, thì có cái gì nằm trong thế giới lục trần - những thanh, sắc, hương, vị, xúc, pháp - lại có thể làm xao xuyến được tâm thức anh ta, làm cho anh ta rơi vào vòng luẩn quẩn của chúng sinh, mê muội trong mọi nỗi khổ trần thế và bị sự tuần hoàn câu thúc? Anh ta sẽ đạt đến trạng thái tĩnh lặng của cái Tâm, sẽ hồn nhiên như cây cỏ, sẽ tự mình hòa làm một với cái Tâm của vũ trụ, và sẽ cùng với vũ trụ trường tồn...

Đối với Thiền, giác ngộ ra được chân lý về sự trường sinh bất tử đó không bắt buộc phải trải qua một quá trình dài tu hành, trì giới, mà chỉ cần có một bước nhảy vọt trong chiều sâu của tri giác, nhờ vào một hiện tượng bên ngoài (một động tác giơ tay, một tiếng quát v.v...) mà lý trí thông thường không sao hiểu nổi. Có thể nói đó là một cuộc đảo lộn về trực giác, ở đó yếu tố cảm hứng, trạng thái xuất thần, đóng vai trò quan trọng. Cho nên, con người thấm nhuần Thiền đến độ như Mãn Giác đã không dài dòng lý giải mà chỉ dùng hình ảnh một nhành mai đột ngột nở bung ra sau một đêm cuối xuân - khi trăm hoa đã hoàn toàn rơi rụng - để làm biểu tượng cho sự ngộ đạo kỳ diệu này. Và đó không còn là tuần hoàn nữa. Tuần hoàn dừng lại trước ngưỡng cửa của hiện tượng nở bừng đó. Người tu hành đã đạt đến chân lý - anh ta đã trở thành Phật, tức là trường tồn cùng với bản thể của vũ trụ, trong một tâm thế hân hoan, lâng lâng, xuất thần:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một nhành mai

Đó là đứng về góc độ triết lý Thiền mà tiếp cận bài thơ. Song lại còn phải tiếp cận bài thơ ở một góc độ khác: góc độ của cảm xúc thực tiễn. Phần lớn người đọc xưa nay đều đến với bài thơ từ góc độ này. Cành mai nở bung ra chỉ trong một đêm cuối xuân chứng tỏ điều gì - nếu không là chứng tỏ cái ý nghĩa tiến hóa sâu xa vượt lên khỏi phạm vi tuần hoàn của sự sống? Và điều Mãn Giác khuyên học trò của mình là gì - nếu không là một lời khuyên ý nhị và tinh tế: hãy phát hiện cho được sự sống ở cái khía cạnh tiến hóa sâu xa và quan trọng ấy, chứ không phải là ở những biểu hiện thông tục lặp đi lặp lại, của lẽ tuần hoàn?

Có lẽ có người cho chúng tôi đã gán cho Mãn giác những điều nằm ngoài phạm vi hiểu biết và suy tưởng của nhà thơ. Mãn Giác, như chúng ta biết, trong cuộc đời là một người rất thực tiễn. Đặc biệt con người thực tiễn ấy chịu ảnh hưởng của vua Lý Nhân Tông - một nhân vật tiêu biểu cho võ công văn trị của nhà Lý - từ thuở nhỏ. Mà Lý Nhân Tông thì từng khuyên vị Thiền sư dòng dõi hoàng tộc này một câu chí lý, được Thiền uyển tập anh trân trọng ghi lại, mà chính Mãn Giác cũng ghi nhớ như một phương châm hành động trong suốt cuộc đời mình: Bậc chí nhân hiện thân giữa cõi đời này tất phải tế độ chúng sinh. Không hạnh nào không đầy đủ, không việc gì không chăm lo. Chẳng những đắc lực về Thiền định mà cũng còn có công phò tá nước nhà nữa. Hãy nên kính cẩn gánh vác trách nhiệm đó.

Đủ thấy, con người Mãn Giác không hề xa lạ với hoạt động thực tiễn, cũng là người có con mắt tinh tường đáng kể, không bỏ qua dù chỉ là một hiện tượng nhỏ nhặt của cái đẹp của sự sống, vốn từ trong thực tiễn mà nẩy nở, kết tinh. Cho nên, hai câu cuối bài thơ không thể là cái gì khác, ngoài cái chân lý hiển nhiên về sức mạnh của sự sống, sự vận động biến hóa không ngừng của thế gian này, mà từ trong hoạt động thực tế của chính mình, Mãn Giác đã ngày càng hiểu dần ra và một lúc nào đó, chân lý sống kia đã hoàn toàn chiếm lĩnh cảm thức của ông, làm lay đảo quan điểm tuần hoàn của nhà thiền học trong ông, và làm cho ông đốn ngộ.

Để soi sáng thệm cho vấn đề mà chúng ta đang bàn luận, ta hãy nhìn sâu vào nhịp điệu, tiết tấu, vào thi pháp của bài thơ. Một điều rất lạ là bài thơ này không kết cấu một lèo theo thể thơ cùng kiểu câu 4 chữ, 5 chữ hay 7 chữ mà các bài kệ thời Lý - Trần thường dùng đến. Mà đây là sự kết hợp giữa thể thơ 5 chữ với thể thơ 7 chữ. Ở phần trên, phải diễn đạt sự tuần tự trôi chảy của thời gian, một chiều hướng tiến triển ngỡ như tuần hoàn, thì tác giả dùng thể thơ 5 chữ. Nhưng khi nhà thơ lật lại triết lý tuần hoàn, xác nhận sự sống không đều đều tiệm tiến như thường tục vẫn nghĩ, thì câu thơ 5 chữ đột nhiên kéo dài ra, chuyển sang thơ 7 chữ. Không phải chỉ có vậy. Nhịp điệu và tiết tấu của từng câu thơ còn đóng một vai trò quan trọng hơn. Bốn câu đầu, ngắt nhịp 2/3 đều đặn, phù hợp với nội dung nói đến lẽ tuần hoàn:


Xuân ruổi / trăm hoa rụng,
Xuân tới / trăm hoa cười.
Trước mắt / việc đi mãi,
Trên đầu / già đến rồi.


Nhưng chuyển sang hai câu kết thúc thì khác. Đây là một mệnh đề đảo ngược, một mệnh đề cần có lượng thông báo mới, do đó tác giả đã cấu tạo hai cách ngắt nhịp khác nhau, khiến chúng biến hóa sinh động. Câu 7 thứ nhất là cả một mệnh đề y nguyên, không ngắt một nhịp nào cả, gây cho người ta cái cảm giác mạnh mẽ, lôi cuốn, về điều mà nhà thơ sắp thông báo:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Bao nhiêu dấu hỏi tại sao sẽ gợi lên trong trí chúng ta trước một mệnh đề chuyển chiết sừng sững như vậy. Và đó sẽ là một dấu nối để chuyển xuống câu 7 thứ hai cũng là câu thơ cuối cùng, là một thông điệp mới mẻ, với một sự ngắt nhịp trang trọng: hai nhịp hai mở đầu để tạo cảm giác chậm rãi, giúp người đọc tiếp cận từ từ với chân lý. Và một nhịp ba kết thúc, là sự hé mở đột ngột của chân lý, có tác dụng nói với người ta rằng: sự sống là vĩnh cửu, quy luật tiến hóa của sự sống là vĩnh cửu:

Đêm qua / sân trước / một nhành mai

Tưởng không cần luận giải kỹ càng hơn nữa cũng đủ thấy, hình tượng cành mai nở trong đêm cuối cùng của mùa xuân trong bài kệ tuyệt bút của Mãn Giác là một hình tượng bất hủ của thơ ca Thiền đời Lý. Lượng thông báo của hình tượng này quả là phong phú, đa nghĩa. Và Mãn Giác, nhà Thiền học, người sùng đạo, cũng đồng thời là một nhà thơ biết phát hiện cái ý vị đẹp đẽ, cái ý nghĩa thẩm mý quý giá của sự sống dài lâu của con người trên trái đất này.