Sinh thời, Bác đi tới đâu, là ở đó vang lên bài hát Kết đoàn: "Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang…". Nói chuyện với các cụ phụ lão, với thanh niên, với các cán bộ, đảng viên, với quân đội, công an, với phụ nữ và cả các em nhi đồng… Bác đều dặn dò: Đoàn kết, yêu thương lẫn nhau…
Rất nhiều lần, Người nói với chúng ta: "Đoàn kết là truyền thống cực kì quý báu của dân tộc ta". Rất nhiều lần, trong những bài thơ vận động cách mạng của mình, Bác đều nói đến chữ "đồng".
"Khuyên ai nên nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng chí, đồng lòng, đồng minh"
"Nước nhà giành lại nhờ gan sắt
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng"
Tháng 3/1944, trong Đại hội các đoàn thể Cách mạng Việt Nam ở Liễu Châu (Trung Quốc), Bác nói: "Quân thù không sợ cái gì, chỉ sợ nhân dân Việt Nam đoàn kết".
Ngày 14/7/1969, trong buổi tiếp và trả lời nữ đồng chí Mác-ta Rô-hát, phóng viên báo Gran-ma, Cu Ba, Bác nói: "Đồng chí hỏi rằng, theo ý kiến tôi, sức mạnh của Nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào? Sức mạnh sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của Nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của Nhân dân thế giới".
Có lẽ, không có một người dân Việt Nam nào lại không thuộc câu thơ của Bác:
"Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết/Thành công, Thành công, Đại thành công"
Một lần, Bác hỏi đồng chí Tố Hữu: “Chú có biết, vì sao Bác viết ba từ "Đoàn kết - Đoàn kết - Đại đoàn kết" không?”
Đồng chí Tố Hữu còn đang suy nghĩ, thì Bác đã nói ngay: “Chữ Đoàn kết thứ nhất là Bác viết: "Đoàn kết toàn Đảng", chữ Đoàn kết thứ hai là Bác viết "Đoàn kết toàn dân", còn Đại đoàn kết là "Đoàn kết quốc tế" đấy chú ạ!”
Đoàn kết toàn Đảng là nền tảng để đoàn kết toàn dân. Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân và còn phải đoàn kết quốc tế nữa, mới đem lại sức mạnh cho chúng ta.
Trong suốt cuộc đời đấu tranh cho nền độc lập tự do và hạnh phúc của Nhân dân, Bác đã làm đúng theo câu thơ của mình và trở thành biểu tượng đẹp đẽ nhất của khối đại đoàn kết toàn dân.
Đọc lại những tác phẩm, bài viết, bài nói quan trọng của Bác trong suốt 50 năm qua, từ năm 1919 đến 1969 trong "Hồ Chí Minh toàn tập", các nhà nghiên cứu cho thấy các bài viết đề cập đến vấn đề đại đoàn kết dân tộc của Bác đã chiếm tới trên 40%. Hai chữ "Đoàn kết" luôn xuất hiện trong những bài viết, bài nói của Bác. Có thể nói, đại đoàn kết là một tư tưởng lớn, một nội dung xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Nhờ sức mạnh đại đoàn kết to lớn đó, Cách mạng Tháng Tám đã thành công và dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Cũng nhờ chính sách đại đoàn kết ấy mà ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Người đã thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước. Không chỉ những trí thức nổi tiếng, mà cả những nhân sĩ yêu nước, quan đại thần của chế độ cũ… cũng tự nguyện đi theo cách mạng, đi theo Cụ Hồ.
Với chính sách đại đoàn kết của Đảng và Bác, Cách mạng Việt Nam đã trải qua những trang lịch sử đẹp như truyền thuyết. Không ai ngờ rằng, Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 mà Bác đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử lại được Người viết trong căn nhà của một người tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Và năm 1946, khi sang thăm Pháp, Bác Hồ đã trao lại quyền Chủ tịch nước cho một nhân sĩ yêu nước ngoài Đảng - cụ Huỳnh Thúc Kháng với niềm tin tuyệt đối, và lợi dặn "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"…
Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Không chỉ gần 100 triệu người con trong nước, mà hàng triệu những con Lạc cháu Hồng, những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, cũng hướng về Tổ quốc, mong muốn góp phần xây dựng nước nhà.
Tư tưởng Đại đoàn kết đã trở thành ngọn cờ chỉ đạo cho công tác vận động cách mạng trong thời kì mới. Trước khi đi xa, trong Di chúc của mình, mặc dù phải dặn lại rất nhiều công việc quan trọng, Bác đã 8 lần nhắc đến đoàn kết. Đặc biệt trong phần nói về Đảng, Bác 5 lần nhắc đến đoàn kết, bởi vì đoàn kết toàn Đảng chính là nền tảng để đoàn kết toàn dân.