Ba hoa xích tốc nghe cũng lạ thực. Bởi không rõ xneuất xứ từ đâu mà lại có hai chữ “xích tốc” vào đây. Từ điển Thành ngữ Việt Nam (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1993) còn thống kê thêm các thành ngữ cùng nội dung ngữ nghĩa nữa: ba hoa thiên địa, ba hoa thiên tướng, ba hoa xích đế. Các thành ngữ trên đều được chuyển chú, xem ba hoa chích choè, với nghĩa “Nói nhiều, nói luôn miệng, khoe khoang hết chuyện này đến chuyện khác”. Có lẽ dân gian lấy chuyện chích choè (chim cỡ bằng chim sáo, lông đen bụng trắng, thường kêu “chích choè”) hay nhảy nhót, đuôi ngoáy lung tung, kêu cũng lung tung làm biểu trưng cho sự ba hoa, không từ tốn (ba hoa: nói quá nhiều, thường có ý khoe khoang). Còn ba hoa thiên tướng thì có lẽ người đời quan niệm, những ông “tướng nhà trời” cậy thế hay khua môi múa mép chăng. Ba hoa thiên địa (thiên địa: trời đất) cũng vậy. Nói đủ thứ trên trời dưới đất (một tấc đến trời) thì rõ ràng là thuộc diện ba hoa, không tin được.
Thành ngữ ba xí ba tú lại có gốc từ tiếng Pháp. Đó là cách đọc trại âm của tổ hợp từ Pháp "par-ci par-tout". Thành ngữ này dùng để chỉ ai đó “không giỏi, biết lõm bõm, chỗ này một ít, chỗ kia một ít, biết lỏi”. Ví dụ: Hoàng Tích Chu học dở chết đi, rỗng như đít bụt… Chu thì chữ Nho một vốc, chữ Tây ba xí ba tú chứ có xôm gì! – Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo (Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Đức Dân, Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP Hồ Chí Minh, 1992).
Bắt đầu cũng một chữ "ba"
Một là gốc Việt, một là gốc Tây.