Hồi cấp 3 và sau này học đại học, tôi ở ký túc xá cùng các bạn. Bạn bè tôi hay nhắc “Bố tớ đặn thế này, bố tớ bảo thế kia”, còn tôi, lúc nào tôi cũng bảo “Anh trai tớ kể chuyện này, anh trai tớ làm thế kia”. Lúc nào điệp khúc “anh trai tớ” cũng gắn liền với mọi câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe.
Tôi không có hoài niệm về bố vì ông mất đột ngột lúc tôi mới 2 tháng tuổi, chị tôi 2 tuổi, 4 tuổi, 6 tuổi, 8 tuổi , anh trai tôi lúc đó 13 tuổi. Anh đã yêu thương tôi bằng tình thương của người bố và người anh cộng lại.
Ngày 6 Tết năm 1967, bố tôi mất. Khi đó anh trai đầu của tôi đã lên đường vào Nam chiến đấu, chị thứ 2 đang học trường Cao đẳng sư phạm, anh trai thứ ba của tôi 13 tuổi đang học lớp 6 trường làng. Nhìn 6 đứa con còn nhỏ dại mẹ tôi ngất xỉu không biết mấy lần.
Thời điểm giặc Mỹ điên cuồng đem bom đánh phá Miền Bắc. Chị tôi 16 tuổi đang học Cao đẳng sư phạm, bỏ học về nhà để chăm em nhưng anh trai tôi bảo “Chị đi đi, học để sau này kiếm nghề mà sống, em đàn ông sức dài vài rộng, làm nông cũng được”. Chị tôi gạt nước mắt đi học tiếp.
Thầy giáo dạy anh tôi chạy đến nhà khi nghe tin anh tôi bỏ học “Em gắng đi học đi! Em học giỏi, sau này có thể nhà nước xét cho đi du học nước ngoài”. Nhưng rồi thầy nhìn 5 đứa nhỏ, 2 tháng tuổi là tôi, đỏ hỏn, các chị 2, 4, 6, 8 tuổi, mũi chảy thò lò, áo quần rách nát nằm, ngồi lổm nhổm giữa căn nhà tranh, vách đất dột nát khắp nơi, thầy lắc đầu buồn bã ra về.
Anh tôi 13 tuổi, trở thành trụ cột trong nhà. Anh cuốc đất trồng rau, khoai, sắn trong vườn và trông chừng 5 chị em tôi. Mỗi khi máy bay Mỹ tới, anh một tay ôm tôi, một tay bồng người chị 2 tuổi chạy xuống hầm, 3 chị tôi chạy theo sau. Mẹ tôi đi từ sáng đến tối mới về, tôi khát sữa khóc lịm. Anh tôi biết chắt nước cơm dùng lá chuối cuộn lại rót vào miệng tôi từng giọt một. Tôi đã sống nhờ những giọt nước cơm đó và có lẽ anh tôi đã rót vào miệng tôi tất cả tình yêu thương và lòng hy vọng nên tôi đã sống.
Anh tôi làm quần quật suốt ngày để ra bông lúa hạt gạo. 13 tuổi nhưng anh biết làm đủ thứ, anh biết đan nơm úp cá, biết làm nỏ bắn chim, mò cua bắt ốc. Cơm là thứ xa xỉ nhất còn nữa là khoai, bắp chuối , rau lang, rau má… nên anh thường ăn khoai, rau má nhường cơm cho chúng tôi.
Anh vừa cày cấy dưới ruộng vừa trông chừng máy bay Mỹ. Anh ôm tôi trong lòng, dùng cả người anh che chở cho tôi, chạy tới mô đất gần nhất ẩn nấp khi bom dội. Đêm, tôi nằm ngủ với anh trong đống rơm. Anh kể cho tôi nghe về bố, rằng ông là người đàn ông tốt nhất trên đời và ông yêu thương chúng tôi rất mực. Anh kể cho tôi nghe chuyện Tấm Cám, những chuyện cổ tích mà anh đã đọc. Anh bảo mai này đất nước hòa bình, nhất định em sẽ học lên Đại học, học cho cả phần anh nữa.
Gia đình tôi có anh Huy là anh đầu đã đi bộ đội. Năm 1972, tổng động viên trên cả nước. Anh Huy đang ở Chiến trường nên anh Lượng - mà lúc nào tôi cũng gọi là anh trai tôi không được đi bộ đội mà đi dân công hỏa tuyến.
Anh tôi đi dân công hỏa tuyến trở về, sốt rét, da xanh tái. Anh về làng chặt tre, dựng lại lán trại và làm lụng cật lực để nuôi cả nhà. Các chị tôi lại được đến trường, một buổi đi học, một buổi đi mót lúa, mót khoai kiếm sống dưới bom rơi đạn nổ.
Năm 1973 Hiệp định Paris ký kết, hòa bình lập lại trên Miền Bắc. Chúng tôi về lại vườn xưa. Anh tôi chặt tre dựng lại nhà, đào gốc cau trồng khoai lang, rong giềng, đậu, lạc,…rồi làm Tổ trưởng tổ sản xuất, cùng dân làng xây dựng lại quê hương.
Ngày 30/4/1975 Miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh trai đầu của tôi trở về - “Anh Huy về!”, cả nhà tôi reo lên. Anh kể, Đại đội anh chiến đấu ở Đường 9 Khe sanh, Nam Lào, hy sinh hết ¾ quân số. Anh tôi nguyên vẹn dù bị thương khắp người nhưng chỉ ở những phần mềm.
Niềm vui đoàn tụ của cả gia đình chưa lâu thì chúng tôi đối diện với đói rét và bệnh tật. Mẹ tôi vẫn bị đau nhói ở ngực và thi thoảng ho ra máu. Chị Quế gần như bị suy kiệt vì mất máu quá nhiều. Chị Hường thi thoảng lên cơ co giật. Anh Huy, Anh Lượng vẫn bị những cơn sốt rét hành hạ. Có những lúc, một bên là anh Lượng đang lên cơn rét, một bên là anh Huy đang lên cơn sốt, mẹ tôi ngồi giữa đau đáu chịu đựng cùng con. Không có lấy một viên ký ninh, các anh tôi đã nuốt không biết bao nhiêu con giun đất để chống lại cơn bệnh sốt rét. Cuối cùng sự kiên cường của các anh đã chiến thắng, đẩy những cơn sốt rét về lại rừng xanh.
Anh, tôi và chị Lý, chị Lan thì có thể ăn cám, rau má thay cơm nhưng chị Hường và chị Quế thì không thể, các chị còn chưa lại sức nên ăn cơm thì nuốt được chứ ăn các thứ khác là ói ra. Mẹ tôi vừa bớt đau thì lại quang gánh trên vai rong ruổi khắp chợ Rú, chợ Trổ, chợ Tỉnh mua rau muống, rau cải, khoai sắn gánh về chợ Cày bán để kiếm tiền đong gạo. Anh tôi dành lấy tất cả việc đồng áng nặng nhọc để các chị tôi được đến trường. Học xong cấp 2 thì các chị nghỉ học và lần lượt lên đường nhập ngũ. Mỗi lần các chị đi, mẹ tôi lại khóc nhưng anh tôi bảo “Đi bộ đội thời bình không cơ cực như thời chiến đâu mẹ, với nữa các em đau ốm vậy đi còn có nhà nước giúp đỡ chứ ở nhà sức đâu các em làm nông nghiệp”. Quả đúng như anh tôi nói, trong quân ngũ, các chị tôi học tiếp bổ túc và tốt nghiệp cấp 3. Chị Quế được đơn vị ưu tiên cho các loại thuốc bổ nên sức khỏe chị khá dần, chị được học thêm nghề ý tá. Xuất ngũ, chị làm y tá cho bệnh xá trường Đại học sư phạm Vinh. Chị Lan sau 4 năm đóng quân ở Hòa Bình được đi học công nhân Kỹ thuật ở Liên xô và sau này chị về làm nhân viên công ty du lịch Cửa Lò. Chị Hường đóng quân ở Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội, đã được đơn vị đưa vào bệnh viện 108 mổ lấy mảnh đạn trong đầu, tay và chân ra. Từ ngày gắp mảnh đạn trong đầu ra, chị khỏe dần và không lên cơn co giật nữa. Chị ở lại quân ngũ và trở thành “chị nuôi” của đơn vị.
Nhà còn chị Lý, anh và tôi. Anh bảo: “Khó khăn thế nào cũng gắng cho em út học lên Đại học”. May thay, vào năm cấp 3 tôi đậu vào trường Năng khiếu Phan Bội Châu - Nghệ Tĩnh. Tôi được nhà nước nuôi ăn học.
Tôi đậu đại học và được chọn đi du học nước ngoài, cả nhà tôi vui mừng khôn xiết. Ngày ra đi, anh tôi dặn “Nhà mình nghèo khó suốt đời nhưng chưa bao giờ làm điều gì không phải. Em là đứa con “Danh giá” nhất nhà, em phải sống đúng với truyền thống gia đình “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Tháng 8/1985, tôi qua Kishinew học. Anh tôi dặn “Em đi nước ngoài, học cái gì tiến bộ về xây dựng quê hương chứ người dân mình đang cơ cực quá”.
Tôi nhận được thư của anh “Em biết không, bố mình mất sớm vì tham gia kháng chiến chống Pháp, bị giặc bắt bớ đánh đập nhiều lần nên kiệt sức chết non. Bao nhiêu máu xương của cha ông đã đổ xuống mới dành được độc lập, tự do… Nếu không có sự cưu mang, đùm bọc của xóm làng, cả gia đình ta đâu còn vẹn toàn như hôm nay. Ơn nghĩa đối với Tổ quốc, quê hương trả bao giờ cho hết hả em? Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng chúng ta đang được sống trong hòa bình. Em về đi, về xây dựng quê hương, anh không tin cái từ “lưu vong” lại gắn với tên tuổi đứa em út yêu qúy nhất của anh. Mảnh đất này dẫu còn nhiều khắc nghiệt, vẫn bao điều tha thiết chờ em”…
Sau này, mẹ tôi kể, khi nghe tin tôi học xong không về nước mà trở thành kẻ “lưu vong” anh tôi hút thuốc suốt đêm không ngủ. Sáng dậy, anh chặt mấy cây tre trong vườn mang ra chợ bán, đến tận bưu điện Huyện mua tem và phong bì về ngồi viết thư cho tôi rồi tự anh mang thư đi gửi. Mẹ tôi không biết chữ, cứ sợ anh viết mắng nhiếc tôi.
Tôi hứa với anh. “Anh yên tâm, Em sẽ về ngay sau khi nhận được cái bằng tiến sỹ, em ở lại không phải lưu vong đâu anh.
“Em yêu quê hương, nhớ những buổi chiều quê
Căn nhà tranh đổ tan sau một lần bom oanh tạc
Và quanh em, những khuôn mặt người hốc hác
Thảng thốt, giật mình, ngơ ngác trước đau thương…”
Mãi tới năm 1998 vợ chồng chúng tôi mới về nước nhưng tôi đã không có được cái bằng tiến sỹ như đã hứa với anh. Chúng tôi bị chấn lột mất hết tiền nên tôi không có tiền để bảo vệ Tiến sỹ dù luận án đã viết xong.
Nhà tôi đã xây dựng lại, không dột nát như trước nữa. Tôi bảo “Em đi “Tây” bao năm mà chẳng giúp được gì cho anh”. Anh tôi cười hiền hậu: “Em giúp anh nhiều lắm rồi đó chứ, em đi học nước ngoài có học bổng chứ nếu em học trong nước, anh đã phải chặt cả vườn tre bán đi mới nuôi nổi em ăn học. Chỉ cần em có cuộc sống yên ổn, anh không phải lo lắng cho em nữa là em giúp anh nhiều lắm rồi”.
Năm 2003, tôi ly hôn, chỉ một chiếc xe máy và một đứa con 9 tuổi, một đứa 6 tuổi sau lưng, tôi đi ra khỏi nhà quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh gọi điện cho tôi: “Em về đi, về quê no, đói có nhau, anh chị sẽ cùng em nuôi các cháu ăn học. Một mình em đơn độc giữa đất Sài Gòn làm sao nuôi dạy được hai đứa con trưởng thành. Về đi em! Đừng để các cháu phải học hành dở dang như anh!” Lần đầu tiên sau gần 40 năm, anh tôi nhắc tới sự học hành dở dang của mình. Tôi nghẹn ngào: “Không sao đâu anh! Dù bất cứ hoàn cảnh nào em cũng nuôi dạy hai con trở thành người tốt. Cả họ nhà mình chỉ có em được học xong Đại học nên em quyết tâm để các con em được đến giảng đường Đại học”.
Tháng 9 (Tháng 7 âm lịch) năm 2006, chị tôi gọi điện, “Nhà có việc gấp, em về ngay”. Không có máy bay về Vinh, tôi bay thẳng ra Hà Nội khi đã 11 giờ đêm. Một giờ đêm xe về tới nơi, giữa gian bảy nhà một bó hương đang nghi ngút cháy phía trước quan tài. Chị dâu tôi khóc thảm thiết, bốn đứa cháu tôi đang tuổi ăn tuổi học, trắng một màu khăn tang. Anh tôi ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim, không kịp trăng trối lấy một lời.
Mẹ tôi vật vã: “Sao con không để mẹ đi còn con ở lại” “Lá vàng còn lại trên cây, Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời?”. Cả làng đi đưa đám anh tôi. Tất cả đều khóc thương anh tôi, họ nói với nhau “Nếu cán bộ xã thời nay mà ai cũng tốt như anh Lượng thì dân làng đỡ biết bao nhiêu”.
Đã 6 năm từ ngày anh ra đi, ba đứa con của anh đã tốt nghiệp Đại học, một đứa đang học trung cấp. Ngày đứa con trai đầu của tôi đậu vào trường Đại học Bách khoa Tp. HCM, tôi thắp hương trên mộ anh “Anh ạ! Anh hãy yên tâm! Em sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để các con em và các cháu con anh viết tiếp ước mơ của anh - ước mơ bước chân vào giảng đường Đại học. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào em sẽ sống như anh căn dặn “Đói cho sạch, rách cho thơm”.