Mảnh đất Duy Xuyên cũng như nhiều vùng đất khác của miền Nam Trung bộ, những tháng đầu sau ngày thống nhất đất nước, 30 tháng 4 năm 1975 – Thanh bình, tĩnh lặng và đượm chút lo âu.
Cầm trên tay khẩu AR15, chiến sỹ xe tăng Nguyễn Quý Lăng lách qua những lùm cỏ, bước nhanh trên con đường nhỏ để trở về đơn vị sau cả buổi sáng lang thang dưới nắng nóng. Đơn vị của anh mới chuyển về Duy Xuyên mấy ngày để khai thác tre, nứa về xây dựng doanh trại. Tranh thủ ngày nghỉ, Quý Lăng cầm khẩu AR15, chiến lợi phẩm đi khám phá vùng đất mới, tiện thể bắn được con gà rừng hay con chim để về cải thiện bữa ăn cho đồng đội. Đường về chỗ đơn vị đóng quân còn khoảng 2km, bi đông nước đã uống hết, cái khát bắt đầu hành hạ. Anh chiến sỹ xe tăng chợt phát hiện một ngôi nhà vườn nằm trên bãi bồi ven sông Thu Bồn. Quý Lăng bước qua cổng nhà không cánh và thấy một bà má đang ngồi với mấy đứa nhỏ trên hiên nhà.
- Con chào má ạ! – nghe tiếng chào bằng giọng Bắc, bà má giật mình nhìn ra. Thấy anh Giải phóng quân cầm khẩu súng bước vào, bà sợ hãi ôm mấy đứa nhỏ như một phản xạ tự nhiên.
- Dạ! Chào ông giải phóng quân – đôi mắt bà má nhìn xuống đất chứ không dám nhìn thẳng vào anh chiến sỹ. Quý Lăng chợt thấy trái tim mình thắt lại khi nghe bà má miền Nam gọi mình là “ông giải phóng quân”, anh chống báng khẩu AR15 xuống đất.
- Má ơi! con chỉ bằng tuổi con má thôi nên xin má cứ gọi con là con thôi. Con có công việc đi qua đây, khát nước quá mà nước con mang theo từ sáng đã hết nên con ghé vào xin má chút nước để uống thôi ạ, má và mấy đứa nhỏ đừng sợ - bà má nghe anh nói vậy thì ngước mắt nhìn lên nhìn anh như để kiểm chứng lời anh nói. Bộ dạng hiền khô của anh lính xe tăng miền Bắc đã làm bà má yên tâm hơn, mấy đứa nhỏ đã lân la đến bên anh. Bà mời Quý Lăng vô nhà và lấy ly nước đầy để anh uống. Quý Lăng ngồi lên tấm phản và cầm ly nước uống một hơi cho đã khát, má rót thêm cho anh một ly, nhưng vẫn giữ ý đứng cách anh mấy mét. Anh chiến sỹ xe tăng giờ mới có thời gian qua sát trong nhà, mắt anh chợt sáng lên khi thấy một cây đàn ghi ta còn khá mới treo trên cột nhà.
- Nhà mình có cây đàn ghi ta đẹp quá, má có thể cho con xem được không ạ? – Quý Lăng đề nghị. Bà má có đôi chút lưỡng lự, nhưng rồi bà trả lời.
- Dạ! được – rồi bà chủ động lấy cây đàn xuống đưa cho Quý Lăng.
Quý Lăng vốn là sinh viên khoa toán, trường đại học tổng hợp Hà nội. Anh nhập ngũ ngày 6 tháng 9 năm 1971. Sau khi nhập ngũ, anh được lựa vào binh chủng xe tăng và được đưa lên Vĩnh Phúc huấn luyện. Trong thời gian huấn luyện, do có năng khiếu văn nghệ nên Quý Lăng được đưa về Quân khu ba để học sáng tác nhạc. Vốn là dân học chuyên toán thời phổ thông, lại rất yêu âm nhạc nên Quý Lăng học nhạc lý rất nhanh. Anh tự tập đàn ghi ta theo sách và chỉ sau sáu tháng là anh đã nắm được các kỹ thuật cơ bản để chơi đàn ghi ta. Khi thành phố Đà Nẵng được giải phóng, đơn vị xe tăng của Quý Lăng được lệnh vào tiếp quản sân bay Nước Mặn, tiếp đó là tiến về Hội An thì dừng lại vì Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Đơn vị xe tăng của Quý Lăng chuyển về đóng tại Đại Lộc để hỗ trợ công tác quân quản khu vực Trung Nam Bộ.
Lính xe tăng sau 30 tháng 4 năm 1975 thì nhiệm vụ chủ yếu là tiếp quản khí tài, bảo dưỡng trang thiết bị nên cũng khá nhàn. Quý Lăng đã tìm đến các cửa hàng nhạc cụ tại thành phố Đà Nẵng và Hội An để tìm mua một cây đàn ghi ta, vậy mà tìm mãi chưa được cây đàn nào ưng ý. Chắc vì mới giải phóng các cây đàn quý đều được các cửa hàng bán nhạc cụ cất kỹ, chỉ bày bán các cây đàn rẻ tiền. Đàn rẻ tiền thì đương nhiên âm thanh không thể hay đối với các nhạc sỹ.
Nhận cây đàn ghi ta từ tay bà má, Quý lăng lên lại dây đàn rồi đánh thử vài hợp âm. Tiếng đàn ghi ta vang lên trong không gian yên ắng của ngôi nhà vườn bên dòng sông Thu Bồn như kết nối trái tim của người chơi đàn với tâm lòng vốn khép kín của bà má chủ nhà. Bà má vẫn đứng để nghe anh chiến sỹ xe tăng đánh đàn, nhưng ánh mắt của bà đã nhìn anh với vẻ thân thiện hơn, mấy đứa nhỏ thì xúm lại quanh anh để nghe anh đàn. Quý Lăng đánh bài “Xe chỉ luồn kim”, giai điệu bài hát dân ca Bắc Bộ ngọt ngào, thánh thót như làm tâm can bà má chùng xuống, hòa bình là có thật. Bọn nhỏ nhìn anh lính xe tăng với ánh mắt khâm phục, ngưỡng mộ. Một đưa trong chúng còn rón rén sờ ngón tay anh, như để khám phá, tại sao những ngón tay tưởng như chỉ để bóp cò súng lại có thể cho ra những âm thanh thánh thót như vậy?
Trước khi chia tay bà má và tụi nhỏ để trở về đơn vị, Quý Lăng chợt đề nghị:
- Má ơi! Má có thể cho con mượn cây đàn này khoảng hai, ba ngày để con đánh đàn cho đồng đội con nghe cho đỡ buồn, rồi con sẽ mang đàn trả lại cho má. Bọn con đóng quân cách nhà mình chừng 2 cây số thôi má – bà má bối rối trước đề nghị đường đột của “ông Giải phóng quân”. Bà cầm cây đàn, nhìn Quý Lăng lúc lâu như cân nhắc “nên hay không nên”, và rồi bà đưa cây đàn ghi ta cho anh lính xe tăng.
- Dạ được! ông giải phóng – vẫn là tiếng ông nhưng giọng bà má đã dịu nhẹ đi nhiều.
Cây đàn ghi ta mượn được của bà má bên dòng Thu Bồn đã giúp Quý Lăng và các đồng đội trong đơn vị xe tăng của anh có những buổi tối vui vẻ, thư giãn đầy âm thanh sau những ngày lao động vất vả. Bởi nhiệm vụ được giao nên Quý Lăng không thể mang cây đàn trả lại chủ nhân đúng hạn. Sau sáu ngày, kể từ ngày mượn đàn thì đơn vị của Quý Lăng được lệnh rời Duy Xuyên để quay về Đại Lộc. Quý Lăng quyết định mang cây đàn đến trả cho bà má mặc dù một đồng đội của anh khuyên.
- Anh mang luôn cây đàn ghi ta đi luôn đi, anh dùng đàn mới hữu ích chứ trả lại má chắc gì đàn được dùng. Chắc má cũng muốn tặng anh đấy – mấy đồng đội khác cũng có vẻ đồng tình với lời khuyên, nhưng Quý Lăng lắc đầu.
- Không được làm như vậy, mượn của dân là phải trả lại cho dân. Tôi mà lấy cây đàn này thì sao tôi có thể đàn được một khi nghĩ nó là đàn lấy trộm của dân – sáng hôm sau Quý Lăng mang cây đàn đến nhà bà má bên dòng Thu Bồn, từ xa anh đã thấy má, vẫn ngồi trong hiên nhà với mấy đứa trẻ.
- Con chào má! Con mang cây đàn đến trả má ạ - bà má giật mình ngước lên nhìn anh, ánh mắt ngỡ ngàng vì bà hình như không chuẩn bị cho tình huống “ông giải phóng quân” mang trả cây đàn ghi ta. Bọn trẻ thấy Quý Lăng thì reo lên như thấy người thân quen trở về.
- Cám ơn anh giải phóng, mời anh vô nhà uống nước – giọng má đã thân thiện hẳn khi mời Quý Lăng vào nhà.
- Sao nhà chỉ có má với mấy đứa trẻ vậy má? – Quý Lăng hỏi má sau khi cầm ly nước má đưa.
- Con dâu tôi đi làm đồng sắp về đó – má vừa trả lời thì Quý Lăng thấy một thiếu phụ, vai vác cuốc vừa bước qua cổng. Nhìn thấy Quý Lăng và cây đàn thì thiếu phụ cười, lên tiếng trước.
- Em chào anh giải phóng
- Anh chào em, em vừa ra đồng về à – Quý lăng trả lời, thiếu phụ chắc ít hơn anh vài tuổi, anh tiếp lời.
- Ngày mai đơn vị anh chuyển quân nên hôm nay anh mang đàn đến trả cho má và em. Anh xin lỗi vì mang trả cây đàn không đúng hẹn bởi vì công việc và cũng vì muốn chơi đàn thêm vài tối cho đồng đội anh đỡ buồn. Con thành thật xin lỗi má và anh xin lỗi em.
- Không có chi đâu anh giải phóng, chậm vài bữa đâu có sao. Đàn để nhà tôi cũng đâu có ai chơi – bà má đỡ lời, câu sau đượm buồn “…đâu có ai chơi”
- Cây đàn này chắc là của em? Quý Lăng hòi thiếu phụ
- Dạ! - thiếu phụ trả lời, Quý Lăng mạnh bạo hỏi tiếp
- Em có thể để lại cho anh cây đàn ghi ta này không? Anh đã tìm mua ở Đà Nẵng và Hội An nhưng không có cây đàn nào âm thanh tốt như cây đàn này.
- Dạ không được anh giải phóng ơi! Cây đàn này là của chồng em – thiếu phụ vừa trả lời vừa nhìn sang mẹ chồng. Quý lăng thấy quá xấu hổ vì câu hỏi thiếu tế nhị của mình.
- Anh xin lỗi em, con xin lỗi má vì sự vô ý thái quá. Vậy anh nhà hiện nay đi đâu?
- Dạ! chồng em đang đi cải tạo, đi được hơn tháng rồi – thiếu phụ trả lời Quý Lăng; ánh mắt đượm buồn, nhìn ra ngoài cổng nhà.
- Chồng em là sỹ quan à? – thiếu phụ gật đầu trả lời
- Dạ đúng, chồng em là sỹ quan và mới đi lính chưa đầy năm.
- Chắc chồng em trước là sinh viên phải không? – Quý Lăng hỏi tiếp
- Đúng vậy anh giải phóng, sao anh rành vậy? – thiếu phụ hỏi lại anh và ánh mắt đã bớt buồn.
- Anh cũng là sinh viên trước khi nhập ngũ mà. Chồng em mới đi lính chưa đây năm mà đã là sỹ quan thì anh đoán anh ấy trước khi nhập ngũ chắc cũng là sinh viên. Nhập ngũ xong thì được đi học trường võ bị nên sớm được phong hàm sỹ quan. Anh hy vọng chồng em sớm quay về với má với em và với con nhỏ.
- Dạ! em thay mặt má em cám ơn anh giải phóng – thiếu phụ rót thêm cho anh ly nước, còn bà má thì nhìn anh với ánh mắt biết ơn.
- Trước khi anh chia tay với má, với em, với tụi nhỏ và với cây đàn, con muốn đánh một bản nhạc để tặng cả nhà, đươc không ạ - má gật đầu, thiếu phụ mỉm cười gật đầu, mấy đứa nhỏ thì vừa vỗ tay vừa cười thành tiếng. Quý Lăng vê phím đàn và đánh bản nhạc Lasgrima, Giọt lệ của Francisco Tárega (Tây Ban Nha). Bản nhạc vang lên, người chơi đàn như đắm mình trong tiếng nhac. Anh biết rằng đây là bản nhạc cuối cùng anh được chơi trên cây đàn mà anh gắn bó với nó suốt một tuần, nhưng mất nhiều năm anh mới tìm được nó. Bà má và thiếu phụ cũng ngồi im lắng nghe, má thì chăm chú nhìn anh đàn, còn thiếu phụ thì vẫn ném ánh mắt ra phía cổng như chờ ai, mong ai đó trở về để nghe anh giải phóng đàn.
Bản nhạc kết thúc, Quý Lăng đặt môi lên thùng đàn hôn nhẹ. Nụ hôn đầu của anh không dành cho mối tình đầu mà dành cho cây đàn anh yêu nhưng không được sở hữu. Anh chuyển cây đàn bằng hai tay cho thiếu phụ, thiếu phụ cũng đỡ cây đàn bằng hai tay. Quý Lăng chào má, chào thiếu phụ, xoa đầu mấy đứa nhỏ rồi đứng dậy, chỉnh lại chiếc mũ tai bèo rồi bước ra cổng. Anh rảo bước đi nhanh, để không bị mủi lòng mà rơi nước măt.
- Chú giải phóng quân ơi! Chú quay lại đi, bà cháu muốn gặp lại chú – một đứa nhỏ hổn hển chạy theo và gọi Quý Lăng. Quý Lăng quay lại ngôi nhà mà anh vừa bước ra, băn khoăn vì không hiểu mình đã làm điều gì sai chăng.
- Anh giải phóng ơi, má với em muốn tặng anh cây đàn này vì không biết bao giờ chồng em mới về. Nếu chồng em về thì chồng em sẽ mua cây đàn khác. Em và má thấy anh gắn bó với cây đàn này quá và anh xứng đáng có nó – thiếu phụ thay mặt má chồng mở lời, bà má thì tay cầm cây đàn đưa anh, đầu bà luôn gật gật để biểu thị sự đồng tình với con dâu.
- Dạ không được đâu má ơi! Con không dám nhận kỷ vật của gia đình mình. Má và em nên giữ cây đàn này cho anh ấy. Anh ấy sẽ sớm trở về, con tin như vậy – Quý Lăng lặng người trước lời thiếu phụ và sự đồng tình của bà mà, nhưng anh vẫn từ chôi.
- Con nhận cây đàn đi con, con trai má chắc cũng sẽ đồng ý với má và vợ nó, trao cây đàn này cho con. Con xứng đáng có nó, con nhận đi để má không buồn – Bà má vừa nói vừa ấn cây đàn vào tay Quý Lăng. Không thể từ chối món quà quý đó, Quý Lăng mở túi áo ngực, trong đó có hai tờ 10 đồng (tờ Ông Cụ) màu đỏ sen. Anh đưa hai tờ Ông Cụ cho má và nói.
- Con cám ơn má và em, con xin nhận món quà quý mà má và em đã tặng. Con hứa sẽ dùng cây đàn này để sáng tác nhiều bài hát, để chơi nhiều bản nhạc phục vụ nhân dân. Con cũng xin tặng lại má và em hai tờ tiền mười đồng có hình Cụ Hồ để làm kỷ niệm – bà má và thiếu phụ cầm hai tờ tiền mười đồng mà nước mắt lưng tròng, nước mắt của hy vọng sum vầy, của lòng tin Bắc Nam một nhà.
Cây đàn ghi ta bên sông Thu Bồn ấy đã theo nhạc sỹ Quý Lăng gần như cả cuộc đời. Bức ảnh cưới của anh cũng có hình ảnh cây đàn ghi ta sông Thu Bồn, bài hành khúc nổi tiếng dành cho thanh niên “Mãi mãi tuổi hai mươi” và ca khúc “Nếu tôi không trở lại" cũng được anh sáng tác bởi cây đàn ghi ta ấy, nhiều lắm..nhiều lắm những ca khúc của nhạc sỹ Quý Lăng hay hơn nhờ cây đàn ghi ta bên sông Thu Bồn.
Một lần sinh nhật vợ nhạc sỹ Quý Lăng, khi chị còn sống, nhạc sỹ đã ôm cây đàn đó, vừa đàn vừa hát ca khúc “Đường về Kinh Bắc” do chính anh sáng tác để tặng vợ:
“…đường về quê em qua những dòng sông
Sông Cầu, sông Đuống, sông Hồng, sông Thương
Người hẹn lại lên để em ngóng đợi
Ơi người ơi còn có nhớ mong…”
Con gái anh còn nhỏ khi đó, ôm anh và chỉ cây đàn.
- Bố ơi! Bố mua cây đàn này ở đâu đấy
- Cây đàn này bố được đồng bào miền Nam tặng bên dòng sông Thu Bồn đấy con ơi - Nhạc sỹ đã kể lại câu chuyện trên cho con gái mình nghe. Con gái nhạc sỹ lắng nghe câu chuyện và mơ một ngày được đến thăm ngôi nhà vườn bên sông Thu Bồn, nơi anh lính xe tăng được tặng cây đàn.
Nhạc sỹ Quý Lăng thì chợt giật mình, ngày ấy mà mình cố tình không mang trả cây đàn ghi ta ấy thì bây giờ biết trả lời câu hỏi của con gái ra sao?
Hà Nội, 9/4/2024
N.V.N.