Trong phố có ngôi trường nữ sinh của nhà dòng Đa Minh ở ngõ Mai Khôi và Thủy Tiên trang của nhà nông học nổi tiếng Nguyễn Công Tiễu. Dãy phố bên kia đường là khu trại con gái, ngày xưa gọi khu gia đình của đám binh lính người Việt. Bọn chúng tôi vẫn bắt nạt mấy đưa con lai người dân tộc Thái, Mông, Mường theo bố mẹ chúng về đây. Nhà tôi ở ngõ Ngọc Hồ cạnh nhà ông Ký Giây thép, ông Phán Nhật trình… Vào tháng 4 năm 1954, ngõ nhỏ này bỗng chộn rộn hẳn lên. Ông Ký , ông Phán và bố tôi cứ thầm thì to nhỏ nhau về “Groupe de base Điên Biên Phủ”. Tôi học Primaire ở trường Lạc Long của thầy Dzĩ, bèn mạnh dạn hỏi thầy: Thưa thầy, Groupe de base Điên Biên Phu “ là cái gì mà bố con và các ông già trong ngõ cứ thì thào nhiều thế?
Thầy Dzĩ véo tai tôi, hạ giọng : Đây là Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nhưng Fais attention !Secret! Extremement secret! (Coi chừng đó! Bí mật, cực kỳ bí mật!). Trò không cần biết, nghe chửa!
Thì ra “Groupe de base Điên Biên Phu “ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của ông Tướng De Castries sắp thất thủ. Tôi nghe bố tôi bảo thế. Và quả nhiên ngày 8 tháng 5 năm 1954, có mấy tờ nhật trình ở Hà Nội đã đăng tin quân Pháp bại trận và đã đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Mấy tờ báo ấy, tôi giữ được cho đến hồi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972 mới mất. Và ngày 10 tháng 10, tôi mất cả ngày đi xem đón Bộ đội Viêt Minh về giải phóng Thủ đô. Ngay hôm ấy, tôi cứ lẽo đẽo theo Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ kéo phong cầm bài "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao:
Trùng trùng say trong câu hát… Duyên may sau đó vào năm 1956-1957 khi vào học cấp 2 Chu Văn An, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ lại dạy son phe lớp tôi.
Tuổi thơ tôi đã biết về Điện Biên Phủ là trận đánh lớn cuối cùng như vậy cho đến khi là phóng viên TTXVN tôi mới có nhiều dịp lên Điện Biên Phủ, xuống hầm De Castries, thắp hương trên mộ anh hùng Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện… và lặng lẽ nhớ đến người chỉ huy mặt trận tài danh đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trong căn hầm Đại tướng ở Mường Phăng.
Tôi nhớ dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được giao việc tháp tùng và đưa tin một vị lãnh đạo Đảng thăm Điện Biên Phủ. Đoàn đi bằng tầu bay trực thăng, nghe nói là chuyên cơ từng phục vụ Bác Hồ. Tầu bay quá cũ, nước sơn bạc mầu. Tối nói đúa với Tướng không quân Nguyễn Đức Soát để nhà báo xin tài trợ sơn lại tầu bay cho bảo tàng Phòng không - Không quân. Chuyến công tác để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về đất và người Điện Biên Phủ. Tôi nhớ hồi ấy phía cửa hầm De Castries có một cây sung cành lá sum suê che một phần bức phù điêu tả cảnh De Castries và quan quân của ông ta ra hàng với bộ dạng thảm hại.
Đối diện với căn hầm là một vườn hồng, cữ này hoa nở rực rỡ lắm. Lên Điện Biên Phủ lần này, những địa danh như đồi A1, đồi Độc Lập, Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam gợi nhớ những ngày bão lửa. Chúng tôi rảo bộ quan cầu Mường Thanh . Phía đầu cầu còn dấu tích lô cốt của Trung tá chỉ huy pháo binh của tập đoàn cứ điểm này . Vâng, viên sĩ quan nổi tiếng này chính là Charles Piroth là chiến sĩ từng mất một cánh tay trong chiến tranh chống phát xít Đức, từng được tặng thưởng Bắc đẩu Bội tinh. Đến Điện Biên Phủ, với lực lượng pháo binh hùng hậu Charles Piroth tự tin tuyên bố sẽ cho Việt Minh biết thế nào là pháo binh Pháp khi chỉ vài ba phút sau khi sơn pháo của Việt Minh nhả đạn sẽ bị phản pháo tức thì trước khi bắn loạt thứ hai.
Thế nhưng diễn biên chiến dịch đâu có như Piroth tưởng tượng! Ngày 13/3/1954, pháo binh của ta đồng loạt bắn vào cứ điểm Him Lam. Chiến dịch Điên Phủ chính thức bắt đầu. Trong suốt chiến dịch, bộ đội pháo binh ta đã chế áp và tiêu diệt pháo binh địch, khống chế sân bay Mường Thanh, bắn quấy rối và phá hoại sở chỉ huy, kho tàng của địch, chi viện cho bộ binh tiến công. Trong trận đánh mở màn đợt 2 chiến dịch, ba đại đội lựu pháo của ta đánh đòn cấp tập mãnh liệt khiến cả hai trận địa pháo của địch tê liệt. Lợi thế của pháo binh Pháp với trên 160 khẩu không thể phát huy. Sự chủ quan và kiêu ngạo của viên chỉ huy Charles Piroth đã khiến lực lương này thất thủ hoàn toàn trước những đòn tiến công mãnh liệt, bất ngờ của pháo binh Việt Nam.
Theo tư liêu của Viện Lịch sử quân sự : "Pháo binh là niềm tự hào của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên , về số lượng thì pháo binh của ta có 261 khẩu , trong khi quân Pháp chỉ có 126 khẩu. Nhưng hầu hết pháo của quân Pháp đều là pháo lớn, có công sự vững chắc ở mặt trận . Vậy nên có lợi thế. Vì thế mà viên chỉ huy pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ là Trung tá Piroth đã ngạo mạn tuyên bố sẽ làm cho pháo binh Việt Minh "câm họng"".
Thực tế những gì diễn ra trên chiến trường đã trở thành nỗi kinh hoàng với người Pháp. Trong trận mở đầu chiến dịch, 240 khẩu pháo của ta bắn liên tiếp trong vòng 60 phút. Sau 15 phút khai hoả, hoả lực của ta đã gần như áp đảo. Theo Viện Lịch sử quân sự, trong suốt chiến dịch và trong từng trận đánh, chúng ta đã tập trung pháo binh tạo nên ưu thế về lực lượng, chi viện cho bộ binh đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm từ ngoài vào trong, tiến tới tiêu diệt toàn bộ cứ điểm.
Trong trận đánh đồi Độc Lập, pháo binh của ta gấp 4,5 lần pháo binh địch. Nói chung , trong suốt chiến dịch pháo binh ta gấp khoảng 10 lần pháo binh Pháp. Một trong những thành công nổi bật về nghệ thuật bố trí đội hình chiến đấu pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là các trận địa được bố trí phân tán, giãn cách rộng giữa các đại đội là từ 3 - 5 km nhưng tập trung được hoả lực vào hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu. Trung đoàn 45 lựu pháo 105 mm được bố trí tạo thành một vòng cung hơn 30 km bao quanh tập đoàn cứ điểm. Cự ly các trận địa pháo đến Trung tâm Mường Thanh chỉ từ 6 - 8 km, nằm gọn trong tầm bắn hiệu quả của pháo binh ta. Cùng với đó, nghệ thuật ngụy trang, nghi binh cũng được sử dụng triệt để, chính vì vậy, mà người Pháp hoàn toàn bất lực trong việc phản pháo.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh của ta cũng ngụy trang, nghi binh rất khéo, những trận địa giả được dựng lên, khi pháo ta bắn, các trận địa giả cũng tiến hành đánh thuốc nổ, tạo chớp lửa đầu nòng, khiến cho pháo binh Pháp không thể tìm ra được trận địa pháo của ta. Đó là một minh chứng cho thấy tinh thần dũng cảm, sáng tạo của bộ đội pháo binh Việt Nam.
Chính vì thế, khí pháo binh ta dội bão lửa xuống lòng chảo Mường Thanh, Charles Piroth chỉ còn biết cầu Chúa và chỉ huy phản pháo yếu ớt vào các trận địa giả với các ống bương bôi đen như nòng pháo. Thất bại ê chề, sau 48 giờ đấu pháo , Charles Piroth đã nổ lựu đạn tự sát, chấm dứt sự nghiệp của một tư lệnh pháo binh chiến dịch.
Theo Phóng viên TTXVN tại Paris, vào thời điểm đầu năm 1993, đại bộ phận nhân dân Pháp ủng hộ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand . Ông là nguyên thủ đầu tiên ở các nước Tây Âu tới thăm Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có những người quyết liệt phản đối việc Tổng thống thăm Điện Biên Phủ. Đại tướng Marcel Bigeard (1916 – 2010 ), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp, cựu tù binh tại Điện Biên Phủ lên tiếng: “Điện Biên Phủ là nỗi sỉ nhục với nước Pháp. Tổng thống không nên đến đó!”. Nhưng chuyến thăm lịch sử vẫn diễn ra và điều bất ngờ là sau này, trước khi mất , Đại tướng Marcel Bigeard lại di chúc mong muốn thi hài ông được hỏa táng lấy tro rải xuống Điện Biên Phủ!
…Chiều 10-2-1993, sân bay Mường Thanh, lần đầu tiên sau đúng 39 năm mới có chiếc tầu bay mang cờ ba mầu của nước Pháp hạ cánh xuống đây đưa Tổng thống Francois Mitterrand thăm chiến trường xưa . Ngài bước ra cầu thang máy bay, dừng lại và phóng tầm mắt nhìn khắp lòng chảo Điện Biên Phủ rồi mới cùng tùy tùng lên xe ô tô tới thăm di tích hầm De Castries. Vào trong hầm,
Ngài quan sát kĩ sở chỉ huy của tướng De Castries. Căn hầm được bọc bởi những cánh cung thép và lớp bê tông cốt thép kiên cố. Vị Tổng thống của nước Pháp lặng lẽ ngắm nghía hồi lâu những vật dụng chiến tranh đã ám màu thời gian. Ngài đặt tay lên chiếc bàn làm việc của tướng De Castries, lặng im. Tổng thống và đoàn tùy tùng đều bồi hồi không nói nên lời, chỉ lặng lẽ ngắm nhìn những hiện vật đã đi vào lịch sử… Quá khứ và hiện tại đan xen, quyện chặt trong thời khắc ấy. Ánh mắt của Tổng thống Pháp đầy ưu tư, có lẽ Ngài đang ngẫm nghĩ về một trang sử bi thương và hôm nay đã dũng cảm đến nơi đây để khép lại quá khứ, đồng thời mở ra chương mới trong quan hệ hai nước Việt – Pháp.
Nhân kỷ niệm 70 năm chiên thắng, xin trích lại đôi dòng xem người Pháp viết gì về ngày lịch sử này 70 năm trước .
Ngày 7/5/1954 chứng kiến những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của quân Pháp trên chiến trường. Jean Pouget vốn là sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của tướng Navarre trong tác phẩm Nous étions à Dien Biên Phu (Chúng ta ở Điện Biên Phủ) đã miêu tả ngày 7/5/1954, tương ứng với ngày thứ Sáu, và có lẽ, đó là một trong những “ngày thứ Sáu đen tối” của nước Pháp: Vào sáng ngày hôm ấy, Eliane 4 (theo cách gọi của Pháp, tức đồi C2 theo cách gọi của Viêt Minh) vốn đã bị pháo kích suốt đêm, đến 5h sáng lại bị bộ binh Việt Minh tấn công. Jules Roy trong La Bataille de Dien Bien Phu (Trận Điện Phủ dưới con mắt người Pháp) đã miêu tả sinh động trận chiến nơi quanh đồi C.
Vẫn lời Jules Roy, bộ đội Việt Minh leo lên các đỉnh cao đồi C, tiếng reo hò lượn theo gió mỗi đợt họ lên đến đỉnh. Trên triền núi và đỉnh của đồi C, họ reo hò chiến thắng và giơ cao vũ khí lên, phấn khởi, khi họ trông thấy dòng sông vàng đục uốn lượn và khu doanh trại của tập đoàn cứ điểm bị cày xới.
Trước sức mạnh của Việt Minh, pháo của tập đoàn cứ điểm dẫu còn 30 quả đạn 105 ly và 10 quả 120 ly nhưng cũng đành câm lặng. Máy bay tiêm kích trút bom, vãi đạn nhưng cũng chỉ gây rối loạn được trong mười phút lại bay đi. Đến 9h40', nơi đây thất thủ hoàn toàn.
Trong cuốn sách Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm (Les 170 jours de Dien Bien Phu), Erwan Bergot (vốn là trung úy tham chiến tại Điện Biên Phủ) viết “từ 11h sáng, không còn một vị trí nào ở phía Đông sông Nậm Rốm có thể giữ được. Tất cả các đồn bốt đều bị quân địch tràn ngập.
Chiều ngày 7 tháng 5 ấy, 17h lệnh ngừng bắn được thực hiện ở trận địa Điện Biên Phủ với thắng lợi thuộc về Việt Minh, quân Pháp đầu hàng. Một vài nơi vẫn còn sự chống cự như Isabelle (phân khu Nam, gồm 5 cứ điểm, ta gọi là Hồng Cúm.
Ở Pháp, lúc 17h ngày 7/5 (ở Việt Nam là 1h sáng ngày 8/5), Tổng thống Laniel báo cáo trước Quốc hội Pháp sự thất thủ ở Điện Biên Phủ.
Tướng De Castries đêm trước đó như lời Jean Pouget cho biết, đã “đề nghị tiếp tế gấp đạn súng cối tất cả các cỡ. Bốn mươi hai tấn hàng đã thả xuống nhưng không thu nhặt được một kiện hàng nào”.
Trong mười đêm liền, viên tướng này thức trắng. Thế nên lúc 10h khi gọi điện cho tướng Cogny ở đại bản doanh tại Hà Nội, giọng De Castries đã yếu đi. De Castries “đề nghị cố thực hiện một cuộc hành quân rút chạy”. Theo kế hoạch, lương thực ăn đường bằng đồ hộp nhẹ với bánh bích quy, chocolate bổ dưỡng cùng đồng bạc trắng người Mông sẽ được phát cho lính dù và lính lê dương để thực hiện cuộc rút chạy.
Những giờ phút cuối cùng của viên chỉ huy De Castries được thể hiện qua Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm khá bi đát. Trong hầm chỉ huy trung tâm, các sĩ quan trong ban chỉ huy cảm thấy cay đắng vì thua trận. Còn tướng De Castries thì sao?
“De Castries che đậy nỗi bối rối bằng cách chỉnh đốn trang phục, thắt lại chiếc khăn quàng nổi tiếng của kỵ binh”. Đại tá Langlais thì tỏ ra bực bội dẫu im lặng. Trong khi đó chỉ huy pháo binh Allioux cho bắn hết những quả đạn cối cuối cùng. Trong lúc gần như là chờ đợi sự xuất hiện của bộ đội ta, theo lời Jules Roy, Langlais đốt thư từ, sổ tay riêng… Các sĩ quan phụ tá đốt giấy tờ của ban chỉ huy và hủy máy đánh chữ.
Vào lúc những bộ đội đầu tiên của Việt Minh xông đến hầm chỉ huy (đoàn 5 người do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu), người Pháp tỏ ra lo sợ khi “từ lính cơ quan phục vụ đến các đơn vị chiến đấu, lính pháo, lái xe, lái máy bay, thông tin, đã cảm thấy cái chết trong tâm hồn”, miêu tả của Erwan Bergot.
Sau 70 năm, dấu tích chiến trường xưa không còn nhiều. Hình ảnh của thế hệ Điện Biên Phủ hiện đã và đang tồn tại trên bức tranh toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ rộng hơn 3100 mét vuông-lớn nhất thế giới trên tầng hai Bảo tàng Điện Biên Phủ. Trên 4000 nhân vật trong bức tranh khổng lồ được thể hiện rất thật, sống động và có hồn đã cho chúng ta, những người hậu thế một cách nhìn thỏa mãn, tự hào bới chiến công lịch sử của cha ông.
T.Đ.T