Mùa Hè về, quê tôi ở miền Trung xứ Quảng lại đong đầy nỗi nhớ. Trong nhiều cái nhớ, có lẽ tôi nhớ nhất là Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày Mùng 5 (tháng 5 ÂL). Trước và trong ngày Tết đó, quê tôi rộn ràng sắm sửa để ăn Tết Đoan Ngọ, đó là cái Tết lớn thứ 2 sau Tết Nguyên Đán được nhiều người dân không quên qua tục cúng Mùng 5, bởi vậy người xưa có câu ca dao: “Tháng Tư đong đậu nấu chè / Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”.
Lúc sinh thời, ông tôi cho hay, hoa Mùng 5 chính là loài hoa mang tên hồng tú cầu, Huyết hoa hay hoa quốc khánh (Scadoxus multiflorus) là một loài thuộc . Chín loài của chi trước đây được xem là thuộc chi Huyết hoa (), cây thân thảo với thân mềm và xốp, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Phi. Những năm trở lại đây, hồng tú cầu đã được trồng tại một số tỉnh thành của Việt Nam. Đặc biệt, loài hoa này được phát triển từ rễ củ khá giống củ hành. Củ của hồng tú cầu có màu xanh nhạt với nhiều đốm màu tía. Đây là loài hoa được nhiều người ưa chuộng bởi những chùm hoa tròn xoe hoàn hảo rất thu hút. Nhị hoa hồng tú cầu có mang bao phấn màu vàng trông rất đẹp mắt. Khác với nhiều loài hoa khác, hồng tú cầu chỉ ra hoa 1 lần trong năm và có thể giữ được độ tươi từ 5 - 10 ngày. Thông thường, tùy theo thời tiết hằng năm thì vào khoảng đầu tháng 5 (ÂL) là thời điểm hoa Mùng 5 nở. Song hoa nở rộ nhất đúng dịp Mùng 5 (Tết Đoan Ngọ). Chính vì lẽ đó nên hồng tú cầu còn mang tên “hoa Mùng 5”.
Tuổi thơ tôi đã trải qua không biết bao nhiêu cái Tết Đoan Ngọ của cuộc đời mình và hình như đã có hẹn trước, khi khắp nơi trong làng rộn ràng cúng Mùng 5 với các tục lệ riêng thì cũng là lúc “hoa Mùng 5” ở quê tôi nở rộ với màu đỏ tươi nhìn qua tựa như một bông pháo hoa màu đỏ đang nổ bung tỏa ra tứ phía, chung quanh tựa như những chiếc kim đâm tua tủa ra ngoài. Nhìn từ xa, cả bông hoa có hình dáng của một khối cầu gai màu đỏ tươi trông rất lạ lẫm và đẹp mắt.
Sáng nay, trong lúc tưới cây trước sân nhà thì phát hiện một đóa “hoa Mùng 5” bung nở với sắc hoa đỏ tươi như “pháo hoa” thắp sáng một góc sân. Trong ký ức tôi bỗng nhận ra Tết Đoan Ngọ sắp lại về. Thông thường, mỗi năm hoa Mùng 5 chỉ nở một lần vào đúng dịp Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, có thể do thời tiết năm nay (2024) từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay trời nắng nóng, có nhiệt độ khá cao nên kích thích hoa Mùng 5 nở sớm chăng? Cụ thể là chưa đến Lễ Phật Đản (15-4 ÂL), đã có một số hoa đã nở rồi.
Tôi lật đật vô nhà mang máy ảnh ra chụp để ghi lại cái thời khắc tuyệt đẹp với những hạt bụi nước nhỏ đọng trên những cánh hoa phản chiếu tia nắng mặt trời lấp lánh như muôn ngàn hạt kim cương. Từng cánh hoa hết sức xinh xắn với hình dáng tròn nhỏ, mềm mại đã góp phần làm cho không gian làng quê tôi trở nên ấm áp, đặc sắc hơn.
Tôi dạo bước quanh xóm, thấy hoa Mùng 5 đã và đang nở. Đúng là mùa Hè ở quê tôi đúng là cả một mùa đỏ thắm bởi nhà nhà, người người trồng “hoa Mùng 5”. Hình dáng của loài hoa nầy vô cùng đặc biệt mà bạn không thể nhầm lẫn với bất kỳ loài hoa nào khác. Nếu được nhìn thấy dù chỉ một lần, ắt hẳn bạn sẽ có ấn tượng sâu sắc, khó mà quên được.
Hoa Mùng 5 quê tôi như có sức mạnh vô hình níu giữ hồn tôi. Mỗi lần trở về làng, cảm giác vừa thân quen, vừa mới mẻ và thú vị cứ làm tôi mê mẫn. Mùi hương trong làng cúng Mùng 5 như mùi hương trầm, mùi trái cây chín hòa quyện với mùi bánh tro, mùi chè xôi, mùi thịt vịt, mùi nồi nước nhân mì Quảng… mỗi mùi hương “thay đi” rồi trở lại trong dòng chảy bất tận của thời gian. Chỉ có tình yêu của tôi mỗi ngày với làng quê, gia đình, xóm làng càng thêm nung nấu. Và cái nhìn của tôi về làng mình, về mùi hương Mùng 5 ngày càng ngây ngất hơn, nên thơ hơn một chút với màu hoa Mùng 5 bung đỏ, với lá Mùng 5 thơm lừng, với bạn bè ngày xưa cắp sách đến trường nay bao mái đầu đã lên màu sương khói…
Tôi còn nhớ như in, ven con đường làng hồi đi học năm cấp 2 là cả một miền thương nhớ. Mỗi mùa hoa Mùng 5 nở, cả con đường phủ một màu đỏ tươi. Với những đứa học trò quê như chúng tôi mỗi mùa hoa Mùng 5 nở con đường đi học lại biến thành một thế giới cổ tích. Chỉ với những bông hoa đơn giản ấy, tôi cùng bọn trẻ con trong làng lại có thêm nhiều trò chơi mới. Bọn con gái dùng những cánh hoa kết thành dây chuyền đeo cổ, đeo tay hay bó lại thành bó tròn như hoa cưới rồi chơi trò “cô dâu chú rể”.
Ông Lê Thạnh, một người bạn của tôi sống tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), là một “siêu nghệ nhân” nổi tiếng với tài trồng bonsai ngược và trồng hồng tú cầu rất nhiều. Ông kể rằng, cây hồng tú cầu rất lạ và đẹp, nhưng lá của chúng lại rất lớn, có khi rộng hơn nửa gang tay và dài gấp đôi. Vào mùa đông, những chiếc lá to ấy dần vàng úa rồi rụng hết, để lại chậu cây chỉ còn trơ trọi đất. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy những mầm nhỏ nhú lên từ mặt đất. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ cây đã chết, nhưng thực ra, đó là lúc cây hồng tú cầu chuyển mình, dồn sức cho "bào hoa" đang lớn dần trong lòng đất.
Khi Tết đến, mùa xuân về, trong khi nhiều loài hoa khác đua nhau nở rộ, cây hồng tú cầu vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho sự chuyển dạ. Đến khoảng đầu tháng 5 âm lịch, tức trước ngày Hạ chí ở miền Trung, từ dưới đất những nụ hoa đồng loạt chui lên. Ban đầu, chúng được bọc trong lớp vỏ thuôn dài, rồi nhanh chóng tách vỏ, lộ ra những nụ hoa trông như những con còng đất ngộ nghĩnh.
Đến thời điểm "G", những cây hồng tú cầu lớn, được nuôi dưỡng nhiều năm, sẽ bung ra hàng chục "quả cầu hồng thanh tú", đỏ rực một góc vườn. Chắc hẳn lúc đó, chủ nhân của cây sẽ ngập tràn trong niềm vui và cảm xúc tuyệt diệu. Những khuyết điểm của cây, như lá lớn hay trễ hoa, đều sẽ được tha thứ, thậm chí yêu mến.
Ngẫm lại, con người cũng vậy. Khi yêu thì yêu hết lòng, khi ghét thì ghét cả những điều nhỏ nhặt. Cuộc đời ngắn ngủi, tại sao chúng ta lại phải ghét bỏ nhau? Hãy sống yêu thương và trân trọng những điều tốt đẹp xung quanh, như cách ông Lê Thạnh chăm sóc và yêu mến những cây hồng tú cầu của mình, bất chấp những khó khăn và thử thách…
Nhớ nhất là ở vùng Quảng Nam quê tôi có tục uống “lá Mùng 5". “Lá Mùng 5" được người dân và mẹ tôi cắt trước Tết Đoan Ngọ khoảng một tuần ở ven rừng, rú, bờ rào… như các loại lá, dây lá dằng, cỏ xước, tía tô, ngũ gia bì, bướm lông, bướm bạc, lá chổi… đem phơi khô hoặc mua ngoài chợ. Chợ quê, trước Mùng 5 khoảng 15 ngày, đã có người bán “lá Mùng 5". Vào thời điểm nầy ở quê tôi có nhiều người đi cắt “lá Mùng 5" về bán và để dành uống. Nước lá Mùng 5 có màu vàng đậm, rất thơm, vì đa số cây lá chứa nhiều tinh dầu. Có thể, ngày Mùng 5 ăn nhiều thứ, nên các lá Mùng 5 uống vào để dễ tiêu, chống no hơi sình bụng.
Hồi còn bé, lúc mặt trời đứng bóng vào trưa Mùng 5 cha tôi đem ra giữa sân một cái thau, sau đó bắt một con thằn lằn (thường là bị đứt đuôi) thả vào chậu, thằn lằn bơi vài vòng rồi thả ra, lấy khăn nhúng nước lau mắt, mặt cho tôi để sau nầy tôi được thông minh, sáng mắt? Không biết loại thằn lằn nó có giác quan thứ 6 không, nhưng vào ngày Mùng 5 rất khó bắt, chúng đều đi trốn cả. Để có thằn lằn người ta bắt trước Mùng 5 khoảng vài ngày. Tuy nhiên, có người cho rằng, làm như vậy mất thiêng?.
Ngày nay, mỗi lần nhìn hoa Mùng 5 nở báo hiệu Tết Đoan Ngọ lại về, tôi lại nhớ đến bánh tro, chè ngọt, uống “lá Mùng 5"… Nhìn trên bàn thờ, khói hương nghi ngút, di ảnh của ông bà, cha, mẹ tôi "đang nhìn" anh em chúng tôi một cách trìu mến. Lòng chúng tôi bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, được sống ấm êm dưới mái gia đình, nhớ nhất là trong dịp Tết Đoan Ngọ nơi miền quê xứ Quảng với những con thằn lằn "đứt đuôi" lội nước trong thau. Và mỗi độ Hè về, mùa hoa Mùng 5 lại nở đỏ cả trời quê, thắm cả một miền thương nhớ, tôi lật những trang kí ức tuổi thơ của mình với nỗi niềm bâng khuâng khó tả cho mùa hoa Mùng 5 thương nhớ cũ.
Và sau đây, kính mời quý bạn đọc xem bài thơ mang tên Hồng tú cầu của tác giả Nguyễn Như Hải:
“Một năm âm thầm trong đất
Một năm ẩn mặt bặt tên
Ba mùa yên giấc ngủ ngon
Nắng hè chớm gọi, trổ bông đáp lời.
Ngàn giờ nghỉ tích nguồn nhựa sống
Để phút dây, xé đất vươn cao
Ngày đầu hé nở nụ đào
Ngày hai tỏa sáng muôn sao rực hồng.
...
Hễ nhìn thấy, không rời nổi mắt
Bởi sắc màu vẻ đẹp hồn nhiên
Thân tròn như trái bóng tiên
Đọng nơi đỉnh búp tay sen trắng ngần.
Chỉ cần gặp một lần nhớ mãi
Bóng hình son khắc lại trong tim
Tên em cũng chẳng thể quên
Họ Hồng gốc nội, Nối tên Tú Cầu...
Một năm đâu phải là lâu
Bởi em nhịp nối đôi đầu Xuân – Thu”.