Đôi dép của tôi rất bền, tôi đi được hơn một năm thì chật, lại phải nhường cho em. Bu ra chợ mua cho tôi một đôi dép lê bằng lốp cao su tận dụng. Vừa vênh váo vừa nặng như cái cùm, tôi nhăn nhó mấy ngày mới đi quen vì chân bị quai dép cọ vào đến phồng rộp cả lên. Ngày ấy dép nhựa hiếm và đắt, dép lốp rộ lên. Vừa rẻ lại vừa bền. Nhưng bực nhất là trong túi lúc nào cũng phải kè kè cái kẹp bằng tre để phòng khi dép tuột quai. Chuyện dép tuột quai thì kể ra dở khóc dở cười, có lần đang đuổi nhau với bạn, bị tuột quai dép mà tôi bị ngã dẹo chân, phải nghỉ học mấy ngày liền mà còn phải ăn mắng của bu nữa.
Tôi đi dép lốp dễ đến gần chục năm. Phải đến khi học cấp ba, khi nghỉ hè tôi đi đóng gạch thuê cả tháng mới mua nổi một đôi dép nhựa Tiền phong (bọn tôi quen gọi là móng trắng) và đôi giày ba ta màu trắng. Diện đôi dép mới mà lòng khoái không thể tả nổi. Tôi cầm đôi dép lốp cũ nhảy lên xe đạp phóng như bay đến giữa cầu Ràm. Tôi hả hê lấy hết sức lẳng đôi dép lốp cũ xuống sông và kèm theo một câu chào " Vĩnh biệt!".
Dép nhựa Tiền phong có hai loại. Dép của Hà Nội và Hải Phòng. Dép Hà Nội đi bền hơn nhưng không mềm bằng dép Hải Phòng. Một nghề mới lại ra đời, ấy là nghề hàn dép. Ở các phiên chợ xuất hiện những ông thợ chuyên hàn dép. Đồ nghề chỉ là cái lò than nho nhỏ hay cái bếp dầu, vài mảnh tôn nhỏ làm đồ hàn và những quai dép cũ. Ấy thế mà cũng kiếm gạo ra phết! Sau này lại đến dép tông Lào. Phải mất cả thùng thóc mới mua nổi một đôi. Mà phải loại một chỉ trắng chạy đều mới xịn. Khi đó dép là thứ quý hóa và xa xỉ. Ban ngày còn chẳng dám đi vì sợ tốn. Chỉ đến tối mới rửa chân và đi dép. Chị em phụ nữ mà đi dép ban ngày là ế chồng như chơi chứ chả đùa. Tối đến đi đâu có đôi tông Lào nảy tanh tách với cây đèn ba pin thì chỉ có mà oách! Tự tin hẳn lên, nhất là khoản tán gái.
Khi vào bộ đội bọn tôi được phát dép cao su đúc. Dép này bền nhưng cũng hay tuột quai lắm. Tôi chân nhỏ toàn tha dép đã mệt, mấy ngón chân cứ trồi cả ra ngoài mà đằng gót lại thừa cả ngón tay. Mãi về sau tôi mới được phát đôi dép rọ. Đi thì nhẹ nhưng mỗi tội hay sứt gót mỗi khi hành quân... Nhìn con cháu bây giờ bỏ đi những đôi dép, đôi giày vẫn còn mới tinh mà lòng nôn nao khó tả. Nhớ lắm! Đã có một thời. Chuyện những đôi dép!
Theo Chuyện Làng quê
Từ Thức
Link nội dung: //revcat.net/chuyen-nhung-doi-dep-a9893.html