Kỳ 44.
Ngô Văn Sở nói:
-Nổi trống tập hợp toàn quân và các tướng lĩnh ra đón hoàng thượng và đại quân.
-Dạ, tuân lệnh.
Trống cái vang lên như sấm khắp đồi núi Tam Điệp-Biện Sơn. Ngô Văn Sở cho 6 vạn quân tập trung trên bãi rộng Đồng Giao cùng các tướng chuẩn bị đón vua Quang Trung và đại quân. Đã nghe thấy ngựa hí, tiếng voi gầm và bước chân đi chuyển rung mặt đất, bụi cuốn mù mịt, cờ đỏ rợp trời. Khi đến gần, tượng binh rẽ ra hai bên. Đại quân dừng bước. Vua quang Trung cùng hai hàng kỵ binh hộ tống đi lên trước. Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, các tướng cùng 6 vạn quân quỳ xuống hành lễ. Vua Quang Trung xuống voi đi bộ lại gần. Tiếng 6 vạn quân và các tướng Tây Sơn ở Tam Điệp vang lên:
-Kính chào hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế…
-Vạn tuế, vạn vạn tuế…
Vua Quang Trung đỡ Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm dậy và nói:
-Miễn lễ, bình thân, các khanh đứng cả dậy đi.
-Tạ ơn hoàng thượng.
Vua Quang Trung nói với Vũ Văn Dũng:
-Đại đô đốc cho quân cắm trại, nghỉ ngơi, ăn uống.
-Dạ, thần tuân chỉ.
Ngô Văn Sở dẫn vua Quang Trung cùng các tướng vào tổng hành dinh. Khi vua ngồi ghế chủ và các tướng an tọa, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Diễm, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Tuyết quỳ xuống rập đầu nói:
-Xin hoàng thượng trị tội, chúng thần không chống nổi giặc đã làm mất Bắc Hà và Thăng Long.
Vua Quang Trung nói:
-Trong tình thế giặc mạnh như vậy, nếu ra ngăn chặn thì 6 vạn quân sẽ bị tiêu diệt hết. Rút lui về Tam Điệp là nước cờ hay. Một là bảo toàn lực lượng, thứ hai là làm cho Tôn Sĩ Nghị kiêu căng mà phạm sai lầm trong chiến lược, tạo thời cơ cho ta nay mai phản công mà đuổi chúng khỏi Thăng Long và Bắc Hà. Các khanh chỉ có công mà không có tội. Đứng dậy cả đi.
-Tạ ơn hoàng thượng.
Trong suốt 10 ngày ở Tam Điệp, trừ những lúc cơm rượu cùng các tướng lĩnh, vua Quang Trung ngày đêm trong phòng với ngọn bút trong tay ngồi bên sơ đồ của Bắc Hà và của Thăng Long, nghiên cứu cách bố phòng của quân Thanh, những sơ hở của chúng và từ đó hình thành một kế hoạch vừa tấn công vừa bao vây vừa bất ngờ để đánh bại 30 vạn quân Thanh chỉ trong 5 ngày. Và cuối cùng Quang Trung cũng đã hình thành được một kế hoạch táo bạo mà trong 20 năm cầm quân chưa từng có. Ngoài ra, vua Quang Trung còn trực tiếp ra lệnh cho các tướng chỉ huy các trại hàng ngày cho quân sĩ luyện tập chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu, nhất là với 5 vạn tân binh mới tuyển từ Nghệ An-Thanh Hóa. Đến 29 tháng 12 năm 1788, vua Quang Trung cho triệu tập các tướng lĩnh cao cấp đến tổng hành dinh và lần lượt ra lệnh:
-Bắt đầu từ tối mai, chúng ta bắt đầu tấn công, trong ngày mùng 5 Tết chúng ta phải tiêu diệt được quân Thanh và phải vào được Thăng Long vì ngày mùng 6 tháng giêng quân Thanh bắt đầu xuất phát tiến quân vào Nam. Nếu ngày mùng 5 ta không tiêu diệt được quân Thanh thì sẽ mất cơ hội, diễn biến sẽ khó khăn khôn lường. Nay ra lệnh:
-Đạo chủ lực do ta trực tiếp chỉ huy gồm 5 vạn bộ binh, hầu hết là tân binh mới nhập ngũ từ Thanh Nghệ, 100 thớt voi, 1 vạn kỵ binh, có nhiệm vụ đánh phá tất cả các đồn thuộc tuyến phòng thủ Nam Thăng Long. Đi tiên phong đạo này gồm đại tư mã Ngô Văn Sở, nội Hầu Phan Văn Lân, Đi trung quân gồm Đại đô đốc Vũ Văn Dũng, Thái phó Trần Quang Diệu, quân sư Trần Văn Kỷ, đi hậu quân đốc chiến có Hám Hổ Hầu, Nguyễn Tằng Long.
Bảy tướng có tên ở trên đều bước ra quỳ xuống:
-Chúng thần tuân chỉ.
Vua Quang Trung nói thêm:
-Đại tư mã Ngô Văn Sở:
Dạ, có thần.
-Đại tư mã chuẩn bị thêm 20 tấm ván dày, cao từ chân vượt quá đầu người một chút, trát bùn có rơm dày vào. Ta sẽ dùng đến.
-Dạ, thần tuân chỉ.
Vua Quang Trung ra lệnh tiếp:
-Đạo thứ hai do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy cùng đi có đô đốc Bùi Hữu Hiếu gồm 5 vạn bộ binh, khoảng 50 thớt voi, 500 kỵ binh. Đạo này phải hành quân bí mật đánh vào đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống, sau đó tấn công nhanh chóng vào cung Tây Long, tổng hành dinh của Tôn Sĩ Nghị.
Đặng Tiến Đông và Bùi Hữu Hiếu bước ra quỳ xuống:
-Chúng thần tuân chỉ.
Vua Quang trung nói thêm:
-Đô đốc Đăng Tiến Đông nhớ dứt khoat sáng ngày mùng 5 phải diệt xong đồn Khương Thượng, Nam Đồng và xông thẳng vào cung Tây Long, không cần chờ lệnh ta.
\-Dạ, thần tuân lệnh.
-Đạo thứ ba do đô đốc Đặng Xuân Bảo chỉ huy gồm kỵ binh và tượng binh có nhiệm vụ chặn đánh và tiêu diệt tàn quân quân Thanh ở Ngọc Hồi tháo chạy ra hướng Bắc.
-Dạ, thần tuân chỉ.
Đạo thứ tư do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy gồm 3 vạn quân, có nhiệm vụ tiêu diệt đạo quân Thanh ở Hải Dương, sau đó lên Lục Đầu Giang mai phục chặn đánh quân Thanh ở Thăng Long tháo chạy về Bắc Giang và Lạng Sơn.
Nguyễn Văn Tuyết bước ra quỳ và nhận lệnh
-Hạ thần tuân chỉ.
-Đạo thứ 5 do đô đốc Nguyễn Văn Lộc chỉ huy gồm 4 vạn quân, dùng thủy binh lên Lục Đầu Giang có nhiệm vụ chặn đánh quân Thanh từ Thăng Long tháo chạy qua Bắc Giang và Lạng Sơn.
Đô đốc Nguyễn Văn Lộc bước ra quỳ và nói:
-Hạ thần tuân chỉ.
Vua Quang Trung nói thêm:
-Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và đô đốc Nguyễn Văn Lộc phải nắm chắc tin tức của thám mã từ Thăng Long. Nếu Tôn Sĩ Nghị tháo chạy thì phục binh tiêu diệt, còn nó không tháo chạy mà cố thủ ở Thăng Long thì phải tấn công mặt Bắc Thăng Long, còn ta sẽ tấn công mặt Nam, rõ chưa.
-Dạ, bẩm hoàng thượng, chúng thần đã rõ.
Vua Quang Trung ra lệnh:
-Chiều mai 30 Tết, cho quân sĩ ăn Tết tạm thời, tối mai sẽ bắt đầu tấn công, trưa mùng 5 đại quân sẽ ăn Tết chính thức ở Thăng Long. Các tướng lĩnh và ba quân nhớ lấy lời ta xem có đúng không.
-Tạ ơn hoàng thượng, chúng thần tuân chỉ và ghi nhớ.
* *
*
Đêm 30 tháng 12 năm 1788, các đạo quân Tây Sơn rời Tam Điệp, vượt sông Gián Khẩu Ninh Bình hành quân về các hướng đã được vua Quang Trung phân công. Đạo chủ lực gồm 5 vạn quân, 100 thớt voi, 1 vạn kỵ binh tiến lên hướng Bắc. Vài canh giờ sau đã có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm hoàng thượng, đạo 2 vạn quân của Lê Chiêu thống do Hoàng Phùng Tứ chỉ huy giữ đồn tiền tiêu Gián Khẩu đã bỏ chạy nhưng bị phục binh của quân ta bắt hết, không thoát tên nào. Vậy là đồn Gián Khẩu đã bị tiêu diệt ạ.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ bẩm hoàng thượng, quân ta đã tiêu diệt đồn giặc trên bờ sông Nguyệt Quyết Nam Hà ạ.
Ngày thứ hai của cuộc tấn công, thám mã lại về báo:
-Dạ bẩm hoàng thượng, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân Thanh ở đồn Nhật Tảo Hà Nam ạ.
-Dạ, bẩm hoàng thượng, bọn do thám của quân Thanh đã bị quân ta bắt hết, không thoát một tên nào ạ.
-Dạ, bẩm hoàng thượng, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã bao vây và tiêu diệt hết đạo quân Thanh ở Hải Dương rồi ạ.
Quân Tây Sơn từ Nhật Tảo bí mật hành quân lên bao vây đồn Hà Hồi. Đồn Hà Hồi gồm 3 vạn quân Thanh do Hình Đôn Hạnh chỉ huy. Đêm mùng 3 âm lịch vẫn còn Tết nên Hình Đôn Hạnh cho quân tiếp tục ăn Tết, rượu chè thâu đêm, lăn hết ra say và ngủ. Chợt canh ba có những trận mưa tên và đại bác dội vào đồn. Hình Đôn Hạnh thức dậy thì bên ngoài có tiếng trống, tiếng reo hò trời long đất lở. Hình Đôn Hạnh lên mặt thành xem thì thấy quân Tây Sơn đã vây đồn tầng tầng lớp lớp, vòng trong vòng ngoài. Có tiếng loa gọi:
-Hình Đôn Hạnh và quân Thanh nhanh chóng đầu hàng sẽ toàn tính mạng, nếu chống cự sẽ giết hết không tha.
Hình Đôn Hạnh kiếp sợ đi xuống và ra lệnh:
-Kéo cờ trắng lên đầu hàng, nếu không chúng ta chết hết.
Quân Tây Sơn trông thấy cờ trắng kéo lên mặt thành, một lát sau cổng thành mở toang. Hình Đôn Hạnh cầm cờ trắng đi đầu, theo sau là 3 vạn quân tay không khí giới run sợ đi ra. Hình Đôn Hạnh gặp Ngô Văn Sở, lạy như tế sao:
-Xin tướng quân tha mạng.
-Xin tướng quân tha mạng.
Ngô Văn Sở nói:
-Đứng dậy đi. Ta giữ lời hứa, đầu hàng thì tha mạng.
-Tạ ơn tướng quân.
Quân Tây Sơn tràn vào thành Hà Hồi, thu rất nhiều vũ khí, lương thực, thực phẩm, sau đó tiếp tục hành quân đánh đồn Ngọc Hồi.
Dưới trời mùa đông xám, gió lạnh thổi từng đợt thốc tháo, đồn Ngọc Hồi như con quái vật chặn ngang đường thiên lý, cách Thăng Long 40 dặm, là đồn then chốt nhất trong hệ thống phòng thủ Nam Thăng Long của Tôn Sĩ Nghị. Ngoài cùng của đồn là lũy tre gai dày đặc vây quanh một không gian rộng lớn. Trong lũy tre gai là tường chình đất sét dầy. Trong tường là những rào gai, cuối cùng là những doanh trại của 7 vạn quân tinh nhuệ nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ cho nhau trong thế trận liên hoàn. Bốn hướng của đồn có 4 cửa rộng lớn làm bằng gỗ lim chắc chắn.
Đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 Tết, 5 vạn quân Tây Sơn từ Hà Hồi kéo lên bao vây đồn Ngọc Hồi. Ở Cổng phía Nam của đồn, 100 thớt voi đứng đầu, trên lưng voi ngoài quản tượng còn có ba lính điều khiển đại bác, ném tạc đạn và ống phun lửa. Sau tượng binh là 600 dũng sĩ mang dao ngắn và gươm, hàng đầu 40 người khênh 20 tấm ván dầy bện rơm và trát bùn đất ướt. Sau 600 dũng sĩ là 1 vạn kỵ binh trang bị gươm, kiếm, đại đao, cung tên và tạc đạn. Tiếp theo kỵ binh là 4 vạn bộ binh trang bị cung tên, tạc đạn, gươm, đại đao. Cờ bay rợp trời đỏ rực. Trống lớn thúc vang như sấm, vũ khí khua lên không trung sáng loáng. Vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy trận đánh Ngọc Hồi, vẫn mũ giáp chiến bào màu vàng nhưng cổ vua có thắt một chiếc khăn màu đỏ tỏ quyết tâm quyết chiến. Voi của Quang Trung đứng sau 600 dũng sĩ. Lá cờ đỏ lớn in hình tròn màu vàng có chữ “SOÁI” tung bay phần phần trên con voi và trên lọng vàng như vẫy gọi ba quân xông lên chiến đấu, làm họ vững tin vào thắng lợi bởi họ được hoàng đế bách chiến bách thắng trực tiếp chỉ huy. Đất Ngọc Hồi Thường Tín sắp nổ ra một cuộc giao tranh khốc liệt. Trong thành, đề đốc Hứa Thế Hanh mở toang cổng thành phía Nam, kéo theo các tùy tướng Thặng Duy Thăng, Khánh Thành, Trương Triều Long, Lý Hóa Long và 7 vạn quân ra tiếp chiến, đi đầu là 2 vạn kỵ binh, theo sau là 5 vạn bộ binh ào ào lao ra như thác dổ. Cờ vàng bay phấp phới, trống thúc liên hồi dồn dập vang trời đất hòa với tiếng reo hò man rợ của quân Thanh. Quân Thanh bắn tên và đạn súng hỏa mai vào quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn trên mình voi nã đại bác xuống quân Thanh. Hàng nghìn kỵ binh Thanh ngã ngựa hoặc bị đạn đại bác xé xác. Khi xáp lại gần nhau, ngựa quân Thanh gặp voi hoảng sợ kêu lên the thé ghê rợn và quay đầu chạy trở lại xéo lên bộ binh phía sau. Phút chốc, thế trận quân Thanh tan vỡ. Bộ binh theo kỵ binh chạy vào đồn, đóng cửa, dùng cung tên, súng hỏa mai bắn như mưa vào quân Tây Sơn.
(Còn nữa.)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-44-a9875.html