Tham dự Hội nghị có GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; PGS. TS. VS Đào Thế Anh, P. Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ông Lê Đức Thịnh, P. Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; TS. Lê Thành Ý, P. Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; TS. Hoàng Xuân Trường, Phó Chánh văn phòng Hội Khoa học Phát triển Nông Việt Nam; Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Phó Chánh văn phòng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Thư ký toàn soạn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Bà Hoàng Thị Trang Viên, Trưởng Ban Truyền thông Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, trưởng các ban nghiệp vụ của Tạp chí và Hội PHANO.
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của các ngành các cấp do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, một số hoạt động của Tạp chí và Hội PHANO cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ phát huy tốt những truyền thống của Hội và Tạp chí, sự năng động sáng tạo của cán bộ, hội viên nên nhiều hoạt động của Hội và Tạp chí đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hội PHANO đã tham gia 05 đề tài khoa học các cấp; chủ trì và tham gia nhiều hội thảo khoa học của các Bộ, ban ngành ở Trung ương và Hà Nội. Đặc biệt tại Hội thảo Hoa cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh; Hội thảo Định hướng và giải pháp phát triển Nông nghiệp thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Hội thảo trực tuyến Chuyên đề: “Nghiên cứu đánh giá tác động của CNH, HĐH đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh, yêu cầu mới” phục vụ tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW do Hội PHANO là phối hợp tổ chức đã được các cơ quan phối hợp đánh giá cao.
Các nhà khoa học của Hội PHANO cũng đã tích cực tham gia nghiên cứu, phản biện và xây dựng nhiều văn bản chính sách có liên quan đến phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong quá trình góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, các nhà khoa học của Hội và Tạp chí đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt góp phầm làm ý rõ nội hàm phương hướng phát triển nền "nông nghiệp sinh thái", “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…”.
Đồng thời, Hội cũng tích cực phối hợp cùng một số cơ quan đóng góp thiết thực vào Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn kỹ năng nâng cao tay nghề gắn với hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tham gia vào hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề xuất nhiều giải pháp kỹ thuật, sáng kiến mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh; Vận động cán bộ hội viên tích cực tham gia công tác thiện nguyện, an sinh gowin99 và bảo vệ môi trường.
Trong năm qua, Tạp chí của Hội tiếp tục làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, là diễn đàn của giới khoa học và người làm công tác nghiên cứu phát triển nông thôn, là kênh thông tin bổ ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, chủ nhà vườn. Tạp chí đã bám sát đúng tôn chỉ mục đích hoạt động, tích cự tham gia công tác tuyên truyền về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Tạp chí không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn. Hoạt động phối hợp tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới, chương trình OCOP, phát triển nông thôn và tổ chức các sự kiện quảng bá kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp đặc sản vùng miền với một số cơ quan của Trung ương và Hà Nội ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất. Thực hiện Đề án quy hoạch báo chí đã được Chính phủ phê duyệt, Tạp chí đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Thông tin và Truyền thông, ban Tuyên giáo Trung ương cấp phép Tạp chí điện tử và một số trang tin giúp Hội và Tạp chí làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền.
Các đại biểu tri ân những đóng góp của cố GS. VS. AHLĐ Đào Thế Tuấn với Hội và Tạp chí
Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Hội PHANO và Tạp chí đã xác định phương hướng hoạt động năm 2022 và tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục phát huy những kết quả hoạt động của Hội và Tạp chí trong những năm vừa qua, mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức cá nhân đủ năng và có chung mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Kiện toàn các cơ quan giúp việc, các tổ tư vấn, xem xét thành lập thêm một số Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới; Thành lập và đưa vào hoạt động Tạp chí điện tử, các trang tin và hệ sinh thái truyền thông đa kênh bên cạnh Tạp chí in, xem xét thành lập một số văn phòng đại diện của Tạp chí tại một số khu vực, tỉnh/thành làm mạng lưới cung cấp thông tin và lan tỏa các hoạt động thông tin tuyên truyền của Hội và Tạp chí; Tăng cường công tác phối hợp thông tin tuyên truyền với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Hà Nội...
Nhân dịp này, Hội PHANO và Tạp chí đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới cố GS. VS. AHLĐ Đào Thế Tuấn, người sáng lập Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 10 năm ngày mất của ông. Đồng thời giới thiệu cuốn sách Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác do Nhà Xuất bản Dân Trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ấn hành.
Trang Viên