Lúc lên đường, lái xe mở bài hát "Gửi em ở cuối Sông Hồng" của nhạc sỹ Thuận Yến. Bài hát có những ca từ da diết:"Anh ở biên cương biết nghe đài báo gió mùa đông bắc/Em thương anh nơi chiến hào gặp rét/Mà em thương anh chiều nay đang đứng gác/ Lo canh giữ đất trời áo ấm có lạnh không?/Hỡi anh yêu, người chiến sỹ biên thùy". Bài hát ra đời vào những năm tháng cam go, chống giặc ở hai đầu đất nước được rất nhiều người yêu thích, gợi nhớ về một thưở hào hùng. Trước đây từ Bắc Giang lên Lạng Sơn phải mất hơn nửa ngày, nay có đường cao tốc chỉ hơn một giờ đã có mặt ở biên cương. Những con phố, khu dân cư vùng biên giới tươi mới hơn, như góp sức đẩy lùi mùa đông giá lạnh để đón mùa xuân trở về. Cảnh sắc hai bên đường vun vút lùi lại phía sau, núi rừng hiện ra trùng điệp. Ra khỏi thành phố Lạng Sơn đã gặp những ruộng đào khoe nụ đỏ thắm, xa xa là bản làng bên non xanh, tạo nên bức tranh thủy mặc của núi rừng.
Trạm biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị (đồn biên phòng Cao Lộc, Bộ đội biên phòng Lạng Sơn) nằm trên quả đồi thấp nhìn về hướng nam. Sau Trạm là cửa khẩu biên giới thênh thang, ít người qua lại. Đại úy Nguyễn Anh Tú cùng một số cán bộ chiến sỹ đón và tiếp đoàn rất nồng hậu, chân tình. Đoàn cán bộ của Công ty Bích Thủy xin phép lên thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ. Nhà bia nằm trong khuôn viên của Trạm nhưng đặt ở vị trí cao hơn cũng nhìn về phía nam. Mọi người kính cẩn thắp hương thầm cầu mong các anh hùng liệt sỹ phù hộ cho quốc thái dân an, đất nước yên bình và phát triển. Trở lại nhà khách, ông Đỗ Văn Tuyên, Phó giám đốc điều hành của Công ty Bích Thủy chúc cán bộ, chiến sỹ của Trạm luôn mạnh khỏe, chắc tay súng giữ gìn biên cương để nhân dân vui xuân đón Tết. Đại úy Anh Tú đã cảm ơn và chúc lãnh đạo, công nhân viên Công ty mạnh khỏe, sản xuất kinh doanh giỏi, làm tốt công tác hậu phương quân đội để chiến sỹ yên lòng. Ông Đỗ Văn Tuyên đã trao quà hậu phương là gạo nếp, đỗ xanh, hoa quả... cho để Trạm đón Tết.
Được biết, khi chưa có đại dịch, dịp cuối năm dòng người làm thủ tục xuất nhập cảnh ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị rất lớn, có ngày lên đến hơn 10 ngàn người, chưa kể các loại phương tiện. Nay biên giới đóng cửa, ta chỉ cho nhập cảnh các chuyên gia sang làm việc và một số đồng bào xuất cảnh trái phép bạn bàn giao. Việc trao đổi hàng hóa hiện nay chủ yếu là hàng nông sản xuất. Mấy tuần trước xe và hàng hóa ùn tắc ở Trạm rất lớn, nay tuy đã giảm nhưng lượng xe vẫn ở hàng ngàn. Đại úy Tú Anh cho biết:"Phía ta đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ tình trạng này, nhưng phía bạn chỉ chấp nhận cho thông quan 50 xe/ngày. Việc hàng quá cảnh là rất khó khăn". Tiết trời vùng biên dịp cuối năm lạnh hơn, nhưng độ nóng của dòng xe chở nông sản vẫn tăng nhiệt qua mỗi ngày trong sự chờ đợi mòn mỏi.
Trạm biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị thành lập năm 1957. Với 65 năm chiến đấu, trạm đã có 40 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, trong đó có 14 liệt sỹ quê ở Hà Bắc (cũ). Đặc biệt có 37 liệt sỹ hy sinh trong ngày 17/2/1979. Liệt sỹ cao tuổi nhất là Nguyễn Ngọc Linh sinh tháng 5/1939, nhập ngũ tháng 5/1957 và hy sinh ngày 17/2/1979 cấp bậc U4 (Đại úy) là chính trị viên của Trạm. Liệt sỹ trẻ nhất là Lâm Văn Sùng sinh năm 1966 ở xã Thanh Lâm, Lục Nam (Bắc Giang).
Đại úy Nguyễn Anh Tú quê ở Hà Nội, nhập ngũ năm 2009 khi vào học ở Học viện biên phòng. Ra trường, anh được phân công về Trạm làm việc ở đội tục, sau đó được đề bạt lên Trạm phó và tháng 6/2021 được đề bạt Trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị. Hiện nay Trạm có hơn 100 cán bộ chiến sỹ, trong đó 20% quê ở Bắc Giang. Đại úy Tú cho biết:"Hơn hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, hàng ngày 70% quân số ra đường biên làm nhiệm vụ, còn lại trực ở Trạm. Dịch bệnh phức tạp, ngày thường cũng như dịp Tết 100% cán bộ, chiến sỹ đều ở lại làm nhiệm vụ, gác lại niềm vui cái Tết sum vầy". Người lính là vậy thời nào cũng gian nan vất vả và luôn dâng hiến. Bằng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ chiến sỹ, 10 năm liên tục Trạm biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị đạt danh hiệu "Vững mạnh toàn diện" và "Đơn vị quyết thắng".
Ra thăm cột mốc biên giới số quốc gia 1.116, nhìn lên phía bắc sau đường hầm là đất nước rộng lớn, bí hiểm với bao thứ hỗn tạp đan xen. Sau lưng là đất mẹ thanh bình, Nhân dân đang yên vui chuẩn bị đón Tết. Cửa khẩu biên giới lọt trong sắc xanh núi rừng biên cương đang thẫm màu. Ở đó vẫn có những chiến sỹ lặng lẽ chắc tay súng mà mắt vui cười với khách lãng du.
Từ thị trấn Đồng Đăng của huyện Cao Lộc, ngược lên hơn 20 km đến đồn phòng Tân Thanh (Văn Quan, Lạng Sơn) với những dãy núi điệp trùng xanh thắm. Đồn nằm ở lưng chừng dải đồi thấp nhìn về hướng đông nam. Đón đoàn là Đại úy Hoàng Sơn Hải, Phó chỉ huy đồn cùng một số cán bộ, chiến sỹ. Ông Đỗ Văn Tuyên thay mặt đoàn chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đơn vị luôn mạnh khỏe, chắc tay súng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc mà nhân dân đã tin tưởng giao phó. Đại úy Hải cảm ơn lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Công ty không quản ngại đường xa đến chúc Tết đơn vị và hứa luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ để hậu phương yên lòng, chúc công ty sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng đất nước hùng cường.
Được biết đồn Biên phòng Tân Thanh quản lý, bảo vệ hơn 13,4 km đường biên giới, với 38 cột mốc quốc gia và phụ trách địa bàn 2 xã Tân Thanh, Tân Mỹ, có 2 cửa khẩu là Tân Thanh và Cốc Nam. Đơn vị có trên 100 cán bộ, chiến sỹ, được phân công thành nhiều bộ phận, nhiều tổ công tác. Đặc biệt khi có đại dịch Covid-19, đơn vị bố trí 13 lán dọc biên giới. Mỗi lán có 3-4 cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ, cơm hộp, ngủ rừng hơn 2 năm nay nhằm ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các cửa khẩu do đồn phụ trách có lượng hàng hóa thông quan rất lớn. Bình thường mỗi ngày đồn làm thủ tục thông quan trên 1.000 xe, nhưng khi xảy ra dịch bệnh phía bạn chỉ nhận 100 - 200 xe nên lượng ùn tắc rất lớn và thiệt hại cũng không nhỏ. Đồng thời phía bạn cũng thông báo đóng cửa khẩu rất sớm: Cốc Nam ngày 24/9/2021 và Tân Thanh ngày 24/12/2021. Đồn có nhiều sáng kiến góp phần giảm bớt ùn tắc, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và nhân dân.
Khi được hỏi về tâm tư dịp Tết không được về, Đại úy Hoàng Sơn Hải cho biết:"Xuân về ai cũng thêm tuổi mới. Mọi người được nghỉ ngơi, vui vẻ, còn những lính biên phòng chúng tôi vẫn giữ nguyên công việc. Với hậu phương, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất và lời nhắn hãy tin tưởng vào những người lính chính tôi vẫn ngày đêm chắc tay súng giữ gìn sự bình yên của đất nước ".
Có đến biên cương mới thấy sự hy sinh thầm lặng của những người đang ngày đêm giữ đất thiêng của Tổ quốc. Được nghe những câu chuyện mà họ xử lý hàng ngày, càng khâm phục hơn tinh thần mưu trí, dũng cảm, vượt khó của "Bộ đội Cụ Hồ". Họ không chỉ là giữ gìn sự bình yên nơi biên giới mà còn là nhịp cầu hữu nghị nối Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Chia tay cán bộ chiến sỹ biên phòng xứ Lạng trong cái bắt tay thật chặt hẹn "Ngày hội biên phòng 3/3" lại nên.
Thân Văn Phương
Link nội dung: //revcat.net/mua-xuan-bien-gioi-sung-anh-canh-troi-xa-a9769.html