Chiến dịch Cedar Falls diễn ra từ 8-1 đến 16-1-1967 nhằm triệt nhổ tận gốc rễ căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Nam Việt Nam ở vùng Tam Giác sắt, khu vực rộng 155 dặm vuông nằm giữa sông Sài Gòn và Quốc lộ 13. Mặc dù phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã phá hủy nhiều đoạn công sự của Việt Cộng, nhưng mục tiêu về cơ bản của Mỹ vẫn không thực hiện được. Trong khi đó việc bảo vệ an toàn phần lớn căn cứ có thể coi là một thắng lợi của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Nhờ vào hệ thống địa đạo có quy mô khổng lồ và tổ chức tinh vi, họ không cần mất nhiều công sức để bài binh bố trận, không cần tổ chức những trận đánh lớn đầy rủi ro, mà phía Mỹ vẫn phải rút quân. Thành công của Quân Giải phóng có sự đóng góp của các tin tức tình báo.
Mỗi tuần tôi có ba buổi lên lớp, còn ngồi nhà đọc sách. Một hôm ông trưởng phòng giáo vụ mời tôi đến, thấy một nhà sư đang đợi. Ông trưởng phòng giới thiệu, đây là sư thầy giáo vụ của Viện Đại học Vạn Hạnh.
- Thưa giáo sư - Sư thầy nói với tôi một cách chậm rãi, từ tốn - Năm nay Đại học Vạn Hạnh có thêm phân khoa Giáo dục và khoa học ứng dụng. Các khoa này đều có trau dồi cho sinh viên kiến thức về toán học. Thầy dạy toán của trường tôi mới chuyển đi mà chưa tìm được người thế chỗ. Được vị trưởng phòng của quý trường đây giới thiệu, muốn nhờ giáo sư đến thỉnh giảng, mỗi tuần hai buổi, chỉ trong vòng một đến hai tháng đầu thôi, sau đó chắc chắn sẽ có thầy mới về biên chế chính thức. Không biết ý giáo sư thế nào?
Tôi tỏ ý ngạc nhiên:
-Học viên Phật giáo cũng học toán?
Sư thầy cười giảng giải là Thượng tọa Thích Minh Châu, nhà sáng lập, kiêm Hiệu trưởng Đại học Vạn Hạnh từng tu nghiệp ở Tích Lan và Ấn Độ, đã đem mô hình đại học Phật giáo ở hai nơi đó mà lập nên Viện Đại học Vạn Hạnh. Ở đây cũng có nhiều bộ môn như các trường đại học bình thường khác, kiến thức sơ đẳng về toán rất cần thiết cho các tăng ni, tu sĩ sau này.
Thời điểm ấy ở miền Nam có 3 viện đại học tư thục và đều của tôn giáo: Viện Đại học Đà Lạt thành lập năm 1957, nguyên là một chủng viện của Giáo hội Công giáo; Viện Đại học Phương Nam được cấp giấy phép năm 1967 thuộc khối Việt Nam Quốc tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Viện Đại học Vạn Hạnh thành lập năm 1964 thuộc khối Ân Quang đặt ở chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội, khi tôi đến thỉnh giảng thì mới chuyển sang địa chỉ 222 đường Trương Minh Giảng, Quận 3. Một hàng chữ lớn đắp nổi tại mái hiên tòa giảng đường “Duy tuệ thị nghiệp” cũng nói lên chốn giáo đường này coi trọng chữ nghĩa, bài bản. Việc dạy toán học đại cương của tôi ở đây có một tháng, không để lại ấn tượng gì nhiều trước các nhà sư tương lai, song tôi lại dành nhiều cảm tình với vị hiệu trưởng, linh hồn của Đại học Vạn Hạnh.
Thượng tọa Thích Minh Châu trạc tuổi năm mươi, dáng vóc cân đối, đi đứng khoan thai trong bộ áo nhà chùa mầu vàng ươm. Ông có khuôn mặt tròn phúc hậu, đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng nghiêm nghị và giọng xứ Quảng trầm ấm dễ nghe. Hôm đầu đến Viện, tôi đã được sư thầy phụ trách giáo vụ dẫn đến ra mắt hiệu trưởng. Thượng tọa nói, đã được sơ kiến bản lý lịch khoa học của tôi và rất trọng vọng những người được đào tạo toàn diện ở môi trường có nền gowin99 và kỹ nghệ cao. Qua sư thầy tôi cũng biết đây là một cao tăng được đào tạo về Phật học đầy đủ và bài bản vào bậc nhất. Thượng tọa xuất thân danh gia vọng tộc, dòng họ có 5 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ. Năm 1940 ông đỗ tú tài trường Khải Định, Huế, trước đấy đã dấn thân theo phong trào chấn hưng Phật giáo của cư sĩ, bác sĩ Lê Đình Thám. Rồi ông có 12 năm du học ở Tích Lan và Ấn Độ. Sau khi đậu bằng pháp sư ở Colombo, ông sang Án Độ tiếp tục học đại học tại Viện Đại Tân Tùng Lâm Naranda. Năm 1961 ông hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ “So sánh kinh Trung A Hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pali”. Bản luận án được đánh giá là “Một công trình quý báu và hiếm có, trước đó và cho đến 50 năm về sau gần như không có một công trình tương tự”. Trước hết cần nhìn nhận tác giả bản luận văn này ở khả năng thấu hiểu nhiều ngôn ngữ, trong đó có cả những ngôn ngữ tối cổ dùng cho các loại kinh bổn. Ngoài tiếng Anh, Pháp, Hán, Tây Tạng, Nhật Bản, Thượng tọa thông thạo cả ngôn ngữ Pali, Sancrit...
Hồi còn ở Paris, có lần tôi và Alexander đã đàm đạo về một chủ đề có vẻ xa với toán học là Khoa học và Phật giáo. Chúng tôi đều quan tâm đến đạo Phật trước hết vì đã có những thành tựu nổi bật hồi đầu thế kỷ XX về vật lý lý thuyết, sự ra đời của Thuyết Lượng tử của Max Planck và Thuyết Tương đối của Albert Einstein. Dường như có những điểm rất tương đồng giữa khoa học nhìn theo quan điểm hiện đại từ các lý thuyết trên với giáo lý nhà Phật, chẳng hạn ở các khái niệm sắc sắc không không và vô thường. Quan niệm về sự thay đổi liên tục và hiện diện khắp nơi của Phật giáo còn gần giống với những luận điểm của vũ trụ học hiện đại. Phật giáo chấp nhận tất cả các cách nhìn nhận hiện thực có những tiêu chí của chân lý. Đức Phật có những lời răn dạy đệ tử hãy bằng chính những kinh nghiệm cá nhân phát hiện lại sự phụ thuộc lẫn nhau của ý thức và thế giới để thay đổi cách nhìn về hiện thực của mình. Phật tử khi đã ý thức được rằng các vật không tồn tại một cách tự lập, có nhân có quả, sẽ làm cho bản năng tăng tính thiện, bớt đi tính ác, cũng là bớt được những khổ đau trong lòng mình, lòng người. Những nhận thức này nằm trong kinh bổn ghi lại lời Đức Phật thông qua sự thu thập lại của các đệ tử hoặc trong các cuốn bình chú của Ân Độ được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng hàng nghìn năm về trước. Tôi và Alexander đều tâm đắc với câu đề cao tư tưởng Phật giáo của Einstein:
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ phải vượt lên trên ý tưởng về một Thiên chúa nhân hóa và thoát khỏi các giáo điều và thần học. Bao trùm cả cái tự nhiên lẫn cái tinh thần, nó sẽ phải dựa trên một ý nghĩa tôn giáo sinh ra từ sự trải nghiệm tất cả các sự vật, tự nhiên cũng như tinh thần, coi như một tổng thể có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được mô tả này... Nếu tồn tại một tôn giáo có thể phù hợp với các đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.
Thế rồi trước khi tôi rời Viện Đại học Vạn Hạnh, Thượng tọa Thích Minh Châu đã dành cho tôi một buổi chiều đàm đạo xung quanh những vấn đề của truyền bá Phật giáo mà tôi quan tâm từ hồi còn ở Paris.
- Thưa Thượng tọa - Tôi nói - Thời kỳ tôi bên Pháp, đạo Phật Việt Nam chưa phát triển lắm trong cộng đồng người Việt, song đã có thể thấy sự hiện diện của ba tông phái: Tịnh độ, Thiền và Nguyên thủy hòa nhập cùng với tông phái Tịnh độ của người Trung Quốc, Thiền của người Nhật, Mật của người Tây Tạng và Nguyên thủy của người Lào - Khmer. Ngài thường mặc chiếc áo vàng nguyên thủy, phải chăng vẫn theo tông phái Nguyên thủy?
- Trong khi nghiên cứu về kinh tạng - Thượng tọa Thích Minh Châu nói - tôi thấy những chữ chuyển ngữ từ tiếng Pali, tiếng Sancrit sang tiếng ta có nhiều khó khăn, không đồng nhất, cho nên khi sang học ở Tích Lan tôi tự rèn luyện trở thành một tỳ kheo thực thụ theo truyền thống của Phật giáo nguyên thủy. Từ đó tôi vẫn mặc chiếc áo vàng này, chắc hẳn đến cuối đời cũng không thay đổi. Công việc quan trọng nhất của tôi là truyền bá giáo lý nhà Phật lưu giữ văn bản chuẩn mực từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cụ thể dịch toàn bộ Tạng kinh Nikaya cũng gọi là Tạng kinh Pali sang tiếng Việt.
- Toàn bộ triết lý Phật giáo rất đồ sộ, minh triết rất sâu sắc và giàu tính gợi mở. Tôi biết ngài kiên trì mang những lời răn dạy của Đức Phật đến đồng bào trong nước thông qua những sách kinh được dịch ra tiếng Việt. Đó là cả một số lượng việc khổng lồ, ngài đã làm được đến đâu rồi?
- Hồi đầu năm ngoái, tập một của Trường Bộ kinh (Digha Nikaya) đã in xong. Sách có ba bài kinh song ngữ tiếng gốc Pali và tiếng Việt. Tôi định năm, bẩy năm nữa sẽ hoàn thành toàn bộ bốn tập Trường Bộ kinh bộ (Majjhima Nikaya). Tiếp đến là Kinh Tăng chi bộ (Anguttara Nikaya), Kinh Tương ưng bộ (Samyutta Nikaya) và Kinh Tiểu bộ (Khuddaka Nikaya). Tôi có ít thì giờ dành cho dịch thuật, do phải kiêm nhiệm nhiều việc khác. Đấy là điều làm tôi rất băn khoăn. Nên nhớ, bộ kinh cuối phức tạp nhất, gồm nhiều phần độc lập với nhau, có tới 18 phần, không biết tôi có đủ thời gian để hoàn thành nó nữa không. Cũng phải nói thêm với ngài rằng, việc dịch kinh Phật ra tiếng của dân tộc mình là nguyện vọng chính đáng với nhiều quốc gia. Một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời và sâu sắc như Campuchia, họ cũng đang làm việc này. Tôi có người bạn cùng làm tiến sĩ Phật giáo ở Ấn Độ là Hòa thượng tăng thống Maha Ghosananda, lần tôi sang Phnom Pênh cách đây vài năm, ông nói rằng chính Quốc trưởng Norodom Sihanouk khuyến khích việc này và ông đã dịch xong Kinh Tương ưng bộ, bắt đầu vào việc dịch bộ kinh khó nhất. Nhưng tôi biết bên ấy cũng như ta, thường gặp không ít trở ngại do chính thể bấp bênh, khó giữ ổn định.
- Tôi tuy không đi sâu vào giới Phật tử, nhưng cũng đã nghe có lời xì xào rằng: ngài dịch Tạng Pali là tuyên truyền cho Nam tông, cho Tiểu thừa, phản lại Bắc tông, Đại thừa?
- Chúng ta nên chấm dứt thái độ ngây thơ và buồn cười này. Đạo Phật không có Đại thừa, Tiểu thừa, không có Nam tông, Bắc tông. Đạo Phật gồm một số giáo lý căn bản mà học phái nào cũng phải tôn trọng, một số pháp môn thiết yếu mà đệ tử Phật tử nào cũng phải y cứ để tu hành, nếu không muốn lạc vào tà giáo, ngoại đạo. Khi chúng tôi dịch từ tiếng Pali ra tiêng Việt là chúng tôi muốn giới thiệu ba Tạng Pali cho các Phật tử và học giả Việt Nam một Tam tạng kinh điển phong phú, rất gần với dạng nguyên thủy của đức Phật, đã được phổ biến rộng rãi khắp năm châu. Ngài còn lạ gì Einstein, ông ta làm khoa học nhưng thấu hiểu ý niệm về Thiên -Địa -Nhân hợp nhất khi nói rằng: “Ngày nay người ta dần dần ý thức rằng chỉ có đạo Phật Nguyên thủy mới đáp ứng được những đòi hỏi của một thế giới khoa học hiện tại. Một tôn giáo muốn được giới trí thức trẻ chấp nhận vừa phải không mâu thuẫn với những phát minh khoa học mới mẻ nhất, vừa phải giải quyết được những vấn đề thuộc phạm vi con người ở thế kỷ XX, XXI. Chỉ có đạo Phật nguyên thủy mới may ra đáp ứng được những đòi hỏi trên.
Việc làm của chúng tôi không nhằm ủng hộ lập trường nào, môn phái nào. Càng dịch tôi càng thấy rõ ác ý của nhà Bà La Môn khi dùng danh từ Tiểu thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật, khiến các đệ tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Các vị Bà La Môn đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật khiến giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại bị xuyên tạc do xen lẫn với tà giáo.
- Ngài làm Viện trưởng hay người dịch kinh, chức vụ nào có lợi cho Phật giáo hơn?
- Tôi có thể thẳng thắn trả lời rằng dịch kinh có lợi hơn. Song tôi đã không có sự lựa chọn nào khác được, về nước năm 1964, nếu Phật Tổ cho tôi sống được đến năm 80 tuổi chẳng hạn, chuyên tâm vào dịch thuật, chắc chắn tôi sẽ hoàn thành được tâm nguyện là dịch trọn bộ Kinh Tạng Pali.
- Xin hỏi ngài một câu về việc đời. Ngài có quan tâm đến thời cuộc?
- Tôi đã gác việc đời, từ trẻ dốc lòng theo đạo. Tôi luôn cầu nguyện cho hòa bình và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nhân đây cũng xin hỏi lại giáo sư câu ấy: ngoài khoa học ngài có quan tâm đến thời cuộc không?
- Tôi cũng giống ngài.
Tôi bật ra câu ấy như thể đó là sự trả lời tự nhiên, cũng là một sự lấp liếm không thể khác. Rồi tôi và ngài đều im lặng giây lát, nhìn về phía xa xa, nơi ánh chiều đang chiếu những tia nắng cuối cùng lên hàng chữ “Duy tuệ thị nghiệp” ở nóc giảng đường và làm cho nó bỗng trở nên sáng lóa. Làm sao tôi có thể thổ lộ góc sâu kín nhất trong tâm hồn mình. Tôi khác ngài. Một khi tôi đã hoàn thành “việc đời”, tức là góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước, hẳn khi đó tôi cũng sẽ được như ngài “Duy tuệ thị nghiệp”. Và tôi tin chắc ngày đó không còn xa nữa!
Chỉ ít ngày sau khi tôi hết khóa dạy ở Đại học Vạn Hạnh, đài báo Sài Gòn loan tin chiến dịch Junction City kết thúc, như lệ thường thì phải rầm rộ khuếch trương chiến quả, thế mà có tờ báo lại đánh giá bi quan:“Chiến dịch đầy tốn kém và đẫm máu cho cả hai bên, nhưng Mỹ nói chung đã thất bại về mặt chiến lược, gây mất niềm tin cho quân đội Việt Nam Cộng hòa...”
Tôi nghĩ ngay đến việc thăm dò qua viên Trung tá Jason Kaatz của MACV, anh ta chẳng đã rất tin tưởng vào tài thao lược của “minh chủ” của mình, tướng bốn sao Westmoreland đó sao.
Theo Trái tim người lính
Phạm Quang Đẩu - NXB CAND
Link nội dung: //revcat.net/cuoc-doi-nha-tinh-bao-giao-su-nguyen-dinh-ngoc-cuoc-doi-thoai-chuong-5-a9738.html