Kỳ 37.
CHƯƠNG IV
NHÀ TÂY SƠN ĐÁNH GIẶC XIÊM- THANH
I
NGUYỄN HUỆ ĐÁNH GIẶC XIÊM LA. (1785)
Mãi tới chiều tối một ngày cuối năm năm 1784 thủy binh và bộ binh Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy mới vào đến Mỹ Tho, một vùng đất miền Đông Gia Định, cách thành Gia Định về phía nam khoảng 300 dặm. Nguyễn Huệ cho bộ binh đóng doanh trại ở ngoài thành Mỹ Tho, còn thủy binh dàn thành thế trận chiến đấu trên sông. Ngay gần doanh trại bộ binh trên bờ, Tổng hành dinh của Nguyễn Huệ là một chiếc lều vàng cao rộng nổi bật lên ngay giữa muôn trại san sát của ba quân. Toàn cảnh miền Đông Gia Định chìm trong màn đêm, cây cối trên những miệt vườn phủ màu đen đung đưa theo gió. Gió từ các dòng sông nhỏ và sông Tiền Giang thổi về lồng lộng. Lá cờ chữ ”SOÁI” trên nóc Tổng hành dinh tung bay phần phật trong đêm.
Trong Tổng hành dinh, Nguyễn Huệ không ngủ dù đêm đã sang canh ba. Đây không phải là lần đầu tiên ông thức khuya. Từ khi khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn Bình Khê, Bình Định đến nay Nguyễn Huệ đã nhiều lần thức khuya trước mỗi chiến dịch tiêu diệt kẻ thù.
Lần này Trung ương Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc giao cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ công việc to lớn nặng nề. Tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược Xiêm do Nguyễn Phúc Ánh cầu viện về, giải phóng đất đai miền Tây Gia Định đang bị quân Xiêm chiếm đóng giầy xéo..
Sự thể là sau lần đại bại năm 1784 ở trận thủy chiến Cần Giờ, Nguyễn Phúc Ánh đã sang cầu cứu vua Xiêm. Vốn ôm mộng xâm lược miền Gia Định của Đại Việt, vua Xiêm La đã cử hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 4 vạn thủy quân. 300 chiến thuyền cùng với 4000 quân Nguyễn Phúc Ánh tấn công Đại Việt. Ngày 25-7-1784 thủy quân Xiêm vượt biển, đổ bộ lên Rạch Giá Kiên Giang chiếm miền Hậu Giang. Tháng 10-1784 giặc đánh chiếm Cần Thơ, Sa Đéc. Đi đến đâu quân giặc thả sức cướp bóc tàn sát nhân dân, bắt hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc thôn ấp. Khắp miền Tây Gia Định ngập tràn trong khói lửa tang tóc hận thù. Nhân dân miền Hậu Giang ngày đêm đỏ mắt ngóng đợi quân Tây Sơn vào tiêu diệt quân thù cứu vớt nhân dân, giải phóng miền đất cực Nam đang bị giày xéo bởi quân xâm lược và bè lũ bán nước. Nghĩ tới đó bỗng nhiên Nguyễn Huệ bừng bừng căm giận quân thù, cảm giác mà ông chưa từng có trong 14 năm làm Đại tướng, cầm quân đại phá quân Nguyễn từ năm 18 tuổi. Chưa bao giờ ông thấy quyết tâm tiêu diệt quân ngoại xâm dâng trào trong ông mạnh mẽ như vậy. Nhưng làm thế nào để tiêu diệt 4 vạn thủy binh Xiêm cùng 300 chiến thuyền? Tiêu diệt chúng ở đâu, ở sông Sa Đéc, sông Hậu hay trên sông Mỹ Tho?. Đặc biệt là sông Sa Đéc nơi hiện giờ toàn bộ thủy binh Xiêm La đang tập trung tại đó.
Bắc Bình Vương ngồi xuống chiếc ghế, ngang tầm ngực ông là chiếc bàn hình vuông màu gỗ nâu, trên bàn đặt bộ ấm chén uống nước bằng sứ màu xanh, cạnh bộ ấm chén là tấm sơ đồ toàn bộ sông nước miền Đông và miền Tây Gia Định do những trợ lý tác chiến của ông nghiên cứu thực địa và vẽ nên. Ông chú ý tới dòng sông Mỹ Tho. Trong đầu ông xuất hiện hai phương án tác chiến. Phương án một có thể kéo thủy binh Tây Sơn vào Sa Đéc và trực tiếp giao chiến với thủy binh Xiêm. Phương án này không chắc thắng và có thắng cũng không thể tiêu diệt toàn bộ quân địch. Phương án hai là dụ thủy binh Xiêm vào trận địa mai phục ở đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Muốt để tiêu diệt. Phương án này tạo nên cách đánh bất ngờ, sử dụng được các chiến thuật mai phục, tập kích, sử dụng được thủy binh và bộ binh, pháo binh, tạo nên sức mạnh áp đảo, thế trận tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Nguyễn Huệ uống một li nước. Sau khi đặt ly xuống bàn, ông đặt bút lông nhúng vào đĩa mực tàu khoanh một vùng rất đậm đoạn sông Rạch Gầm - Xoài Muốt trên sơ đồ. Ông đã quyết định chọn đoạn sông này làm mồ chôn xác quân Xiêm.
Đó là ngày 20 tháng 1 năm 1785, một sáng của mùa xuân. Khắp miền Gia Định nắng sớm mai đã chan hòa như mùa hè trên xứ sở mênh mông bát ngát đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Những ấp thôn miệt vườn xum xuê cây lá xanh ngút ngàn, những dòng sông tuôn chảy. Tiền Giang, Hậu Giang, Mỹ Tho nước mênh mông gợn sóng. Trời trong xanh. Những đám mây trắng trên trời như những sợi tơ mong manh bị gió xua đi trôi lang thang và biến thành muôn hình thù kỳ quái.
Nhưng đó là một ngày không bình yên với thủy quân Xiêm La. Khi trời rạng sáng và vừa thức giấc, thủy quân Xiêm đã thấy gần một trăm chiến thuyền loại nhỏ với những lá cờ đỏ dài bay phấp phới lao vào tấn công đội hình thủy quân Xiêm ở sông Sa Đéc. Khi vừa tầm bắn, những thuyền chiến đó đã nã đại bác vào chiến thuyền quân Xiêm. Quân Xiêm hoảng loạn kêu lên những tiếng Thái xa lạ. Nguyễn Phúc Ánh nói với Chiêu Tăng, Chiêu Sương qua phiên dịch:
-Đó là chiến thuyền của quân Tây Sơn. Có lẽ Tây Sơn đã tấn công quân ta, thưa thủy sư đô đốc.
Chiêu Tăng, Chiếu Sương vội vã ra lệnh cho chiến thuyền quân Xiêm nhổ neo dàn đội hình chiến đấu. Thuyền chiến quân Xiêm nã đại bác. Lửa khói và tiếng nổ ầm ầm mù mịt. Cậy số đông, 300 chiến thuyền to lớn của quân Xiêm như những con quái vật lướt như bay về phía chiến thuyền Tây Sơn. Thế quân Xiêm đông đảo và hùng mạnh áp đảo chiến thuyền Tây Sơn. Đại bác nổ rầm rầm trên sông Sa đéc. Tây Sơn yếu thế lui dần về sông Mỹ Tho. Chiến thuyền quân Xiêm dàn đội hình chiến đấu hình tam giác, những thuyền nhẹ đi tiên phong, những thuyền lớn làm thành hai cạnh tam giác, cạnh đáy tam giác bảo vệ mặt sau. Đi giữa đội chiến thuyền hùng hậu là thuyền lớn sang trọng của Đô đốc Chiêu Tăng, Chiêu Sương có Nguyễn Phúc Ánh đi cùng để cố vấn cho hai tướng Xiêm. Dòng sông Mỹ Tho nổi sóng dào dạt bởi thuyền Tây Sơn tháo chạy, bởi 300 chiến thuyền quân Xiêm mở hết tốc lực truy kích. Nhìn diễn biến đang diễn ra, Nguyễn Phúc Ánh hết sức lo sợ. Nguyễn Phúc Ánh quá biết thiên tài dùng binh của Nguyễn Huệ. Nguyễn phúc Ánh nói với Chiêu Tăng:
-Đô Đốc cẩn thận kẻo sa vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn. Tôi biết Huệ là kẻ dùng binh mưu lược như thần.
Chiêu Tăng, Chiêu Sương cười ha hả chế diễu Nguyễn Phúc Ánh:
-Ha..Ha.. Ông chúa nhỏ ơi, ông dát như vậy thì thua trận mất cả cơ nghiệp mấy trăm năm là phải. Tây Sơn không đến thì ta cũng đang định tấn công sang miền Đông Gia Định để hoàn thành công cuộc chinh phục. Nay tiện thể tấn công vừa là tiêu diệt Tây Sơn, vừa để hoàn thành kế hoạch đó. Ông chúa nhỏ sợ thì lui về Sa Đéc đi. Ha...Ha...Ha!
Nguyễn Phúc Ánh tức giận đỏ mặt vì bị sỉ nhục. Nhưng thân phận đang đi nhờ vả ngoại bang nên không thể to tiếng với Chiêu Tăng, Chiêu Sương. Ông biết rằng 4000 quân của ông và hàng vạn thủy quân Xiêm đang đi vào tử địa mà không làm gì được. Ánh quá hiểu sông ngòi miền Gia Định và con người Nguyễn Huệ.
Cuộc rượt đuổi kéo dài đến gần trưa, chiến thuyền quân Xiêm lọt vào một khúc sông rộng lớn của dòng sông Mỹ Tho. Chiêu Tăng hỏi Nguyễn Phúc Ánh:
-Đây là đoạn sông nào vậy?
-Dân địa phương gọi là đoạn Rạch Gầm- Xoài Muốt của sông Mỹ Tho, dài khoảng 12 dặm, cách thành Mỹ Tho của Định Tường không xa lắm. Chiêu Tăng, Chiêu Sương bấy giờ mới chú ý quan sát, dòng sông rộng nhưng quá hiểm trở, có những dãy cù lao dài bên phải, bên trái sông xen lẫn với rừng đước, trâm bầu um tùm che khuất tầm nhìn. Nguyễn Phúc Ánh chỉ một cù lao nói:
-Thưa Đô đốc đó là cù lao Thới Sơn.
Ánh vừa dứt lời thì đại bác của quân Tây Sơn từ cù lao Thới Sơn nã đạn như mưa xuống chiến thuyền quân Xiêm. Ngay loạt đạn đầu hàng chục chiến thuyền quân Xiêm ở hậu quân và tiền quân bốc cháy. Đại bác Tây Sơn Tiếp tục dội xuống như mưa. Chiến thuyền Xiêm tiếp tục trúng đạn bốc cháy nổ tan xác, hàng trăm nghìn tên lính trúng đạn cùng những mảnh tàu vỡ tung lên trời và rơi xuống sông. Đoàn chiến thuyền Tây Sơn bị rượt đuổi bây giờ quay lại nã đại bác vào thuyền Xiêm. Phía sau quân Xiêm một đoàn chiến thuyền Tây Sơn dũng mãnh xông ra và nổ đại bác vào hậu quân Xiêm. Hàng trăm chiến thuyền bị mắc kẹt bởi thuyền đắm ngăn chặn phía trước và phía sau, khiến cho quân Xiêm không thể tiến lên cũng không thể rút lui tháo chạy. Đang khi quân Xiêm hoảng loạn thì thủy quân Tây Sơn từ các cù lao, rừng đước xông ra tấn công vào hai bên sườn dữ dội. Miền sông Mỹ Tho rung chuyển tiếng đại bác như sấm dội. Những cột lửa, những cột nước bốc cao, khói lửa mù mịt. Xác thuyền và xác lính Xiêm tiếp tục bị thiêu đốt tung lên không trung rồi rơi xuống nước làm dòng sông tắc nghẽn. Chiêu Tăng và Chiêu Sương cùng kêu lên bằng tiếng Thái hoảng loạn. Nguyễn Phúc Ánh kêu to:
-Chúng ta bị mai phục rồi.
Trong lúc hỗn loạn cả ba nhảy xuống sông bơi vào bờ. Bộ binh của Nguyễn Phúc Ánh tới kịp cứu đưa ba người chạy thoát khỏi chiến trường khủng khiếp rồi chạy về miền Hậu Giang. Chiêu Tăng, Chiêu Sương theo đường biên giới Chân Lạp chạy về nước. Nguyễn Phúc Ánh đem tàn quân chạy về Kiên Giang, trốn ra đảo Thổ Chu và sau đó sang Xiêm làm ruộng chờ thời.
Mãi tới gần tối không gian sông Rạch Gầm -Xoài Muốt mới im tiếng súng và tiếng reo hò xung trận của quân Tây Sơn. 4 vạn thủy binh Xiêm, 300 chiến thuyền hạng nặng chỉ một ngày bị quân Tây Sơn chôn vùi trên đoạn sông Mỹ Tho nổi tiếng. Chúng phải trả giá cho những tội ác mà chúng đã gây ra cho mảnh đất miền Tây Gia Định. Sử vương triều Nguyễn sau này nhận định: ”Sau trận này quân Xiêm La sợ Tây Sơn như sợ cọp”.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-37-a9680.html