Ngoài ra, còn có 25 người là nhân viên dân sự của các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam.
Xét về địa điểm trao trả, ngoài sân bay Gia Lâm - Hà Nội là chính, cùng thời gian trên, còn có 81 tù binh Mỹ được trao trả từ các địa chỉ khác: 69 người được Chính phủ Cách mạng lâm thời tổ chức trao trả tại miền Nam Việt Nam, họ đã lên máy bay từ Lộc Ninh. Ngoài ra, còn có 9 tù binh đã được trao trả từ Lào và 3 tù binh nữa được trao trả từ Trung Quốc...
Hơn 40 năm sau các cuộc trao trả nêu trên, hai trong số những tù binh chiến tranh trước đây trở thành những chính trị gia nổi tiếng phục vụ trong Quốc hội Hoa Kỳ, đó là Thượng nghị sĩ John McCain của bang Arizona và Hạ nghị sĩ Sam Johnson của bang Texas. Một số tù binh khác, sau đó đã tiếp tục phục vụ trong quân đội Mỹ và được phong hàm cấp Tướng.
Cuối tháng 5 năm 2013, nhiều phương tiện truyền thông và báo chí Mỹ đưa tin: Khoảng 200 cựu tù binh, đa phần là các cựu phi công đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, cùng thân nhân gia đình và bạn bè của họ đã có cuộc tụ họp lịch sử tại thư viện kiêm bảo tàng mang tên Richard Nixon (1913 - 1994) - Vị Tổng thống thứ 37 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - ở California, để kỷ niệm tròn 40 năm cuộc trao trả tù binh tại Việt Nam (1973 - 2013). Thời kỳ đầu khi Richard Nixon nhậm chức Tổng thống Mỹ, mỗi tuần đã có khoảng 300 lính Mỹ chết tại chiến trường Việt Nam. Và mặc dù cho đến nay ông vẫn là vị Tổng thống duy nhất buộc phải từ bỏ nhiệm sở vì vụ “Watergate” nổi tiếng; nhưng cũng chính ông là người đã “có công” đưa các tù binh Mỹ thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam và trở về nhà.
Một buổi lễ trang trọng và một bữa tối ấm cúng đã được lên kế hoạch chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ trước đó. Các cựu tù binh đã tổ chức một đoàn xe sơn màu quân sự, họ cùng ăn mặc như những người lính Mỹ năm xưa đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam đầy ám ảnh. Theo kịch bản, đoàn xe chở những cựu tù binh đã vượt qua một cây cầu, như họ đã đi qua cầu Long Biên để sang sân bay Gia Lâm - Hà Nội để về nước. Rồi một nghi lễ đặt vòng hoa tưởng nhớ những người bạn không trở về và kết hợp tour du lịch tới triển lãm của một bảo tàng đặc biệt tập trung vào các kỷ vật và ký ức của các tù binh Mỹ đã hồi hương như thế nào năm 1973. Buổi tối hôm đó đã được các cựu tù binh tổ chức như một sự kiện đáng nhớ trong đời. Họ đã cố gắng tái tạo một thực đơn với các món ăn quen thuộc và cả những món mơ ước khi còn ở trong các trại giam ở Việt Nam cách đó hơn 40 năm để người thân, bạn bè cùng thưởng thức và hồi tưởng lại...
Các cựu tù binh chiến tranh Việt Nam đã gặp may khi cuộc hội ngộ của họ trùng với một ban nhạc khá nổi tiếng nước Mỹ ở cùng một địa điểm. Sự xuất hiện của của một ban nhạc sống cùng những ngôi sao như Bob Hope, John Wayne, Sammy Davis Jr và Irving Berlin... đã thu hút công chúng, báo giới quan tâm và khiến những người đàn ông rơi nước mắt, khi họ cùng đắm mình trong màn biểu diễn "God Bless America".
Tất cả đã cùng uống và nhảy múa cho tới 2 giờ sáng... Họ đã vinh dự nhận được lời của Tổng thống và phu nhân nói “Chúc ngủ ngon” vào lúc nửa đêm. Thậm chí, một thư ký của Nhà Trắng còn nói thêm: "Các bạn có thể nhảy múa suốt đêm. Cứ nhảy cho đến khi nào ban nhạc buông tha và đây là một chương trình miễn phí".
Tất cả đều nhằm mục đích tưởng nhớ các tù binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và tái tạo lại không khí trao trả họ từ năm 1973... Vậy 40 năm trước, người Mỹ đã đón những tù binh của cuộc chiến tranh Việt Nam trở về như thế nào?
Ngày 12 tháng 2 năm 1973, một chiếc C-141A, loại máy bay phản lực vận chuyển, có sơn biểu tượng chữ thập đỏ trên đuôi đã cất cánh từ sân bay Gia Lâm - Hà Nội, mang theo 40 tù binh chiến tranh vừa được phía chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả cho chính phủ Hoa Kỳ. Đó cũng là chuyến bay đầu tiên thực hiện cuộc hành trình hồi hương, đoàn tụ với gia đình cho các tù binh, mà người Mỹ gọi đó là hoạt động “Homecoming”. Sau này, các tù binh hài hước gọi chiếc máy bay ấy là "Hà Nội taxi" - vì nó đã “có công” đưa những tù binh được trao trả đợt đầu tiên bay lên trời, để họ được biết cảm giác hương vị khoảnh khắc khác nhau giữa cầm tù và tự do là như thế nào. Vào cuối ngày hôm đó, thêm ba chiếc C-141A đã cất cánh từ Hà Nội, và một chiếc khác cất cánh từ Sài Gòn mang theo đầy đủ danh sách và những tù binh được trao trả đầu tiên.
Roger E. Shields là một chuyên gia tù binh của Lầu Năm Góc cho hay: Phái đoàn của ông đã được phía Việt Nam chào đón chu đáo. Ông hài lòng với những hoạt động của ngày đầu tiên, mặc dù nó đã bị trì hoãn hai giờ bởi thời tiết xấu ở miền Bắc và hơn 12 giờ bởi tranh luận cho thủ tục trao trả ở miền Nam. Nhưng cuối cùng, giai đoạn đầu tiên của chương trình tù binh hồi hương “Homecoming” đã được hoàn tất. Con số tương tự của các tù binh sẽ được trao trả từ phía Chính phủ Việt Nam trong khoảng thời gian 15 ngày, tương ứng với việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Nghị định thư về tù binh trong các thỏa thuận của Hiệp định Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973 quy định: Tất cả các tù binh chiến tranh phải được trao trả trong vòng 60 ngày!
Để phục vụ chương trình tù binh hồi hương “Homecoming”, Chính phủ Hoa Kỳ đã huy động những chiếc máy bay vận tải loại C-141A như thế, thực hiện nhiều chuyến bay từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 4 tháng 4 năm 1973, chuyên chở gần 600 tù binh chiến tranh hồi hương về Mỹ. Vẫn còn khoảng 1.300 người Mỹ đã được người ta liệt kê và bị coi là đã mất tích trong chiến tranh Việt Nam, cần phải được phối hợp tiếp tục tìm kiếm.
Chưa có tài liệu nào công bố chính thức, nhưng sau này người ta đã thống kê được một con số thú vị: Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, đã có khoảng 90 vụ các tù binh Mỹ nỗ lực tự tìm cách trốn khỏi trại giam của đối phương. Ít nhất 20 vụ trong số đó diễn ra ở Bắc Việt Nam và riêng tại Hà Nội là 5 cuộc vượt trại. Thậm chí còn có những tù binh Mỹ đã nỗ lực thực hiện chạy trốn nhiều lần. Nhưng chỉ có khoảng 4% là thoát được (chủ yếu là ở miền Nam Việt Nam). Còn hầu hết họ đã bị bắt lại ngay trong ngày đầu vừa vượt trại. gowin99 , ngôn ngữ và địa hình hoàn toàn xa lạ, ngoại hình khác biệt, đã bất lợi cho các tù binh Mỹ, khi họ tìm cách đào thoát và trốn chạy khỏi trại giam.
Xin quý vị và các bạn hãy thử đặt mình vào cảm nhận của các tù binh Mỹ ngày đó. Và tưởng tượng rằng họ đang thất vọng, chán chường dường như vô tận, vì đã nhiều ngàn ngày và đêm mất tự do, xa rời người thân và quê hương, thì bất ngờ được thay đổi quần áo và xếp hàng lên máy bay để trở về nhà... Bởi thế, nhiều tù binh khi đã được đọc tên trao trả, bước lên máy rồi, vẫn chưa dám tin, vẫn tưởng đó chỉ là một giấc mơ không có thật.
Khi những chiếc máy bay đã cất cánh rời khỏi đường băng, ổn định độ cao bay trên bầu trời và chắc chắn không thể quay lại trại giam, không khí trang nghiêm, hồi hộp trong các tù binh mới thực sự chấm dứt hoàn toàn. Nhất là khi các cô ý tá kiêm tiếp viên xinh đẹp, mặc đồ trắng, thoang thoảng mùi nước hoa quyến rũ, tới mời họ cà phê, các thứ đồ uống dinh dưỡng khác và cả thuốc lá Mỹ. Rồi họ còn được các tiếp viên mời đọc báo chí mới phát hành trên máy bay. Họ say sưa đọc tờ báo quân sự Stars and Stripes và tạp chí tin tức.
Thậm chí có anh còn vớ được cả một cuốn tạp chí Playboy, như ai đó cố tình bỏ quên trên lưng ghế. Anh ta sửng sốt kêu lên theo bản năng “Chúa ơi!”. Khiến mấy người đàn ông cùng chụm đầu dán mắt vào hình ảnh của mấy cô nàng hoàn toàn khỏa thân đầy gợi cảm... Các tù binh thật sự phấn khích. Họ đã tự đặt ra hàng tá các câu hỏi về nhiều chủ đề khác nhau, từ thể thao đến thời trang và nhất là... đàn bà! Họ chuyện trò râm ran, cùng tỏ ra hứng khởi, cổ vũ nhau bằng cách hò hét, huýt sáo và giơ cánh tay lên. Có ai đó hô “Tự do muôn năm!” Rồi những tiếng cười vang và có cả tiếng khóc ấm ức...
Có tù binh đã tự hỏi: Chúng ta đã được trao trả và trở về quê hương, vậy có phải nước Mỹ đã thắng trong cuộc chiến này không? Một tù binh khác trả lời: Cậu hồn nhiên và ngây thơ quá. Không phải “chúng ta”, hay “nước Mỹ”, mà thường là những cuộc chiến, hay can thiệp quân sự như thế này, chỉ có Chính phủ và những người giàu là thắng; còn những người lính ra trận và nhân dân phải nộp thuế thì bao giờ cũng thua!
Nhưng điều quan trọng là các tù binh vẫn còn sống và được về nhà. Dường như với họ địa ngục đã không còn tồn tại và tất cả mọi thứ đều đang trở thành thiên đường. Đại úy Larry Chesley, người sau khi bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam, đã có bảy năm “an dưỡng” trong trại giam nổi tiếng "Hà Nội Hilton và một số trại giam khác nhớ lại: "Khi cánh cửa chiếc máy bay C-141 vừa đóng lại, thì hầu hết những người đàn ông dạn dày trận mạc và cứng rắn bom đạn như chúng tôi đã cùng ứa nước mắt. Chúng tôi không giấu giếm mà đã tự do khóc để mừng vui cho ngày trở về".
Thiếu tướng Ed Mechenbier là một trong các tù binh của cuộc chiến tranh Việt Nam cuối cùng đã tiếp tục phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ, nhớ lại những cảm xúc của cuộc hành trình của mình ra khỏi miền Bắc Việt Nam vào ngày 18 tháng 2 năm 1973: "Trong không khí xúc động và sự yếu đuối của những tù binh chiến tranh, khi tự do đã trở thành sự thật, chúng tôi đã cùng hét lên, bật khóc, ôm nhau và nhảy...".
(Còn nữa)
Đ.V.H
_________
Với đề tài độc đáo, tư liệu phong phú và cách viết hấp dẫn, “Phi công Mỹ ở Việt Nam” là một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất của Nhà văn Đặng Vương Hưng. Nếu bạn muốn sở hữu, hoặc làm quà tặng cho người thân, chỉ cần để lại tin nhắn, hoặc ĐT- Zalo: 0913 210 520, bản sách có lưu bút và chữ ký mực tươi của Nhà văn sẽ được chuyển phát theo đường bưu điện đến tận địa chỉ nhà riêng của người nhận. Giá lẻ: 200.000 đ/cuốn (kể cả cước phí).
Theo Trái tim người lính
Đặng Vương Hưng