Nhà tôi hồi trước ở vùng Phú Định Q6, muốn đi Chợ Tết thì ít nhất phải đi ra tới chợ Bình Tiên (giờ gọi là chợ Cây Gõ). Nói là đi chợ Bình Tiên, nhưng hầu như không bao giờ chen chân vô khu vực nhà lồng chợ. Mà chỉ đi vòng ngoài dọc theo vỉa hè đường Minh Phụng hoặc Hậu Giang mà thôi, chỉ tìm để mua thêm trái cây, bông cúng từ những cô bác từ miệt Bình Trị, Bà Hom hoặc Hóc Môn, Bà Điểm chở xuống bằng xe lam, ba gác hay là xe ngựa. Mà xe ngựa là khá phổ biến.
Chợ tết tuy bán từ ngày 23 tháng chạp, nhưng những ngày nầy chỉ những sạp bán đồ khô, bán pháo, đồ gia dụng, trang trí, tranh truyện cổ tích treo vách nhà, quần áo may sẵn mới bán được. Mà quần áo chỉ bán phần nhiều là đồ con nít chớ đồ người lớn thì người ta không chịu mặc. Vì chê mặc không đẹp bằng may đồ tiệm, đồ may sẵn bán không chạy như bây giờ.
Thời đó vùng Chợ Lớn người ta may đồ tại khu Cây Gõ, tức là là từ bùng binh trở vô phía bên đây cầu Cây Gõ. Hai bên đường toàn là nhà may, chắc cả trăm tiệm. Thời đó thanh niên tụi tôi chuộng model quần ống loe áo hoa hoè ôm bó sát người. Mà khu Cây Gõ chỉ có nhà may Jim là may quần đẹp nhất, chủ tiệm là một anh thanh niên còn trẻ khoảng dưới 30, ngực lép, ốm nhom mà tóc thì để dài tới tận bờ vai. Nhưng chỉ may quần là số dzách còn may áo thì không đẹp. Phải may tiệm khác. Tôi may áo ở Bình Minh hoặc Trung, đối diện rạp Quốc Thái bên đường Trần Quốc Toản Q11.
Còn giày dép da sandan hay sapo thì phải ra tiệm Long Thành đầu đường Tháp Mười Chợ Lớn mới. Đó là cái gu của dân Chợ Lớn về ăn mặc thời đó.
Chợ hoa, kiểng hồi đó chỉ tập trung bán một đoạn ngắn trên đường Tổng Đốc Phương từ đầu đường Đồng Khánh tức là từ trước cửa 2 rạp cine Đại Quang, Lê Ngọc kéo dài đến rạp hát cải lương Thủ Đô, mà chỉ được phép bán trên 2 con lươn chính giữa trục đường, chỗ phân đường dành riêng cho xe 2,3 bánh mà thôi. Thời đó chỉ bán toàn là tắc (quất), mà là loại tắc ghép bó nhiều cây, hình chóp nhọn giống như cây thông, chớ không có bán tắc cây, tắc vô chậu ciment, tắc nhí như bây giờ. Và dân mua tắc thì 99% là những ông chủ người Hoa. Người Việt hầu như tôi không thấy. Thời đó dân chơi cây kiểng loại có giá trị cao chỉ duy nhất là cây tắc. Còn Hoa vô chậu thì chỉ có Mồng Gà, Hướng Dương, Cúc, nhiều và phổ biến là Vạn Thọ được bày bán tại vỉa hè khu Bình Tiên đường Hậu Giang gần rạp hát Hồng Liên. Mai thì người ta chỉ mua mai cắt cành được bày bán từng bó tha hồ mà lựa. Còn nếu cành đẹp, nụ nhiều, có thể nở đúng ngày mồng 1 có giá thì được người bán cầm trên tay đứng chào hàng. Mua xong về nhà hơ lửa sơ qua rồi chưng trong lục bình (bình bông loại cao lớn). Chớ không biết là có bán mai cây bó bao bố hay không. Hồi xưa phổ biến chỉ có loại mai 5 cánh. Dân biết chơi mới dám chưng mai, còn tay mơ không khéo lạng quạng sáng mồng một tết, thay vì nở vàng rực rở, thì mai của mình rụng đầy nhóc trên nóc tủ bàn thờ gia tiên. May mắn thành may rủi, khiến gia chủ lòng dạ bất an rối bời mấy ngày tết mất vui, vì lo lắng sợ trong suốt một năm dài xảy ra điều bất trắc. Còn Hoa Đào thì tôi thấy thỉnh thoảng vẫn có người mang hoa Đào loại phơn phớt hồng, hồi xưa tôi có thấy một số cây ở miệt Long Thành, Đồng Nai và Phú Mỹ, Bà Rịa, cá nhân tôi thì nhận thấy loại đào nầy còn đẹp hơn Đào ngoài Bắc. Còn hoa chưng cúng thì ngoài số tôi vừa kể nói trên, thì phổ biến chỉ có vài loại như: Huệ trắng, Cúc tím, Cúc đỏ, Sống Đời. Chớ không đa dạng phong phú như bây giờ.
Giấy hồng điều, tranh treo trang trí, thì bán dọc theo đường Khổng Tử, Trang Tử Q5. Bánh kẹo mứt, trái cây, dưa hấu thì các sạp bán dài hai bên đường Hậu Giang từ Bình Tiên tới Tháp Mười, Huỳnh Thoại Yến, Trương Tấn Bửu thì bán trầu cau. Nghĩa là bao bọc nguyên cả khu vực chợ Lớn Mới ngày xưa. Một chi tiết lâu quá rồi tôi cũng không rõ, là hồi xưa có gắn tên bảng hiệu là chợ Bình Tây chưa, thì tôi cũng không chú ý. Vì người dân chỉ quen gọi Chợ Lớn, chia làm 2 khu Chợ Cũ và Chợ Lớn mới.
Chợ tết thì bắt đầu bán rỉ rả từ đầu tháng chạp AL, để bạn hàng bổ đồ về tỉnh bán chợ quê. Còn đối với dân Chợ Lớn thì bắt đầu ngày 25-26 thường đi nghe ngóng giá cả mặt hàng nhiều ít, mắc rẻ để mà toan tính mua sắm những thứ cần thiết trong gia đình ba ngày tết. Hồi xưa qua ra giêng chợ nhóm lại rất trễ chắc khoảng đến ngày hạ nêu mồng 7. Nên người dân mua đồ trữ lại để ăn, thời hồi xưa dân nhà giàu mới có tủ lạnh, còn nghèo thì chỉ là mơ ước. Nhiều khi có tiền mà khu sinh sống không có điện thì cũng chào thua.
Nơi tôi ở là Quận 6 Đô Thành Saigon mãi đến những năm đầu thập niên 70 mới có điện.Thực phẩm tết chủ lực là nồi thịt kho hột vịt, có nhà mua 5-10 kg thịt, cả trăm hột vịt. Thịt heo hồi xưa, nhiều nhà có nuôi 1 hoặc 2 con heo cỏ, để dành tết làm thịt ăn, có dư thì chia cho chòm xóm chỉ lấy giá hữu nghị nhiều khi thâm tình, biếu cho không chỉ là chuyện nhỏ. Còn gà vịt thì về quê mang hoặc mua lên cho rẻ, cột hoặc úp trong lồng để trong nhà nếu nhà sau rộng rãi hoặc để ngoài hàng hiên, dù có trộm cắp nhưng khá hiếm, vì ban đêm mà rục rịch thì chó sủa vang trời. Nên thời đó trộm cắp cũng khó lộng hành vì chó sủa, chưa kể người dân còn bị ràng buộc sự đi lại bằng giờ giới nghiêm. Ăn đến đâu thì bắt ra nhổ lông làm thịt đến đó.
Chợ tết chỉ xôm tụ vào ngày 29 nếu năm đủ. Vì ngày 29 có chợ đêm. Lượt đi thì còn có xe lam, chớ lượt về thì dân nghèo lội bộ thí mồ tổ, vì hết xe. Người có tiền thì món nào cần, món nào thích thì họ mua. Nên cao lắm chừng 1 tiếng là họ mua đủ ra về nên còn xe, còn người nghèo thì chỉ ngóng xem món nào vừa khả năng, vừa túi tiền eo hẹp thì mua. Hoặc chờ hơi khuya người ta bán hạ giá mới mua. Nói là đi chợ đêm cho oai chớ cũng chẳng mua gì nhiều. Từ Chợ Lớn về xóm tui cũng tầm 4-5 cây số vừa lội bộ, vừa xách đồ nhiều khi khá nặng cũng phê. Năm nào 29 mua không được thì ngóng tiếp phiên chợ cuối sáng 30. Chợ đêm 29 hay chợ cuối ngày 30 khu gần trung tâm chợ vẫn bị kẹt xe hà rằm, người ta chỉ biết cười trừ hoặc than thầm trong bụng chớ tuyệt nhiên là không có vụ chửi thề rủa xả như bây giờ.
Ở nhà ai lo nấu nướng cúng kiến thì lo nấu nướng, ai đi chợ thì đi. Thời kỳ đó đại đa số các gia đình sống theo quần thể Tứ đại đồng đường Ông Bà, Cha mẹ, con cháu chắc đều sống chung một nhà, nên nhà nào, nhà nấy cũng đều trên mười mấy mạng. Có nhà trên 20 người.
Từ hồi xa xưa thì buổi chợ ngày 30 là buổi chợ dành cho người nghèo. Buổi sáng sớm thì người ta lo mua đồ hàng bông, rau cải, ớt dưa cà về trữ, vì chợ bán hàng bông hồi xưa bán tại khu Trương Quốc Cường- Mai Xuân Thưởng. Sau khi bấm bụng mua những món đồ thiết yếu xong thì ra về. Canh đến 9-10 giờ trưa là hối hả ra chợ tiếp để canh mua thêm những món đồ nhiều khi rẻ như cho. Đặc biệt đó là trái cây mà vượt lên trên là dưa hấu, hồi xưa dưa hấu chỉ có một loại dưa tròn ruột đỏ. Dưa chưng bàn thờ thì một cặp mấy ngày trước trên 15 kg nhiều khi có giá mấy chục đồng. Trong khi gowin99 thời bấy giờ còn dùng đồng tiền nhôm hình ông Diệm phía trước hình bụi tre, trúc phía sau ngụ ý là Tre tàn măng mọc, hay tiền bạc hình bông lúa 1 đồng, ngụ ý cơm no áo ấm. Thời Ông Thiệu, thì chợ trưa 30 chỉ có giá mấy đồng 1 cặp dưa hấu to tổ chảng. Coi vậy mà không phải vậy, người nghèo canh chợ 30 cũng như là chơi một canh bạc có tính hên xui may rủi. Nếu năm nào dội chợ, thì mua rẻ hoặc chủ hàng bỏ của chạy lấy người để không phải tốn công dọn dẹp theo qui định chính phủ thì lượm về chưng nếu là bông hoa, còn cây trái hay rau cải thì về tỉa gọt vẫn dùng được, ngon chán.
Theo qui luật của người buôn bán tết, thì những ngày đầu, hàng bao giờ cũng bán cao giá cho dân có tiền, dân lo xa rồi tuỳ theo tình hình mà tăng hay giảm lần lần. Nên có năm ngày 30 đổ bỏ, hay bán tháo. Thì dân nghèo cũng được một cái tết ấm no, trên bàn thờ có cặp dưa chưng sáng nhà sáng cửa. Còn năm nào hút hàng dọn chợ, thì tiu nghỉu xách giỏ trống trơn đi về mà gương mặt buồn so, buồn hiu hắt, rồi cũng chợt mỉm cười khi thấy bà con xóm nghèo lân cận cũng như mình chợt nói thầm trong bụng chỉ một mình nghe... thây kệ, ông bà chắc cũng không trách móc chi con cháu của mình, khi mà gia cảnh của nó cũng nghèo nàn thiếu trước hụt sau, cũng chạy gạo từng lon, cơm lo từng bữa.
Theo Chuyện làng quê
Trần Ngọc Hiếu
Link nội dung: //revcat.net/cho-tet-ngay-xua-a9604.html