Đây có phải chỉ là một câu nói vui, vì nó vần vè thuận miệng, lại gợi nên những hình ảnh ngồ ngộ về bốn loại gia súc, gia cầm quen thuộc của làng quê Việt Nam?
Đúng ra là ở làng quê trung du, miền núi nước ta. Bởi nó phản ánh tập quán nuôi dưỡng những con vật nhà nông nơi đây vẫn tồn tại từ bao đời nay của cư dân đồng bào dân tộc.
Đó là những đàn trâu bò được thả rông ngoài rừng, ngoài nương rẫy cho tự do gặm cỏ. Nhưng làm sao mà cai quản, theo dõi được trâu nhà mình, giữa núi rừng mênh mông, có khi không chỉ một con mà cả đàn?
Thông thường, khi con trâu trưởng thành, những người dân miền núi đeo cho nó một chiếc mõ (Trâu còn nhỏ - gọi là nghé - thì sẽ đi ăn theo mẹ). Mõ trâu có thể bằng gỗ hoặc bằng tre. Nếu là gỗ, người ta chọn gỗ mít già, đẽo hình chữ nhật, dài khoảng 30 phân, đục rỗng. Nếu bằng tre thì chọn khúc tre to, rỗng ruột, sử dụng nguyên hai mắt tre, bịt kín hai đầu. Phía trong mõ treo vài khúc gỗ nhỏ (loại gỗ chắc nặng) để mỗi khi trâu đi, cái mõ lắc qua lắc lại kêu thành tiếng. Người coi trâu chỉ nghe tiếng mõ mà nhận ra trâu nhà mình với trâu nhà khác, trâu ăn xa hay ăn gần. Nếu không may đàn trâu bị thất lạc phải đi tìm thì chính tiếng mõ trâu vẳng lại từ xa là tín hiệu giúp người ta tìm ra nhanh chóng.
“Chó leo thang” là chó được thả rông (không bị xích). Chúng chạy nhảy khắp nơi, leo lên thang gác nhà sàn thoăn thoắt, giúp gia chủ trông coi nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn và nhất là giúp "vệ sinh", dọn dẹp cho lũ trẻ con khi chúng đi đại tiện.
“Gà chạy vũ trang” là cách nói chỉ gà chạy bộ (hay gà đi bộ), ăn thức ăn tự nhiên (gạo, ngô, thóc rơi vãi quanh quanh đống rơm, giun dế hay rau cỏ ngoài vườn) chứ không phải loại gà nuôi nhốt, ăn cám công nghiệp. Người ta còn quen gọi đó là “gà tộc” (gà do người dân tộc nuôi), nhỏ và chắc thịt.
“Lợn đào công sự” là loại lợn đen, lợn khoang… mà các dân tộc (như Mường, Tày, Thái...) vẫn nuôi theo chế độ "lợn cạn", tức là thả rông không nhốt chuồng. Bình thường lợn phải nằm trong chuồng mới nhanh tăng cân và béo. “Lợn ra, gà nhốt” là cách nuôi không thuận. Nhưng lũ lợn cạn thì được phép chạy quanh nhà, ra vườn, vào rừng, húc mõm sục sạo tìm thức ăn ở đất (đào công sự). Loại lợn này chậm lớn và cũng không to (thường chỉ một, vài chục cân).
Tất cả những phương thức nuôi nhốt là tuân theo lối chăn nuôi tự nhiên. Trâu giam mình trong gióng chuồng, chó xích chặt vào cột nhà hay rặng rào, gà nhốt suốt ngày và lợn nằm trong chuồng "ăn no ngủ kĩ" (lại còn dùng cám công nghiệp, thuốc tăng trọng…) khó có thể cho ra sản phẩm thịt có chất lượng thơm ngon, đáp ứng với nhu cầu ẩm thực cần phải có. Dân sành ăn bây giờ, cứ phải chọn thịt những con vật nuôi có nguồn gốc tại gia, được chăn thả “tự nhiên tự tại”. Chẳng hạn, “gà lọt giậu” (gà nhỏ con, có thể chui vừa mắt giậu đan bằng tre), “lợn cắp nách” (lợn nhỏ có thể cắp vào nách đưa ra chợ). Sau bao nhiêu năm, sau bao nhiêu biến cố lịch sử, người ta mới nhận ra rằng, quay về với cội nguồn, với truyền thống vẫn là hay hơn cả.
Cơm lam, nhà gác
Nước vác, lợn thui
Ngô luộc, sắn lùi
Thịt trâu gác bếp.
Phạm Văn Tình
Link nội dung: //revcat.net/trau-deo-mo-cho-leo-thang-a9501.html