Các ông bố thì khỏi nói rồi! Các cụ ngày xưa dữ đòn lắm! Vì hồi đó bọn trẻ con nghịch ngũ thuộc hàng thứ ba sau quỷ và ma. Hầu như nhà nào các cụ cũng có cái roi mây treo trên vách để răn đe. Khi nghịch dại các cụ mà biết hay có đứa hàng xóm nào về hớt lẻo thì thôi rồi!
Như thằng Tí nghịch cứt trâu bị cái Na tố cáo. Bố nó liền quát em nó :
- Thằng tèo đâu?
- Dạ
- Mang dạ về đây! Ra bờ giậu bẻ cho bố cái roi.
Thằng Tèo hả dạ lắm!vì hay bị anh bắt nạt. Ra chọn cây hóp. Loại già mà dẻo đưa về. Thế là sau 10 phút giãy đành đạch, van xin hứa hẹn đủ điều. Thì mông Tí đã nổi 5 hay sáu con lươn đỏ lừ lừ.
Nhưng tội cho thằng tèo. Khi đến lượt bị đòn. Thì thằng Tý báo thù lại bằng cách chọn cây roi to, dẻo hơn. Thế là mông thằng Tèo nhìn đàn lươn lại béo mập hơn hẳn. Và cứ luân phiên vậy. Chỉ khi nào cả hai đứa bị úp sấp, ăn roi cùng một lúc thì mới chịu hòa. Đúng là trẻ con. Không cái dại nào bằng .
Mà các cụ rất khôn nhé! Trong tất cả các bộ phận. Các cụ chỉ chọn mỗi mông đít để hành sự. Có lẽ khi bắt trẻ con nằm sấp mặt xuống trõng tre. Thì đít mềm và cao hơn các nơi khác. Nên vụt rất chi là tiện và chính xác, lại không nguy hiểm. Đến nỗi khi học đến cấp hai. Có môn sinh vật rồi . Bọn tôi vẫn khẳng định với nhau là: " Đít để nuôi lươn chứ không phải để ngồi và vệ sinh này nọ.
Ngoài ra các cụ còn có bài: Tự gây vốn và tự nợ nần :
- Tội này mày đáng đánh mấy roi ?
Rất khiêm tốn :
- Dạ 5 roi ạ!
- 5 roi còn ít. Cộng thêm 1 roi thiếu thưa gửi .
- Dạ thưa bố. Con xin nhận 6 roi ạ.
- Vậy là 7.Bây giờ bố đánh 2 roi. Còn cho nợ 5 roi lần sau nhá!
Thế là các cụ lấy viên gạch đỏ ghi tiếp nợ vào cột số trên vách. Cũng kha khá dài.
Riêng cái vụ nợ nần này, mà cái Mít được ăn ổi, nhót thoả thê vì chúng tôi thường thuê nó chữa hộ. Nó tài lắm. Có mỗi tí nước bọt, mà: Số 9 nó chữa thành số 6. Rồi 8 thành 3. Thích nhất là số 10 thành 1. Bái phục. Đúng là thánh quỵt nợ.
Các cụ biết thừa. Nhưng cứ ngơ đi, coi y như là không biết gì cả.
Được mẹ đánh thì thích hơn hẳn. Nếu có mặt cả bố và mẹ ở đấy. Thì tốt nhất là chạy ngay đến chỗ mẹ chìa mông ra.
Các mẹ to mồm hò hét vậy thôi. Chứ "giơ lên cò đỗ, bổ xuống mọc rêu". Tức giơ roi lâu đến nỗi cò đến đỗ mới chịu vụt xuống. Vụt xuống để mọc rêu rồi mới chịu giơ lên.
Thằng tèo to béo. Còn mẹ thì gầy. Đánh được nó xong ngồi thở phì phò và khóc vì thương.
Mẹ thằng Bổng đánh còn nín cười. Làm nó bật cười theo.
Riêng cái Bưởi thì khôn có hạng. Mẹ gọi về nó đi giật lùi, tư thế rất kiêu sa . Mẹ mới giơ roi nó đã khóc toáng lên. Thương bạn tôi mang cho nó múi bưởi. Rồi hỏi?
- Mẹ đằng ý đánh đau lắm à? Tớ xin lỗi nhé! Ai bảo ngồi lớp chia bàn cơ!? . Tớ mới nhỡ để tay sang một tí, mà cậu lấy bút chọc tớ.
Nó cầm bưởi ăn rồi bảo :
- Đau gì mà đau. Mẹ tớ đánh kiểu phủi bụi cho tớ là chính. Nó cười nhe răng sún.
Tôi không tin. Nó liền tụt mông cho tôi coi. Ừ đúng thật! Chỉ có mỗi 3 Cái mụn ghẻ đen đen. Còn tất cả vẫn trắng tỉnh tình tinh như cùi bưởi.
Giờ lớn rồi. Nhiều người bố mẹ đã về nơi thiên cổ.
Gặp nhau. Chúng tôi cứ hay ôn lại kỷ niệm cũ, thấy bùi ngùi, thân thương quá đỗi.
Ôi giá các cụ còn.
Để được các cụ đánh đòn thì vui lắm nhỉ?
Theo Chuyện làng quê
Phạm Mạnh
Link nội dung: //revcat.net/ngay-xua-me-danh-co-dau-a9446.html