Con đường X...vào giờ này thật đông người và xe. Chiếc xe trông lạc lõng, dơ bẩn đến tội nghiệp. Khi nó chạy ngang qua, vài người hiếu kỳ nhìn xoi xói vào khung kính. Ở đó treo lủng lẳng một cái bình truyền và một người phụ nữ trông xấu xí, già nua khắc khổ đang ngồi bên bệnh nhân.
Xe chạy rẽ vào bệnh viện Nhi đồng 1.
Lúc đó cô đang mặc một chiếc đầm dài 2 dây màu hồng cam. Cô đang ngồi sau lưng chồng. Khi chiếc xe chạy qua, bàn tay cô đang vòng qua ôm eo anh bất giác hơi lỏng ra, khó hiểu... Như có nỗi ngại ngùng vô hình nào đó vừa đi ngang qua lòng cô, lạ kỳ.
*****
Ngày xưa... Tâm cũng đi xe biển số tỉnh đó. Chiếc xe 50 phân khối cũ kỹ hay hỏng hóc đó đã cùng cô và Tâm rong ruổi trên những nẻo đường thành phố, trải qua những ngày tình ngà ngọc dưới mưa, dưới nắng Sài Gòn. Sài Gòn những năm trước 2000, Sài Gòn của những con đường còn rất nhiều xe đạp, còn rất hiếm tiệm intenet như bây giờ. Sài Gòn của những sinh viên đến từ khắp các tỉnh xa gần. Chăm học có, ham chơi cũng có, nghèo khó như Tâm và thong thả như cô, Sài Gòn của thời điện thoại di động còn là một thứ rất xa xỉ, tiếng "dế" vang lên đột ngột là bao ánh mắt dõi tìm...
Tâm học Y. Cô hỏi anh sao gia cảnh khó khăn lại học chi cái trường vừa lâu vừa tốn kém đó. Anh chỉ cười buồn. Nhưng khi đã thân thiết hơn, cô mới hiểu. Tâm lớn lên ở một tỉnh cao nguyên heo hút. Mẹ anh mất ngay khi sinh em. Em gái bé bỏng của anh thiếu mẹ, lớn lên lại còi cọc với từng muỗng nước cơm do tay chị Hai anh chăm bẵm. Một ngày, em bệnh, một căn bệnh cũng khá bình thường. Nhưng vì xa xôi, vì thiếu thốn, vì vô vàn những lý do gì gì nữa, nên em gái cũng theo mẹ anh mà đi. Cha anh đi làm rẫy, bị sốt rét rừng, đến khi chuyển ra trạm xá thì đã quá muộn. Hai chị em anh bỗng trở thành côi cút.
Nỗi khao khát học Y. của anh cháy lên từ khi anh bắt đầu biết suy nghĩ, biết nhìn cảnh tăm tối xung quanh mà mơ ước một cái gì đó sáng sủa hơn. Nhưng ở cái nơi xa tít đó, học để thi trường Y. là cả một nỗ lực phi thường. Ôn thêm 1 năm. Tâm mới vào được trường này. Anh học cũng thường thường, dành nhiều thời gian đi dạy thêm, chạy bàn, phát quảng cáo..." Tất cả mọi công việc lương thiện mà anh có thể làm được"...Tâm thường nói với cô như vậy. Và cô cười, nói anh sao mà " sách vở " thế !
Nhưng cô hiểu, anh không muốn phải nhọc nhằn chị Hai thêm nữa. Tận sâu trong lòng mình, cô phục anh, phục người chị mà cô chưa từng gặp mặt. Nếu không có chị Hai ngày đêm làm rẫy thuê nuôi anh, chắc là Tâm đã bỏ cuộc. Tâm học cho mình, học cho chị, học cho cuộc sống đầy thiếu thốn và khó khăn nơi quê nhà...
*****
Cô cũng không phải là người Sài Gòn, nhưng cô không cần phải đi làm thêm. Cô cũng có thể san sẻ với Tâm ít nhiều, nhưng Tâm vẫn thường e dè từ chối. Tâm yêu cô nhưng anh không muốn cô phải bận lòng vì anh. Đôi lúc vì điều đó mà họ thường cãi nhau, anh nói mình không phải sĩ diện gì, nhưng anh không thể làm như vậy. Tính cô thẳng thắn, cô xót lòng khi thấy anh xoay như chong chóng với việc học, với việc làm thêm, với đủ thứ lo toan đời thường. Ngày mới quen Tâm, anh thường lảng tránh cô và điều đó làm cho cô đau lòng biết mấy. Anh không dám đón nhận tình cảm của cô. Mãi đến sau này cô mới hiểu tại sao. Hiểu và thương anh nhiều hơn nữa. Anh đến với cô có lẽ cũng vì cô hiểu anh, san sẻ cùng anh những nỗi lo toan, cô không đòi hỏi anh phải đón đưa cô, không đòi hỏi anh phải dành toàn bộ thời gian rãnh cho cô như những cô bạn khác..
Cô âm thầm và lặng lẽ đi bên thời sinh viên nhọc nhằn của anh, âm thầm chăm sóc anh khi anh quá mệt mỏi đổ bệnh, cô chấp nhận lặng lẽ đi về những ngày lễ Tết khi thiên hạ từng đôi bên nhau dập dìu. Cô không trách hờn gì anh, cô biết những lúc đó anh đang túi bụi làm thêm để đóng học phí, để trang trải tiền nhà, để mua sắm sách vở... Cô yêu anh, yêu lòng tự trọng và nghị lực phi thường của chàng trai cao nguyên dong dỏng cao đó. Vì yêu anh, cô nhận ra mình yêu cả miền cao nguyên đất đỏ chưa từng một lần đặt chân đến đó. Đôi khi, cô mơ mộng nghĩ, nếu anh quyết định về quê, cô cũng sẵn lòng theo anh. Có anh bên cạnh, cuộc sống nơi miền sơn cước đó chắc sẽ lãng mạn và thú vị biết mấy...
Khi Tâm vào đại học cũng là lúc chị Hai anh lấy chồng. Ở miền cao nguyên heo hút đó, cỡ tuổi của chị đã là ế đến nơi rồi. Chị trông già, hom hem và xấu xí. Ngày Tâm rủ cô về thăm quê, cô đã thật bất ngờ khi gặp chị. Người phụ nữ đó trông già hơn tuổi đến gần chục tuổi. Cô nhìn chị, vừa thấy xót thương vừa e ngại, cảm giác đan xen vào nhau. Mới lấy chồng mấy năm mà chị đã một nách 3 đứa con nheo nhóc. Cả 3 đứa nhỏ đều quyến luyến cô, cả chị cũng vậy. Họ đối xử với cô như với một nàng công chúa, một nàng công chúa trắng trẻo, mảnh dẻ, thơm tho và có học. Họ chỉ sợ cô chê cười, chỉ sợ cô không vui, chỉ sợ cô không hài lòng những ngày về quê với họ... Cô vừa thương chị, thương 3 đứa nhỏ ốm o đó, cũng vừa băn khoăn khi nhớ ra mình đang về thăm nhà của người yêu. Về đây, Tâm thổ lộ cùng cô ước mơ học xong ở lại thành phố, cùng cô kiếm việc làm, kiếm một chỗ " chui ra chui vào ", rồi rước chị và 3 đứa cháu vào cùng ở. Những ngày về quê cùng anh đã làm cô nhận ra mình nhớ Sài Gòn kinh khủng, nơi đây buồn hiu hắt. Cô đối mặt với cuộc sống thiếu thốn và đạm bạc của gia đình anh, cô ngỡ ngàng nhận ra hồi giờ mình đã mơ mộng thật nhiều...
Anh càng quyết tâm với dự tính thay đổi cuộc đời đó khi anh nhìn cô khổ sở với cuộc sống quê mình. Khi anh nhìn 3 đứa cháu tội nghiệp tranh nhau từng viên kẹo dẻo cô mang về làm quà. Khi anh nhìn chị Hai, ngỡ ngàng nhớ ra chị cũng hơn cô vài tuổi. Khi anh nằm ngoài hiên nghe 3 đứa nhỏ trò chuyện với cô, đòi cô kể chuyện Sài Gòn... Cô chọc anh sao anh không về quê, làm ở cái trạm Y tế kinh khủng mà cô đã nhìn thấy khi vừa xuống bến xe. Anh chỉ cười buồn, nói nhiều lúc cũng muốn về đây cùng với bà con, nhưng cuộc sống không thể quá lý tưởng được, phải không em ? Về đây rồi cả đời sao ngóc đầu lên nổi, làm sao có thể giúp chị và 3 đứa cháu thoát khỏi cái cuộc sống đầy u ám của họ, làm sao họ có cơ hội để được nhìn thấy Sài Gòn như họ từng thổ lộ mơ ước với cô ?
Vậy mà 3 đứa trẻ lại có cơ hội nhìn thấy Sài Gòn sớm hơn dự định của Tâm. Vậy mà Tâm đã về quê làm ở cái trạm xá kinh khủng đó. Điều mà cả Tâm và cô đều không ngờ tới.
*****
Khi anh còn đang học năm cuối thì cả 3 đứa trẻ đều mắc bệnh hiểm nghèo. Chúng được trạm Y tế chuyển đi thì căn bệnh lây lan đó đã bước qua giai đoạn nguy hiểm. Chuyển xe cứu thương cuối chiều hú còi chạy ngang qua những con đường tấp nập của Sài Gòn. Chiếc xe mang biển số của một tỉnh quen và lấm màu đất đỏ. Chiều Sài Gòn vẫn vui tươi và đầy nắng, một vài nơi đã lác đác lên đèn, sáng rực rỡ cả xứ sở thần tiên của 3 đứa trẻ. Nhưng chúng đã không thể chồm ra cửa kính ngắm nhìn như lẽ ra phải thế.
Chị Hai chắc có thể làm được nhưng chị đã không hề thấy Sài Gòn trong chuyến đi duy nhất đó. Ngồi cứng người bên cái bình truyền dễ sợ, chị trông còn già sọm đi so với ngày thường nữa. Anh và cô đón họ ở cổng bệnh viện, anh làm tất cả những gì có thể làm được để giữ lại 3 đứa cháu bé bỏng của mình. Nhưng ông trời phụ lòng anh, phụ lời cầu xin thành tâm khắc khoải của cô. Cô chỉ còn có thể ôm vai chị, người phụ nữ đáng thương đã dành cả thời xuân sắc cho người thân, người phụ nữ đã quá nhiều lần phải đối diện với nỗi đau mất mát. Cô chỉ còn có thể rơi nước mắt mà thương 3 đứa trẻ tội nghiệp. Cô chỉ còn có thể im lặng an ủi anh, im lặng trước cái nhìn vô hồn đau đớn của anh mà thôi...
Ngày Tâm về, cô đưa anh ra bến xe. Chiều Sài Gòn hanh hanh nắng. Họ tránh không nhìn vào mắt nhau. Cô biết là cô sẽ mất anh vĩnh viễn. Cô không đủ can đảm để đi theo anh, để đêm đêm nghe tiếng côn trùng kêu và nghe tin tức, nghe nhạc qua cái đài chạy pin nho nhỏ. Cô yêu Sài Gòn và cô không thể rời xa được. Cô cũng yêu anh, yêu nhiều lắm. Nhưng cái tình yêu đó có lẽ không đủ lớn để cô có thể bỏ tất cả đi theo anh. Cô tự nhủ, rồi sẽ chờ anh quay về. Dù cô biết điều đó chỉ là tự dối lòng...
Anh không thể ở lại bên cô khi anh cảm thấy mình mắc nợ quá nhiều miền quê nắng cháy. Nơi đó, chị anh một mình thơ thẩn ra vào những chiều cao nguyên lộng gió tơi bời, một mình chị lang thang khắp nơi tìm mẹ, tìm cha, tìm bé Út, tìm 3 đứa con bé bỏng của mình. Chị đã không đủ sức để sống với hiện tại nữa rồi. Chị lại càng không thể rời xa cao nguyên đất đỏ, nơi gần như tất cả người thân của chị đã hòa mình vào đất. Chị chỉ còn duy nhất có anh. Cô đã không thử giữ anh lại, ngay cả nghĩ đến điều đó cô cũng không dám.
Cô nhận ra mình bé mọn biết bao nhiêu khi đứng trước chị, người chị của anh, cũng là của cô...
Tiếng còi xe cứu thương vang lên hối thúc. Cô ngoảnh mặt, thấy lòng mình se thắt lại. Tâm ơi...
( Viết trong ngày biển động mạnh vì gió mùa đông-bắc tăng cường, trời mưa và rét buốt tại làng chài
Xã: Cẩm Nhượng
Huyện: Cẩm Xuyên
Tỉnh: Hà Tĩnh )
Ảnh:
Cuộc đời chị thương biết mấy cho vừa
Chỉ biết hy sinh gánh về mình thua thiệt
Chị Hai ơi đến khi nào em được
Trả nợ cuộc đời cho chị, chị kính yêu
Theo Chuyện làng quê
Nguyễn Sinh
Link nội dung: //revcat.net/thuong-lam-chi-hai-a9416.html