Anh Toàn là con bác Nghiệp (bác Nghiệp là anh mẹ tôi) nên mặc dù anh kém tôi tới 5 tuổi nhưng tôi vẫn phải gọi Toàn là anh. Anh cũng nhập ngũ sau tôi 5 năm nhưng lại được vào đơn vị Hóa học của Sư đoàn. Thời sau giải phóng miền Nam năm 1975, tôi được lên làm trợ lý Tuyên huấn của Sư đoàn nên những ngày giờ nghỉ tôi và anh Toàn thường gặp để thông tin cho nhau về tình hình gia đình và quê hương. Vừa ở chiến trường ra nhưng nhờ có bà cô giới thiệu lên anh đã nhanh chóng yêu được một cô gái chỉ trong một tháng là tổ chức đám cưới.
Vừa trở lại đơn vị Toàn đã sang gặp tôi, anh nói qua loa về tình hình đám cưới rồi chuyển sang báo cho tôi một tin thậy bất ngờ.
- Mày phải xin đơn vị về ngay, nếu không mất cái mối này thì tiếc lắm.
- Mối gì hả anh?.
- Còn mối gì nữa! Về mà đi hỏi vợ. Bố tao và tao đã dàn xếp cho mày cả rồi.
- Lấy vợ mà anh làm như là đi mua mớ rau ấy.
- Tao nói thật đấy, vấn đề bây giờ chỉ còn là mày có đồng ý hay không thôi. Nhưng tao tin là mày chỉ nhìn thấy chị ấy lần đầu là tít cái mắt vào rồi, đố mày ngoảnh mặt đi được.
- Mà người đó là ai, quê ở đâu mới được chứ.
- Trời! Đã háu ăn rồi hả?. Cứ bình tĩnh đi rồi tao nói.
Tôi bắt đầu thấy tò mò và hồi hộp bởi cái trò nói nửa nạc nửa mỡ vòng vo tam quốc giống như ngày nay các cô tiếp thị bán hàng online trên mạng vậy.
- Người đó không cùng quê nhưng gọi mẹ tao là dì ruột. Mẹ tao là em của mẹ chị ấy nhưng lấy chồng ở bên kia sông Đuống, đường chim bay cách nhà mày chừng hơn cây số. Hôm cưới tao cả nhà già sang dự và có cả mẹ mày nữa. Nhác trông thấy chị tao đã ngỡ ngàng rồi thốt lên: “Ôi chị Nhi! Hồi này chị xinh thế. Chị đã đã yêu thằng nào chưa, mau cho em ăn cỗ với?!.
- Chị xấu thế này thì ma nó lấy, chị sắp ế rồi em ơi! Chú giới thiệu cho chị một anh bộ đội đi.
- Thật nhé, chị đã hứa thì phải giữ lời hứa nhé. Em có thằng em họ đang ở cùng đơn vị. Nó lớn hơn em mấy tuổi nhưng là con bà cô nên nó phải làm em. Nó gầy một chút nhưng làm thơ hay lắm. Nếu chị mà làm vợ nó sau này cứ việc đi bán thơ của nó mà ăn.
- Vậy chú bảo anh ấy viết tặng chị một bài thơ đi
- chị cứ yên tâm. Chị yêu cầu một thúng thơ cũng có chớ nói chi một bài. Này nhé. Cái tết năm 73 - 74 đơn vị mới rút ở Quảng Trị ra ém quân ở một khu rừng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đèo cao suối sâu vậy mà người dân vẫn khiêng được con lợn gần một tạ vào tận đơn vị tặng bộ đội. Đêm 30 tết thấy tiếng lợn kêu eng éc ở giữa khu rừng già. Thế mà sáng mùng một tết nó đã “xuất khẩu thành thơ”,thế mới giỏi chứ. Bài thơ đó em còn nhớ từng chữ:
“TIẾNG LỢN KÊU”
“Xắn tay áo
Bẳn quần cao
Lợn nào mà chẳng hãi dao lưỡi bầu
Đón xuân ở giữa rừng sâu
Mổ con lợn béo cùng nhau ăn mừng
Lợn kêu eng éc vang lừng
Dân ngỡ lợn rừng sách súng đến săn”
- Ôi không ngờ cái thằng cù lần vậy mà làm bài thơ “con lợn” tài thế. Người ta làm thơ “con cóc” còn chẳng ăn ai, nó làm thơ “con lợn” mà cũng được đăng ở tờ tin Chiến thắng của Sư đoàn.
- Tao đọc bài thơ mà cô nàng cười ngặt nghẽo. Tao đảm bảo rằng với trình độ “cưa gái” như mày chỉ cần gặp chị ấy mày “hót”nửa bài là siêu lòng rồi.
- Anh cứ làm như em anh là “thần đồng” tán gái vậy. Nếu em giỏi tán gái thật thì làm gì đến nỗi trai gần 30 tuổi vẫn chưa có mảnh tình rách.
- Chiến tranh mà chú. Thế hệ chúng mình hầu hết chưa học hết phổ thông đã nhập ngũ rồi chui vào rừng rú sống như thời Nguyên thủy, có được gần người phụ nữ nào đâu mà yêu với đương. Hơn nữa từ năm 60 thanh niên miền Bắc đã có phong trào “Ba sẵn sàng” rồi lại có cuộc vận động “Ba khoan”: Ai chưa yêu thì khoan yêu, ai yêu rồi thì khoan cưới, ai cưới rồi thì khoan sinh con). Ngày đó giả sử chú có cô bạn gái nào ưng ý thì cũng phải “khoan yêu” cơ mà!. Thế mới có câu “Tình yêu thời hậu chiến”. May mà chúng ta còn mang được cái gáo về để đi hỏi vợ, chứ như thằng Hồi, thằng Thế… hy sinh từ cái tuổi mười chín hai mươi và hàng triệu thanh niên khác chưa vợ ngã xuống trên khắp các chiến trường đã biết mùi con gái là là thế nào đâu!. Như tao đây cũng phải nhờ bà cô mai mối mới lấy được vợ đó. Thằng Thành, thằng Thông cùng học với tao cũng phải nhờ bạn bè giới thiệu mới lấy được vợ. Chỉ riêng có thằng Hoàng với con Huệ yêu nhau từ thời học cấp 3, Vì “Ba khoan” nên vừa mới cưới nhau được một tháng. Bây giờ không phải như ngày xưa “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nhưng nếu như không có người giới thiệu dẫn dắt thì mày sẽ lấy phải đứa chẳng ra gì, hoặc mày tìm đến tết Tây cũng không kiếm được vợ. Người ta chỉ giới thiệu, yêu hay không yêu là quyền của mình, có ai ép được mình đâu. Giả sử chú ưng chị Nhi nhưng chị ấy không ưng chú thì chú cũng phải chịu.
- Anh nói đúng đấy, em vừa rồi cũng phải nhờ thầy giáo Sơn giới thiệu cho một cô giáo viên. Nhưng khốn nỗi mới chớm yêu thì bố anh phát hiện lý lịch của gia đình cô ấy có “vấn đề” nên em phải ngưng lại ngay. Nếu em yêu sâu rồi mới phát hiện ra thì càng đau khổ thêm cho cả hai người.
- Mày yên chí đi. Gia đình chị tao mười đời là nông dân chỉ biết đi cày cấy mấy mẫu ruộng, không bóc lột ai và không có ai tham gia tổ chức phản động nào. Mày như con chim “đậu phải cành cong”một lần nên sợ rồi phải không?.
- Nhưng chưa gặp người ta lần nào em thấy khó nói lắm.
- Tao cũng nói chuyện với bố tao cả rồi. Sau đó bố tao “tấn công” bà già luôn. Bố tao hỏi thẳng vào vấn đề:
- Chị ơi! Con Nhi nhà mình chị đã định gả bán cho ai chưa?.
- Lớn như cái sào chọc trời ấy mà đã có ai ỏ ê gì đâu!.
- Vậy chị gả nó cho thằng cháu em nhé. Mẹ nó với em là anh em con bác con cô. Chồng chết sớm nuôi 3 đứa con ăn học, rồi lớn lên chúng đi thoát ly hết. Bây giờ ở lọ mọ một mình. Em chỉ mong cô ấy có được đứa con dâu cho vui cửa vui nhà.
- Chú cứ dắt cháu vào gia đình nào tử tế là được. Chúng tôi là nông dân chẳng ham gì quyền cao chức trọng.
- Bố tao lại dẫn già sang gặp mẹ mày, hai bà nói chuyện với nhau cũng ăn ý lắm. Tối hôm đó già lại ngủ với mẹ tao, hai chị em cứ rủ rỉ nói chuyện về mẹ mày và mày tới gần sáng.
- Ôi đã đến mức ấy rồi cơ à?
- Chứ còn gì nữa. Mày mà không tranh thủ chớp thời cơ “tất công, đánh nhanh thắng nhanh” thì thằng khác nó quơ ngay. Mày không hiểu rằng thời gian này bao nhiêu bộ đội đi Nam về làng à. Không đáng “cấp tập” là “xôi hỏng bỏng không” đấy.
- Anh cứ làm như là đánh trận ấy.
- Đúng rồi. Phải “bao vây vu hồi” rồi phải đánh “mật tập” hoặc “cường tập” thùy theo thời cơ, “thọc sâu chia cắt đội hình địch”, đánh “giáp lá cà”, “đánh bồi, đánh nhồi” để quân địch không kịp trở tay, “Quyết đánh và quyết thắng”. Bao giờ cũng vậy, “lấy vợ phải cưới liền tay”. Mày không nhớ câu các cụ dạy à?
- Anh là lính Hóa học mà nói hình thức tác chiến như là Trung đoàn trưởng bộ binh ấy. Không ngời “bố này”đi hỏi vợ mà cũng áp dụng chiến thuật nhà binh. Thôi em “thuộc bài” rồi, để em xin Phòng Chính trị xem có được nghỉ nữa không?
- Nhưng tao phải nói trước điều này. Mày và chị Nhi lấy nhau thì mày vẫn phải gọi tao bằng anh nhé.
- Vâng, em hứa.
- Chú đừng có cầu toàn trong việc yêu đương. Suy cho cùng thì ai cũng yêu nhau một thời gian ngắn, thấy hợp nhau rồi tiến tới hôn nhân. Khi thành vợ thành chồng về sống chung với một nhà thì vẫn phải “tìm hiểu”nhau tới trọn kiếp người. Điều quan trọng là trong quá trình “tìm hiểu”mà phát hiện ra những khiếm khuyết hay sự bất đồng ý kiến với người mình yêu thì mình phải có đủ lý lẽ và tình thương yêu để kiên trì thuyết phục, dung hòa, độ lượng, bao dung cho họ.
- Anh nói như Chính ủy Sư đoàn nói chuyện với bọn lính trẻ ấy, nhưng mà đúng vậy thật.
Dù anh Toàn và bác Nghiệp lo cho tôi như vậy nhưng tôi vẫn có nhiều đắn đo suy nghĩ. Mục đích chính của tôi bây giờ là phải lấy được cô vợ tâm đồng ý hợp nhưng phải ở nhà làm ruộng để chăm sóc mẹ tôi. Những cô gái có học vấn cao thời ấy ít người về quê làm ruộng lắm. Thôi thì “Trâu ta ăn cỏ đồng ta” vậy. Tôi phải chấp nhận về sự chênh lệch trình độ nhận thức, về tuổi tác, nhưng nếu cô ấy sống hòa thuận được với mẹ tôi và yêu thương chồng con là tốt lắm rồi. Thì cũng phải về gặp Nhi để “mắt thấy tai nghe” đã chứ. Chắc gì Nhi đã đồng ý lấy mình.
**
Tôi trình bày với Thủ trưởng Trần Lạc Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn về hoàn cảnh gia đình khó khăn để xin phép về nhà tìm hiểu vợ. Dù chẳng phân bua gì thì Thủ trưởng Lạc và anh em ở Phòng Chính trị đều không lạ gì hoàn cảnh của tôi. Thủ trưởng cho tôi nghỉ 10 ngày và còn “giao nhiệm vụ”:
- Nếu điều kiện thuận lợi thì khi nghỉ phép cậu phải xin được lý lịch của người yêu (hiện lúc này tôi chưa biết mặt) để nên trình báo cơ quan nhé.
Tôi về đến nhà chỉ kịp chào mẹ tôi một câu rồi xin phép mẹ cho tôi đi gặp bác Oanh (mẹ anh Toàn)…Bác Oanh đang mang bầu chắc sắp đến tháng sinh. Trời nắng chang chang mà bác mang cái bụng vượt mặt dẫn tôi đi bộ trên bờ đê sông Đuống tới gần 3 cây số để sang nhà chị gái. Đã gần chục năm rồi hôm nay tôi mới có dịp đi bên dòng sông của tuổi thơ. Con sông Đuống là chi nhánh của sông Hồng, về mùa lũ thì nước chảy như con thú dữ nhưng mang phù sa đầy ắp sắc hồng, tưới cho hai bờ ngô lúa xanh ngăn ngắt. Mùa đông thì nước trong xanh chảy hiền hòa, từng đoàn thuyền buôn chở đầy ắp hàng hóa, giương những cánh buồm trắng, buồm nâu căng gió, chạy ngược xuôi như những đàn bướm đang bay lượn trên mặt sông. Tuổi thơ tôi đã bao lần ra sông tắm truồng và học bơi cùng bạn bè trên đoạn sông này. Bây giờ thì tuổi thơ của tôi cũng trôi theo năm tháng và trôi theo dòng nước lâu rồi. Bạn bè tôi thì kẻ mất người còn cũng không biết ở phương nào. Tôi lại nghe văng vẳng đâu đây như có tiếng đại bác của giặc Pháp từ núi Thiên Thai ngày đêm dội về làng tôi cách nay 35 năm về trước. Sau tiếng pháo là tiếng người kêu, người chết, trâu bò chết, nhà cháy… Đi trên bờ đê khoảng một cây số thì tôi nhìn thấy ngôi trường cấp 2 nằm ở bên trái. Ngôi trường cũng gợi cho tôi bao kỷ niệm của tuổi mới lớn. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là thầy giáo Sơn, người đã yêu thương tôi và dìu dắt giúp đỡ tôi trong suốt 3 năm học tại trường và cũng như sau này tôi nhập ngũ đi khắp các chiến trường. Các bạn vào quân ngũ thì tôi biết chính xác bạn Huy, bạn Chữ, bạn Thắng, Bạn Cử …đã hy sinh. Còn các bạn nan nữ khác như bạn Hoàng, bạn Gáy, bạn Lý, Bạn Thủy, Cơ, Hằng, Diệp, Bích, Thông, Để, Sang, Nương, Sắc, Nhung, Thành…thì tôi cũng không biết họ đang ở đâu ?!.
Mải suy tư, tôi đã được bác Oanh dẫn tới bến đò Chì. Tôi cũng không biết bến đò Chì có từ bao giờ mà chỉ biết con đò gỗ ọp ẹp của ông Lệ lái đò hàng chục năm nay đã chở hàng ngàn vạn chuyến đò đưa hàng triệu lượt người dân hai bên bờ sông qua lại làm ăn, học hành và giao lưu thăm hỏi lẫn nhau. Nhất là trong bom rơi đạn nổ suốt hai cuộc chiến tranh tàn khốc mà ông vẫn bám trụ tại bến sông, ngày đêm chuyên chở bộ đội qua sông ra tiền tuyến. Từ ngày đất nước Hòa bình đến nay chắc ông lái đò cũng có cảm nhận rằng “số bộ đội trở lại bến sông không bằng phân nửa số bộ đội mà trong thời chiến ông đưa họ ra trận. Tôi vừa nghĩ về bến đò và ông lái đò vừa nhìn sang cánh bãi bồi giữa sông, mía và ngô đang lên xanh ngăn ngắt. Bỗng nhiên tôi lại nhớ tới bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Thi sĩ Hoàng Cầm… Ôi!, người xưa…và ngày xưa đâu rồi…!
Cuối cùng chúng tôi cũng lên được bãi sông. Mùa này cánh đồng bãi của xã Giang Sơn ngô vụ Đông đã lên xanh tốt. Chúng tôi đang đi trên con đường nhỏ trong cánh đồng ngô thì gặp toán phụ nữ choai choai vác vồ đập đất trồng đậu, đi từ trong làng Tiêu Xá ra. Một thiếu nữ tách đám đông ra với tác phong đon đả:
- Cháu chào dì, Em chào anh bộ đội ạ.
- Cái Nhi đấy hả con. Cha bố mày đi làm sớm vậy, mau đi về nhà có khách.
- Ứ, cháu đi làm đây! Nhà có cái Nhĩ đun nước rồi.
- Hư mà. Con cháu dì bảo phải nghe lời chứ.
Nghe hai dì cháu Nhi đối đáp vậy đám phụ nữ được thể nhao nhao như bầy chim:
- Ơ cái Nhi có người yêu tới thăm chúng bay ơi.
- Về ngay đi Nhi ơi. Mày không về thì để tao về, nhưng có gì “xảy ra” thì đừng có trách!
- Mày vớ được anh bộ đội “ngon cơm” đấy…
Vân vân và vân vân…
Chúng tôi chỉ đi thêm nửa cây số là đến nhà Nhi. Tôi bước vào nhà chào bố mẹ Nhi, chỉ một lúc sau các anh chị em và các cháu của Nhi đã tập trung đầy nhà, hệt như nhà sắp có đám tiệc.
Một người thanh niên đứng lên nói:
- Giới thiệu với chú S, đây là bố tôi, tên Ẩm, còn đây là mẹ tôi, tên Mỵ. Bố mẹ tôi sinh được 1 người con trai là tôi, tên Hà và 6 người con gái gồm có chị Nghị, chị Ký và các em Hả, Hê, Nhi, Nhĩ, Lý. Nhiều em gái cũng có khác nào chứa cái kho “bom nổ chậm” trong nhà. Chú xem mà rước cho tôi được một quả “bom”thì tôi cảm ơn chú lắm. Anh em mình đàn ông đàn ang với nhau nên tôi cứ nói thật.
Nghe anh Hà nói vậy tôi bắt đầu thấy run hơn. Thật là đời chẳng cái gì giống cái gì. Mọi “kịch bản”tôi dự tính bây giờ xảy ra đều sai bét. Tôi thật sự không làm chủ được mình nữa. Lại một người reo lên:
- Ơ con Nhi nó về rồi, mau cất vồ rồi ra chào dì Oanh và chú S đi.
Tôi nhìn ra sân thấy Nhi vội đi cất vồ rồi lao vội vào căn bếp cách nhà khoảng 10 mét.
- Ơ con nhà hư quá, ra chào dì và chú S rồi hãy làm gì thì làm.
Ngồi uống nước với ông bố và anh Hà nhưng tôi vẫn nghe lỏm được mấy chị em của Nhi nói chuyện với nhau từ trong căn buồng bên cạnh vọng ra.
- Được đấy, trông hiền lành và lanh lợi lắm. Nghe nói chú ấy làm thơ hay lắm
- Làm cái gì ra tiền ra gạo chứ làm thơ hay thì có đổ vào nồi nấu thay gạo được
đâu!
- Nhưng phải cái đen và gầy như que củi ấy!
- Thì mới ở chiến trường ra mà. Ở Nam ra anh nào chẳng đen và gầy chứ. Nói chung là đẹp đôi rồi.
- Phải cái con Nhi nhà mình thì lơ ngơ như bò đội nón, chú ấy trình độ cao siêu
chắc gì đã hợp nhau.
- Thì cứ làm tốt việc chăm sóc mẹ cho chú ấy là được rồi.
Nghe mọi người “bình loạn” vậy tôi càng thêm hoảng. Bác Oanh như phần nào đoán được tâm trạng của tôi, bác nói cho cả nhà cùng nghe tiếng.
- Bây giờ cũng sắp tối rồi. Cách sông cách đò không về đêm được đâu. Cháu cứ nói chuyện và vui chơi thoải mái với gia đình rồi ngủ với anh bác một đêm.
Vậy là tôi không còn con đường nào để “thoát” rồi. Chưa hết bế tắc này lại đến bế tắc khác. Vừa ăn xong bữa cơm chiều chị Ký đã giục tôi:
- Chú ơi!. Em nó vào bếp đun nước kìa. Chú tranh thủ vào “tìm hiểu” nó đi.
Lúc này nếu khoảng đất tôi đang đứng có cái hang thì tôi chu xuống liền. Ngẫm nghĩ mãi không còn cách gì khác tôi cũng phải mở miệng xin phép mọi người để chui vào bếp “tìm hiểu” Nhi. Trời ơi, mặt Nhi lúc này có thể nói còn đỏ hơn mặt trời. Tôi hiểu mặt em đỏ không phải chỉ vì do lửa táp mà còn do xấu hổ nữa. Tôi với tay lấy chiếc ghế nhỏ ngồi cách Nhi khoảng 1 gang tay rồi lựa lời hỏi em.
- Hằng ngày Nhi đi làm có mệt không?.
Chờ cả phút Nhi chẳng nói gì, tôi lại hỏi:
- Nhi đã ra thăm Hà Nội bao giờ chưa?
Nhi vẫn im lặng và luôn tiếp rơm vào bếp cho lửa cháy to hơn. Siêu nước đã sôi ùng ục từ lâu giờ lửa cháy to càng sôi sùng sục và bốc hơi nghi ngút. Tôi chợt nhớ câu nói của anh Toàn: “Chỉ cần mày “hót” nửa bài là chị ấy siêu rồi. Tôi liều đánh bạo nói:
- Nhi ơi! Em yêu anh nhé?.
Nhi bỗng giẫy nẩy lên như ngồi phải tổ kiến lửa:
- Em không biết! Em không biết!. Người lớn muốn làm thế nào thì làm.
Thế rồi Nhi vừa khóc hu hu vừa chạy lao ra cổng như một mũi tên. Tôi thật sự không còn hồn vía nào. Mấy người lớn thì người quay xuống hỏi tôi có “sự cố” gì, người chạy ra đường tìm Nhi. Khi mọi người bình tĩnh lại nghe tôi trình bày đầu đuôi cuộc “tìm hiểu” thì mọi người cười xòa. Anh Hà nói luôn:
- Thế là ổn rồi. Cá cắn câu rồi. Biết nói ra một câu: “người lớn muốn làm thế nào thì làm” là ổn rồi. Cứ để cho “chị ta” sang ngủ ở nhà bạn, nó không đi đâu ra khỏi cái xóm này đâu mà lo. Cô ấy đã ủy quyền cho người lớn chúng ta quyết định thì chúng ta cứ việc mà làm. Con nghĩ thế này, thầy u và các anh chị thấy có được không?. “Nhập gia tùy tục”, tôi muốn ngày mai chú S về bên nhà mời ông Trưởng họ sang đặt vấn đề “chạm ngõ”với gia đình nhà tôi, sau đó thì tôi hướng dẫn em Nhi làm bản lý lịch, rồi ra gặp anh Đàm nhà mình đang làm Thường trực Ủy Ban Hành chính xã ghi mấy chữ chứng thực, đóng con dấu vào là xong.
Nghe anh Hà nói vậy tôi không khác gì quả bóng đang căng hơi giờ được xì ra mau chóng. Thật lòng tôi thấy hai bố mẹ Nhi rất phúc hậu, các anh chị và các em cũng rất hồ hởi, thân tình và giản dị. Cảnh nhà sống quây quần bên nhau thật đầm ấm và hạnh phúc.
Sáng hôm sau cả nhà lại tập trung làm bữa cơm linh đình. Ngoài con cháu trong nhà còn có bà cô và mấy anh em nội tộc. Ăn uống xong xuôi thì tôi xin phép gia đình để cùng bác Oanh về bên kia sông Đuống.
Về tới nhà tôi nói cặn kẽ với mẹ lý do tôi bỏ nhà đi từ hôm qua đến giờ. Mẹ tôi vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ. Tôi cũng phải nhanh chóng đi mời bác Vện, chú Tỷ, chú Tý, anh Cuông, anh Quy là những người bậc cha anh và chị Đích, anh Quả là chị ruột và anh rể đến nhà bàn việc giúp tôi đi hỏi vợ hay còn gọi là “chạm ngõ”. Nhân việc bàn chuyện mua lễ nghi đi hỏi vợ, tôi còn bàn với chị Đích cùng các bác các chú tập trung xây cho mẹ tôi căn nhà ngói 3 gian để mẹ chuẩn bị đón con dâu mới. Vì vật tư chủ yếu như gỗ, gạch, vôi, ngói…chị tôi đã chuẩn bị cả rồi.
Tôi đưa bác Vện chú Tỷ, anh Cuông và anh Quy mang 2 buồng cau cỡ trên 500 quả, mấy chai rượu Làng Vân và một số phong bánh kẹo đi hỏi vợ. Chúng thuê một chiếc thuyền nan để bơi tắt qua sông cho gần và chủ động, không ngờ sáng hôm đó gió to sóng lớn, thuyền ra tới gần giữa sông thì nước trào vào lòng thuyền nên phải vội quay lại. Gia đình nhà Nhi nóng ruột phải ra bờ sông đón đợi chúng tôi cả mấy tiếng đồng hồ...
Sau ngày đi “chạm ngõ” tôi còn sang nhà Nhi mấy lần và ngủ lại mấy đêm. Tôi đã trò chuyện, tâm sự với Nhi nhiều điều và đã được em trao cho bản lý lịch để tôi báo cáo với đơn vị. Nhưng thú thực là tôi chưa hôn em được nụ hôn nào!.
Câu chuyện tôi đi hỏi vợ tưởng mới hôm nào mà tới nay đã tròn 46 năm tôi và Nhi về sống chung một nhà. Trong cuộc sống đời thường, ngày nào chúng tôi cũng phải “tìm hiểu” nhau và bổ sung cho nhau những gì cần thiết, bỏ qua cho nhau những thiếu sót lặt vặt, chấp nhận cá tính của nhau (giống như lời anh Toàn nói). Chúng tôi đã gồng gánh, bồng bế hai đứa con thơ từ Bắc Ninh vào Sài Gòn. Trải qua bao gian khổ khó khăn, bao lần ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống bể để nuôi 4 đứa con và 8 đứa cháu nội ngoại ăn học. Trong cuộc sống chúng tôi cũng có lúc bất đồng ý kiến, cũng có lúc “ông chẳng bà chuộc”, cũng có lúc xuôi chèo mát mái, cũng có lúc sóng cả gió to phải chèo chống đủ kiểu, chẳng khác nào những lần tôi phải vượt qua dòng sông Đuống đi hỏi vợ. Khó khăn trong cuộc sống là vô vàn nhưng cái kết cuối cùng là cho đến bây giờ chúng tôi đã vượt qua “sông” an toàn.
Theo Trái tim người lính
Trinh Duy Sơn
Link nội dung: //revcat.net/mot-thoi-de-nho-toi-di-hoi-vo-truyen-ky-a9317.html