Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt biệt danh
Hồi nhà văn Siêu Hải (1924-2012) còn tại thế, thi thoảng chúng tôi lại tới thăm ông. Ít ai để ý rằng, bên cạnh những tác phẩm viết về Hà Nội đã được trao Giải thưởng Thăng Long, ông còn là người thể hiện cuốn hồi ký của vị tướng đầu tiên của Quân đội: Thiếu tướng Lê Thiết Hùng.
“Anh Lê Thiết Hùng không muốn viết hồi ký đề cao mình, cho nên khi được cấp trên yêu cầu viết, anh đề nghị tớ - nhà văn Siêu Hải luôn xưng hô với chúng tôi thân mật như vậy - giúp anh thể hiện dưới dạng truyện ký. Bản thảo hoàn thành, anh đặt tên là “Người học trò nhỏ của Bác Hồ những năm hai mươi”.
Đầu năm 1923, vừa qua tuổi thiếu niên, Lê Thiết Hùng đã cùng một đoàn 12 người sang Thái Lan. Trong đoàn này có những người sau này rất nổi tiếng như Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái...
Mùa thu năm 1924, Lê Thiết Hùng cùng Trương Vân Lĩnh bí mật đến Băng Cốc rồi lên tàu biển đi Hồng Kông, đến Quảng Châu... học lớp đào tạo cán bộ do Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) giảng dạy.
Mùa hè năm 1925, Trường quân sự Hoàng Phố khai giảng khóa mới. Lê Thiết Hùng dự thi và đã trúng tuyển.
Hoàng Phố là trường quân sự của Quốc dân đảng, do Chính phủ Tôn Trung Sơn lập ra. Nhà trường được tổ chức theo mô hình của hồng quân Liên Xô, do các chuyên gia quân sự Liên Xô giảng dạy. Phần lớn trang bị kỹ thuật đều do Liên Xô giúp đỡ... Trường có khá nhiều đảng viên Cộng sản tham gia lãnh đạo như Chu Ân Lai, về sau làm Thủ tướng nước CHND Trung Hoa. Hiệu trưởng nhà trường lúc ấy là Tưởng Giới Thạch và Giám đốc là Lý Tế Thâm.
Nhà văn Siêu Hải lấy ra một cuốn sách của NXB Hải Phòng. Ông đưa bàn tay gầy mảnh chỉ cho chúng tôi từng chữ trên bìa: “Người mang biệt danh Cây gỗ mun”. Đó là cuốn hồi ký của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng được in lần đầu nhưng đã đổi tên.
Nhà văn giải thích, “Cây gỗ mun” được hiểu theo nghĩa đen vì nước da ngăm đen của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Còn theo nghĩa bóng, là tâm sự gửi gắm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Lê Thiết Hùng: hoạt động trong lòng địch vẫn tuyệt đối trung thành, vững vàng và bền chắc như cây gỗ mun!
Đó là khi Lê Thiết Hùng vừa học xong trường quân sự Hoàng Phố. Ông đang mong mỏi được sang Liên Xô học tiếp. Cùng thời gian này, một số cuộc khởi nghĩa bất thành, Đảng Cộng sản Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề. Bạn chính thức đề nghị ta giúp đỡ, cụ thể là cài người vào hàng ngũ quân đội Quốc dân đảng. Người được tin cậy lựa chọn là Lê Thiết Hùng.
Người liên lạc trước khi chia tay đã dặn một câu ngắn gọn: “Từ nay, đồng chí Lý Thụy đặt cho anh một mật danh là “Cây gỗ mun”, nhớ lấy nhé”!
Đại tá trong quân đội Tưởng Giới Thạch
Rủ rỉ, nhà văn Siêu Hải kể cho tôi nghe về giai đoạn này: “Anh Lê Thiết Hùng làm đến đại tá trong quân đội Tưởng Giới Thạch, là nhà tình báo, đã cung cấp nhiều thông tin quân sự quan trọng cho Hồng quân Trung Quốc chống lại quân Tưởng”.
Lê Thiết Hùng được tổ chức giới thiệu liên hệ với ông Hồ Học Lãm - một nhân sĩ Việt Nam yêu nước, làm việc trong Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Tưởng Giới Thạch. Sau này, Lê Thiết Hùng đã trở thành con rể của ông bà Hồ Học Lãm, khi lấy người con gái đầu của họ là Hồ Diệc Lan.
Một đêm khuya ở tư dinh, ông Hồ Học Lãm đã nhận lời tìm cách lấy các bản kế hoạch tấn công của quân đội Tưởng vào khu căn cứ Xô viết Trung Quốc theo đề nghị của Lê Thiết Hùng.
Đêm ấy, ông còn tâm sự, tuy thể xác hình hài mình là sĩ quan Quốc dân đảng, nhưng linh hồn và trái tim ông luôn hướng về cách mạng. Nếu tổ chức cần, ông sẵn sàng về nước tham gia chỉ huy quân sự hoặc làm bất cứ nhiệm vụ gì...
Việc lấy các tài liệu mật vô cùng hiểm nguy, một sơ suất nhỏ cũng có thể mất mạng. Để có các tài liệu mật cho Lê Thiết Hùng, ban ngày ông Hồ Học Lãm đã phải đọc kỹ và "nhập tâm", buổi tối về nhà thì nhớ lại và chép ra từng câu từng ý, vẽ lại bổ sung vào bản đồ đã được chuẩn bị trước...
Chưa yên tâm, để kiểm chứng, xác minh các nguồn tin quan trọng, ông Hồ Học Lãm còn kiếm cớ “đi kiểm tra” để xuống một số sư đoàn, đơn vị sắp tham chiến xem thực hư ra sao... Khi có đầy đủ thông tin, hai người sàng lọc, thống nhất rồi Lê Thiết Hùng cũng bằng phương pháp... “nhập tâm” và nhớ lại chuyển cho phía bạn.
Trong khoảng mùa hè và mùa thu năm 1930, nhiều nguồn tin tình báo quan trọng đã tới tấp chuyển về Bộ chỉ huy Hồng quân Trung Quốc. Trong đó có những "chuyện tày đình": Kế hoạch tiến công vào cơ quan đầu não Đảng Cộng sản Trung Quốc do chính tay Tưởng Giới Thạch phê chuẩn; kế hoạch hoạt động quân sự của quân đội Quốc dân đảng cuối năm 1930 đầu năm 1931...
Nhờ đó, cả ba đợt hành quân quy mô của quân đội Tưởng vào khu Xô viết Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều bị thất bại.
“Này, cậu có biết không, sau cuộc chiến tranh Nga - Nhật, uy thế của quân Nhật lên cao lắm”. Nhà văn Siêu Hải đưa chiếc kính lúp vào trang sách. Đôi mắt chỉ còn 1/10 thị lực khiến ông phải ghé sát vào trang giấy, nhưng số trang thì ông nhớ rất rành rọt. Ông đọc câu ca của môn đồ võ sĩ đạo rất thịnh hành: “Tuốt gươm gọi rượu lên lầu/ Khí hùng nuốt cả năm châu mới là...”.
Thủng thẳng câu chuyện về một đời danh tướng qua lời kể của lão nhà văn dành cho tôi cứ thoắt ẩn thoắt hiện cho đến năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 107/ SL cử Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Tổng thanh tra Quân đội toàn quốc. Rồi ông kiêm Cục trưởng Cục Quân huấn và Hiệu trưởng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là trường Sĩ quan Lục quân), Tư lệnh binh chủng Pháo binh, kiêm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh...
- Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908-1986) sinh tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Năm 1963, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng được giao trọng trách mới: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại CHDCND Triều Tiên... Về nước, ông làm Phó trưởng Ban CP 48 của Chính phủ, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng... Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Theo Trái Tim Người Lính
Kiều Mai Sơn/Nguyễn Cúc (tổng hợp)
Link nội dung: //revcat.net/thieu-tuong-le-thiet-hung-nguoi-mang-biet-danh-cay-go-mun-a9291.html