Ngày nào... đó là những năm1959, 1960. Khi đó tôi lên 6 lên 7 cùng bọn trẻ con Quán Sứ phố tôi lấy cái góc hồ này làm nơi "học nghề đánh cá". Với mảnh chiếu rách, hai đứa hai đầu lội ra thật xa , tay cầm chiếu , tay té nước, còng lưng đưa mẻ cá vào bờ. Cuối buổi đánh bắt, sản phẩm là hơn chục chú cá thầu dầu. Chúng tôi đựng cả vào cái cốc vỡ mò dưới hồ , mang về giấu dưới gầm giường. Mải chơi, tối về tôi thấy cốc cá trên bàn cả nhà cùng ngồi quanh không khí nghiêm trọng lắm. Đó là phiên tòa xét xử vụ đánh bắt cá trái phép đầu đời của tôi!
Hôm đó sợ lắm nhưng cũng không chừa được. (Thời đó người lớn vất vả lắm, thương lắm! Đi làm cả ngày, vất vả kiếm sống mà không có lấy một chút thời gian để kiểm soát bọn trẻ) .
Chúng tôi ra Hồ Gươm là còn nhẹ! Sông Hồng, hồ Văn Chương mới là nơi học bơi, thi tài. May mà chả có đứa nào chết đuối. Anh Thịnh ở 28 là thủ lĩnh cho mọi trò chơi. Bọn trẻ phố tôi( cứ lấy trên dưới tôi chục tuổi mà gọi chung thế) gắn bó với nhau đến năm 1965 khi phải đi sơ tán là mất tin tức về nhau.
Tôi học đến tháng 1 năm 1970, tháng 9 năm 1976 xuất ngũ , về đã thấy một phần đàn anh, bạn bè, đàn em có tên trên bia liệt sỹ của phường Hàng Bông rồi. Hà Nội thời ấy nhỏ bé mà thân thương quá! chỉ một cái cây, góc hồ đã đầy ắp kỷ niệm: bạn bè, anh em Hàng Bông, Cửa Nam, Quán Sứ, Hội Vũ thuở thiếu thời với trường tiểu học Điện Biên ngay kề nhà. Thoáng cái chưa kịp thành người lớn thì đã mất nhau như nhà văn Dương Thị Xuân Quý, Huy Bảo ở Hàng Bông không hề biết nhau gặp nhau ở Quảng Nam chung một đơn vị, tôi về anh chị cũng về nhưng chỉ với dòng tên trên bia đá của phường.
Một thời Hồ Gươm cũng có bên lở bên bồi. Những năm 1950-1960 ấy... bên lở có đền thờ Vua Lê, họ phải đóng cọc tre để khắc phục. Bên bồi là cái bến cá có cây vàng anh đấy. Phía đền Vua Lê thời đó có Câu lạc bộ đoàn kết dành để úy lạo, vui chơi giải trí cho cán bộ bộ đội Miền Nam tập kết ra Bắc theo quy định của Hiệp định Giơ ne vơ.Tôi đã gặp Bác Hồ hai lần ở đó. Người đến thăm hát kết đoàn cùng con cháu miền Nam. Người cũng không biết rằng lẫn vào đó còn có cả bọn trẻ chúng tôi( làm giả vé 5 xu bằng cách ghép các mảnh rách vào với nhau mà vẫn vào thường xuyên được). Có một lần khi xem xong đã 10h , 11h khuya chúng tôi nhìn sang bên hồ thấy đông người đang hò la. Sang xem thì ra một Cụ rùa đang lùng bùng vướng phải dãy cọc tre( Cụ vào mà không ra được).
Tới giờ khi có tuổi sáng nào tôi cũng ra đây ngồi thư giãn mà nhớ về ngày xưa ấy.
Theo Chuyện quê
Nguyễn Đình Rồng
Link nội dung: //revcat.net/nhung-ngay-xua-than-ai-a9117.html