Kỳ 11.
II
CHIẾN TRANH ĐẠI VIỆT-NGUYÊN MÔNG NĂM 1285
Mùa đông năm 1285, trên khắp Đại Việt chìm trong những làn gió lạnh cắt da. Ở miền Lạng Châu, Bắc Giang càng thêm rét đậm. Gió bấc thổi từng cơn, bầu trời u ám. Chim bay từng đàn về Nam tránh rét. Chỉ riêng từ Lạng Châu đến ải Nội Bàng, Bắc Giang là nóng lên bởi không khí chiến tranh hầm hập. Sau 30 năm hòa hoãn, đến nay Nguyên-Mông chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Lần này Nguyên Mông huy động 60 vạn quân chia làm ba đạo tấn công theo ba hướng. Đạo chủ lực gồm 50 vạn tên tấn công vào Lạng Châu tràn xuống Thăng Long. Đạo quân này do Thoát Hoan, hoàng tử thứ 9 vua Nguyên-Mông Hốt Tất Liệt chỉ huy và là thống Soái, được phong Trấn Nam Vương, A Lý Hải Nha là phó soái, đóng vai trò quân sư cho Thoát Hoan, ngoài ra còn nhiều tướng lĩnh lỗi lạc trải qua chinh chiến khắp từ Âu sang Á như Ô Mã Nhi được phong danh hiệu Bạt Đô (dũng sĩ), danh hiệu cao quý của đế quốc Nguyên Mông, như Toa Đô (Bạt Đô), viên tướng tàn bạo khét tiếng thế giới do tàn sát không ghê tay thường dân các nước bị chúng chinh phục, như Lý Hằng, kẻ có kinh nghiệm sâu sắc trong chiến tranh xâm lược, còn có các dũng tướng như Khoan Triệt, Bốt La Hợp Đáp Nhĩ, Mang Cổ Thái, Nạp Hải, Lý Bang Hiến, Tôn Hựu, Tần Đức Lâm, Lưu Thế Anh, Lưu Khuê…Quân binh chủng lần này là kỵ binh và bộ binh. Kỵ binh vẫn là thế mạnh của Nguyên-Mông.
Đạo thứ hai gồm 10 vạn quân do Toa Đô (Bạt Đô) vượt biển từ năm 1283 vào đánh Chiêm Thành, sau đó khi chiến tranh với Đại Việt, Toa Đô sẽ đem quân đánh vào phía Nam, tạo thế gọng kìm để bắt sống triều đình và tiêu diệt quân chủ lực của Đại Việt.
Đạo quân thứ 3 khoảng vài vạn tên do Nasi rút Din chỉ huy từ nước Đại Lý tiến vào Quy Hóa và tiến xuống Thăng Long theo hướng Tây Bắc nhằm phân tán lực lượng của Đại Việt.
Thực ra, trong 30 năm sau thất bại lần 1 năm 1258, Nguyên-Mông không đánh đại Việt vì còn bận chiến tranh với nhà Nam Tống ở Trung Quốc. Sau khi tiêu diệt các nước Kim, Lưu ở phía Bắc Trung Quốc năm 1234, Mông Cổ bắt đầu đánh nhà Nam Tống. Năm 1271, Hốt Tất Liệt tuyên bố thành Lập Đế quốc Đại Nguyên (Nguyên-Mông), Kinh đô là Đại Đô (Bắc Kinh). Năm 1279, nhà Nam Tống với kinh đô Lâm An (Hàng Châu) bị tiêu diệt, Hốt Tất Liệt thành lập đế quốc Nguyên-Mông ở Trung Quốc, biên giới Nguyên- Mông giáp liền với biên giới Đại Việt. Lúc này đế quốc Mông Cổ bước vào thời kỳ huy hoàng thịnh trị nhất, lãnh thổ vắt từ Thái Bình Dương qua Hắc Hải với diện tích khổng lồ 23 triệu km2 mà đế quốc Nguyên-Mông của Hốt Tất Liệt là một bộ phận rộng lớn. Hốt Tất Liệt quyết tâm xâm lược Đại Việt để không chỉ báo thù cho lần thất bại thứ nhất mà còn mở đường chinh phục các nước Đông Nam Á và các nước Thái Bình Dương. Trong 30 năm chưa tấn công bằng quân sự nhưng nhà Nguyên-Mông liên tục cho sứ giả đến đe dọa, gây áp lực và nhục mạ láo xược với Đại Việt. Lúc thì đưa chiếu thư bắt vua Trần sang chầu, lúc thì đòi mượn đường để quân Nguyên-Mông đi qua đánh Chiêm Thành. Các vua Trần khi đó là những vị vua anh hùng không run sợ, không khuất phục, bác bỏ tất cả những yêu sách láo xược, vi phạm danh dự chủ quyền của đất nước, của triều đình.
Năm 1282, Trần Di Ái đi sứ nhà Nguyên-Mông. Hốt Tất Liệt phong Trần Di Ái là An Nam Quốc Vương, cho quân hộ tống về nước để lập triều đình bù nhìn. Trần Di Ái và quân hộ tống bị nhà Trần đánh cho tơi tả. Trần Di Ái phải chạy sang nhà Nguyên. Quan hệ ngoại giao hai nước bị cắt đứt, nhà Nguyên-Mông bắt đầu liên tục đe dọa vũ lực.
Sau năm 1258, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông vẫn duy trì chính sách phát triển kinh tế, khoan thư sức dân, xây dựng quân đội nhiều thứ quân, quân Triều đình, quân của các vương hầu và dân binh của các hào trưởng, tù trưởng. Lập Giảng Võ Đường để giáo dục quân sự cho các tướng lĩnh, thu hút cất nhắc những nhân tài quân sự, coi trọng lý luận quân sự như binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo còn viết “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” cho các tướng lĩnh cao cấp học tập. Khi chiến tranh đã cận kề, nhà Trần triệu tập Hội nghị Bình Than bao gồm tất cả vương hầu, quý tộc nhà Trần để giao nhiệm vụ, thống nhất đoàn kết trong giới quý tộc để làm cơ sở đoàn kết bách tính. Trong hội nghị này, giới quý tộc nhà Trần đã nhất trí cử Trần Hưng Đạo làm Quốc Công Tiết chế, Tổng chỉ huy quân đội lãnh đạo kháng chiến. Một trong những nguyên nhân của các quốc gia trên thế giới thất bại trước sự xâm lược của đế quốc Mông Cổ là nội bộ quý tộc cầm quyền chia rẽ, mất đoàn kết bởi mâu thuẫn trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. Giới cầm quyền đã chia rẽ thì không thể đoàn kết được nhân dân, đoàn kết được dân tộc chống ngoại xâm. Trong giới quý tộc nhà Trần đã tồn tại những mâu thuẫn nhất định. Lý Chiêu Hoàng kết duyên với Trần Thái Tông (Trần Cảnh) năm 1224 , khi đó hai người trai tài gái sắc mới 8 tuổi mà mãi tới năm hai người đã 20 tuổi vẫn không có thái tử để kế vị ngai vàng. Trong khi đó, chị của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên Công chúa lấy anh ruột của Trần Thái Tông là Trần Liễu đã có mang. Thái sư Trần Thủ Độ khi đó quyền lực nghiêng cả triều đình đã buộc Trần Thái Tông ly dị Lý Chiêu Hoàng để lấy chị dâu là Thuận Thiên Công chúa. Lý Chiêu Hoàng từ là hoàng đế, khi nhường ngôi cho Trần Cảnh trở thành hoàng hậu, khi bị ly dị thì bị dáng xuống làm công chúa. Số phận nữ hoàng đế duy nhất này của Đại Việt thật truân chiên. Sau năm 1258, bà lại kết duyên cùng Lê Tần do chính Trần Thái Tông mai mối. Âu cũng là một cái kết vẹn toàn do Trần Thái Tông vẫn còn nhớ đến bà. Trần Liễu mất vợ là Thuận Thiên công chúa đã nổi loạn chống lại Trần Thủ Độ nhưng thất bại, bị tội chết nhưng nhờ Trần Thái Tông can thiệp, Trần Thủ Độ mới tha. Trần Liễu vẫn ôm hận. Trước khi chết đã di nguyện cho con trai là Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) khi nắm binh quyền phải cướp ngôi dòng chú thì ông ở suối vàng mới nhắm mắt.
Trong cuộc kháng chiến lần 2 này, 4 người này đứng đầu triều đình mà không đoàn kết thì cuộc kháng chiến của Đại Việt coi như tiêu vong. Đó là Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, con của Trần Thái Tông, em con ông chú của Trần Hưng Đạo, vua Trần Nhân Tông, con của Trần Thánh Tông, cháu của Trần Hưng Đạo, Thượng tướng thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, con của Trần Thái Tông, em của Trần Thánh Tông và như vậy là em con ông chú của Trần Hưng Đạo. Trong 4 người này thì quan hệ giữa Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải là quan trọng nhất. Trần Hưng Đạo khi nghe lời di huấn của cha, ông không cho là phải. Bản chất của ông là đặt quyền lợi quốc gia, đất nước lên trên hết. Ông đã chủ động làm lành với Trần Quang Khải. Trần Quang Khải hiểu được lòng trung của Trần Hưng Đạo nên cũng chấp nhận làm lành. Hai người một là Thái sư, một là Tổng tư lệnh đã đoàn kết sát cánh với nhau lãnh đạo cuộc kháng chiến. Sự đoàn kết của Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải đã làm nền tảng đoàn kết thống nhất của triều đình, của toàn quân đội và của bách tính đại Việt, tạo nên một sức mạnh vô địch.
Sau hội nghị Bình Than, triều đình nhà Trần mở Hội nghị tại điện Diên Hồng trong kinh đô Thăng Long, thành phần bao gồm toàn bộ các bô lão từ 50 tuổi trở lên ở các làng mạc, thôn, bản, hương, trang trong toàn quốc. Vua Trần Nhân Tông và Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông chủ trì tiệc yến chiêu đãi các bô lão. Khi vào Hội nghị Diên Hồng, vua nói:
-Nay giặc Nguyên Mông đem 60 vạn quân xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh, các bô lão cho biết nên hòa hay nên đánh?
Tất cả các bô lão đều hô vang làm rung chuyển cả điện Diên Hồng:
-Đánh…
Vua Trần Nhân Tông nói:
-Nếu toàn dân đã quyết tâm đánh giặc thì triều đình sẽ đánh. Sau đây các bô lão về làng quê phổ biến và thực hiện chính sách kháng chiến của triều đình. Một, triệt để làm vườn không nhà trống, lương thực phải mang đi, mang không hết phải đem chôn, tuyệt đối không được để lương thực lọt vào tay giặc. Để cho giặc đói mà sức cùng lực kiệt chúng ta mới đánh thắng được.
Các bô lão lại hô vang:
-Các lão phu tuân chỉ.
-Thứ hai, nếu giặc đến đánh được thì đánh, không đánh được thì cho phép rút lui, tuyệt đối không được đầu hàng giặc.
-Các lão phu tuân chỉ.
Ý chí và quyết tâm của toàn dân ở điện Diên Hồng đã đem lại sức mạnh, niềm tin và quyết tâm kháng chiến của triều đình. Ngược lại, các bô lão cũng đem đường lối của triều đình về sâu tận các làng bản, đặc biệt là chỉ dụ về vườn không nhà trống được bách tính thực hiện triệt để, góp phần to lớn vào chiến thắng của cuộc kháng chiến.
Sau hội nghị Diên Hồng, Trần Hưng Đạo tổ chức một cuộc duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu. Tại đây, Quốc Công Tiết chế đọc “Hịch Tướng Sĩ” khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc của quân sĩ. Các binh sĩ căm thù giặc cao độ, nhiều người đã thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát”. Sau lễ duyệt binh, các tướng lĩnh nhận nhiệm vụ, điểm quân lên trấn giữ những nơi trọng yếu đã được Tổng tư lệnh phân công. Trần Hưng Đạo kéo 30 vạn quân lên miền Bắc, đóng Tổng hành dinh ở ải Nội Bàng (Lục Ngạn), Bắc Giang.
Sáng 27-1-1285, trong Tổng hành dinh, Trần Hưng Đạo đang ngồi duyệt lại kế hoạch chiến tranh thì thám mã từ Lạng Châu về báo:
-Dạ bẩm Quốc công tiết chế, 50 vạn kỵ binh và bộ binh Mông Cổ do Thoát Hoan làm chủ soái, A Lý Hải Nha làm phó soái đã từ Tư Minh vượt biên giới đang tiến vào Lộc Châu Lạng Sơn của ta.
Lại có thám mã về cấp báo:
-Dạ bẩm Quốc công tiết chế, một cánh quân Mông Cổ do Sát Tháp Nhĩ Đài và Lý Bang Hiệu chỉ huy theo đường Cáp Lĩnh (Lộc Bình) đang tiến về Sơn Động.
Trần Hưng Đạo dùng mực đen vẽ hai mũi tên lên sơ đồ. Lại một thám mã khác về báo:
-Dạ bẩm Quốc công tiết chế, quân ta ở ải Khả Ly (sông Xa lý, Sơn Động) thất thủ, toàn quân đã hy sinh, hai tướng Đỗ Vĩ và Đỗ Hiệu đã bị bắt.
Trần Hưng Đạo đánh thêm một mũi tên vào ải Khả Ly.
Lại có thám mã về báo tiếp:
-Dạ, bẩm Quốc công tiết chế, từ ải Khả Ly, quân giặc tấn công ải Đông Bản, Sơn Động, toàn bộ quân ta và tướng Trần Sâm đã hy sinh.
Lại một thám mã về báo:
-Dạ, bẩm Quốc công tiết chế, quân Mông Cổ do chính Thoát Hoan chỉ huy đã vượt qua các ải Vĩnh Châu, Thiết Lược, Chi Lăng, Lạng Châu và đang ào ạt tiến tới Bắc Giang.
Tin tức dồn dập làm Trần Hưng Đạo suy nghĩ rất lao lung. Như vậy, thế giặc rất mạnh ban đầu cho nên tất cả các cửa ải của ta đã thất thủ. Bây giờ 50 vạn quân giặc đang tràn xuống và giao chiến với 30 vạn quân ta ở ải Nội Bàng. Vấn đề đặt ra là có nên đem 30 vạn quân đánh một trận quyết định với 50 vạn quân địch hay không. Vấn đề này đã được vua Trần Thái Tông trả lời trong cuộc chiến tranh Mông Cổ- Đại Việt năm 1258, trong trận Bình Lệ Nguyên. Đó là không thể đánh một trận dốc túi như vậy vì đó là một trận đánh mà khả năng thất bại thuộc phía Đại Việt và sẽ mất nước. Đó là cách đánh theo cách đánh của địch. Địch bao giờ cũng thực hiện chiến lược đánh nhanh thắng nhanh để tiêu diệt chủ lực, bắt sống triều đình của Đại Việt, kết thúc chiến tranh thắng lợi. Vậy thì ta phải buộc địch đánh theo cách đánh của ta là đánh lâu dài, tức là Đại Việt phải rút lui chiến lược, chờ chúng đói khát, mỏi mệt suy yếu, khi đó Đại Việt sẽ phản công chiến lược mà tiêu diệt chúng. Cho nên khi quân địch còn mạnh tiến như vũ bão thì những trận đánh với chúng chỉ là những trạnh đánh tiêu hao, kìm chân địch. Từ tư tưởng chiến lược đó, Quốc công tiết chế đã bố trí thế trận nhiều tầng nhiều lớp, phá thế trận bao vây tiêu diệt chớp nhoáng của quân Mông Cổ, thế trận này còn bảo vệ, mở đường rút lui của quân ta, phá thế bao vây của địch. Quốc công tiết chế đã ra lệnh cho các tướng dưới quyền đang ở mặt trận phía Bắc như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Uy, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Nghiễn:
-Chiến thuật của quân Mông Cổ là dùng số đông và sức cơ động của kỵ bị bao vây bốn phía để tiêu diệt chúng ta. Nay ta ra lệnh tất cả các tướng không được để địch bao vây. Thứ hai ta ra lệnh rút khỏi Nội Bàng sau khi đã đánh tiêu hao kìm chân địch. Khi có tên lửa bắn lên trời, tiền quân chặn giặc, còn các tướng phải tự động phân tán rút quân về Vạn Kiếp, không được để địch bao vây tiêu diệt.
-Chúng mạt tướng tuân lệnh.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-10-a8946.html