Ca khúc đã giành giải Tư trong Cuộc thi sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhân Kỷ niệm 70 năm thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam (22/7/1951 -22/7/2021).
Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương đã là cái tên không còn xa lạ với công chúng Thủ đô. Là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, chị luôn song hành giữa hai công việc biểu diễn và sáng tác. Sở hữu một chất giọng đẹp, sáng trong, chị đã giành được một số giải thưởng ở các cuộc thi, như: Giải Ba Giọng hát hay quận Thanh Xuân lần thứ 2, năm 2011; Giải Nhì Hội diễn “Tiếng hát thầy và trò Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội”, năm 2014; Giải A Liên hoan “Tiếng hát Cựu chiến binh Thủ Đô Hà Nội”, năm 2019…
Sáng tác âm nhạc chính là niềm đam mê cháy bỏng của cô giáo gốc Thái Bình này. Là người thầy luôn động viên, giúp đỡ chị trong sáng tác, nhạc sĩ Lê Minh nhận xét: “Ở Thùy Dương thể hiện một con người có niềm say mê mãnh liệt với âm nhạc, dường như chị sinh ra là để dành cho âm nhạc và các hoạt động phong trào”. Đánh giá về các sáng tác của chị, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: “Là người có vốn văn học từ nhỏ nên trong sáng tác Thùy Dương rất thuận lợi khi chọn được những tứ thơ hay, những hình ảnh, chi tiết đắt vào bài hát của mình. Hơn nữa, mặc dù không học sáng tác chuyên nghiệp nhưng chị được học về âm nhạc nói chung nên tư duy âm nhạc khá mạch lạc giúp cho bài hát có khúc thức gọn gàng, đem lại xúc cảm cho người nghe. Năm 2019, chị đã được tặng giấy khen của Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội vì có nhiều hoạt động tích cực. Năm 2021 chị tiếp tục là 1 trong 2 hội viên xuất sắc nhận bằng khen của Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội”.
Nói về ca khúc “Công đoàn Giáo dục Việt Nam”, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương cho biết: “Khi biết cuộc thi sáng tác sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhân Kỷ niệm 70 năm thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Ban Giám hiệu và Chủ tịch Công đoàn nhà trường đã “giao” nhiệm vụ cho tôi phải sáng tác một ca khúc để dự thi. Mặc dù chưa nghĩ ra ý tứ nhưng tôi đã mạnh dạn nhận lời”.
Trước khi đặt bút cô giáo Thùy Dương nhận thức được rằng, đây là chủ đề hay nhưng không dễ viết. Và rồi chị đã xác định, Công đoàn Giáo dục chính là chăm lo đời sống cho giáo viên, bao gồm cán bộ hưu trí đến thế hệ trung niên, tuổi trẻ nên bài hát phải mang tính phổ thông, ai cũng hát được. Bài hát phải dung dị đời thường, cách viết giản dị, chân thật như chính con người của cán bộ công đoàn vậy…
Chị cảm nhận công việc của cán bộ Công đoàn Giáo dục luôn lặng lẽ, âm thầm để “nắm chặt tay dựng xây ngành Giáo dục”, “như những con đò mang tri thức sang sông” và chính họ là “những con người thắp sang lên trí tuệ Việt Nam”… Bài hát vang lên nhẹ nhàng, tình cảm, đầy niềm tự hào với lời ca giàu ý nghĩa đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người nghe. Bài hát ngay sau đó đã được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Với cô giáo Thùy Dương thì giải thưởng này tuy không cao nhưng đã nhen nhóm lên ngọn lửa của tình yêu và sự say mê với công việc sáng tác trong chị. Đó cũng là nơi mà chị trút bầu những tâm tư, tình cảm, lòng biết ơn của mình – một cán bộ trong ngành Giáo dục với những người đang hằng ngày, hằng giờ chăm lo cho đời sống của mình… “Mong rằng các cấp lãnh đạo, các bậc phụ huynh sẽ ngày càng quan tâm, tin yêu hơn nữa để những thầy cô giáo đã và sẽ càng yêu nghề hơn nữa, bớt những “lo toan bộn bề của cuộc sống” tâm huyết “vì đàn em thân yêu”, cô giáo Thùy Dương nhấn mạnh.
Lê Dương
Link nội dung: //revcat.net/yeu-nhung-con-nguoi-thap-sang-len-tri-tue-viet-nam-a8906.html