Siureview cho biết, Galileo Galilei sinh ngày 15/02/1564 tại Pisa - thành phố Tây Bắc Italia trong một gia đình dòng dõi quý tộc. Từ bé, Galileo Galilei đã được cha định hướng, chú trọng vào việc học hành. Galileo Galilei tiếp thu và tiến bộ rất nhanh nhờ tính chăm chỉ và thể hiện rõ là một cậu bé thông minh, sáng tạo. Đối diện với những kiến thức mới mẻ, Galilei luôn tự tìm cách chứng minh và tìm tòi.
Theo mong muốn của cha, 17 tuổi, Galilei theo học y khoa tại Đại học Pisa nhưng ông đã sớm bỏ ngành y để theo học toán học, vật lý và thiên văn vì tìm thấy niềm đam mê trong khoa học. Sự lựa chọn đúng đắn đã giúp Galileo Galilei sớm đạt được thành tựu, ở tuổi 25 ông đã được bổ nhiệm làm giáo sư toán học cho trường Đại học Pisa. Niềm đam mê khoa học thôi thúc Galileo Galilei bắt tay vào nghiên cứu nhiều vấn đề trong lĩnh vực vật lý và thiên văn học. Hoài nghi về những kết quả nghiên cứu cũ, Galilei đã tự thực hiện nhiều thí nghiệm để chứng minh vấn đề theo cách của ông và không ít kết quả đã gây kinh ngạc cho giới khoa học đương thời.
Thí nghiệm lớn nhất, nổi tiếng nhất của Galilei là thí nghiệm được thực hiện trên tháp nghiêng Pisa và đưa ra định luật về rơi tự do. Galilei bác bỏ lý thuyết cho rằng vật nhẹ thì rơi chậm, vật nặng thì rơi nhanh bằng thí nghiệm thả xuống nhiều quả cầu có kích thước như nhau nhưng làm bằng các chất liệu khác nhau để thấy rằng chúng rơi xuống hầu như cùng một lúc. Galilei cho rằng nếu không có lực cản của không khí thì các vật sẽ rơi xuống cùng một lúc. Đó là một trong những khám phá quan trọng của Galilei bên cạnh nhiều đóng góp to lớn cho khoa học như: phát hiện định luật quán tính, chu kỳ của chấn động, định luật về di chuyển của vật được ném đi nguyên lý về tính tương đối, đưa ra các khái niệm rõ ràng về tốc độ, gia tốc… vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến tận ngày nay.
Trong lĩnh vực thiên văn học, một trong những dấu ấn quan trọng của Galilei là tạo ra chiếc kính viễn vọng có thể phóng đại vật thể lên gấp 33 lần. Đích thân Galilei đã xuống xưởng thủ công học cách nấu thủy tinh, đúc và mài thấu kính. Nhờ chiếc kính này, tháng 01/1610, lần đầu tiên, Galilei có thể quan sát bầu trời rõ ràng và đồng thời đưa ra một chân lý gây chấn động, đó là “…Trái Đất không chỉ quay quanh Mặt Trời mà còn tự quay quanh mình nó theo một trục”, đối nghịch hoàn toàn với “Thuyết Trái Đất là trung tâm của vũ trụ” (tất cả các vì sao trên bầu trời là đứng yên, bất động mà trung tâm là Trái Đất) được công nhận trước đó. Học thuyết của Galilei ra đời bị coi là học thuyết dị đoan, đã xúc phạm đến Giáo hội.
Tòa án Giáo hội đã dùng nhục hình để buộc Galilei thú nhận trước công chúng là ông đã sai lầm. Trước sự tra tấn đau đớn, Galilei khi đó 69 tuổi đã buộc phải đồng ý thú nhận: “Tôi Galileo Galilei xin từ bỏ ý nghĩ sai trái của mình, rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và không dời chỗ.” Galilei sau đó bị giam lỏng gần Rome suốt phần đời còn lại. Dẫu vậy, đêm về Galilei vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình cho đến khi mắt bị hỏng. Năm 1634, ông hoàn thành tác phẩm tổng kết kết quả của các thí nghiệm trước đây và những ý nghĩ đã nghiền ngẫm về các nguyên lý của cơ học.
Năm 1637, vài tháng trước khi bị mù, ông đã khám phá ra hiện tượng bình động của Mặt Trăng. Galilei trút hơi thở cuối cùng vào ngày 08/01/1642 với niềm tin mãnh liệt rằng chân lý sẽ chiến thắng. Mãi đến hơn 300 năm sau, năm 1979, Giáo hoàng chính thức tuyên bố, phán quyết của Tòa thánh La Mã đối với Galilei là sai lầm nghiêm trọng. Tên tuổi cùng những cống hiến của Galileo Galilei được kính trọng mãi tận về sau.
Nói thêm về Galilei, trang Khoa học cho biết, khi còn đi học, Galilê là một học sinh hay đặt ra câu hỏi, đối với những vấn đề hứng thú ông luôn tự tìm cách chứng minh. Có một thầy giáo đã đưa ra một câu hỏi hóc búa cho học sinh: Dùng một sợi dây vòng thành các hình khép kín khác nhau, thị hình nào có diện tích lớn nhất?
Để tìm câu trả lời Galilê đã tìm một sợi dây vòng thành các hình như hình vuông, chữ nhật, hình tròn vv… cuối cùng ông phát hiện hình tròn là hình có diện tích lớn nhất trong các hình, ông còn dùng những kiến thức toán học của mình học được để chứng minh quan điểm này.
Thầy giáo của ông thấy sự chứng minh của Galilê như vậy hết sức vui mừng, cổ vũ ông học toán học. Gallilê ngày càng có hứng thú với toán học, ông còn thường đọc một số sách của các nhà khoa học nổi tiếng, ông thích đọc sách của nhà triết học Arixtốt người Hy Lạp nhất, đồng thời ông còn thích tìm tòi thảo luận những nội dung trong sách. Ông dần dần phát hiện ra có rât nhiều vấn đề Arixtốt không có tư duy biện chứng chặt chẽ mà chỉ phán đoán thông qua cảm giác và kinh nghiệm.
Stephen Hawking đánh giá Galileo là người ảnh hưởng nhiều nhất đối với sự ra đời của khoa học hiện đại hơn bất kỳ người nào khác. Albert Einstein gọi ông là cha đẻ của khoa học hiện đại.
(Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn)
An An (tổng hợp)
Link nội dung: //revcat.net/galileo-galilei-cha-de-cua-khoa-hoc-hien-dai-a8841.html