Dễ đã sáu, bẩy mươi năm rồi, đường phố Hà nội vắng bóng những người làm xiếc rong, trong đó có anh Hiển ở đầu ô Cầu Dền. Gánh xiếc của anh chỉ có anh và con khỉ. Anh cho con khỉ bậu trên vai, mang theo chút đồ nghề, hàng hóa đi diễn lưu động với chiếc xe đạp. Bất kể nơi nào trên hè đường, cũng có thể là “Sân khấu”. Đây là nghề mưu sinh kiếm sống bằng trò làm xiếc. Người xem qua lại, ai có lòng thì thưởng tiền, quà bánh, mua thuốc cao dán, thuốc ho hen anh bán,… không xin, không nài nỉ ép buộc.
Khỉ làm trò khỉ như kéo xe, nhào lộn, đu giây, hút thuốc lá… chủ yếu xen kẽ vào các màn tạp kỹ của anh Hiển. Anh người hiền lành củ mỉ cù mì, ấy vậy mà trời thương nên đã cho nhiều tài lẻ mà không phải ai cũng có.
Trên đường phố giữa một đám đông vây kín, Anh có thể chơt đâu mở đầu bâng quơ bằng mấy nhịp đánh đàn mồm: “Tưng từng tưng tứng tưng tưng”, rồi hát: “Tôi bán đường tơ, thương thương nhớ nhớ, điên điên rồ rồ , thương vay khóc mướn mua vui dật dờ, khéo se tình hờ, trút tơ lòng ra, chiều nhân thế say với mơ…” (Thẩm Oánh). Rồi bắt ngay sang giọng đặc sệt Sài Gòn ca mấy câu vọng cổ u hoài: “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luôn trông tin Nhạn/ Năm canh mơ màng…” (Dạ cổ hoài lang). Vừa hết câu vọng cổ, anh lại quay tròn một điệu valse lả lướt, hai tay vươn ra như đang ôm người đẹp,miệng hát “Chình chắc chắc, chình chắc chăc… một… dòng sông xanh, một dòng tràn mênh mông…” (Beau Danube). Tiếng vỗ tay rào rào. Anh cao hứng chuyển sang hát xẩm: “Đêm qua ý a, ý a…ai mang trăng sáng... ới a trải lên… (lên) vườn Chè…” (Nguyễn Bính). Đám đông phấn chấn quá, nhao nhao huýt sáo, vỗ tay cười rộ lên tán thưởng. Thế là anh lại phơi phới “Chơi “ một điệu Swing, hát nhộn nhịp tưng bừng “chú cai” ( Hoàng Giác ): “Từ ngày tôi lên Cai/ Cuộc đời chén hoài/ Lương lên thêm bách tám/ Trước có thiên hai…”. Đám đông cổ vũ: “Tiếp, tiếp…”. Anh cũng hào hứng như Điên, “phang” luôn điệu nhảy máu lửa Rock and Roll và cất tiếng ca “Ô mê lý, mê ly…. Ô mê ly… đời ta…” (Văn Phụng).
Tiếp theo, anh trổ tài nheo mắt bên Trái thì Tai bên Trái ngọ nguậy. Nheo mắt phải thì tai phải cụp ra cụp vào. Nhắm cả hai mắt thì cả hai tai vẫy vẫy. Hết trò này lại hút thuốc lá nhả khói qua tai. Đám đông, nhất là con trẻ hả hê chố mắt, há miệng ngạc nhiên phục tài không kém gì anh hề chính hiệu!
Còn bây giờ là trò đi quyền bài võ Mai hoa, Thiếu Lâm, đấm đá nhanh thoăn thoắt. Hết võ lại đứng tấn, nào là Trung bình tấn thân hình vững chắc như cây Lim, Đinh tấn, chảo mã tấn đẹp lả lướt như cây liễu… Đường quyền đi đến chỗ nào là chỗ ấy dạt ra, y hệt một chiến binh xông pha nơi trận mạc…
Tạm nghỉ, anh mang ra một khay thuốc cao dán chữa ung nhot, thuốc ho hen, dầu cù là Nhị thiên đường… mời chào. Bà con móc túi mua ào ào, anh cúi đầu cảm tạ.
Để kết thúc, anh trình diễn 36 điệu Cười. Đây là tiết mục tâm huyết có duyên thầm, xem rồi không quên được.
Đó là những nụ cười biểu cảm mọi cảm xúc con người: Cười mỉm, cười tủm, cười trong mơ, cười nhếch mép, cười hô hố, cười hềnh hệch, cười bẽn lẽn, cười đểu, cười mỉa, cười khan, cười khanh khách, cười ruồi, cười buồn, cười của người điên (Súy Vân giả dại), cười đay nghiến, cười gằn, cười trừ, cười nhạt, cười hể hả, cười gian hùng Tào Tháo…và hay nhất là cười Đổng Trác rồi… Cười nịnh (cười Thái giám):
* Cười Đổng Trác: Là chuỗi âm thanh lệ khệ, phè phỡn, no nê, khệnh khạng, đanh, sắc, như sắt thép va cham nhau mà phát ra “Ha ha ha… ha ha ha…”. Tiếng cười vỡ toang hoang như voi gầm hổ thét, biểu lộ cảm xúc hết cỡ của kẻ tiểu nhân gập thời, thỏa mãn mọi dục vọng. Đó là chuỗi âm thanh được phát ra từ cái bụng phệ căng rốn, nên rất mạnh, trường hơi. Tiếng cười bùng nổ không giới hạn, không có gì áp chế được, trong đó ẩn chứa quyền uy “trên đời không biết có ai”.
* Cười Nịnh (nịnh Đầm): Nó là đệ tử cua cười Đổng Trác, nên không thể hô hố được, Nếu như cười Đổng Trác hống hách, dài hơi đến bất tận bao nhiêu, thì cuời nịnh “hỳ hỳ” lại nhạt nhòa, khép nép, khúm núm, ngắn hơi bấy nhiêu…
Cười Nịnh bao giờ cũng “hợp đồng tác chiến” với thân mình khom lại, 2 con mắt cụp nhìn ngước lên, 2 bàn tay xoa xoa xun xoe hoặc gãi đầu gãi tai thăm dò “bề trên”. Vì vậy tiếng cười nịnh luôn được điều tiết ngắn dài, sắc thái to nhỏ, không tùy tiện được. “Bề trên “ đang cáu mà cứ “hỳ hỳ “ thì coi chừng ăn đòn. Nếu đã quen cười nịnh thì lúc ấy tiếng cười phải ngắn lại hụt hợi, len lén như con dán bò. Cười nịnh là môn nghệ thuật siêu đẳng. Tiếng cười nịnh mà lọt tai “Bề trên” thì “Ăn mệt nghỉ”.
Tiếng Cười, kể cũng lạ! Một nụ cười tủm tỉm khoan dung độ lượng đã mang lại hạnh phúc cho bao người. Trong khi đó, Trụ Vương khi xưa muốn được xem nàng Bao Tự cười “Nhất tiếu khuynh thành, nhị tiếu khuynh quốc” mà đắm đuối mê muội đến nỗi mất cả giang sơn cơ nghiệp. Còn gian giảo lưu manh đệ nhất là cười nịnh, nó đã khiến cho không ít người cầm cân nẩy mực được thổi bốc lên chin tầng mây, biến thành ra cận thị, quáng gà mà không hay biết…
*****
Người làm Xiếc rong năm xưa ngày ngày trên hè đường cần mẫn và lương thiên, mang lại cho người đời niềm vui nho nhỏ, nay đã về thiên cổ. Những Tiếng Cười Nhân tình thế thái của ông, bây giờ ai nhớ, ai quên…?
Hà nội 29/8/2020
Theo Chuyện làng quê
Lê Kiều
Link nội dung: //revcat.net/nguoi-lam-xiec-rong-a8780.html