Đây là một câu trong bài đồng dao mà dân gian mô tả hình dạng và thời khắc xuất hiện của mặt trăng trong “chiết đoạn” thời gian của một đêm (tính theo âm lịch). Nội dung như sau:
Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo
Mười bảy sảy giường chiếu
Mười tám rám trấu
Mười chín đụn dịn
Hăm mươi giấc tốt
Hăm mốt nửa đêm
Hăm hai bằng tay
Hăm ba bằng đầu
Hăm bốn ở đâu
Hăm nhăm ở đấy
Hăm sáu đã vậy
Hăm bảy làm sao
Hăm tám thế nào
Hăm chín thế ấy
Ba mươi không trăng.
Như vậy có 8 những ngày đã không vào thơ: từ mồng bảy (7) đến mười bốn.
Trong sáu ngày “mồng”, ta thấy trăng trong năm ngày đầu tiên được miêu tả theo hình dáng mô phỏng theo các đồ vật, cây cỏ. Trăng mồng một như lưỡi con trai (động vật thân mềm, sống ở đáy nước) hé miệng chìa ra khoảng thân theo hình cánh cung của vỏ (cứ quan sát lũ trai “hé miệng thè lưỡi” trong chậu nước thì rõ). Trăng mồng hai to hơn một chút, nom tựa như lá lúa. Trăng mồng ba lại to hơn, như cái câu liêm (dụng cụ gốm một lười quắm hình lưỡi liềm lắp vào một cán dài, dùng để móc vào mà giật, cắt những vật ở trên cao). Mồng bốn thì giống hệt lưỡi liềm (nông cụ kim loại, hình vòng cung, tra cán ngắn, dùng để cắt cỏ, cắt lúa…). Mồng năm “liềm giật” (trăng hôm đó đã to hơn lưỡi liềm).
Nhưng ngày hôm tiếp “Mồng sáu thật trăng” thì trăng không được mô phỏng theo hình dáng nữa. Vậy chữ “thật” trong “thật trăng” nghĩa là gì?
“Thật” trong tiếng Việt có nhiều nghĩa. Nhưng có một nghĩa (“thật” với tư cách phó từ) chỉ “mức độ hoàn toàn đầy đủ để có thể thấy rất rõ, không có gì phải nghi ngờ” (VD: gọi thật to, quét dọn thật sạch sẽ, nước thật sôi mới pha trà) (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) là tương đối gần với “thật trăng”. “Thật” được dùng theo nhận định của người nói (áp vào tiêu chuẩn của hiện thực). “Nước thật sôi” là nước đun đã hoàn toàn đạt độ sôi cần thiết (để pha trà, úp mì tôm hay hoàn toàn yên tâm về độ sát khuẩn theo quy định). “Bánh thật ngon” là bánh theo cách đánh giá chung là đạt chất lượng thực sự, không nghi ngờ gì nữa. “Cô dâu thật đẹp” là cô gái nọ vào vai cô dâu đã hoàn hảo về ngoại hình: dáng vẻ, khuôn mặt, trang phục, tư thế đều đạt chuẩn về thẩm mĩ… “Thật” trong “thật trăng” được dùng với nghĩa như thế: Trăng mà ta nhìn thấy trong đêm từ mặt đất là đã rõ ràng về hình dáng, độ sáng (không còn he hé, nhỏ tới mức chưa tạo ấn tượng thực sự về trăng đêm).
“Thật trăng” mồng sáu đây rồi
Anh yêu em thật như lời của anh!
Phạm Văn Tình
Link nội dung: //revcat.net/that-trong-mong-sau-that-trang-a8756.html