KỲ 2.
Sau bữa ăn sáng, Hoàng thái hậu nhiếp chính Ỷ Lan đang ngồi uống trà, chợt có thị nữ vào báo:
-Dạ bẩm Hoàng thái hậu, có thám mã từ biên cương phía Bắc về báo tin khẩn cấp.
-Cho vào.
-Dạ.
Thám mã vào hành lễ:
-Dạ, Hoàng thái hậu thiên thiên tuế.
-Bình thân, tình hình biên giới có việc gì khẩn cấp?
-Dạ, bẩm Hoàng thái hậu, nhà Tống đã xây dựng xong ba căn cứ gần biên giới để chuẩn bị xâm lược Đại Việt, đó là thành Ung châu, Khâm Châu và Liêm Châu thuộc Quảng Nam Tây lộ. Ung Châu là căn cứ bộ binh, Khâm Châu và Liêm châu là căn cứ thủy quân. Tại đây, chúng tập trung vô kể vũ khí, lương thực, thuốc men và binh lính tinh nhuệ, thuyền chiến. Dạ bẩm Hoàng thái hậu.
-Tin chính xác không?
-Dạ bẩm Hoàng thái hậu, tin chính xác ạ. Tri Lạng Châu và tri lộ Hải Đông cũng đã xác nhận tin này ạ.
-Cho ngươi lui
-Dạ.
-Người đâu.
-Dạ, bẩm Hoàng thái hậu.
-Đi mời hoàng thượng, Thái úy Lý Thường Kiệt và Thái phó Lý Đạo Thành tới điện Thiên An bàn việc.
-Dạ, tuân lệnh Hoàng thái hậu.
Điện Thiên An là nơi thiết triều. Đời Lý Thái Tổ nơi thiết triều là điện Càn Nguyên. Trong thời kỳ loạn tam vương 1028, điện Càn Nguyên bị phá tan hoang. Sau khi dẹp được loạn, năm 1029 trên nền cũ của điện Càn Nguyên, Lý Thái Tông cho xây dựng điện mới gọi là điện Thiên An. Trong điện này có căn phòng nhỏ để họp những đại thần quân quốc trọng sự bàn những việc khẩn cấp của đất nước. Được lời mời của Hoàng thái hậu, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái phó Lý Tự Thành đã có mặt. Hai vị trụ cột của triều đình ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn kê dọc, vua Lý Nhân Tông và Hoàng thái hậu nhiếp chính ngồi ghế chủ ở chiếc bàn kê ngang nhìn xuống. Sau một lượt trà, Hoàng thái hậu Ỷ Lan nói:
-Thưa hoàng thượng, thưa hai vị ái khanh, cách đây 94 năm nhà Tống đã xua quân xâm lược Đại Cồ Việt, đã bị hoàng đế Lê Đại Hành đánh cho tơi bời nhưng chúng không biết rút ra bài học. Hiện nay, chúng đang âm mưu xâm lược Đại Việt ta. Nhà Tống mấy năm nay đã cho bọn Khởi, Di quấy rối ở biên giới, đóng cửa không cho bách tính gần biên giới qua lại mua bán. Nay theo tin của thám mã về báo, nhà Tống đã xây dựng xong ba căn cứ chuẩn bị cho cuộc tấn công xâm lược Đại Việt, thứ nhất là căn cứ bộ binh Ung châu do Tô Giám chỉ huy, thứ hai hai là hai căn cử thủy quân Khâm Châu do tướng Lỗ Khánh Tông chỉ huy và Liêm Châu do tướng Trần Vĩnh Thái chỉ huy. Những căn cứ đó hiện nay tích lũy nhiều lương thực, vũ khí, thuốc men. Liêm Châu và Khâm Châu còn nhiều thuyền chiến. Đại Việt của chúng ta đang bị đe dọa. Hai ái khanh có kế gì phá giặc không?
Thái phó Lý Đạo Thành nói:
-Bẩm Hoàng thái hậu, bẩm hoàng thượng, thần cho rằng nên điều thủy quân ra sông Bạch Đằng đóng giữ, gia cố lại những bãi cọc ngày xưa của Ngô Vương và của Lê Đại Hành, thứ hai là tăng cường phòng thủ biên giới.
Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt nói:
-Bẩm Hoàng thái hậu, bẩm hoàng thượng, lời của Thái phó Lý Đạo Thành nói phải lắm.Nhưng thần cho rằng trước hết phải gây khó khăn cho kẻ địch khi tấn công vào Đại Việt mà trước hết là khó khăn về lương thực, hậu cần. Muốn vậy phải triệt phá ba căn cứ quan trọng của nhà Tống, đó là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm châu. Ba căn cứ bị tiêu diệt thì khi kẻ kia vào Đại Việt, ta làm cho chiến tranh kéo dài, khó khăn về lương thực, giặc đuối sức tất phải tan rã.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan hỏi:
-Làm thế nào để phá được ba căn cứ đó?
Lý Thường Kiệt đáp:
-Bẩm hoàng thượng, bẩm Hoàng thái hậu, xin hoàng thượng ra lệnh cho Tông Đản, phò mã Thân Cảnh Phúc, các tướng Vi Thủ An, Hoàng Kim Mãn, Lưu Kỷ, tất cả do Tông Đản chỉ huy dẫn 6 vạn quân tiêu diệt các trại tiền tiêu gần biên giới và vây đánh Ung Châu. Thần sẽ chỉ huy 4 vạn thủy binh vượt biển tiến đánh Khâm Châu và Liêm Châu. Sau đó thần sẽ đem quân cùng vây đánh Ung Châu với Tông Đản. Đây là chiến thuật “Tiên phát chế nhân”, đánh người trước để khống chế người.
Hoàng thái hậu đáp:
-Thôi thì nước nhà và triều đình trông cậy vào Phụ quốc Thái úy và Thái phó Lý Đạo Thành.
Lý Thường Kiệt nói:
-Còn nữa, thưa Hoàng thái hậu và hoàng thượng, sau khi thần triệt phá ba căn cứ và rút quân về, nhà Tống sẽ tràn sang xâm lược. Cho nên khi thần đi chinh phạt, trong nước vẫn phải chuẩn bị kháng chiến. Nhờ Thái phó Lý Đạo Thành ở nhà huy động quân dân đắp một phòng tuyến bờ Nam sông Cầu, bắt đầu từ Đại Từ Thái Nguyên, nối với Tam Đảo chạy dài đến Lục Đầu Giang để ngăn quân giặc khi chúng tràn xuống bờ Bắc sông Cầu. Thiết kế và cấu trúc phòng tuyến này thần sẽ gửi và nói rõ cho Thái phó sau.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan nói:
-Nay khẩu dụ cho Thái phó Lý Đạo Thành huy động dân phu trong bách tính xây dựng phòng tuyến phía Nam sông Cầu theo yêu cầu thiết kế và kỹ thuật của Thái úy Lý Thường Kiệt, hẹn trong 40 ngày phải xong.
Lý Đạo Thành quỳ xuống :
-Thần tuân chỉ.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan nói tiếp:
-Nay phong cho Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt làm Tổng chỉ huy các đạo quân thuỷ bộ tiến sang đất Tống, phá tan các căn cứ của quân xâm lược, tạo điều kiện thuận lợi đánh bại quân địch khi chúng vào xâm lăng Đại Việt.
Lý Thường Kiệt quỳ xuống đáp:
-Thần tuân chỉ.
Hoàng thái hậu nói tiếp:
-Khanh nói rõ hơn về đạo quân miền núi và ai sẽ là người chỉ huy:
-Dạ bẩm Hoàng hậu và hoàng thượng, đạo quân bộ khoảng 6 vạn này toàn là binh sĩ biên cương mà đa số là người các dân tộc thiểu số phía Bắc, quen chiến trận ở miền núi. Đạo quân này sẽ đánh các đồn tiền tiêu của Ung Châu như Hoành Sơn, Vĩnh Bình, Tây Bình, Cổ Vạn, sau đó sẽ tiến vào bao vây Ung Châu. Tham gia đạo quân này gồm Tông Đản, phò mã Thân Cảnh Phúc, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An, Lưu Kỷ. Đạo quân này do Tông Đản chỉ huy và Tông Đản cũng là Phó soái toàn bộ cuộc hành quân này.
-Còn đạo quân của khanh, có những tướng nào tham gia?
-Dạ bẩm Hoàng thái hậu, bẩm hoàng thượng, đạo quân thủy do thần trực tiếp chỉ huy, tham gia có Thủy sư đô đốc hoàng tử Hoằng Chân và hoàng tử Chiêu Văn. Thần sẽ cho đánh Khâm Châu, Liêm Châu, sau đó sẽ vượt Thập Vạn Đại Sơn cùng đạo bộ binh đánh Ung Châu. Sẽ nhanh chóng hạ Ung Châu để rút về nước chuẩn bị kháng chiến.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan hỏi:
-Trong khi Phụ quốc Thái úy đang trên đất Tống mà nhà Tống huy động vài chục vạn quân tấn công thẳng vào Đại Việt để giải vây cho Ung Châu và chiếm nước ta thì ta đối phó thế nào?
Lý Thường Kiệt đáp:
-Dạ bẩm hoàng thượng, bẩm Hoàng thái hậu, thần đã có dự phòng, cửa ngõ xa xôi mà địch ít đi qua để vào nước ta là châu Quảng Nguyên thần cũng đã cho lực lượng bố phòng biên giới. Hai cửa ngõ vào nước ta buộc địch phải đi qua là Lạng Châu, thần đã cử tướng Lý Thường Hiến đem 2 vạn quân chấn giữ, ngoài ra khi cần có thể huy động dân binh của các tù trưởng ở vùng biên giới. Cửa ngõ thứ hai quan trọng là cửa sông Bạch Đằng, thần đã cho tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy 2 vạn thủy binh, 300 chiến thuyền chốt giữ. Cửa ngõ huyết mạch Đông Bắc Thăng Long là Lục Đầu Giang và Vạn Kiếp thần cử 2 vạn quân do tướng Lý Long Ban chấn giữ.
Hoàng thái hậu nói:
-Khanh bố trí lực lượng chu đáo như vậy, ta yên tâm rồi. Khanh đã phục vụ ba triều vua, thông thạo tình hình biên giới. Khanh nói qua về các phò mã áo chàm và các tướng lĩnh người dân tộc ta nghe?
Lý Thường Kiệt đáp:
-Dạ bẩm hoàng thượng, bẩm Hoàng thái hậu, Phó chủ soái Tông Đản là người dân tộc Nùng, cho nên hay gọi là Nùng Tông Đản, sinh năm 1046 ở châu Quảng Nguyên, vùng thuộc sông Bằng Giang, mẹ là Ngô Cẩm Thi, cháu đời thứ 5 của Tiền Ngô Vương, dòng Ngô Xương Văn. Tông Đản là một tướng có tài thao lược, đặc biệt là chiến trường miền núi. Giao cho Tông Đản chỉ huy đạo quân bộ này, thần tin Tông Đản có thể hoàn thành sứ mệnh. Vả lại, từ Khâm Châu và Liêm Châu, thần sẽ vượt Thập Vạn Đại Sơn sang tiếp sức cho Tông Đản ở Ung Châu ngay, xin Hoàng thái hậu yên tâm.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan gặt đầu:
-Tông Đản được lắm, thế còn phò mã Thân Cảnh Phúc?
-Dạ bẩm Hoàng thái hậu và hoàng thượng, Thân Cảnh Phúc người dân tộc Tày ở Động Giáp, Lạng Châu, sinh năm 1030. Nhà họ Thân này có tới ba đời làm phò mã nhà Lý ta. Ông nội Thân Cảnh Phúc là Giáp Thừa Quý lấy công chúa triều ta, được hoàng đế đổi cho họ Thân. Cha là Thân Thiệu lấy công chúa Bình Dương. Thân Cảnh Phúc là con của Thân Thiệu và công chúa Bình Dương thì lấy công chúa Thiên Thành vào năm 1066. Thân Cảnh Phúc được triều đình phong là Châu mục Lạng Châu. Dòng tộc này rất trung thành với nhà Lý ta, đã từng giúp ổn định miền biên cương Lạng Châu rất tốt. Thân Cảnh Phúc cũng có tài năng quân sự nên giao cho phó chỉ huy đạo bộ binh.
-Tham gia đạo bộ binh này còn có các tướng người Tày, là tù trưởng các địa phương có thế lực, nhiều kinh nghiệm tác chiến ở miền núi như Lưu Kỷ, Vi Thủ An, Hoàng Kim Mãn. Binh sĩ cũng phần lớn là dân binh, quân bản bộ của các tù trưởng Lạng Châu và châu Quảng Nguyên, rất thiện chiến ở các địa hình miền núi như Nam Trung Hoa.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan nói:
-Với sự Tổng chỉ huy của Phụ quốc Thái úy, với sự bố phòng trong nước như vậy ta và hoàng thượng yên tâm. Ta và hoàng thượng chờ tin khải hoàn của Phụ quốc Thái úy.
-Đa tạ Hoàng thái hậu, đa tạ hoàng thượng.
* *
*
Lạng Châu, mùa đông năm 1075, sau khi nhận chiếu chỉ của hoàng đế Lý Nhân Tông và quân lệnh của Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt, Tông Đản lập tức cho lập hành doanh tập trung quân đội. Ngày 20-10-1075, 6 vạn quân Việt, 100 thớt voi, 5000 ngựa chiến cùng các tướng lĩnh bí mật xuất phát tràn sang đất nhà Tống, mở đầu cho cuộc Bắc phạt. Đêm nay trong tổng hành dinh, dưới một lán trại lớn, Tông Đản nói:
-Trước mắt chúng ta là ba trại lớn của địch bảo vệ từ xa cho Ung Châu. Đó là trại Bình Tây ở phía Tây, trại Hoành Sơn ở giữa và trại Vĩnh Bình ở phía Đông. Mỗi trại cách nhau 30 dặm và cách chỗ chúng ta đây 10 dặm. Đêm nay, chúng ta phải bí mật bất ngờ đồng loạt tấn công tiêu diệt ba trại đó. Mỗi trại có 1 vạn tên địch. Tướng quân Thân Cảnh Phúc.
-Có mạt tướng.
-Tướng quân chỉ huy 1 vạn quân, 30 thớt voi có nhiệm vụ tiêu diệt trại Bình Tây. Nhớ phải bí mật bất ngờ diệt gọn.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Thân Cảnh Phúc đi ra điểm quân xuất phát.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: //revcat.net/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-2-a8681.html