Những năm đại học, một nửa số môn Dung phải thi lại, nhiều môn thi lại đến 2-3 lần, nửa số môn còn lại được điểm 5-. Thế rồi cô cũng tốt nghiệp đại học với cái bằng “Trung bình yếu”.
Trái với những bạn học giỏi nhận tấm bằng đỏ chói, Dung được nhận vào Sở giáo dục – đào tạo ngay, cũng vì cái lý lịch đẹp và những mối quan hệ có đi có lại của bố.
Bằng sư phạm nghề nữ công gia chánh nhưng Dung được vào một phòng danh giá khi ấy, liên quan đến quản lý con người, bước đầu là chân loong toong đun nước pha trà cho các giáo sư, tiến sỹ.
Rồi Dung cũng lấy chồng, anh tên Toán, là một kỹ sư tin học chứ danh. Anh có nhược điểm là ngủ ngày, cày đêm, nhưng ưu điểm là làm ra tiền, rất nhiều tiền và rất nghe lời vợ.
Từ ngày có con, việc nhà được chia đôi, mỗi người một nửa, nửa Dung đảm nhiệm là cho con bú và nửa Toán đảm nhiệm là tất cả mọi việc khác. Đương nhiên Toán không cho con bú được, đành chọn nửa nhẹ là làm mọi việc khác.
Đứa thứ nhất mới chập chững thì đứa thứ hai đã sắp sinh. Từ sáng sớm, Toán đã phơi quần áo từ máy giặt rồi quét nhà, mua đồ ăn sáng cho vợ con trước khi chạy đến cơ quan kịp giờ.
Tối, tắm cho con, sau khi nấu ăn, rửa đống bát đĩa dồn cả ngày, Toán lau nhà rồi cho quần áo vào máy giặt.
Vòng xoay cuộc đời cứ thế. Khi con đã khá lớn, các bậc cao niên ở sở về hưu vãn, Dung được gợi ý cho đi học cao học để đưa vào nguồn phát triển.
Ngoài lo cho con ăn, học và đảm bảo toàn bộ việc nhà, Toán thêm việc kèm vợ ôn thi cao học. Thế mà bằng phép màu nào đó, nàng đỗ cao học.
Suốt thời gian vợ vừa đi làm, vừa đi học, Toán lo tất về chi phí, nuôi cả nhà và làm mọi việc trong gia đình, lúc này con không cần cho bú nữa nhưng vợ bận học.
Tuổi 33, Dung tốt nghiệp cao học, là tấm bằng trung bình duy nhất của cả khoá, mọi người khác đều nhận bằng khá giỏi cả. Thế nhưng sau khi học lớp trung cấp lý luận chính trị, nàng đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm phó trưởng phòng.
Năm sau, Dung lại đăng ký làm tiến sỹ, Toán lại cật lực giúp vợ ôn thi, thật không ngờ, nàng vẫn đỗ rồi nhận bằng tiến sỹ giáo dục học năm 36 tuổi. Thực ra, Toán chẳng hiểu được vì sao vợ đỗ và nhận bằng, vì trong quá trình giúp Dung ôn bài, cô hoàn toàn không hiểu gì, chỉ lờ mờ vài khái niệm chung chung.
Có bằng thạc sỹ, rồi tiến sỹ, Dung coi thường chồng ra mặt:
- Anh thật lười nhác, không chịu nỗ lực học hành nâng cao trình độ để vươn lên.
- Anh chẳng có chí tiến thủ, ba cái phím tắt trên máy tính làm sao nuôi nổi cái miệng.
- …
Đương nhiên, ở nhà, người làm ra tiền là Toán nhưng bằng cấp thấp hơn vợ, thì phải lo hết việc nhà cho vợ nghiên cứu khoa học chứ.
Chức trưởng phòng đã nằm trong tay, Dung đi họp, đi công tác suốt, kể cả đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài cùng sếp. Nàng ngày càng ăn diện toàn đồ hiệu đắt tiền, về đến nhà là chê chồng lười học, không chịu nghiên cứu, không thức thời làm ăn, ...
Những vết rạn gia đình đã lộ thiên toang hoác.
Đứa con thiếu tình thương, vắng sự chăm sóc của mẹ, đã bắt đầu ăn chơi. Ba nó, Toán không hề biết con học hành, chơi bời ra sao. Thời mấy đứa còn nhỏ thì ba lo nuôi, lớn lên thì chúng chủ yếu ăn hàng bằng tiền của mẹ. Mẹ Dung càng lên chức to thì càng bận rộn, chỉ sẵn sàng cho tiền khi nó cần,chẳng biết nó lấy tiền làm gì.
Cái gì đến cũng đến, đứa con lớn dính chích hút tự khi nào, khi ba mẹ biết thì đã quá muộn, nó đã bỏ học lâu rồi.
Đứa lớn vào trại cai nghiện, đứa bé cũng noi gương anh khi bằng các mối quan hệ, mẹ cứ cố nhét con vào trường chuyên, lớp chọn trong khi kiến thức cơ bản nó bị rỗng, nên toàn đứng chót lớp. Bỏ học đi chơi là lẽ đương nhiên và phía trước là trại cai nghiện.
Toán và Dung cãi nhau kịch liệt nhiều trận, ai cũng đổ lỗi con hư là do người kia.
Toán cãi nhau xong là đi uống rượu, vì trình độ công nghệ thông tin chúa sừng của anh, giờ bọn trẻ, chính những học trò của anh, đã vượt qua thầy. Cái cần câu cơm ngày càng ngắn lại thì độ lép vế trong nhà của Toán càng tăng thêm.
Dung cãi nhau xong là đi mua sắm, đối tượng tác chiến của cô là những shop hàng hiệu. Đa số đồ mua về cô dùng đúng một lần rồi treo đầy các tủ, thỉnh thoảng Dung cho các bạn hoặc đóng cả bao tải cho từ thiện.
Nghe nói, Dung đã có người lái xe Grab là bạn học thời đại học bi thất nghiệp, giờ anh về chạy xe công nghệ chở nàng đi bất cứ đâu nàng muốn. Nhiều khi chàng chở nàng đi công tác hai ba ngày không về, còn việc bận phải qua đêm thường xuyên.
Gia đình bây giờ là khái niệm trừu tượng với họ. Nhưng họ nhiều tiền, mà nhiều tiền chẳng biết để làm gì. Ngay cả hai đứa con nghiện hút vẫn không thể hết tiền được.
Thế mới là gia đình "mẫu mực".
Theo Chuyện quê
Trương Thành Sơn
Link nội dung: //revcat.net/gia-dinh-mau-muc-a8513.html