Anh theo đoàn hát cho vợ anh dễ bán thuốc, còn anh đưa vai gì anh cũng hát vô tư... không hay cũng không dở, trả lương bao nhiêu anh cũng lấy không chút so đo nên bầu gánh thời đó ai cũng thích anh: Diễn viên Lê Niềm.
Gặp tôi, không biết sao anh có vẻ mừng lắm, sáng nào anh cũng rủ ra chợ Hồng Ngự uống cà phê ăn sáng, anh rủ một cách thân tình xem tôi như một người em thân thiết của anh vậy .
Một hôm, đoàn thiếu người hát anh được Bầu gánh Giao cho anh vai độc chánh. Anh nói thiệt với tôi là anh trước giờ chỉ hát những vai tào lao thôi, lần này được hát vai kép độc chánh anh lo lắm vì anh không biết đánh kiếm...
Thế là tôi bày cho anh mua chai rượu và dĩa mồi tôi sẽ dụ tay kép chánh Minh Trọng đến tập đánh kiếm với anh...
Vừa nhậu ở bãi đất trống sau cái Đình vừa chỉ đạo cho hai ông kép đánh trên đỡ dưới bỏ luôn buổi cơm trưa. Cuối cùng nhậu hết chai rượu thì cũng thành công, tuy mệt nhưng cũng vui vì truyền được "Võ công" cho hai ông kép hát.
Vậy mà tối đó tuồng hát tới hồi vãn là trận đấu một mất một còn của anh kép chánh và anh kép độc. Nhưng sao anh Út Niềm đứng yên trơ cặp mắt lé mà không chịu rút kiếm ra?
Minh Trọng quát lên :
- Tên cướp nước kia sao nhà ngươi đứng im re vậy?
Út Niềm lấy tay che miệng lắp bắp nói :
- Mày đâm anh chết đi... anh quên hết rồi...
Minh Trọng hét toáng lên :
- Đồ vô dụng...
Rồi đâm chết tên tướng giặc dễ ẹc...
Hôm sau ai cũng chê anh đi hát lâu năm sao mà diễn tệ như vậy làm anh Út buồn lắm. Hỏi sao mà quên anh lắc đầu nói:
- Chắc tại khán giả đông nên anh bị khớp...
Vài hôm sau đoàn bị kiểm tra vì đoàn hát không có giấy phép hoạt động (Giấy nhập từ tỉnh này sang tỉnh khác) đoàn hát bị lập biên bản đồ đạc bị niêm phong, vậy là nghệ sĩ trong đoàn mạnh ai nấy tìm hướng đi cho mình.
Tôi và anh Minh Trọng buồn quá gom tiền lại chỉ đủ mua chai rượu ra bên hông Đình nhậu chờ thời tới đâu thì tới.
Anh Út Niềm lại ngồi chung anh hỏi :
- Hai chú tính về đâu?
- Tụi em tính về Chợ Mới mà chẳng còn cắc nào trong mình..
Anh chợt nói:
- Đi với anh... anh lo hết cho.
Thôi thì cứ đánh liều chứ tôi biết mấy hôm nay anh Út cũng đâu có tiền vì bà con ghét anh hát dở nên chẳng ai chịu mua thuốc giúp anh.
Xuống đò Hồng Ngự - Chợ Mới, anh kêu bà vợ của anh ngồi trên mui tàu còn anh ẳm đứa con nhỏ trên tay với bình sữa đựng nước cơm... tôi và Minh Trọng ngồi xa anh một chút... Khi đò chạy khá xa rồi anh mới ngắt cho đứa con nhỏ khóc thét lên, anh vừa dỗ con vừa khóc :
- Nín đi con...
( Nhưng bị ngắt đau làm sao nín? )
Mấy bà khách đi tàu ngồi kế bên hỏi :
- Mẹ nó đâu mà anh ẳm con một mình?
Anh nghẹn ngào nước mắt lưng tròng :
- Mẹ nó bỏ tôi theo trai mấy tháng nay, tui tìm gặp thì nó giao con cho tui rồi đi theo thằng nhơn tình của nó luôn rồi... mấy tháng nay vất vả tìm vợ tìm con khắp nơi, may sao hôm qua gặp con người phản bội, nó bằng lòng giao con chứ nhất định không chịu về với tui mấy chị ơi.
Mấy bà hỏi :
- Sao anh không đánh nó một trận cho nó bỏ tật theo trai.
Anh Út lắc đầu :
- Thắng nhơn tình của nó tướng như con Voi sao tui dám rớ. Bây giờ hai cha con tui tiền đâu mà về quê ở miệt thứ .
Anh Minh Trọng bước tới làm bộ hỏi thăm vài tiếng rồi rưng rưng nước mắt và móc tiền ra cho (Tiền anh Út đưa làm chim mồi) thấy vậy mấy bà dưới đò ai cũng cho tiền vì tội nghiệp hai cha con bất hạnh. Chỉ một lúc anh Út đã gom đầy một nón tiền.
Tới bến đò Doi lửa, Anh Út cùng lên với hai thằng tôi anh rủ ăn hủ tíu... ăn uống xong anh đưa cho hai thằng tui mấy chục anh nói :
- Bên An thạnh Trung có đoàn hát mới lập chắc họ cần hai em, còn anh chị chắc về quê luôn. Lúc nãy trên mui chị Út đã trả tiền cho hai em rồi, còn tiền đi đò của anh có mấy bà kia trả giùm. Thôi anh em mình chia tay ở đây nhé, chúc hai thằng em có chỗ làm mới.
Hai vợ chồng anh lên xe đi rồi Minh Trọng mới lầm bầm :
- Cha Út này hát thì dở mà lúc nảy chả diễn hay quá tao khóc thiệt chứ đâu phải làm bộ đâu. Cha này diễn sơn đông hay hơn trên sân khấu.
Lúc đó tôi mới biết sân khấu và cuộc đời cũng chỉ là một vai diễn. Vai diễn trên sân khấu chỉ vài giờ còn sân khấu cuộc đời là một vở diễn dài mà hồi kết là khi mình nhắm mắt xuôi tay .
Theo Chuyện quê
Bùi Trung
Link nội dung: //revcat.net/xuat-dien-tren-tau-a8404.html