Ngày đó, năm 1984, tôi vào lớp 6, thầy dạy Toán và chủ nhiệm lớp tôi. Ba năm sau, tạm biệt mái trường, tạm biệt thầy Đông và các thầy cô giáo cũ, chúng tôi đứa thì nghỉ học để làm bạn với ruộng đồng, chợ búa; đứa thì học tiếp lên cấp III.Từ hồi đó đến giờ, đã trên 30 năm không gặp lại thầy nhưng hình ảnh của thầy Đông vẫn còn in rất đậm trong kí ức của tôi.
Thầy viết chữ rất đẹp, thầy vẽ hình minh họa rất siêu và dạy Toán cực kì dễ hiểu. Thầy đặc biệt chiều bọn con gái chăm ngoan, học giỏi nhưng lại rất nghiêm khắc với mấy đứa con trai lười biếng, ham chơi mà nghịch ngợm.
Có rất nhiều kỉ niệm để tôi nhớ về thầy nhưng nhớ nhất vẫn là hình ảnh thầy đánh trống cho chúng tôi tập thể dục giữa giờ. Bác trống trường được treo trên giá cao ngang tầm tay với trước mặt. Trong tư thế hai chân choãi bằng vai vững trãi, hai tay cầm hai chiếc dùi trống, thầy bắt đầu dạo hồi trống gọi xếp hàng. Nghe hồi trống gọi liên thanh rộn cả lòng người, lũ quỷ sứ chúng tôi vội vàng dừng lại các trò chơi còn dang dở, ba chân bốn cẳng hộc tốc chạy ra sân dàn hàng. Đứa sau nhìn đứa trước, nhìn ngang rồi nhìn dọc, chẳng mấy chốc, hàng đã xếp thẳng đều tăm tắp như bàn cờ.
Liền theo đó, từng hồi trống “cắc, cắc, cắc, tùng, tùng, tùng” vang lên nhanh, dồn, đanh, gọn, nhịp nhàng, giòn giã theo điệu đứng tấn lắc lư có vẻ rất thăng hoa, chuyên nghiệp và nét mặt vô cùng nhập tâm, biểu cảm của thầy. Chúng tôi đưa tay, đưa chân tập đều đặn theo nhịp trống vang vang. Quan sát thầy đánh trống, tôi cảm nhận được những nhát gõ, nhát quai, nhát nện vô cùng phóng khoáng, sảng khoái, đầy nội lực của đôi bàn tay tài hoa và trái tim nhiệt huyết của một nghệ nhân. Thích tai nhất vẫn là hồi trống chuyển động tác 6 tiếng liên thanh dồn dập “tùng tùng tùng tùng tùng tùng", rồi lại gọn gàng liền mạch bắt tiếp vào nhịp tập của bài sau "cắc, cắc, cắc, tùng, tùng, tùng"... Cứ thế, thầy đánh liền mạch từ bài này sang bài khác mà không bao giờ bị ngừng nghỉ, đứt quãng, thừa thiếu hay lỗi bất cứ một nhịp nào. Tiếng trống theo nhịp tay thầy đưa, nghe sao mà uyển chuyển, nhịp nhàng đến thế! Nghe sao mà khỏe khoắn, sống động, có linh hồn đến thế! Nghe sao mà hào sảng, bùng cháy đến thế! Hình như thầy đã đánh trống bằng tất cả tâm hồn, tình cảm, bằng tất cả sự yêu thích và say mê thì phải.
Buổi tập thể dục giữa giờ nào, tôi cũng hào hứng lắng nghe tiếng trống của thầy, say mê quan sát những động tác múa trống điêu luyện, tài hoa của thầy và phụ họa cho tiếng trống của thầy bằng cả nội lực, tâm hồn trong từng động tác, mặc dù sân tập của chúng tôi đứng cách chỗ thầy một cái ao và một cái sân của nhà hiệu bộ. Vừa quan sát, vừa lắng nghe thầy đánh trống, tôi hồn nhiên tập, hồn nhiên dùng hết sức bình sinh mà hít thở, mà vung vẩy đôi tay, mà nhún nhảy đôi chân trong dáng điệu cũng hết sức ngây thơ và trong trẻo.
Giờ, mỗi khi để tâm hồn mình lắng nghe tiếng trống trường, ngoài âm thanh tiếng trống gọi (trống báo) ba hồi chín tiếng dài dài, vang vang, thúc giục rộn rã cả lòng người, giục bước chân em, chân tôi nhanh nhanh tới trường thì âm vang tiếng trống tập thể dục giữa giờ ngày xưa và hình ảnh thầy Đông dõng dạc, hào sảng đánh trống lại hiện về rõ mồn một trong lòng tôi. Hình ảnh của thầy khi giảng bài, khi đánh trống đã đi vào kí ức của tôi như thế đó: tự nhiên và đẹp đẽ vô cùng. Tôi học được ở thầy bao nhiêu là đức tính, bao nhiêu là nét đẹp tâm hồn, đặc biệt là niềm đam mê, bầu nhiệt huyết khi làm việc.
Đã hơn 30 năm trôi qua. Tôi, cô học trò lớp 6 nhỏ bé ngày nào, giờ đã là cô giáo gần 50 tuổi đời, 27 năm tuổi nghề, vậy mà tôi vẫn không thể quên được thầy Đông cùng tiếng trống mà thầy đã say sưa, hào sảng gõ năm nào. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ về thầy Đông và tiếng trống ấy trong dòng cảm xúc trong trẻo, bồi hồi. Chao ôi, đó chỉ là kỉ niệm tuổi học trò, nhưng sao kỉ niệm ấy lại đẹp đẽ, trong trẻo và khó phai trong lòng tôi đến thế? Tôi thầm thì tự hỏi: "Bọn quỷ sứ chúng tôi ngày ấy, không biết còn đứa nào nhớ về thầy Đông và tiếng trống trường như tôi nữa không nhỉ"?
Theo Chuyện quê
Hiền Hòa
Link nội dung: //revcat.net/thay-dong-va-tieng-trong-truong-a8289.html