Với những người săn chim, đây là thời gian cao điểm cho hoạt động săn bắt. Mặc dù đã có những quy định của pháp luật, song tình trạng săn bắn, bẫy bắt chim trời vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động trong vấn đề bảo vệ động vật hoang dã nói chung, chim trời nói riêng.
Muôn kiểu săn bắt
Cuối tháng 10, khi những cánh đồng ở các địa phương trong tỉnh được thu hoạch chỉ còn trơ gốc rạ, ấy là lúc từng đàn chim, cò theo mùa di cư tìm về sà xuống kiếm ăn. Chúng đến từng đàn, cùng nhau mải miết kiếm ăn trên từng thửa ruộng, hồn nhiên coi đó như “vương quốc riêng của mình”.
Giữa mênh mông ruộng đồng sau gặt, chấp chới màu trắng của cánh cò chào liệng gợi cho nhiều người cảm giác bình yên. Vậy nhưng ẩn sau vẻ đẹp yên bình ấy là những họng súng vô hình, những bẫy rập, lưới chụp như ma trận được giăng ra đợi sẵn, trở thành địa ngục đối với các loài chim trời.
Không phải thợ săn chuyên nghiệp, nhưng T, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch được mệnh danh là sát tinh của những loài chim trời bởi khả năng thiện xạ “bách phát bách trúng” của mình.
Chỉ với một khẩu súng hơi được mua dễ dàng trên mạng, mỗi khi thời tiết đẹp, không mất quá nhiều thời gian để T kiếm đủ mồi nhậu cho 2-3 mâm với đặc sản là những chú chim trời.
Bãi săn của T chủ yếu là những cánh đồng ngập nước trắng xóa - nơi có sẵn thức ăn là tôm, cá nên thu hút nhiều loài chim tìm đến kiếm ăn hoặc đơn giản là những vạt rừng, khu vườn nhỏ rìa làng, nơi nghỉ chân của các loại chim trời mỗi khi trời tối.
Chia sẻ với chúng tôi, T cho biết: "Thời điểm thích hợp nhất để săn bắn chim thường vào cuối Thu, đầu Đông, khi các loài chim di cư về tìm chỗ trú ẩn và nguồn thức ăn. Về cơ bản, tôi săn bắn chủ yếu là giải trí, lấy chút mồi nhậu, không phải dân chuyên nghiệp nên ít bị cơ quan chức năng chú ý. Hơn nữa, môi trường săn bắn chủ yếu là những cánh đồng rộng vắng người qua lại hoặc những rừng cây um tùm nên rất khó bị phát hiện”.
Những trường hợp lấy săn bắn làm thú vui nhằm gây cuộc nhậu như T khá phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân vì nguồn lợi trước mắt, lén lút săn bắt chim trời làm thức ăn và bán ra thị trường để kiếm lời. Thậm chí, ở một số địa phương đã xuất hiện những “thợ săn” lành nghề với nhiều “vũ khí” tối tân, hiện đại dưới những hình thức khác nhau với mục đích tận diệt chim trời.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những hình thức săn, bắt chim trời truyền thống như dùng các các loại bẫy, dùng lưới, dùng chim mồi để bẫy thậm chí dùng súng để săn bắn… đều đã trở nên lạc hậu. Thích ứng với thời đại 4.0, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng khiến việc bẫy chim cũng có nhiều thay đổi.
Đơn cử như việc dùng bẫy dính bắt chim, nếu ngày xưa thì cần chim mồi và mỗi ngày chỉ bắt được trên dưới 10 con đã là cao thủ. Thì hiện nay, cũng trên những que dính ấy, người săn chim mở các file ghi âm tiếng chim khác nhau nhằm gây sự chú ý cho những đàn chim đang bay trên cao nghe thấy. Khi đàn chim sà xuống “bãi đáp” ngay lập tức mắc vào những “cạm bẫy” mà thợ săn giăng sẵn. Cách làm này rất hiệu quả, bởi khi đàn chim từ 30-50 con sà xuống, thì hầu như đều dính bẫy.
Là một trong những “thợ săn” đã "rửa tay gác kiếm", anh N, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch chia sẻ: "Những hình thức săn bắt truyền thống dường như không ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển, sinh sôi của đàn chim trời. Bởi dù có là cao thủ trong nghề thì cùng lắm mỗi ngày cũng chỉ bắt được hơn chục con là cùng.
Tuy nhiên, những năm gần đây việc một số “thợ săn” ở các nơi tìm về Vĩnh Phúc và sử dụng những công nghệ hiện đại như giăng lưới "vô hình" rồi dùng tiếng loa giả tiếng chim để dụ chim trời mắc bẫy khiến số lượng đàn chim ngày càng ít".
Cũng theo N, kiểu đặt bẫy này thường được cánh thợ săn sử dụng trên các ruộng cạn, vùng có lau lách. Họ dùng những tấm lưới mắt dày trong suốt giăng lên cao như “tàng hình” giữa trời bằng các cọc tre chắc chắn.
Có người giăng cả trăm mét lưới, đến mắt người khó nhận ra ngoài hàng cọc buộc lưới, huống chi chim trời. Bên cọc tre, người đặt bẫy còn buộc thêm các chiếc loa nhỏ phát ra tiếng của cò, vạc, én. Bay lượn trên trời, nghe tiếng kêu tưởng gọi bầy, cò, vạc sà xuống để kiếm ăn và mắc ngay vào lưới, vùng vẫy càng khó thoát. Người đặt bẫy canh chừng gần đó chỉ cần đến gỡ chim đem về”.
Quy định nhiều nhưng xử lý khó
Hệ thống văn bản pháp luật của nước ta về bảo vệ động vật hoang dã có từ khá sớm. Được biết, ngày 29/5/1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 359 về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.
Đặc biệt gần đây, Chị thị số 29/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó nhấn mạnh về sự kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật; kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên…
Tại Vĩnh Phúc, thời gian qua, lực lượng chức năng các huyện, thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt động vật hoang dã nói chung, các loại chim, cò nói riêng, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra.
Vào ngày 27/8, tại cánh đồng Mấy, thuộc địa bàn phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh phát hiện đối tượng Phùng Khắc Chí đang sử dụng 1 khẩu súng hơi nén khí để săn bắn chim trời. Qua làm việc, Chí khai đã mua khẩu súng ở trên mạng và không có giấy phép sử dụng. Ngay sau đó vụ việc đã được xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Để ngăn chặn tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, tiêu thụ động vật hoang dã, trong đó có chim trời, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với động vật hoang dã; tăng cường phối hợp liên ngành, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã...
Có thể thấy, pháp luật về bảo vệ chim trời, chim di cư nói riêng và động vật hoang dã nói chung đang được hoàn thiện để điều chỉnh dần các hành vi liên quan đến săn bắt, buôn bán, giết mổ, ăn thịt chim trời.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nhận thức được việc bảo vệ các loài chim di cư và hệ sinh thái tự nhiên vẫn là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng săn, bắt tận diệt chim trời. Dẫu biết rằng đây sẽ là một quá trình rất dài để có thể từ bỏ thói quen ăn uống, tiêu thụ, bẫy bắt các loài động vật hoang dã.
Thiệu Vũ
Link nội dung: //revcat.net/vinh-phuc-can-bao-ve-dan-chim-troi-khoi-canh-tan-diet-a8232.html