Tôi nhận giấy báo đỗ ĐH mà không thấy vui lắm vì trước đó mấy tuần; ông trưởng thôn gọi tôi lên khai báo bổ sung lý lịch để trên tỉnh (Hà Bắc) xét cho đi nước ngoài. Điểm thi ĐH 3 môn Toán, Lý, Hóa của tôi được 22,5 điểm; số điểm khá cao của một học sinh vùng quê khi đó; nên được Ty Giáo dục tỉnh Hà Băc gửi tờ khai lý lịch bổ sung về xã lấy thông tin để xem xét đề nghị Bộ ĐH và THCN cho tôi đi học ĐH ở nước ngoài. Ông trưởng thôn; gowin99 chỉ lớp 3 đã nắn nót ghi vào phần đánh giá của bản lý lịch những lời hay ý đẹp nhất bằng thứ chữ cà cộ của mình. Ông phải mất hơn một giờ mới viết xong những dòng nhận xét trong niềm tự hào của một người lãnh đạo thôn có một người con đầu tiên của thôn (làng) được trên xem xét cho đi học ĐH ở nước ngoài. Thật lạ! cán bộ làng xã hồi ấy lại luôn mẫn cán vậy; không có quà biếu; không chờ nhờ vả; không đợi hàm ơn – lại nhớ những người xưa ấy.
Nhận xét chân thật nhất, ưu ái nhất, mất công nhất của ông trưởng thôn và sự mong ngóng được đi học ĐH ở nước ngoài của tôi trở nên vô ích vì tôi đã nhận được giấy báo nhập học của trường ĐHTH Hà Nội. Tôi không được đi học ĐH nước ngoài vì một lý do lãng xẹt “không thẩm tra được lý lịch gia đình tôi trong giai đoạn ở nước ngoài”. Gia đình tôi từ Thái Lan về nước năm 1960; tỉnh Bắc Giang chỉ quản lý hồ sơ lý lịch của gia đình tôi từ năm 1960. Tôi biết điều này vì khi thẩm tra lý lịch để kết nạp Đảng cho tôi vào năm 1987-1988; cán bộ đi thẩm tra lên đến Tỉnh ủy là phải quay về với thông tin tương tự như trên. Thật may; anh Trưởng phòng của tôi ngày đó (anh LKT)i; người được giao tiếp tục đi thẩm tra lý lịch để xét kết nạp Đảng cho tôi lại có anh họ làm ở Ban chấp hành Trung ương Đảng (tòa nhà cổ màu vàng nằm bên quảng trường Ba Đình). Sau khoảng hai tiếng bước vào tòa nhà ấy; anh LKT bước ra khỏi tòa nhà với nét mặt hân hoan, tay giơ cao mảnh giấy nhỏ và nói to “thật tuyệt vời”. Tôi đã được vào Đảng nhờ nội dung được ghi trong mảnh giấy ấy; đại ý “Gia đình tôi là gia đình Việt kiều yêu nước; được tổ chức giao nhiệm vụ sang Thái Lan để hỗ trợ phong trào cách mạng…”. Tôi vẫn giữ mảnh giấy nhỏ với những nhận xét trên của Ban Việt kiều; Trung ương Đảng; có con dấu hình chữ nhật bên dưới để làm kỷ niệm. Giá như năm 1971, tôi có mảnh giấy ấy thì cuộc đời của tôi đã rẽ sang một ngả khác, an toàn hơn, bình lặng hơn nhưng sẽ không sống động như những gì tôi đã trải qua. Có lẽ tôi đã may mắn khi không có mảnh giấy ấy từ năm 1971 để tôi trở thành tôi của ngày hôm nay (muốn có được chân kinh phải trải qua đủ khổ nạn?)
Bố mẹ tôi coi việc tôi đỗ ĐH cũng như tôi đã từng đỗ cấp 3 trường huyện thôi nên không thể hiện cảm xúc nhiều; không có liên hoan; không khoe với hàng xóm. Với suy nghĩ luôn đơn giản nên bố mẹ tôi không cho chuyện đỗ ĐH của tôi là bước ngoặt lớn của một người trưởng thành. Tôi có lẽ cũng suy nghĩ gần giống với bố mẹ nên chỉ bình thản chuẩn bị nhập trường. Lớp 10A của tôi năm ấy chỉ có 7 học sinh thi đỗ ĐH; tôi có điểm thi cao nhất.
Hôm lên trụ sở Ủy ban nhân dân huyện để làm thủ tục cắt hộ khẩu chuyển ra Trường ĐHTH Hà Nội; tôi gặp sư ông trụ trì chùa Thổ Hà cũng lên cắt hộ khẩu chuyển đi chùa khác. Sư ông nhìn tôi với ánh mắt đề phòng; tôi dành vẻ mặt thân thiện, vui vẻ cho sư ông. Tôi và sư ông nhiều duyên nợ lắm; sư ông về trụ trì chùa Thổ Hà khoảng 8 năm thì có 4 năm phải đối phó với sự nghịch ngợm của lũ học trò mà tôi là đầu têu. Vỡ lòng và 3 năm đầu cấp I; lớp tôi được học ngay trong chùa, bên cạnh các tượng phật. “Gần chùa gọi bụt bằng anh”; trong giờ nghỉ chúng tôi thường chơi trốn tìm trong các ngóc ngách, giữa các tượng phật của chùa; tôi leo lên ngồi trong lòng các tượng phật; kiểm tra viên ngọc trong tay ông Thiện; trợn mắt theo kiểu ông ác…Chúng tôi chứng kiến sư ông hay tiếp các phật tử tóc dài trong phòng riêng; sư ông hồi ấy chưa đến 40 tuổi, sung sức, có vẻ hổ mang. Trong các phật tử tóc dài đó liệu có Thị Mầu không thì tôi không biết (còn nhỏ quá nên chưa nhận biết được); còn sư ông thì chắc chắn không phải là Thị Kính. Có hai cửa vào khu ở riêng và tiếp khách của nhà chùa; tôi thường lấy giây gai buộc một cửa; còn một cửa lấy bàn ghế lớp học xếp chắn ngang để trêu chọc sư ông. Có lần tôi đang xếp ghế chắn một cửa thì ở cửa đã buộc dây; sư ông giật tung dây, đuổi bắt tôi; tôi phải chạy chí chết. Một đêm không trăng; tôi lội qua ao chùa; vào khu bếp của chùa bê cả rổ táo nhà chùa mới hái lúc chiều để ngày mai mang bán. Bạn học được tôi chiêu đã một bữa táo ăn mệt nghỉ; còn nhà chùa không có táo bán ngày hôm ấy; sư ông bán tín bán nghi mà đành chịu. Được cái hay là nghịch vậy; hay trêu chọc nhà chùa vậy mà sư ông chưa bao giờ trình báo thày cô về sự nghịch ngợm của tôi. Hôm nay chúng tôi cùng cắt hộ khẩu khỏi làng Thổ Hà để mỗi người đi về một hướng; chẳng bao giờ gặp nhau nữa.
Tôi; Hòa; Thắng cùng tuổi nhưng học lệch lớp nhau. Tôi học lớp 10; Hòa lớp 9 còn Thắng lớp 8 (không phải hai bạn tôi bị đúp mà vì ở quê hay đi học muộn); cả ba chơi thân với nhau. Tôi và Hòa có hai năm trọ học cùng nhà còn Thắng thì chuyên đạp xe từ Thổ Hà lên huyện học mỗi ngày (quãng đường khoảng 18km mỗi lượt; 36km cho cả đi lẫn về). Thủa đó; chúng tôi tôi đi trọ học không phải trả tiền trọ; luôn được chủ nhà quan tâm, coi như con cháu trong nhà. Tôi và Hòa được ở riêng một gian nhà ngang; nhà tranh, vách đất, giường tre nhưng luôn cảm thấy ấm cúng. Chúng tôi nấu ăn riêng; nhưng rơm rạ đun bếp được miễn phí. Dân Thổ Hà được ăn gạo sổ; gạo luôn cũ, mốc, nhiều mọt nên cơm chúng tôi ăn thường nhạt nhẽo. Thi thoảng được chủ nhà mời bát cơm gạo mới thì thôi rồi; chỉ cơm không với tí nước mắm mậu dịch mà thấy tỉnh cả người; thi thoảng thôi vì nông dân hồi ấy vẫn còn lam lũ lắm. Tháng ba; ngày tám chủ nhà vẫn phải ăn cơm độn khoai, độn sắn vậy mà luôn muốn san sẻ cho lũ học trò chúng tôi. Do được cấp lương thực theo sổ nên ngoài gạo thì còn được mua mỳ sợi thay gạo. Những cuộn mỳ màu ngà được làm thủ công từ loại bột mỳ kém chất lượng nhất lại là loại lương thực ăn ngon nhất với chúng tôi. Mỳ sợi được nấu như cơm; sợi mỳ khi chín thơm ngọt, có tý mỡ và nước mắm là có thể chén no căng bụng mà vẫn thòm thèm. Trứng tráng hay trứng luộc là món ăn xa xỉ với chúng tôi; mỳ sợi nấu với cà chua sền sệt kiểu bánh canh xứ Huế là dễ ăn nhất. Thịt là thứ mà chúng tôi ít dám nghĩ tới; đến giờ mà tôi không nhớ bữa ăn nào có thịt trong thời gian trọ học thủa cấp III; chỉ thứ Bảy, Chủ nhật khi về nhà mới đôi khi được ăn bù; nghĩ mà thương các bậc bố mẹ ngày ấy.
Hôm tôi ra Hà Nội nhập học; cả Hòa và Thắng đã nghỉ học để đưa tôi ra Hà Nội. Tôi được chị dâu cho mượn cái va ly da mang từ Thái Lan về để đựng vài bộ quần áo; một tập giấy; khăn mặt; bàn chải đánh răng; một cái bát và một đôi đũa tre. Cả gia tài lọt thỏm ở đáy va ly; sau này khi ra ký túc xá ở mới biết chỉ có mình tôi có valy (lại là valy da); các bạn cùng phòng chỉ toàn hòm gỗ hoặc sang lắm là hòm tôn.
Quãng đường từ bến đò Thổ Hà ra bến xe Bắc Ninh khoảng 3km; chỉ có 1 xe đạp nên Thắng chở tôi ra bến xe trước rồi quay lại đón Hòa (đang đi bộ ra bến xe). Tôi và Hòa lên xe khách Bắc Ninh – Hà Nội; Thắng tranh thủ đạp xe đi trước. Hồi ấy xe khách đi chậm lắm; nên khi tôi và Hòa xuống xe ở Bến Nứa đã thấy thắng táp xe đạp vào bến. Tôi để valy lên chỗ đèo hàng của xe đạp; cả 3 đứa dắt xe đi bộ ra bến tàu điện ở đầu Quán Thánh. Tôi và Hòa xách valy lên tàu điện hướng chợ Bưởi – Bờ hồ; tàu điện chạy còn Thắng đạp xe theo tàu điện (để khỏi lạc nhau). Đến ga tàu điện Bờ Hồ; tôi và Hòa xuống tàu; ba thằng lại tăng bo nhau bằng xe đạp để đến cổng trường ĐHTH Hà Nội ở 19 Lê Thánh Tông; Hà Nội. Cả ba chúng tôi đều bị ngợp bởi vòm cổng lớn với hàng chữ to ở trên cao “ĐẠI HỌC TỔNG HỢP HÀ NỘI”. Cứ tưởng tôi được học ở nơi ấy; nhưng không; chúng tôi chỉ được đón tiếp ở ngay ngoài cổng phụ. Sau khi nộp giấy báo nhập học; tôi nhận được giấy tiếp nhận và được chỉ dẫn là phải đến Thượng Đình (khu Cao Xà Lá) vì ký túc xá và Giảng đường Khoa Lý ở nơi ấy. Ba nguyện vọng thi ĐH của tôi theo thứ tự ưu tiên là Tổng hợp toán; Đại học quân sự; Đại học Y HN; nhưng vì điểm thi môn Lý của tôi cao nhất trong 3 môn thi nên tôi được xếp vào học khoa Lý (ngày ấy; ở quê có biết thông tin gì về các trường ĐH đâu mà lựa với chọn). Năm 1971; tôi là một trong hai mươi học sinh lớp 10 (lớp cuối cấp) của tỉnh Hà Bắc được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi của miền Bắc. Tôi dự thi ở trường cấp III Yên Phong; nơi có các lớp chuyên toán của tỉnh Hà Bắc; trước khi thi tôi được về đấy bồi dưỡng kiến thức 1 tháng. Tuy nhiên; một tháng bồi dưỡng thì làm sao điền đầy lỗ hổng kiến thức toán của một học sinh trường huyện như tôi; tôi làm bài thi toán không tốt cả trong đợt thi học sinh giỏi lẫn thi ĐH.
Ba đứa chúng tôi lại phải tăng bo bằng xe đạp ra Bờ Hồ; tôi và Hòa lên tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông, còn Thắng lại phải đạp xe bám theo tàu điện. Đến Thượng Đình; Hòa và Thắng lại phải chờ tôi làm thủ tục nhận phòng ký túc xá mất khoảng một tiếng nữa. Phòng ký túc xá của lớp Lý 1 ở tầng 4 nhà A; một phòng rộng khoảng 20m2, có 6 giường hai tầng để hai bên. Chỉ có giường và những chiếc dát giường cũ kỹ, một vài cái chiếu rách; sàn xi măng nhiều rác và bụi bẩn. Cả ba thằng đói mềm; tôi lấy xe đạp của Thắng phi ra ngã Tư Sở mua về mấy cái bánh mỳ. Ba đứa ăn bánh mỳ không và uống nước lọc no rồi sắp xếp chỗ ngủ; sau khi đã bê xe đạp của Thắng cho vào phòng. Tôi trải chiếc chiếu cá nhân mang theo lên tầng dưới của một chiếc giường tầng; tôi và Hòa nằm tráo đầu đuôi trên chiếc chiếu đó. Thắng thì lựa một chiếc chiếu rách của học sinh lớp trước để lại trong phòng; trải lên một giát giường kế bên; cả ba hy vọng có một giấc ngủ ngon sau một cuộc “hành quân nhập học” vất vả. Tuy nhiên; bọn rệp đói trong các giát giường đâu có để yên cho ba cậu trai tuổi 17; cứ chập chờn, sột soạt cả đêm vì lũ rệp. Sáng hôm sau cả ba thằng cùng chỉ cho nhau xem nốt rệp cắn khắp chân tay, mình mẩy; những con rệp chết đầy máu còn dính trên da thịt. Sau bữa sáng bằng bánh mỳ không nhân; chúng tôi chia tay nhau. Hai thằng bạn của tôi đạp xe với hành trình 40 km trở về Thổ Hà để rồi sợ rệp quá mà không tiếp tục giấc mơ Đại học.
Còn tôi phải tiếp tục làm quen với rệp của ký túc xá Thượng Đình; làm quen với nửa cái bánh mỳ không nhân mỗi sáng; làm quen với những bữa cơm, bo bo chỉ có canh rau muống; luôn không đủ no để học, để thi, để đi sơ tán, để nhập ngũ, để vào Nam chiến đấu. Khi đất nước thống nhất lại tiếp tục học hành; thi cử để có một tấm bằng tốt nghiệp ĐH, để có một công việc ở một Viện nghiên cứu. Và rồi; giờ đây ngồi nhớ lại thấy những kỷ niệm cũ sao mà thân thương đến vậy; tình bạn sao mà tuyệt vời đến vậy (luôn hết long; không vụ lợi; không tỵ nạnh; không ta thán).
“Tình yêu; tình vợ chồng; tình anh em; tình đồng nghiệp.. thường bị chi phối bởi hoàn cảnh nhưng tình bạn thì luôn không thay thổi trong bất cứ hoàn cảnh nào”; có ai đó đã nói với tôi như vậy.
Theo Chuyện làng quê
Nguyen van Noi
Link nội dung: //revcat.net/tinh-ban-va-nhung-ky-niem-a8214.html