Theo gia đình bé chia sẻ, sau sinh 04 ngày trên da bé xuất hiện nhiều nốt mủ nước, quấy khóc nhiều. Ở nhà hàng ngày bé chỉ được lau người bằng khăn ướt ấm và thay tã, quần áo, vì gia đình sợ tắm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Bệnh nhi được các bác sĩ khoa Nội – Nhi thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm sàng lọc tìm nguyên nhân. Sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi theo dõi viêm da, dị ứng và chốc. Bé N được chỉ định dùng thuốc tiêm truyền, bôi và thực hiện tắm bé tại khoa. Hàng ngày, bác sỹ Ngô Như Quỳnh tự tay tắm và bôi thuốc cho bé. Sau 05 ngày điều trị tích cực, da toàn thân của bé đã lành, không còn nổi mụn mủ, ăn ngoan, ngủ ngoan, không quấy khóc và được xuất viện.
Bác sỹ Ngô Như Quỳnh, khoa Nội – Nhi chia sẻ: “Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, sức đề kháng của trẻ còn non yếu khiến cho các tế bào da dễ kích ứng, bụi bẩn dễ dàng trú ngụ. Một số yếu tố khách quan khác như môi trường ô nhiễm, vệ sinh da không đúng cách hoặc quần áo quá chật cũng khiến cho vùng da tiếp xúc của bé bị dị ứng.”
Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh có xu hướng phát triển nguy hiểm hơn tình trạng bệnh ở người lớn. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ trở nên mãn tính, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bé hoặc gây ra những hệ quả không đáng có như viêm da bội nhiễm hoại tử, tổn thương sâu để lại sẹo thâm, nhiễm trùng huyết ảnh hưởng đến tính mạng, viêm não, hay tình trạng mủ kéo dài khiến trẻ đau nhức miễn dịch suy yếu. Để phòng bệnh viêm da mủ ở trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến việc chăm sóc trẻ hàng ngày, vệ sinh đúng cách, tránh mặc đồ quá nóng, đồ có chất liệu dày không thấm hút mồ hôi, chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý chữa trị tại nhà tránh gây những tác động tiêu cực cho làn da và sức khỏe của trẻ.
Đình Thơm
Link nội dung: //revcat.net/phu-tho-trung-tam-y-te-huyen-yen-lap-dieu-tri-khoi-benh-viem-da-mu-cho-mot-tre-so-sinh-a8069.html