Giữa lúc cái chết cận kề, thì vô cùng may mắn, đang đêm, có Đoàn cán bộ Dân Chính Đảng từ miền Nam trên đường ra miền Bắc, đã “ nhặt ” được tôi đang bất động trên cánh võng.
Các anh chị xúm lại soi đèn pin xem tập giấy tờ đang đặt trên ngực, tưởng rằng tôi đã hy sinh. Nhưng rồi đưa tay lên mũi, thấy tôi còn thoi thóp thở, mấy anh chị đã thay nhau cáng tôi vào Đội Điều trị trên tuyến hành quân cách đó hơn một tiếng đồng hồ đường giao liên. ( Mãi đến bây giờ, tôi cũng biết phiên hiệu của Đội Điều trị ấy ).
Sự việc này, mấy hôm sau khi tỉnh lại hẳn tôi mới được các anh chị ở Đội Điều trị kể cho biết. Và suốt mấy chục năm qua tôi cứ nghĩ: Điều may mắn thật hiếm này như là có sự phù hộ độ trì của đấng linh thiêng, hoặc là sự sắp xếp dun dủi của số phận đời tôi.
Khi tiếp nhận tôi trong tình trạng đang hôn mê, Bác sĩ, các Y sỹ, Y tá đã nhanh chóng hồi sức cấp cứu. Sau đó, căn cứ vào những giấy tờ hiện có của tôi, kết hợp với khám xét vết thương thực thể để lập Bệnh án bổ sung.
Mấy ngày sau tỉnh hơn, tôi được biết: Đây là Đội Điều trị thuộc Đoàn 559. Bác sĩ Lợi là Đội trưởng. Trong Đội Điều trị đó còn có anh Thơm quân y sĩ quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cũng là người thường xuyên chăm sóc tôi.
Thời gian tôi điều trị ở đó, với vết thương quá nặng do viên đạn xuyên đứt xương sườn găm vào phổi, thủng tiểu phế quản, gây mủ phế mạc. Có nhiều lúc nguy kịch, tôi phải cấp cứu mấy lần.
Tôi nhớ, có một lần tôi không thở được, khi hội chẩn có người đề nghị mổ đưa nội khí quản ra ngoài để thở.
Với ánh nhìn đăm chiêu suy nghĩ lung lắm, sau một lúc xem xét kỹ vết thương và đọc lại Bệnh án của tôi, bác sĩ Lợi Đội trưởng quyết định không mở nội khí quản. Ông vừa chăm chú nhìn tôi một cách thương cảm, vừa từ tốn rành rọt nói với mọi người:
- Cậu này còn trẻ. Mổ ra, mở nội khí quản để thở là giải pháp tình thế bất đắc dĩ. Có thể giải quyết qua cơn nguy kịch này. Nhưng khi lắp lại khí quản, ngộ nhỡ chạm đến giây thanh quản mà gây ra câm, thì tội vô cùng. Thôi! Cứ cấp cứu bằng nội khoa. Tiêm Lu-ba-lin trợ hô hấp và tiêm U-a-ba-in trợ tim. Cần thiết thì tiêm Mooc-phin giảm đau đi đã.
Thế rồi, dưới sự chỉ đạo và trực tiếp điều trị của bác sĩ Lợi, tôi qua được cơn nguy hiểm và khỏe dần lên. Lúc đó, vì quá lo lắng đến tính mạng, nên mặc dù trong trường hợp nguy kịch, tôi vẫn còn tỉnh, chăm chú nghe từng chi tiết.
Trọn đời, tôi chịu ơn của bác sĩ Lợi. Ông là một trong những ân nhân của tôi kể từ lúc tôi bị thương nặng. Ngày đó, nếu không có kinh nghiệm, trách nhiệm, tình thương và sự quyết đoán của ông, không biết tôi sẽ là thế nào, hoặc là đã bị chết hoặc bị câm đến trọn đời.
Tiếc là, sau ngần ấy năm trời, tôi đã cố tìm hỏi mà chưa có dịp nào gặp lại bác sĩ Lợi.
Bác sĩ Lợi chắc là hơn tuổi tôi, có gương mặt phúc hậu, dáng người tầm thước, nghe tiếng nói thì quê ở các tỉnh miền Bắc. Năm nay nếu còn sống, chắc ông khoảng 75 tuổi. Dưới sự điều trị của ông đã có rất nhiều thương, bệnh binh. Chắc chắn là ông không thể nhớ tôi - một thương binh ngày đó mới sang tuổi 23, bị thương nặng vào phổi, gầy yếu lắm. Nhưng tôi thì trọn đời không quên ông.
Trên mạng Facebook, tôi thiết tha mong tìm lại được bác sĩ Lợi ngày đó. Có ai biết, xin chỉ giúp cho tôi qua số điện thoại: 0968590579 hoặc trên Fb Mạnh Đẩu Nguyễn.
Tôi xin trân trọng cám ơn !
P/s: Tôi bị thương ngày 23/3/1971 tại Cao điểm 550 trong Chiến dịch Đường 9- Nam Lào.
Sau đó, được đưa vào cấp cứu, điều trị ở Viện 68 Quân khu Trị Thiên đóng tại tây Thừa Thiên. Từ Viện 68 cáng thương dọc tuyến giao liên Đoàn 559. Mấy ngày sau mới chuyển sang tải thương ô tô rồi diễn ra tình huống đó. Lúc ấy chỉ thoi thóp thở, tôi cũng chẳng biết đó là Đội Điều trị gì, thuộc Binh trạm nào?
Xin cám ơn.
Theo Trái tim người lính
Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: //revcat.net/tim-bac-sy-loi-doi-truong-mot-doi-dieu-tri-tren-tuyen-chuyen-thuong-cua-doan-559-a8021.html