Theo Thiền viện Trúc lâm, Thiền sư Thanh Biện (? - 686), họ Đỗ quê ở Cổ Giao, năm mười hai tuổi theo ngài Pháp Đăng ở chùa Phổ Quang tu học. Khi ngài Pháp Đăng sắp thị tịch, Sư hỏi:
- Sau khi Hòa thượng đi, con nương tựa vào đâu?
Pháp Đăng bảo:
- Con chỉ Sùng Nghiệp mà thôi.
Sư mờ mịt không hiểu.
Pháp Đăng tịch rồi, Sư chuyên trì kinh Kim Cang lấy đó làm sự nghiệp.
Một hôm có Thiền khách đến viếng, thấy Sư trì kinh, bèn hỏi:
- Kinh này là mẹ chư Phật trong ba đời, thế nào là ý nghĩa mẹ Phật?
Sư thưa:
- Từ trước đến nay trì kinh mà chưa hiểu ý kinh.
Thiền khách hỏi:
- Ông trì kinh đến giờ đã được bao lâu?
- Đã tám năm.
- Trì kinh đã tám năm mà một ý kinh cũng không hiểu, dù trì mãi đến trăm năm nào có công dụng gì?
Sư liền đảnh lễ, thưa hỏi chỗ thâm sâu ấy. Thiền khách bảo đến Thiền sư Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp giải quyết cho. Sư chợt tỉnh, nói:
- Nay tôi mới biết lời của Hòa thượng Pháp Đăng, quả phù hợp như vậy.
Sư bèn khăn gói hỏi Thiền khách đường đến chùa Sùng Nghiệp. Đến nơi, Sư làm lễ ra mắt.
Thiền sư Huệ Nghiêm thấy liền hỏi:
- Ngươi vì việc gì đến?
Sư thưa:
- Con trong tâm có chỗ chưa ổn.
Huệ Nghiêm hỏi:
- Ngươi chưa ổn cái gì?
Sư liền đem việc trước thuật lại đầy đủ.
Huệ Nghiêm than rằng:
- Ngươi tự quên mất rồi, sao không nhớ trong kinh nói “Chư Phật trong ba đời và pháp A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, đều từ kinh này ra”, đâu không phải là nghĩa mẹ chư Phật ư?
Sư thưa:
- Phải. Thế là con tự quên.
Huệ Nghiêm hỏi:
- Kinh này là người nào nói?
- Đâu không phải Như Lai nói sao?
- Trong kinh nói “Nếu nói Như Lai có nói pháp tức là chê bai Phật, người ấy không thể hiểu nghĩa ta nói”, ngươi khéo suy nghĩ đó. Nếu nói kinh này không phải Phật nói là chê bai kinh, nếu nói là Phật nói tức chê bai Phật. Ngươi phải làm sao? Nói mau! Nói mau!
Sư toan mở miệng, Huệ Nghiêm cầm phất tử đánh ngay miệng. Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ. Liền sụp xuống lạy tạ. Sư ở lại đây một thời gian.
Sau, Sư đến trụ trì chùa Kiến Dương ở làng Hoa Lâm phủ Thiên Đức.
Hóa duyên đã mãn, Sư thị tịch năm Bính Tuất nhằm niên hiệu Thùy Cung thứ hai đời Đường (686).
Tiểu An (th)
Link nội dung: //revcat.net/cau-chuyen-ve-thien-su-thanh-bien-a7981.html