Ấn tượng đầu tiên của tôi về Tống Phước Bảo là truyện ngắn “Tràng Phan”. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm ấy đạt giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do Nhà xuất bản Văn hoá- Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Và đến khi được cầm trên tay cuốn “Sài Gòn còn thương thì về!”, tôi hiểu về Tống Phước Bảo nhiều hơn, biết thêm nhiều điều về một miền đất mình chưa một lần đặt chân tới qua những trang văn giản dị mà rất đỗi mượt mà của anh. Tôi cứ đọc đi đọc tập sách đặc sắc ấy để rồi tự hỏi: điều gì đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của một tác phẩm nếu không phải những chất liệu cuộc sống được thẩm thấu qua lăng kính của một trái tim ăm ắp tình người, tình đời?
Tập sách gồm 19 tản văn và 8 truyện ngắn, bìa sách trang nhã, bên trong sách trình bày sáng tạo bắt mắt bởi những hình ảnh rất đỗi thân thương của Sài Gòn. Nhưng có lẽ đọc hết cuốn sách, người đọc không muốn chia tách rạch ròi đâu là tản đâu là truyện. Bởi cách viết của Tống Phước Bảo rất tự nhiên, mỗi tản văn như một câu chuyện nhỏ và mỗi truyện ngắn lại cứ mênh mang da diết như một áng văn biểu cảm trữ tình.
Đọc tập sách này, tôi có cảm giác như Tống Phước Bảo không cố tình viết văn. Vì theo Bảo: “Người ta thường chẳng dễ dàng dùng câu chữ để diễn tả trọn vẹn lòng mình với mảnh đất đã ấp yêu mình hơn ba mươi năm qua.” Nghệ thuật viết của anh là không hề tỏ ra dụng công cầu kì trong câu từ chữ nghĩa, trong cấu tứ tác phẩm. Một điều đặc biệt nữa là hầu hết các tản văn đều có nhan đề khá dài mang tính khẩu ngữ tự nhiên đặc trưng của người Nam Bộ. Mỗi trang văn cứ như một trang đời thực, một thước phim quay chậm đang trải ra trước mắt người đọc, sống động và tự nhiên như vốn thế, giản dị mà thấm thía đến ngỡ ngàng. Tống Phước Bảo viết về Sài Gòn hoa lệ nhưng không phải chụp lại một cách chớp nhoáng cái xô bồ ào ạt bên ngoài thường thấy mà anh viết về những điều bình dị ẩn mình sau ánh sáng lung linh xa hoa tráng lệ, viết với tâm thế của một người gắn bó với miền đất ấy từ lúc đến khi trưởng thành. Mạch văn cứ tự nhiên trôi trong dòng cảm xúc miên mải, cứ rủ rỉ tâm tình, gợi thương gợi nhớ…
Tống Phước Bảo gửi vào trang văn của mình những nỗi niềm rất đời, suy tư của một người trẻ nhưng trót nặng lòng thương cảm với những phận đời nhỏ nhoi đang bị cuốn vào dòng đời mưu sinh chật vật, hàng ngày hàng giờ đối mặt với bao trắc trở lo toan mà vẫn không thôi mơ ước về tương lai.
Anh như lắng nghe được tiếng thở dài cố nén của người cha tội nghiệp bên chảo dẻ rang, để rồi dù biết ước mơ của họ dẫu còn chấp chới mong manh nhưng anh lại luôn tin rằng Sài Gòn sẽ bao dung nâng đỡ những mơ ước khiêm nhường bình dị ấy. (“Sài Gòn và những ước mơ sau chảo dẻ rang”). Anh nặng lòng với ánh mắt rười rượi buồn in hằn nếp thời gian bên khoé mắt, rưng rức thương những mảnh đời vô gia cư khốn cùng tha phương cầu thực, lấy những mái hiên che làm nơi trú ngụ nghỉ chân mỗi đêm về, gắng đặng cho lại sức sau một ngày tất bật, để sớm mai khi ánh đèn đường vừa tắt lại vội vã rời đi hoà mình vào guồng quay xô bồ bất tận. Những bước chân thiên di vô định ấy chọn mái hiên lạ làm nhà quen, gắn chặt đời mình với Sài Gòn hoa lệ để rồi cả đời vẫn nhận ra phận mình “lạc một nẻo quê”. Nỗi buồn trĩu trịt trên những gánh hàng rong quanh năm suốt tháng gom góp chắt chiu cho cái tết xa quê. Để rồi dẫu có đón giao thừa bên mẹt bánh thuẫn bánh nổ hay bên mâm cơm có món bắp bò kho mật mía mang đậm phong vị quê nhà thì những phận đời nổi trôi ấy vẫn không ngừng miên mải gửi gắm niềm hi vọng tin yêu về miền pháo hoa lung linh sáng.(“Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”).
Mỗi trang văn là những trăn trở suy tư của một người trẻ khi thấy “thanh xuân vàng phai trước ngõ”, một chiều bỗng nhận ra những trong trẻo của ngày xưa đã nhuốm màu gượng gạo sau cả hành trình dài với những bước chân lang bạt kì hồ. Miền hồi tưởng chất chứa nỗi ngậm ngùi nhớ thương về những gì đã trôi dần vào quá vãng… Những tiệm cà phê kho, những sạp báo giấy từng là kế sinh nhai của nhiều phận đời nhỏ bé, là nơi nuôi dưỡng giữ gìn khoảnh khắc thảnh thơi thong dong, là mối quan tâm gắn kết chuyện đời chuyện người đến chuyện của mình của biết bao người. Những sạp báo mất đi là thêm những phận đời nổi trôi bươn bải giữa Sài Gòn nắng bụi. Thương lắm cái cảm giác đắng đót xót xa nuối tiếc về những đổi thay ấy.( “Báo giấy- Tiếc thay chút nghĩa cũ càng”). Song chính nỗi tiếc nuối hoang hoải ấy lại có khả năng diệu kì bởi đã nuôi nấng một tâm hồn xanh tươi lễ nghĩa nhân tình, chăm chút nâng niu những giấc an yên trong mộng thanh xuân, để biết bao trái tim xước xát đã gắng gượng hồi sinh tự vượt qua nỗi đau và cân bằng lại chính cuộc đời mình.
Sự lôi cuốn hấp dẫn ở mỗi sáng tác của Tống Phước Bảo không chỉ ở giọng văn Nam Bộ chân chất mến thương mà còn là cách xây dựng các nhân vật trữ tình trong mỗi tác phẩm. Anh viết nhiều về người phụ nữ, khát khao khám phá những tâm tư nỗi niềm ẩn chứa trong đáy sâu tâm can họ, viết về họ như thể trả một món nợ nhân sinh mà anh vẫn hằng ấp ủ. Nhân vật trong từng trang viết vừa quen vừa lạ. Quen bởi đó là hình ảnh của những con người lao động cần cù lam lũ ta dễ dàng bắt gặp trên những đường phố Sài Gòn đầy nắng gió hay trong những con hẻm nhỏ chạy quanh như mắc cửi. Lạ bởi mỗi truyện là mỗi cảnh đời khác nhau, dù bất hạnh lam lũ hay đã được gắn mác “bà đại gia” đều đau đáu hướng về một miền thương yêu, khát khao hoà chung nhịp đập trong cùng một trái tim Người bao dung nhân hậu. Ấy là bà má Năm trong truyện “Đập tầm vông” lăn lộn mưu sinh nơi xứ người vẫn một lòng hoài vọng cố hương, ở nơi xứ người cách nửa vòng trái đất vẫn ráng từng ngày dạy sắp nhỏ những điệu hát quê hương. Ấy là ngoại Mười người Quảng Nam bán hàng quà vặt khắp các nẻo đường Sài Gòn, cứ mỗi dịp Tết lại hào phóng làm mấy món đặc sản quê hương tặng cho ai ngoại mến như mang mùa xuân của quê mình chia cho phố thị. Ấy là người con gái đẹp Lê Trường An Nhiên đã đớn đau lột xác để dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu tuổi thanh xuân rồi lặng lẽ ra đi, để lại trong anh chàng Lâm nỗi dày vò hoang hoải, khiến Lâm nhận ra những điều mình cất công nhọc lòng có được bấy lâu chỉ là ảo ảnh hư vô, chỉ có sóng nước Nha Mân ngọt ngào vọng lại từ tuổi thơ mới thực là chốn bình an để quay về.
Một bài viết nhỏ sẽ thật khó diễn tả được hết nỗi niềm yêu mến của mình với cái tình của Tống Phước Bảo lấp lánh trong từng trang văn. Tôi thấy mình như thẩm thấu được phần nào cái chữ “Thương” mà Bảo đã nắn nót gửi gắm trong tập sách. Phải chăng “Thương” mới là tận cùng của niềm yêu? Chỉ “Thương” mới khiến người ta day dứt miên man đau đáu thiết tha nhiều đến thế. Sài Gòn sau những ngày quay cuồng sẽ gắng gượng từng ngày hồi sinh bởi Sài Gòn có những trái tim mộc mạc hồn hậu biết thương người hơn cả thương mình. “Sài Gòn chẳng có người lạ, chỉ có người quen; chẳng thể ghét, chỉ có thương” là thế!
Tạ Thanh Hải
Link nội dung: //revcat.net/sai-gon-mien-mai-thuong-yeu-a7946.html