- Chào các cụ!
Nghe tin cụ Vấn mất tôi đến thăm và chia buồn cùng gia đình. Khổ vậy, cụ có ốm đau gì không mà đi nhanh thế chú Hàn ơi? Vừa vào đến sân ông Hin đã oang oang xổ một tràng dài. Sau đó ông xăng xái xếp ghế, rót nước mời mọi người đến thăm hỏi chia buồn. Đến giờ cơm trưa ông vẫn bịm rịm chưa muốn ra về, nhẽ ông còn lưu luyến cụ ông 90 vừa mất lắm nên ông cứ mê mải chuyện trò với hết người này đến người kia, ông hào hứng kể đám nhà ông Gâm làm to, đám nhà bà Bền mời thợ kèn tận làng Xá... đám nhà chú Kiệt chết trẻ mà cũng tới dăm chục mâm cỗ... ba la bô lô đủ thứ trên giời dưới đất. Gia chủ thấy ông nhiệt tình tiếp khách và chỉ bảo cắt đặt giúp một số việc mà họ bấn bíu nên quên mất thì cũng đành nháy nhau "mời bác ở lại xơi bát cơm rau với gia đình". Chỉ cần có câu nói đó ông Hin lại xăng xái kéo ghế, kê bàn để các cháu đặt mâm. Ông lại hào hứng giới thiệu các món trên mâm với mọi người rồi rót rượu, rồi tự thưởng một chén rượu khi mọi người còn đang sắp đũa.
Ông nhiệt tình với gia chủ cho tận khi cụ Vấn mồ yên mả đẹp ông mới chào gia chủ trở về căn nhà vắng hoe, rộng thênh thang không một bóng người và thậm chí ẩm mốc khắp nơi trừ nửa cái chiếu nơi ông ngả lưng là không bám bụi ấy. Dân làng lúc đầu xì xào: Sao ông ấy lạ thế? Chả quen cũng ở ăn vậy? Nhưng rồi người ta thì thào: ối dào! vợ lão bỏ về ngoại rồi, nên không ai nấu cho mà ăn nên đổ đốn ra thế đấy! Ông ngả lưng xuống chiếu rồi lẩm nhẩm: Trong làng cụ này là cụ thứ hai rời dương thế. Vậy là đủ cặp rồi, nhẽ phải sang tháng sau thì may mới có người đi. Ông thở dài lo lắng không biết mấy ngày tới sẽ như thế nào? Ai nấu cơm cho ông? Ai ăn cơm uống diệu cùng ông đây? Có đôi lúc ông thấy hổ thẹn cho cái việc đi ăn chạ của mình lắm lắm. Nhưng nghĩ cảnh ngồi lủi thủi ăn cơm một mình lại không có ai nghe ông kể chuyện ngày xưa ông đi tàu vất vả như nào... rằng ông từng buôn cả ngà voi ra sao. Các con ông nhờ ông ngoài việc làm thợ chính trên tàu còn biết buôn bán mới có tiền nuôi con và mua đất xây nhà to nhất làng. Rồi đứa nào ông cũng lo nhà cửa ổn định. Tuyền một tay ông làm mà có, chứ mụ vợ cả đời chưa ra khỏi làng thì lấy đâu ra tiền?. Nay ông về hưu tháng bốn triệu thì đưa vợ ba còn một triệu ông để dành đi nhậu hoặc đánh vài con lô.
Các con ông được ăn học, rồi lấy chồng, lấy vợ lập nghiệp ở xa. Nhẽ tuổi gần bảy mươi của ông phải được vợ hầu hạ dạ vâng chứ. Đằng này mụ dám bỏ ông lủi thủi mà sang nhà cũ của mẹ mụ ở, không thèm về. Ông vì sĩ diện cao cũng chẳng thèm xuống thang sang gọi bà về, mà ăn cơm một mình thì nó chán lắm! Chả là gần một năm trước mụ Nhịn đã không chịu "nhịn" ông nữa. Tự dưng, một hôm mụ nổi máu đấu tranh bật lại ông khi ngồi ăn cơm ông bắt mụ xào lại đĩa rau cần bởi mụ cho hơi ít tỏi. Mụ dám cãi ông rằng "Tỏi bây giờ 100 ngàn một cân", nên phải ăn xẻn. Cái mụ già chỉ biết tiêu tiền của chồng mà không biết chăm chồng nay dám cãi chồng à?. Ông điên tiết ông cho một bài dài về lễ giáo gia phong. Cái bài ca mà cả xóm thuộc lòng bởi ngày nào ông cũng ca: Đàn bà "Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Đàn bà phải biết "tề gia nội trợ" phải biết "ăn trông nồi ngồi trông hướng", phải biết "kính trọng chồng" vì chồng là trụ cột trong gia đình.... rằng bà chỉ biết "ăn không lên đọi, nói chẳng nên lời". Rằng loại đàn bà "chỉ đái qua ngọn cỏ". Vô tích sự rằng ăn hại đái nát chứ làm gì được cho đời???.
Cái nhà này không có ông "mồ hôi trên thấm mồ hôi dưới" mới có "ba ngang bảy dãy" cho bà chui... Mọi khi bà Nhịn sẽ nín lặng nghe ông ca hết bài và hối hả làm lại theo ý ông thì hôm ấy bà lại dám bật: hết tỏi rồi! Hết tiền rồi.! Ông muốn ăn nhiều tỏi thì đưa tiền đây tôi đi mua, Còn không thì có nào ăn vậy. Ông tưởng tháng ông đưa cho tôi ba cái triệu tiền lương mà đủ chi dùng cho cái nhà này à! Đình đám ma chay cưới hỏi đổ hết vào ba cái triệu bạc của ông có đủ không mà nay yêu mai sách?. Từ ngày lấy tôi, ông nấu cho tôi bữa nào chưa? Tôi đau dạ dày, nằm cả ngày ông cũng bỏ tôi ôm bụng nằm chết khô không thèm nấu cho tôi bát cháo vì ông còn mải đi nhậu. May có con Bảy hàng xóm nó chạy qua mua cho ổ bánh mì và mấy gói thuốc chứ không chết vì đau thì cũng chết vì đói. Tôi bị dao chém sể tay ông cũng mặc xác tôi tự băng bó, rồi lại vác cái tay đau mà nấu món giả cầy cho ông xơi. Tôi không làm ra tiền thì tôi cũng cấy lúa, nuôi lợn, trồng rau. Cũng chăm lo con cái cháu chắt để ông ra ngoài kiếm tiền. Cả đời tôi, hơn sáu mươi cái tuổi đầu biết miếng ngon miếng lành nào chưa? Cả đời tôi biết manh áo đẹp, hay dám đi đâu chơi lấy một ngày nào chưa? Đi đâu cũng phải mau mau về nấu cơm dẻo canh ngọt cho ông xơi. Thế mà, nay ông mắng mai ông chửi. Tôi là vợ ông chứ tôi là ô sin giúp việc là con hầu của ông hay sao mà ông hành hạ tôi thế? Tuôn một hơi dài rồi mụ vợ ông hất luôn bát rau ra sân, phủi đít đi luôn. Ông trợn ngược mắt vì bất ngờ, rồi ông vùng lên hất vù cả mâm cơm theo lưng mụ vợ. Cái bát ăn cơm bắn vèo vào đầu mụ cái cộp mụ vẫn chẳng hề quay lại. Mụ mặc cho dòng máu từ trên đầu rỉ ra chảy xuống cổ mụ đi một lèo về gian nhà cấp bốn cũ kỹ của mẹ mụ để lại khi bà cụ mất. Kể từ hôm đó mụ nhất quyết không về nhà cho dù các con đã năn nỉ hết lời mụ vẫn dứt khoát: từ nay nhà ông, ông ở, tôi không thèm về đấy nữa. Con cháu quá hiểu tính ông nên bàn bạc thuyết phục ông sang xin lỗi bà gọi bà về nhưng ông cho là mình "chẳng có gì sai" cũng nhất định không đi. Cuối cùng thì sáu đứa con, bốn gái,hai trai đang ở khắp nơi đành chấp nhận bà ở nhà cụ ngoại. Bốn cô con gái bảo nhau mỗi cô góp biếu mẹ năm trăm ngàn hàng tháng. Còn hai cậu trai thì bỏ tiền sửa nhà và mua sắm một số vật dụng cần thiết cho bà Nhịn ở.
Cũng kể từ đó ngoài hai bữa cơm, bà dành thời gian chăm sóc cây cối rau màu trong vườn. Chiều chiều bà theo các bạn già đi tập dưỡng sinh, Sáng sáng đi dạo bộ, Đêm đêm nghe giảng Pháp. Thi thoảng các con cho cháu về chơi với bà mà không sợ ông mắng khi bày ra đầy nhà. Còn ông, mấy ngày đầu tự do ông mua đồ về rồi gọi các bạn nhậu cả ngày đến khuya. Nhậu lắm, các ông say xỉn bò lê bò càng cho chó ăn chè nên các bà vợ bảo nhau không cho sang nhà ông nhậu nữa. Ông vốn là người hay nói nên không có người nói chuyện thì ông bức bối khó chịu. Từ đó trong làng ngoài xã đâu có đám hiếu hỉ là ông mò đến, xăng xái loăng quăng cho hết ngày này sang ngày khác để được lai rai, để được nói chuyện cho đến khi gia chủ hết người đến ông mới chịu về. Ông nằm vắt tay lên trán và mở con điện thoại thông minh ra lướt lướt. Mắt ông sáng lên, trong bụng khấp khởi lại có chỗ cho ông "nói chuyện" rồi khi cái tin tại ngã tư đèn đỏ vừa xảy ra một vụ tai nạn. Nạn nhân người làng Xần (cạnh làng ông) qua đời ở tuổi 53. Ông bật dậy lấy mũ và chùm chìa khóa vội vã khóa cửa leo lên xe lao đi.
Theo Chuyện quê
Vũ Minh Hằng
Link nội dung: //revcat.net/khi-dan-ba-vung-day-a7942.html