Thiền sư Huyền Quang tên thật là Lý Tái Đạo (1254-1334). Ông là người nổi tiếng, thông minh từ nhỏ, sau này thi đỗ hương, hội. Ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272, được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình.
Thiền sư được coi là người thông tuệ, từng được cử để tiếp sư Bắc triều. Những câu chuyện về thiền sư, có nhiều huyền thoại. Bách khoa toàn thư wikipedia chép: “Theo truyền thuyết ghi lại trong Tam tổ thực lục (三祖實錄), mẹ của Huyền Quang là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy “các toà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa”.
Năm ấy Lê Thị sinh Huyền Quang. Lớn lên ông dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm. Tam Tổ thực lục, phần Tổ Gia thực lục chép tiểu sử Huyền Quang có nói: ông cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, liền nhớ lại “duyên xưa”, xin xuất gia thụ giáo. Tuy nhiên, cũng trong sách này mà phần tiểu sử Pháp Loa lại nói Huyền Quang thụ giáo với Bảo Phác ở chùa Vũ Ninh (Bắc Ninh).
Ông được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Sau, ông theo lời phó chúc của Trúc Lâm trụ trì chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Tử. Vì đa văn bác học, tinh thông đạo lý nên tăng chúng đua nhau đến học. Niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317), ông được Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm và tâm kệ.
Sau khi Pháp Loa tịch (1330), ông kế thừa làm Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên ông giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm. Ông đến trụ trì Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hoá. Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334) thời vua Trần Hiến Tông, ông viên tịch, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả”.
Thiền sư cũng có một câu chuyện khác, đến nay có vẻ như vẫn chưa đi đến hồi kết, đó là chuyện giữa thiền sư và nàng Điểm Bích. Về chuyện này, hai Hồng Nhung – Chữ Hằng, từng viết: “Mối oan tình” Huyền Quang - Điểm Bích bắt đầu từ việc Vua Trần Anh Tông nghe triều thần có người gièm pha rằng thiền sư Huyền Quang chắc gì đã là một vị chân tu, mà đứng đầu các hàng tăng ni phật tử thì thiên hạ sinh dị nghị. Cho rằng “Họa hổ, họa bì nan họa cốt - Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” (Vẽ hổ, vẽ da, khó vẽ xương; Biết người, biết mặt, không biết được lòng dạ), Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã hiến cho vua kế dùng mỹ nhân thử Huyền Quang để xác định thực hư ra sao. Vua Anh Tông nghĩ người thực hiện mỹ nhân kế phải “có cái vẻ nõn nà Phi Yến, có cái thói khéo tài của Điêu Thuyền” và vua chọn Điểm Bích.
Vua chỉ dụ cho Điểm Bích phải lấy được ít nhất một nén vàng mà nhà vua đã từng tặng Huyền Quang làm bằng chứng. Chuyện kể rằng, khoảng chập choạng tối, Điểm Bích đến được phòng của Huyền Quang và xin nhà sư cho trọ lại một đêm. Tuy không biết nàng là cung nữ của đức vua, Huyền Quang vẫn khước từ một cách gay gắt. Thị Bích lựa lời cầu khẩn đến 3 lần. Bất đắc dĩ, Huyền Quang đành phải để nàng trọ lại nhưng bắt ở mé ngoài tăng phòng. Đêm hôm đó, vào quãng canh ba, trăng vằng vặc chiếu, gió lùa bức rèm lay động. Lúc ấy Huyền Quang chưa ngủ, nhà sư dạo gót ngoài thềm thì chợt thấy Thị Bích quần áo trễ xuống, để lộ da thịt tuyết trắng.
Huyền Quang vội quay đi. Biết là không thể mê hoặc thiền sư, cô cung nhân Điểm Bích bịa ra một câu chuyện gia đình bi thảm để lợi dụng lòng từ bi của Huyền Quang và lấy được vàng như Vua Anh Tông yêu cầu. Về cung, với dật vàng nhận được từ sư Huyền Quang, Điểm Bích dựng lên câu chuyện Huyền Quang phá giới: “Tôi vâng chiếu chỉ đi thử thiền sư Huyền Quang. Đến trước chùa Vân Yên, vào ở nhờ một bà vãi già, tự xưng là con gái nhà dân, xin được theo học đạo tôn sư. Bà vãi già thường sai tôi dâng nước chè lên cho sư. Trải qua hơn 1 tháng, sư không hề liếc nhìn, hỏi han gì tôi cả.
Một hôm, nửa đêm, sư lên nhà tụng kinh, đến canh ba, sư và đám tăng ni, ai nấy đều về phòng mình mà ngủ. Tôi bèn đến bên phòng của thiền sư để nghe xem động tĩnh thế nào thì thấy sư ngâm lời kệ rằng: “Vằng vặc giăng mai ánh nước/ Hiu hiu gió trúc khua sênh/ Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ/ Mâu Thích Ca nào thửa hữu tình”. Sư ngâm đi ngâm lại mãi, tôi bèn vào phòng tăng, từ biệt sư để về nhà thăm cha mẹ, để sang năm sẽ quay lại học đạo. Sư bèn giữ tôi ngủ lại một đêm rồi cho tôi một dật vàng”.
Vua nghe vậy thì nổi giận, nói: “Sự việc nếu quả có thực như thế, thì đúng là ta đã giăng lưới ở cửa tổ mà bắt chim vậy. Nếu sự việc không có như thế thì Quốc sư khó mà tránh khỏi mối ngờ oan đối với người sửa dép ở ruộng dưa vậy!”. Sau đó, vua sai mở hội Vô già ở phía tây kinh thành và sai sứ đi mời Huyền Quang về làm mật án pháp trong lễ ấy. Huyền Quang thấy bày vàng lụa và các món mặn, biết mình bị thử thách, thở dài, lên xuống đàn ba lần rồi bái vọng ra mười phương, khấn: “Kẻ đệ tử này có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống âm ty địa ngục, còn nếu không, thì xin cho lụa vàng bay đi”. Ngay lúc ấy, đám mây đen hiện ra, bụi cát tung mù mịt cả bầu trời, làm cho ai nấy đều kinh sợ. Vua thấy dường như trời đất cũng thông tỏ được tinh thần liêm khiết của Huyền Quang, bèn xuống đàn xin lỗi sư. Sau đó, vua giáng Điểm Bích xuống làm phu quét chùa Cảnh Linh trong cung. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, khoảng cuối đời Lê đầu đời Nguyễn, trong tác phẩm “Sơn cư tạp thuật”, một tác giả khuyết danh đã viết lại câu chuyện này với tiêu đề “Yên Tử sơn tự tăng” (Sư chùa núi Yên Tử) mà trong đó tình huống truyện xảy ra là sư Huyền Quang trở thành người bị quyến rũ trước nhan sắc của Điểm Bích và chủ động phạm vào cấm giới. Một điều đáng lưu ý nữa trong câu chuyện này là về bài thơ “Giai nhân tức sự”. Bản thân bài thơ khá “đa nghĩa”. Một nghĩa, có thể hiểu ở khía cạnh trần tục, sự khêu gợi dục tình. “Trăng”, “gió”, “nước” đều gợi tình. Người thì “tươi tốt”. Nếu hiểu theo nghĩa “sự cám dỗ dục tình” này thì với câu cuối, chẳng những Huyền Quang tự hạ thấp mình mà còn hạ thấp cả đạo Phật! Một nghĩa khác, cảnh vật có trăng, gió, nước vô cùng tuyệt đẹp.
Con người cũng là một nét đẹp. Và như vậy, câu cuối có thể hiểu là những người theo đạo Phật cũng không vô tình với cái đẹp. Những người theo đạo Phật chủ trương diệt dục và không có quan hệ giới tính nhưng không từ bỏ giới tính, từ bỏ mỹ cảm. Xung quanh vấn đề ai là tác giả của bài thơ cũng có nhiều giả thuyết trái chiều. Liệu bài thơ này là của Huyền Quang như lời Điểm Bích tâu với vua, hay là của chính Điểm Bích tạo dựng để thêm bằng chứng phạm tội cho Huyền Quang? Nếu bài thơ là của Điểm Bích thì điều này cũng không phải là không có cơ sở khi “Tổ gia thực lục” mô tả Điểm Bích là người “đặc biệt giỏi thơ quốc ngữ”, được vua khen là “nữ thần đồng”. Và như vậy thì cô cung nhân này quả là xuất sắc trong việc tạo dựng thêm bằng chứng để đổ tội cho người khác. Với Huyền Quang, một người đã từng viết những bài thơ đầy rung cảm thì cũng không khó để làm một bài thơ như Điểm Bích đã đọc.
Và nếu đúng như lời Điểm Bích tâu thì bài thơ chỉ là một cái cớ, ra đời trong trạng thái buông lỏng cảm xúc của vị thiền sư Huyền Quang. 3. Bùi Văn Nguyên trong “Tân đính Lĩnh Nam chích quái” đã dẫn bài kệ này của Huyền Quang, nhưng là bằng chữ Hán (không phải chữ Nôm như trên): “Hạo hạo nguyệt quang ngưng thủy diện/ Du du trúc ảnh lộng phong sinh/ Nhiêu kiều thế giới phương phi cảnh/ Tùng thị Mâu Ni dã bất tình”. Theo Bùi Văn Nguyên, “Bài thơ này khá giống với phong cách phóng khoáng của Huyền Quang trong nhiều bài thơ khác của ông. Chắc rằng Vân Bích (Điểm Bích) tâu với vua về bài thơ chữ Hán này, còn bài dịch ra quốc âm của Vân Bích hoặc một tác giả khác (…) không sát với nguyên văn, có phần xuyên tạc để kết án Huyền Quang” . Tuy nhiên, đây rất có thể là một bài thơ dịch ngược từ thơ chữ Nôm sang thơ chữ Hán. Một thông tin khác, trong “Vũ Trung tùy bút” (Phạm Đình Hổ) có đoạn: “Mộ nàng Bích ở làng Hoạch Trạch; buổi đầu năm Cảnh Hưng, có kẻ đào lên thì thấy quan tài vẫn sơn son y nguyên, mở ra xem, quan tài đầy nước trong veo, hương thơm ngát mũi, rồi đậy lại liền”. Rất có thể, đây là một thông tin nhằm minh oan cho Điểm Bích. Đương nhiên, cũng không loại trừ khả năng bài thơ là do người đời sau đặt để câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Mặc dù đã bảy thế kỷ trôi qua, đến nay câu chuyện này vẫn còn đặt ra nhiều nghi vấn để hậu thế suy ngẫm và lý giải.
Lý giải thêm về những huyền thoại, nhất là về chuyện với nàng Điểm Bích, trong Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải, giải như sau:
“Trước nhất, tôi có những nhận xét về tiểu sử của Tổ Huyền Quang, tìm trong sử sách thấy rất là mơ hồ, chỉ có quyển Tổ Gia Thực Lục là đầy đủ, nhưng qua bản này tôi có những ngờ vực:
1. Đọc bản Tổ Gia Thực Lục chúng ta thấy cả một tấm màn thần bí che phủ đời của Tổ Huyền Quang.
2. Theo nhận xét riêng tôi, bản Tổ Gia Thực Lục có lẽ do người trong gia tộc biên soạn, chớ không phải là một đệ tử kế thừa ghi lại Ngữ lục của thầy.
3. Nếu đệ tử kế thừa viết Ngữ lục của thầy thì phải ghi đủ:
- Ngài xuất gia lúc nào, với ai, lý do ngộ đạo và được truyền tâm ấn.
- Những lời đối đáp với người học đạo hay Thiền khách và những lời dạy chúng của Ngài.
- Ngài đã truyền tâm ấn cho ai khi Ngài già.
- Khi tịch Ngài có để lại kệ tụng hay không và trạng thái lúc tịch như thế nào.
Như vậy bản này mới đủ tư cách là một bản Ngữ lục ghi lại đời của một vị thầy, một vị Thiền sư, hơn nữa là vị Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Nhưng bốn điều kiện này không được ghi rõ trong bản Tổ Gia Thực Lục. Quyển này đáng được tin cậy đối với người trong gia tộc vì những việc xảy ra trong gia tộc, dù không quan trọng cũng được ghi lại đầy đủ, còn những điểm cần trong đạo lại không có, nên không đủ tư cách để giải rõ cho người sau hiểu được tinh thần truyền bá chánh pháp của Ngài.
Trong bài học hôm nay, chúng tôi không hoàn toàn theo bản Tổ Gia Thực Lục mà gom góp nhiều nơi để làm căn bản, nhưng vẫn có những phần như phần đầu bài này, phải dùng đến bản Tổ Gia Thực Lục, nên không tránh khỏi những mâu thuẫn. Đó là tổng quát về quyển Tổ Gia Thực Lục mà những vị viết tiểu sử Tổ Huyền Quang đều y cứ vào đó.
Sư tên Lý Đạo Tái, sanh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ là Huệ Tổ dòng dõi quan liêu, nhưng đến đời ông thì không thích công danh, chỉ ưa ngao du sơn thủy. Tuy có công dẹp giặc Chiêm Thành, nhưng ông không nhận chức quan. Thân mẫu họ Lê là người hiền đức. Nhà Sư ở phía nam chùa Ngọc Hoàng. Năm Sư sanh, một hôm thầy Trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Thiền sư Huệ Nghĩa tối tụng kinh trên chùa xong, xuống phòng ngồi trên ghế trường kỷ, chợt ngủ quên mộng thấy trên chùa đèn đuốc sáng trưng, chư Phật tụ hội đông vầy, Kim cang Long thần chật nứt, Phật chỉ Tôn giả A-nan bảo: “Ngươi thác sanh làm pháp khí cõi đông.” Chợt có ông đạo gõ cửa, ông chợt tỉnh giấc, làm bài kệ viết trong vách chùa:
Âm:
Nhân chi vị đạo khởi tha tầm
Tâm tức Phật hề Phật tức tâm
Huệ địch kiết tường vi ảnh hưởng
Thử sanh tất kiến hảo tri âm.
Dịch:
Người mà vì đạo chớ tìm đâu,
Phật vốn tâm mình, tâm Phật sâu.
Mộng thấy điềm lành là ảnh hưởng,
Đời này ắt gặp bạn tâm đầu.
Đoạn này nói rõ khi Ngài sanh ra, thầy Trụ trì chùa gần nhà mộng thấy sự việc trên. Điều này thầm nói Ngài là hiện thân của ngài A-nan. Thời quá khứ ngài A-nan tướng tốt không kém Phật nhưng Ngài lại không giống. Đó là một điểm. Đồng thời câu chuyện này cho thấy Ngài là một vị nếu không phải là Bồ-tát, cũng là A-la-hán tái sanh, nhưng A-la-hán thì không tái sanh, chỉ có Bồ-tát mới tái sanh thôi. Thế nên khi đọc câu chuyện này chúng ta thấy có phần khó hiểu, song vì người xưa ghi thì chúng tôi cũng thuật lại cho đầy đủ.
Thuở nhỏ Sư dung nhan kỳ lạ, ý chí xa vời. Chữ kỳ lạ có thể hiểu hai cách hoặc là đẹp đẽ phi thường hoặc là không có sắc diện như người khác.
Cha mẹ mến yêu dạy các học thuật. Sư học một biết mười, biện tài hiển Thánh. Niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), đời vua Trần Thánh Tông, Sư thi đỗ Tiến sĩ (Trạng nguyên), lúc ấy được hai mươi mốt tuổi. Cha mẹ tuy đã định hôn cho Sư, nhưng chưa cưới. Sau khi thi đậu, nhà vua gả Công chúa cho, Sư vẫn từ chối.
Chỗ này lại thêm một nghi vấn, có chỗ nói rằng tuy có sự định hôn nhưng không được người ưng thuận nên Ngài hơi buồn. Vì thế sau này khi thi đậu, được nhà vua định gả Công chúa cho, Ngài từ chối. Theo sử ghi Ngài có than:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên.
Qua hai câu thơ này là việc định hôn hình như chưa được người ta ưng ý, nhưng đến khi đỗ Trạng rồi, ai cũng giành gả con, nên Ngài từ chối tất cả. Từ đó chúng ta mới hiểu qua việc dung nhan kỳ lạ. Nếu dung nhan đặc biệt đẹp đẽ thì chuyện hôn nhân không phải khó, nếu khó tức nhiên có điều gì ẩn bên trong.
Sư được bổ làm quan ở Hàn lâm viện và phụng mạng tiếp đón sứ Trung Hoa. Văn chương ngôn ngữ của Sư vượt hơn sứ Trung Hoa, khiến họ phải nể phục. Những điều này là đúng sự thật.
Một hôm Sư theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phụng Nhãn nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, Sư chợt tỉnh ngộ duyên trước, khen ngợi quí mến, tự than: “Làm quan được lên đảo Bồng, đắc đạo thì đến Phổ Đà, đảo trên nhân gian là bậc tiên, cảnh giới Tây thiên là cõi Phật. Sự giàu sang phú quí như lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên mến luyến!”
Đoạn này tôi dịch theo quyển Tổ Gia Thực Lục.
Làm quan được lên đảo Bồng. Bồng lai là cảnh tiên, tức là làm quan được sướng như tiên.
Đắc đạo thì đến Phổ Đà, nói được đạo lên Phổ Đà Sơn thì tầm thường quá!
Đảo trên nhân gian là bậc tiên, cảnh giới Tây thiên là cõi Phật. Như vậy lối nhìn đó cũng chưa sáng sủa, chỉ có những câu sau là hay:
Sự giàu sang phú quí như lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên mến luyến! Đó là cái nhìn chính xác. Sở dĩ tôi nói những câu trên không hay vì tôi ngờ người học Nho trong gia tộc ghi lại. Đoạn này có một nghi vấn. Quyển Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang ghi ngài Huyền Quang xuất gia sau ngài Pháp Loa một năm. Nếu nói Ngài theo vua Anh Tông lên chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, chợt tỉnh ngộ duyên trước, thì ngài Pháp Loa xuất gia trước một năm, đâu có đi giảng kinh như vậy, e rằng người viết quyển Tổ Gia Thực Lục phỏng mà viết, nên không đúng lẽ thật.
Sư mấy phen dâng biểu xin từ chức để xuất gia tu hành. Chính nhà vua rất mến trọng Phật giáo, nên sau cùng mới cho. Đến niên hiệu Hưng Long thứ 13 (1305), Sư xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm Thị giả Điều Ngự, được pháp hiệu là Huyền Quang.
Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang thì năm 1305, ngài Huyền Quang năm mươi mốt tuổi, xuất gia theo học với Thiền sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh chớ không phải theo ngài Pháp Loa. Việc này hợp lý hơn, vì Thiền sư Bảo Phác là đệ tử lớn của ngài Điều Ngự tức là Sơ tổ Trúc Lâm. Còn ngài Pháp Loa mới xuất gia trước Ngài một năm, chưa đủ tư cách làm Giảng sư, huống là độ người xuất gia. Thế nên quyển Tổ Gia Thực Lục có những điều không được sáng tỏ. Sau khi xuất gia với Thiền sư Bảo Phác, Ngài theo Điều Ngự làm Thị giả được hai năm, được Điều Ngự ban hiệu là Huyền Quang và dặn dò sau này phải theo trợ giúp Pháp Loa.
Niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309), Sư theo hầu Pháp Loa y theo lời phó chúc của Điều Ngự. Sau khi Điều Ngự tịch, Huyền Quang theo hầu Pháp Loa đúng theo lời dặn bảo của Điều Ngự.
Sư vâng lệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Do Sư đa văn bác học, tinh thâm đạo lý, nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người. Có lẽ lúc này Ngài vâng lệnh ngài Pháp Loa về trụ trì Vân Yên vì Điều Ngự đã tịch.
Sư thường phụng chiếu đi giảng kinh dạy các nơi và tuyển Chư Phẩm Kinh, Công Văn v.v… Những khoa giáo trong nhà thiền mỗi mỗi đều phải qua tay Sư cả.
Những kinh sách Điều Ngự bảo soạn, Ngài đều ra công biên soạn và nhuận bút lại những kinh sách khác nên những quyển này rất hay.
Ngày rằm tháng giêng năm Quí Sửu (1313) vua Anh Tông mời về kinh ở chùa Báo Ân giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, Sư dâng chiếu xin về quê thăm viếng cha mẹ. Nhân đây, lập ngôi chùa phía tây nhà Sư để hiệu là chùa Đại Bi.
Ngài xin phép triều đình được về thăm cha mẹ, khi ấy Ngài sáu mươi tuổi, lúc xuất gia Ngài năm mươi mốt tuổi. Đó là một điểm để Tăng Ni ý thức được người quyết tu phải đặt đạo đức, chánh pháp và sự truyền bá lên trên, chớ không nên đặt nặng tình cảm gia đình. Thế nên từ khi đi xuất gia đến chín năm sau Ngài mới về thăm cha mẹ. Thấy cha mẹ già, muốn cho cha mẹ phát tâm hướng về Phật pháp, Ngài lập một ngôi chùa để tên là Đại Bi. Hay tin này các nơi đều hưởng ứng ủng hộ và Ngài ở lại đó gần một năm. Hôm đi Hà Nội chúng tôi được mời đến đây, thấy tháp của Ngài còn tại chùa. Tại sao đặt tên chùa là Đại Bi? Có hai nghĩa:
1. Cha mẹ đã sanh ra Ngài và nuôi dưỡng dạy dỗ Ngài đến lớn khôn. Ngài thức tỉnh đi tu, ngộ đạo, truyền bá chánh pháp, làm nhiều Phật sự. Công ơn ấy như là biển cả, nên gọi là đại từ đại bi.
2. Ý Ngài muốn nhắc nhở cha mẹ đã sanh được Ngài hiểu đạo tu hành thì cha mẹ cũng nên phát lòng đại từ đại bi để tu hành giúp đỡ mọi người.
Khi đến chùa Đại Bi, tôi nghe người địa phương kể lại là Tổ Huyền Quang đã được phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên vì khi đi sứ Trung Hoa Ngài đối đáp lưu loát, vua Trung Hoa nể phục nên phong Ngài chức Trạng nguyên. Nhưng khi khảo lại các quyển sử tôi không thấy Ngài đi sứ Trung Hoa lần nào, chỉ có tiếp sứ thôi, ngài Mạc Đĩnh Chi mới là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Vì thế những đồn đại của địa phương thường tô đậm nét thêm cho uy tín của người trước, nhưng tìm lại lịch sử thì không có.
Sau gần một năm, Ngài trở về núi.
Sư trở về chùa Vân Yên, lúc đó đã sáu mươi tuổi. Nhà vua muốn thử lòng Sư nên cho Điểm Bích là một cung nhân tìm cách gần Sư để lấy bằng chứng đem về dâng Vua. Điểm Bích dùng man kế gợi lòng từ bi của Sư, rồi về tâu dối với Vua. Vì thế, Sư bị tai tiếng không tốt. Nhưng sau cuộc lễ chẩn tế của Sư, thấy những sự linh nghiệm lạ thường, nhà vua không còn nghi ngờ. Vua liền phạt Điểm Bích làm kẻ nô bộc quét chùa trong cung Cảnh Linh ở nội điện. Điều này là tôi tóm lược, còn trong quyển Tổ Gia Thực Lục thì kể rất dài, tôi thuật lại đủ cho quí vị biết.
Một hôm vua Minh Tông nói với quan hầu cận, tăng quan và đạo sĩ: Người ta sanh ra trong khoảng trời đất, cõng âm và ôm dương, thích ăn ngon ưa mặc đẹp, lòng ham muốn ấy bọn chúng ta đều có. Còn như gác bỏ một bên lòng ham muốn, dốc lòng phụng sự đạo là để lo một mặt mà thôi. Vì sao chỉ một mình thầy Huyền Quang, từ khi sanh đến giờ, vẫn sắc sắc không không như nước không sóng, như gương không bụi, phải chăng Sư đè nén lòng dục hay là không có lòng dục? Bỗng có viên quan văn (Mạc Đĩnh Chi) ứng tiếng tâu: Vẽ cọp vẽ da được chớ khó vẽ xương, biết người biết mặt chớ khó biết được lòng. Xin hãy thử xem vì sao được như thế?
Vua nghe tâu bèn lặng lẽ sắp đặt cơ mưu, không để tiết lộ, ngầm chọn người cung nữ tuổi dưới hai mươi, nõn nà chẳng kém gì Phi Yến, khéo léo còn hơn cả Điêu Thuyền. Đó là cung nhân Điểm Bích hiệu là Tam Nương. Mẹ nàng người Đường An, nhà nghèo sống một mình, gặp năm hạn hán đi ăn xin đến huyện Đông Triều chùa Quỳnh Lâm dừng chân một đêm tại đó. Đến canh ba, bầu trời quang đãng sao sáng trăng trong, thấy một thanh niên không biết tên họ là gì, cũng không trông rõ diện mạo đến chỗ bà xin cùng ân ái, xong rồi liền đi. Nhân đó bà có thai, đủ tháng liền sanh ra một bé gái, bà bồng con về làng cũ. Một phú ông trong làng mua đứa bé ấy một quan tiền làm con nuôi, những bé gái cùng lớp thường trêu chọc, gọi nó là con gái chùa Quỳnh Lâm. Khi nó lớn lên nhan sắc rất đẹp, lại có tính hiếu học, tam giáo cửu lưu không thứ gì không thông hiểu. Khi có lệnh tuyển cung nữ, Điểm Bích vừa chín tuổi, được tuyển vào làm cung nữ. Trường thiên ngũ ngôn hễ mở miệng là thành chương, nhưng sở trường nhất là quốc ngữ, Vua nói đó là đứa bé gái thần đồng. Khi ấy Vua gọi Điểm Bích vào nội điện, ban cho một thẻ bài cầm tay và căn dặn: Vị Tăng ấy vốn không ưa sắc dục, tánh tình rất cương trực, giới hạnh lại cao nghiêm, ngươi có nhan sắc lại có tài ăn nói và thông hiểu sử kinh, vậy hãy đến thử Thầy. Nếu Thầy còn động lòng quyến luyến tình dục, ngươi hãy dụ lấy cho được kim tử làm bằng chứng, bằng gian trá sẽ có tội, ngươi phải kính cẩn vâng lời.
Điểm Bích vâng lệnh ra đi đem theo một đứa tỳ nữ đến chùa Vân Yên gặp một Tỳ-kheo ni già, tự khai quê quán của mình cầu xin xuất gia học đạo tu hành, nhờ bà tiến dẫn với Quốc sư. Vị Tỳ-kheo ni già thường sai Điểm Bích sớm chiều dâng nước trà lên Sư, Sư thấy người ấy đi đứng có cử chỉ lẳng lơ đùa cợt, không phải là người Phật tử chân chánh cầu đạo, bèn ra lịnh Tăng Ni khiển trách vị Tỳ-kheo ni già, bảo Điểm Bích trở về nhà lo việc lấy chồng, kiếm nghề sanh sống, đợi đến tuổi già sẽ cho đến học đạo. Điểm Bích thấy Sư giới hạnh tinh nghiêm, uy nghi lẫm liệt, khó dùng sắc đẹp cám dỗ, chợt nảy ra một kế, ban đêm đến vị Tỳ-kheo ni già khóc và nói: Thiếp vốn là con nhà vọng tộc ở Đường An, gia đình nhiều đời đỗ đạt làm quan, từng truyền lại cái học về thi lễ. Cha thiếp tập ấm theo thứ tự được làm chức Huyện thừa ở huyện Cảm Hóa, đạo Ninh Sóc. Khi thu thuế ruộng hàng năm tính thành vàng ròng được một trăm mười lăm dật, ông đem cất vào một cái túi, mang về kinh để nạp vào kho của quan. Trên đường đi ông nghỉ tạm tại phường Toán Viên Bắc phủ, bị bọn gian manh lập mưu cướp sạch, không lấy gì để ứng nạp. Ông bèn làm đơn trình bày rõ với quan bộ Hộ, quan bộ Hộ thương tình cho hẹn đến cuối năm sẽ mang đủ số vàng đến nạp. Nếu quá kỳ hạn, quan sẽ tâu mọi việc lên triều đình và vợ con điền sản sẽ sung công tất cả. Do đó thiếp mới phổ khuyến thập phương các châu lộ phủ huyện những nhà giàu có mong giúp công đức, đồng thời bán gia tài điền sản để góp vào khoản vàng còn thiếu. Nghe Tôn sư đức trọng đạo cao, lòng sẵn từ bi thiếp mới hỏi chỗ ở, lần bước đến đây, đợi lúc thung dung nhàn hạ thiếp mới bày tỏ sự tình, trình thư phổ khuyến, mong được công đức trong muôn một. Nếu được may mắn chẳng những riêng cha thiếp khỏi bị tội nặng, mà nam nữ toàn gia của thiếp cũng được giải thoát. Đó là điều mà người xưa gọi là ân sanh tử cốt nhục vậy.
Các Tăng Ni môn đồ nghe thấy lời nói ấy xót thương cho tình cảnh nàng, không ai là không rớm lệ, đồng thưa với Sư xin góp vàng bạc công đức để cứu tính mạng của một gia đình. Sư trầm ngâm hồi lâu nói: Ngày xưa Hán Văn đế cảm thương lời tâu của nàng Đề Oanh mà bỏ nhục hình, Đường Thái Tông xem bản đồ Minh Đường mà dẹp cấm đài. Hai Vua ấy đều thể theo đức hiếu sanh của Thượng Đế, (câu Thượng Đế này chắc không phải Ngài nói) nên cho con cháu hưởng lộc trời lâu dài đến ba bốn trăm năm, không có ân đức mà được như thế sao! Ta phải vì ngươi về triều tâu rõ việc ấy, ngõ hầu quảng bá đức hiếu sanh của Hoàng đế mà cũng là phương tiện cứu khổ tốt đẹp vậy. Có một tiểu Tăng đứng bên cạnh ứng tiếng bạch với Sư: Pháp luật là việc công của thiên hạ, ông ta không giữ cẩn thận, pháp luật bắt tội là đúng theo luật công vậy. Chúng ta có vàng bạc đem cho là sự giúp đỡ riêng. Nếu vì muốn giúp riêng mà bỏ công pháp thì có hay hay không (tức là có nên hay không)? Sư bảo: Tiểu Tăng này nói đúng. Sư bèn lấy một dật vàng cho Điểm Bích để đem về chuộc tội cho cha nàng, chư Tăng Ni cũng lấy tiền của ra cho.
Điểm Bích được kim tử bèn từ biệt về nhà. Đến ngay triều đình vào trước Vua quì tâu: Thiếp phụng chỉ tới thử Thiền sư Huyền Quang, khi đến chùa Vân Yên nói dối với một vị Tỳ-kheo ni già rằng thiếp là con gái nhà thường dân đến xin làm đệ tử học đạo với Tôn sư. Vị Tỳ-kheo-ni già ấy thường sai thiếp dâng trà nước lên Sư. Trải hơn một tháng, Sư chưa từng ngó thiếp hay hỏi han điều gì. Một ngày kia vào lúc ban đêm Sư lên chùa tụng kinh, đến canh ba Sư và Tăng Ni đều trở về liêu phòng an nghỉ, thiếp bèn lén đến cạnh tăng phòng nghe động tịnh, thấy Sư ngâm kệ rằng:
Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh,
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ,
Mâu Thích-ca nào thử hữu tình.
Sư ngâm đi ngâm lại đến ba lần, thiếp bèn vào phòng từ biệt Sư, xin trở về nhà thăm cha mẹ, hẹn năm sau sẽ trở lên xin học đạo. Sư bèn lưu thiếp lại một đêm, tặng thiếp một dật kim tử.
Vua nghe nói lòng buồn không vui, than rằng: Việc này nếu có thật thì đó là cái kế ngang qua cửa mà giăng lưới bắt chim của ta. Còn nếu không thì ông ta cũng khó tránh mối ngờ ngồi xỏ giày nơi đám ruộng dưa. Vua bèn mở đại hội Vô già ở phía tây kinh thành, khiến sứ giả đi mời Sư, bí mật bày trên bàn cúng ca-sa y bát pháp khí lẫn lộn với cả đồi mồi vàng bạc châu ngọc.
Sư thấy sứ thỉnh, liền về triều yết kiến. Sáng sớm hôm sau, Sư vào đàn tràng thấy bốn bên bọc lụa vàng, trên bàn bày các tạp vật cùng hương đăng lục cúng, Sư biết là do việc cung nữ thử mình ngày trước, liền ngửa mặt lên trời than thầm, rồi lên đàn ba lần, xuống đàn ba lần, đứng ngay giữa đàn vọng bái Thánh Hiền mười phương, tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm nhánh dương xanh mật niệm và tẩy tịnh trên dưới và trong ngoài đàn tràng. Bỗng thấy một đám mây đen hiện lên từ hướng đông nam, bụi bay mù mịt ngất trời, một lát liền dứt, các thứ tạp vật bị cuốn bay đi hết chỉ còn lại hương đăng lục cúng. Các đạo tràng và những người xem hội ai nấy thất sắc kinh hoàng. Vua thấy hạnh pháp của Sư thấu đến trời đất liền rời chỗ ngồi lạy xuống để tạ lỗi rồi phạt Điểm Bích, bắt làm tỳ nữ quét tước một ngôi chùa trong nội điện cung Cảnh Linh. Từ đó Vua càng thêm tôn kính gọi Sư là Tự Pháp.
Sự thể này tôi gọi là một màn thần bí phủ kín đời của Ngài. Một việc rất giản đơn mà trở thành huyền bí. Có bà Ni già, có Tăng chúng, nếu quả tang Điểm Bích đánh lừa như vậy, nhà vua nghe cô về trình, chỉ cần cho người đến điều tra thì rõ, đâu có gì huyền bí, tại sao không điều tra lại lập đàn chẩn tế cầu sự linh ứng? Rốt cuộc Thiền sư thành một người ngồi đàn chẩn tế. Đó là một điều làm cho trạng thái đạo đức đi xuống. Khi Ngài sanh ra cũng có những điều huyền bí, khi có tai nạn cũng là huyền bí chớ không có một bằng chứng cụ thể. Như vậy chúng ta thấy người viết tiểu sử nặng về hình thức rất bình dân chớ không có tính cách thiền chút nào. Đó là một điều đáng buồn khi đọc tới đoạn này. Một Giảng sư được cả ngàn người đến nghe, mà không có một câu pháp ngữ, một Thiền sư lại đi tụng kinh. Chúng tụng kinh sám hối, còn Thiền sư thì ở tại thất, hoặc tại tăng phòng. Một việc vô lý nữa là Sư Huyền Quang ngâm nga đến ba lần một bài kệ rất là tình tứ. Một Thiền sư, một vị Tổ lại có tâm niệm như thế sao? Chỉ vì Điểm Bích giỏi văn nôm nên mới xuất khẩu thành chương, nói bài kệ này rồi đổ cho ngài Huyền Quang.
Lại nữa về quyển Tổ Gia Thực Lục, có người nói rằng: Khi quan nhà Minh sang chiếm Việt Nam, gom hết sách vở đem về Trung Hoa, trong đó có quyển Tổ Gia Thực Lục. Viên quan đó để trong nhà ông thì thấy ngài Huyền Quang hiện lên bảo đem trả lại cho Việt Nam, nhưng rồi ông chết. Sau này có một vị quan Việt Nam sang triều cống Trung Hoa thì người cháu bốn đời của viên quan kia hay, mới đem quyển này gởi trả. Như vậy quyển này ra đời cũng nằm trong sự huyền bí.
Đây là những điều làm cho chúng ta phải ngờ là người trong gia tộc phỏng ghi lại chớ không có lẽ thật.
- Thứ nhất là khi sanh ra cũng mang một màu sắc huyền bí, xem như là sự tái thế của ngài A-nan.
- Thứ hai là khi có tai nạn thì dùng sự thần biến cầu cúng.
- Thứ ba là quyển này mất rồi được lại cũng mang màu sắc huyền bí không có gì thực tế khoa học.
Nhưng hiện nay tìm lại thì không có một bản nào nói rõ đời của Ngài ngoài bản này. Vì vậy chúng ta thấy khó xử khi đọc những việc trên. Nếu trọn tin theo đây thì không được, còn nếu không tin thì phải làm sao? Có những nhà nghiên cứu không chấp nhận những điều đó, vì thế tôi không thể chỉ dùng một quyển này mà phải thu nhặt nhiều nơi.
Năm Đại Khánh thứ tư (1317), Sư được Pháp Loa truyền y của Điều Ngự và tâm kệ. Vì khi bệnh, ngài Pháp Loa sợ mình tịch nên đem y và tâm kệ của Điều Ngự trao cho Huyền Quang, nhưng sau đó Ngài dứt bệnh và tiếp tục làm Phật sự.
Năm 1330, khi Tổ Pháp Loa tịch, Thiền sư Huyền Quang kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, bấy giờ Ngài đã bảy mươi bảy tuổi. Đến bảy mươi tuổi Ngài mới thay Tổ Pháp Loa lãnh trách nhiệm gánh vác Giáo hội.
Tuy nhận trọng trách lãnh đạo Giáo hội, song vì già yếu nên Ngài ủy thác mọi việc cho Quốc sư An Tâm, trở về trụ trì ở Côn Sơn. Như vậy Ngài ở Côn Sơn trước. Quốc sư An Tâm là đệ tử của Ngài.
Sư trụ trì ở Thanh Mai Sơn sáu năm. Kế sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng. Đến ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334) Sư viên tịch tại Côn Sơn, thọ tám mươi tuổi (tuổi Việt là tám mươi mốt). Ngài tịch năm 1334 tại Côn Sơn nên nay còn tháp hiện ở Côn Sơn.
Vua Trần Minh Tông phong thụy là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.
Những tác phẩm của Sư:
- Ngọc Tiên Tập
- Chư Phẩm Kinh
- Công Văn Tập
- Phổ Tuệ Ngữ Lục (Ngữ lục của ngài Pháp Loa do Ngài ghi lại).
Như vậy thơ của ngài Huyền Quang được ghi trong Ngọc Tiên tập nhưng hiện nay tìm lại thấy rời rạc ở các nơi. Trong Ngọc Tiên tập hiện còn được hai mươi ba bài thơ ghi lại trong Việt Âm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển v.v…
Tóm lại chúng tôi nghĩ quyển Tổ Gia Thực Lục không phải do đệ tử được truyền pháp ghi mà một nhà nho trong thân quyến viết lại, nên nó không đúng tinh thần của một tập Ngữ lục. Ông Phạm Đình Hổ đời Lê khi xem quyển Tổ Gia Thực Lục có nói: Chuyện Thiền sư Huyền Quang có ghi trong sách Trúc Lâm Truyền Đăng Lục, nhưng quyển đó nay đã thất lạc, nếu còn quyển đó chúng ta sẽ được đầy đủ tài liệu về Ngài.
Phần thi văn còn sót lại có hai mươi ba bài thơ chữ Hán và một bài phú chữ Nôm tả cảnh Hoa Yên. Chúng ta nương theo những bài này mà hiểu được tinh thần đạo lý của Ngài chớ không thể y cứ trên phần sử của Tổ Gia Thực Lục”
Thế Sơn (th)
Link nội dung: //revcat.net/chuyen-ve-thien-su-huyen-quang-a7846.html