Tuy sống ở miền Tây từ thuở ấu thơ tới giờ, nhưng hình ảnh quê hương vùng đồng bằng Bắc bộ luôn ngự trị và gắn liền với những kỉ niệm thời thơ ấu của tôi trên quê hương.Quê hương với tôi không phải chỉ là chùm khế ngọt hay là lời ru của mẹ mà không thể thiếu chùm hoa xoan tim tím mà ở Tây nam này gọi bằng cái tên như một nỗi nhớ đượm nét u buồn, lắng đọng - Hoa sầu đông.
Hè về, hai bên đường làng ở vùng quê Nam Định, những hàng xoan thẳng tắp, tán lá xum xuê. Từng chùm hoa nở đơm đặc mang một màu tím biêng biếc, phảng phất hương thơm dịu dàng, tươi mát. Hoa sầu đông 5 cánh nhỏ li ti, sang thu kết trái từng chùm. Bọn trẻ chúng tôi thường lấy ống trúc làm súng và ngắt đôi quả xoan làm đạn để bắn nhau. Nếu trúng thì rát lắm.Tiếng súng hóp đanh rền như tiếng pháo khấp khởi mừng xuân.
Thế rồi, hè qua, thu đến rồi lại đi.Trên cành cây, những chiếc lá vàng lìa cành tả tơi trong gió và hóa thân dần vào lòng đất lạnh, đàn chim én hối hả bay về Nam càng khiến cảnh vật như điêu tàn, buồn bã. Cành xoan khẳng khiu trước mùa đông rét buốt của cao áp Xebiria từ phương bắc của nước Nga tràn về phủ trắng hơi sương nhuộm buồn muôn ngàn cảnh vật. Vài chú chim chào mào lông lá xác xơ, trơ trụi cố rướn cao cổ hót những nốt nhạc trầm buồn như tiếc nuối những mùa hoa tươi đẹp ngày qua.
Sang xuân, tiết trời ấp áp, trên những cành xoan khẳng khiu bật ra những chồi non xanh biếc, chim chóc ca hát líu lo. Ngồi ngất nghểu trên mình trâu ra triền đê sông Đáy, nhìn hàng xoan như bừng tỉnh sức sống sau cơn mê ngủ đông ấy, lòng cậu học trò trỗi dậy niềm vui hả hê, bất tận. Một cuộc vui với hoa trái sầu đông lại sắp bắt đầu và những kì học hứa hẹn kì thi thật tốt.
Vì thế, thời gian trôi đi, quê hương chính là nơi cất giữ những kỉ niệm êm đềm của thời thơ ấu, thần tiên ấy. Nó hun đúc, bồi dưỡng tâm hồn cũng bởi những điều tưởng như nhỏ nhặt, bình thường nhưng lại quá lắng sâu và những chùm hoa sầu đông đã nói lên ý nghĩa tuyệt vời của mảnh đất quê hương mà tôi nhớ mãi!!!
Theo Chuyện làng quê
Bien Xanh Eo
Link nội dung: //revcat.net/hoa-sau-dong-a7831.html