Rất nhiều người bình luận ( trong các trang tôi đăng) đó là núi Nùng. Tôi không thể giải thích riêng với từng người được, do đó tôi viết tiếp bài này. Vậy chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu tên gọi của hai núi đó nhé:
Núi Sưa: Theo tìm hiểu từ nhiều nguồn thì ngọn núi đất cao khoảng 10 mét trong công viên Bách Thảo có tên núi Sưa. Có lẽ trên núi có nhiều cây Sưa cổ thụ nên người ta đặt tên như vậy. Bản đồ do thực dân Pháp vẽ năm 1890 cũng ghi tên núi Sưa, vườn Bách Thảo được ghi là vườn thí nghiệm. Chú thích tiếng Pháp là Vieille montagne ( ngọn núi cũ )
Tên gọi núi Sưa cũng được xuất hiện ở nhiều câu đối tại đình Ngọc Hà. Tương truyền mộ Huyền Thiên Hắc Đế được táng trên núi Sưa và ngôi đền trên núi thờ Huyền Thiên Hắc Đế có tên gọi là: Sưa sơn lăng miếu ( Miếu trên núi Sưa ). Câu đối trên đình có ghi: Nhất trụ mộng sinh, dương thác sư sơn truyền ngọc phả - Cửu thiên thu thốn, âm phù Lý thất thiếp hà ba ( dịch nghĩa : Mộng ứng ở chùa Một cột mới ra đời, mộ gửi núi Sưa, tích truyền sách ngọc - Chín tầng mây buông xuống thấp , hồn phù nhà Lý, nước lặng sông Yên )
Núi Sưa còn có tên núi Sư sơn theo phương đình địa chí của Nguyễn Văn Siêu hay núi Xuân Sơn ( Tây Hồ Chí )
Tên gọi núi Sưa còn được gắn liền với vị thần được thờ trong miếu : Theo tích thần của làng Hữu Tiệp thì trước thời nhà Lý ở khu núi Sưa huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên thuộc thành Thăng Long có một hào trưởng họ Lý lấy vợ Hoàng Thị . Hai vợ chồng hay làm điều thiện cưu mang kẻ khó, giúp kẻ bần hàn. Hơn tam tuần mà chưa có con, Ông bà bàn với nhau mang hương hoa, oản quả thành tâm cúng lễ nhiều nơi. Một hôm đến cúng ở chùa Một Cột thấy hào quang ngất trời, hai vợ chồng sợ hãi gục xuống bên ngoài án tiên. Bỗng thấy trong người lâng lâng và thấy một ông già râu tóc bạc trắng bế theo một đứa bé trai trao cho Ông, Bà ....Rồi một thời gian sau Hoàng Thị có thai và sinh ra một đứa bé có tướng mạo khác người với nước da ngăm đen. Năm lên ba tuổi gia đình đặt tên là Hắc Công. Năm lên tám tuổi Hắc Công trèo cây chẳng may ngã thác vào ngày 21 tháng 11. Dân làng thương xót cho người chết trẻ lập miếu thờ trên núi.
Khi vua Lý Thánh Tông đi dẹp loạn Chiêm Thành ở phương Nam . Đánh mãi không thắng, đêm nằm mơ thấy có cậu bé đen đến xin phò Vua giúp nước . Khi ra trận thấy có đám mây đen xà xuống che mắt quân thù. Trận đại thắng giữ yên Đại việt, vua về cho xây lại miếu trên núi Sưa, ban cho Huyền Thiên Hắc Đế là thượng đẳng phúc thần, ngôi miếu có tên: SƯA SƠN LĂNG MIẾU - MIẾU TRÊN NÚI SƯA . Dân các làng trong vùng đến nay vẫn thờ và tôn là Thành Hoàng làng
Vậy thì Nùng sơn chính khí là núi nào và nằm ở đâu ???
NÚI NÙNG: Năm 1882 khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, đã có câu cảm khái: " Trời cao biển rộng đất dày / Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi " Dòng Nhị Hà là sông Hồng, vậy còn núi Nùng cao thấp ra sao và nằm ở đâu??
Sách: Thượng kinh phong vật chí ( được cho là của Lê Quí Đôn) viết: Thượng kinh có núi Nùng ở giữa, trên núi có một chỗ hõm xuống gọi là rốn Rồng. Phía bắc có Tam Sơn, phía tây có Thái Hoà, phía tây bắc có Khán Sơn ...
Sách: Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn có chép: Núi Nùng ở trong thành còn có tên là núi Long Đỗ, Lý Thái Tổ xây dựng kinh đô, dựng chính điện ngay trên núi, đến đời Lê gọi là điện Kính Thiên.
Nhà sử học Trần Quốc Vượng có một dẫn chứng thuyết phục khi nghiên cứu mảnh vỡ của tấm bia ở chùa Am ( nay thuộc cửa Bắc ). Chùa được xây từ thời Minh Mạng có ghi: Chùa này được xây dựng ngay sau núi Nùng , phía bắc trông ra hồ cổ Mã cảnh ( hồ được thể hiện trên bản đồ Hà Nội niên hiệu Tự Đức 1873)
Vậy, vấn đề ở đây đã rõ những gì tôi thể hiện trong bài trước về ngôi đền trên núi Sưa là hoàn toàn chính xác .Mọi người cũng có thể kiểm chứng qua các tư liệu lịch sử viết về Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội. Cùng tìm hiểu về mảnh đất chúng ta đang sống, đã sống ... Chúc tất cả mọi người sức khoẻ, niềm vui và ngập tràn hạnh phúc.
Theo Trái tim người lính
Bài và ảnh: Hoàng Mạnh Quyết
Link nội dung: //revcat.net/nui-sua-hay-nui-nung-a7798.html